#34 – Chính trị quốc tế: Một cách tiếp cận kép

Print Friendly, PDF & Email

League-of-Nations-Manchuria

Nguồn: Hans J. Morgenthau (1948). “International Politics: A Dual Approach”, in H.J. Morgenthau, Politics among Nations: The Struggle for Power and Peace (New York, NY: Alfred A. Knopf), pp. 3-9.

Biên dịch: Cao Phương Ngọc | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Lời giới thiệu: Năm 1948, tác giả Hans J. Morgenthau xuất bản cuốn sách Politics among Nations: The Struggle for Power and Peace [Chính trị giữa các quốc gia: Cuộc đấu tranh vì quyền lực và hòa bình]. Cuốn sách giới thiệu khái niệm “chủ nghĩa hiện thực” trong chính trị, trên nền tảng đó trình bày về vấn đề chính trị cường quyền trong quan hệ quốc tế, nhấn mạnh vai trò của yếu tố quyền lực trong định hình chính sách và cách hành xử giữa các quốc gia với nhau. Tác phẩm đã đưa Morgenthau trở thành một trong những người có ảnh hưởng nhất không chỉ đối với giới học giả mà còn cả giới làm chính sách đối ngoại ở Mỹ cũng như các nước khắp thế giới từ sau Thế chiến thứ hai. Cuốn sách cũng đã trở thành một trong những tác phẩm kinh điển đối với  lĩnh vực nghiên cứu quan hệ quốc tế. Vì vậy, từ số này, Nghiencuuquocte.net sẽ lựa chọn và lần lượt giới thiệu tới quý độc giả một số chương tiêu biểu của cuốn sách. Xin mời các bạn đón đọc.

1. Hiểu rõ chính trị quốc tế

Mục đích của cuốn sách này nằm ở hai vấn đề. Một là xác định và tìm hiểu những lực lượng quyết định mối quan hệ chính trị giữa các quốc gia, và lĩnh hội phương thức mà những lực lượng này tương tác với nhau cũng như tác động vào các mối quan hệ và các thể chế chính trị quốc tế. Hầu hết các ngành nghiên cứu khoa học xã hội khác sẽ không cần nhấn mạnh mục đích này. Nó được coi là hiển nhiên, bởi vì mục đích tự nhiên của tất cả các công việc nghiên cứu khoa học là nhằm khám phá ra các lực lượng ẩn sau những hiện tượng xã hội và cách thức hoạt động của chúng. Tuy nhiên, trong việc nghiên cứu chính trị quốc tế, sự nhấn mạnh như vậy là không thừa. Như giáo sư Grayson Kirk đã nói một cách thuyết phục rằng:

Cho tới gần đây việc nghiên cứu quan hệ quốc tế ở Hoa Kỳ đã bị chi phối nhiều bởi những người chọn một trong ba cách tiếp cận sau: Đầu tiên đó là những nhà sử học – những người coi quan hệ quốc tế chỉ đơn thuần như là những sự kiện lịch sử xảy ra gần đây, trong đó người nghiên cứu như bị khuyết tật vì sự không đầy đủ của dữ liệu có sẵn. Nhóm thứ hai, những luật sư luật quốc tế, chủ yếu quan tâm đến khía cạnh pháp lý của các mối quan hệ quốc tế, nhưng hiếm khi nỗ lực nghiêm túc để tìm hiểu nguyên nhân cơ bản tại sao khía cạnh pháp luật (trong quan hệ quốc tế) vẫn tiếp tục thiếu hoàn thiện và không đầy đủ. Cuối cùng, đó là những người theo chủ nghĩa lý tưởng, vốn chỉ quan tâm đến hệ thống quốc tế hoàn hảo mà họ muốn xây dựng hơn là quan tâm đến các mối quan hệ quốc tế. Chỉ đến thời gian gần đây – một cách muộn màng – mới có những học giả chịu phân tích và nghiên cứu những lực lượng cơ bản và bền bỉ nhất của chính trị thế giới, và những thể chế thể hiện chúng, không phải nhằm tán dương hay chỉ trích, mà chỉ để hiểu rõ hơn về những yếu tố thúc đẩy nền tảng vốn quyết định chính sách đối ngoại của các quốc gia. Vì thế các nhà khoa học chính trị cuối cùng cũng đã đi vào lĩnh vực quốc tế.[1]

Giáo sư Charles E. Martin đồng tình với luận điểm của Giáo sư Kirk bằng cách chỉ ra “vấn đề mà các sinh viên và giảng viên về quan hệ quốc tế đang phải đối mặt hơn ai hết, đó là sự tồn tại song song của hai xu hướng khác biệt và đối lập mà chúng ta phải giải quyết. Ý tôi một bên là phạm vi các thể chế hòa bình gắn liền với việc dàn xếp, hòa giải các tranh chấp, và một bên là vấn đề chính trị cường quyền và chiến tranh. Tuy nhiên, nó phải là như vậy, không có cách nào khác…. Tôi nghĩ có thể một trong những điều đáng lên án nhất đối với thái độ của chúng ta trong việc dạy học suốt 20 năm qua là việc bác bỏ một cách thiển cận các cuộc chiến tranh cũng như các đầu sách về ảnh hưởng của chính trị cường quyền. Tôi nghĩ những nhà khoa học chính trị đã mắc phải một lỗi rất lớn khi làm như thế. Chúng ta nên phải là những người nghiên cứu về chính trị cường quyền, tác động và hệ quả của nó, và chúng ta cũng nên là những người nghiên cứu về vấn đề chiến tranh.” [2]

Theo cách hiểu này, chính trị quốc tế bao gồm không chỉ lịch sử cận đại và những sự kiện thời sự. Người quan sát chính trị quốc tế được bao quanh bởi bối cảnh đương thời, trong đó trọng tâm cũng như cách nhìn nhận thường xuyên thay đổi. Anh ta không thể tìm thấy một nền tảng vững chắc, hay những tiêu chuẩn đánh giá khách quan nếu không đi sâu tìm hiểu những quy tắc cơ bản vốn chỉ được tiết lộ bởi khi xem xét sự tương quan giữa những sự kiện vừa mới xảy ra với những sự kiện đã xảy ra rất lâu trong quá khứ.

Chính trị quốc tế không thể bị coi như chỉ bao gồm những quy tắc và thể chế pháp lý. Chính trị quốc tế hoạt động trong khuôn khổ của những luật lệ như vậy cũng như thông qua sự vận hành của các thể chế. Nhưng chính trị quốc tế không đồng nghĩa với quy tắc và thể chế pháp lý, cũng như chính trị Mỹ ở cấp độ quốc gia không có nghĩa chỉ bao gồm Hiến pháp Mỹ, luật pháp liên bang, và các cơ quan của chính phủ liên bang.

Liên quan đến vấn đề nỗ lực cải cách nền chính trị quốc tế trước khi cố gắng để tìm hiểu chính trị quốc tế là gì, chúng tôi xin chia sẻ quan điểm của William Graham Summer:

….Nhược điểm tồi tệ nhất trong những cuộc thảo luận về chính trị là chủ nghĩa giáo điều dựa trên nguyên tắc võ đoán, thay vì dựa vào các hành vi chính xác của sự việc cũng như bản chất thực tế của con người …Một lý tưởng được hình thành dựa trên những điều vượt quá mức độ thực tế những gì đang tồn tại, và gần như vô thức, lý tưởng đó được coi như đã tồn tại và làm nền tảng cho những suy đoán không có căn cứ… Toàn bộ phương pháp suy đoán trừu tượng trong những vấn đề chính trị là sai lầm. Điều này phổ biến bởi vì nó dễ dàng; tưởng tượng ra một thế giới mới dễ dàng hơn là tìm hiểu về nó; bắt đầu những suy đoán dựa trên một vài giả định chung chung dễ dàng hơn nghiên cứu quá trình lịch sử của các quốc gia và các thể chế của chúng; đi theo một giáo điều phổ biến dễ dàng hơn là phân tích để thấy nó có đúng sự thật hay không. Tất cả điều đó đều dẫn đến sự lẫn lộn, chấp nhận những lời nói suông và sự tầm thường, cũng như chỉ dẫn đến các tranh chấp bất đồng thay vì đạt được sự thịnh vượng giữa các quốc gia.[3]

Khó khăn lớn nhất đối với vấn đề tìm hiểu một cách khoa học bản chất và con đường của chính trị quốc tế là sự mơ hồ trong các tài liệu mà người quan sát phải giải quyết. Một mặt, những sự kiện mà họ phải cố gắng tìm hiểu là những sự kiện duy nhất. Chúng chỉ xảy ra duy nhất một lần, chưa từng xảy ra trước đây và sau này cũng vậy. Mặt khác, chúng giống nhau, vì chúng là những biểu hiện của các lực lượng xã hội. Các lực lượng xã hội là sản phẩm của bản chất con người được biểu hiện ra ngoài. Bởi vậy, dưới những điều kiện tương tự nhau, chúng sẽ biểu hiện dưới cùng một cách thức giống nhau. Nhưng đâu là ranh giới giữa sự tương đồng và độc nhất đó?

Chúng ta sẽ hiểu được các nguyên tắc của chính trị quốc tế là gì thông qua việc so sánh những sự kiện như vậy. Một hoàn cảnh chính trị nhất định gợi lên việc xây dựng và thi hành một chính sách ngoại giao nào đó. Đứng trước một hoàn cảnh chính trị khác, chúng ta lại tự hỏi: Tình huống này khác biệt với những tình huống đã có trước đây như thế nào và chúng giống nhau ra sao? Sự giống nhau đó có tái xác nhận chính sách đã phát triển trước đây hay không? Hay sự pha trộn giữa những sự giống và khác nhau đó có cho phép những đặc trưng cơ bản của chính sách có thể được duy trì, hay cần phải được thay đổi ở một vài khía cạnh nào đó? Hay những sự khác nhau này triệt tiêu hoàn toàn sự giống nhau và làm cho chính sách trước đây không còn có thể áp dụng được nữa? Nếu chúng ta muốn hiểu được chính trị quốc tế, nắm được ý nghĩa của những sự kiện đương thời, và dự đoán cũng như tác động đến tương lai, chúng ta phải có khả năng giải quyết nhiệm vụ tư duy kép mà những câu hỏi trên đặt ra. Chúng ta phải có khả năng phân biệt sự khác nhau và giống nhau trong hai hoàn cảnh chính trị. Hơn nữa, chúng ta phải có khả năng đánh giá hàm ý của những sự giống nhau và khác nhau đó đối với các lựa chọn chính sách ngoại giao. Ba chuỗi sự kiện được lấy ngẫu nhiên sau đây sẽ minh họa cho vấn đề trên và khó khăn mà nó đặt ra.

  1. Ngày 17 tháng 9 năm 1796, George Washington đã đọc một bài diễn văn để nói lời chào từ biệt với quốc gia, chỉ ra nhiều điều trong đó có các nguyên tắc cơ bản của chính sách ngoại giao Mỹ. Vào ngày 2 tháng 12 năm 1823, Tổng thống Monroe gửi một thông điệp đến Quốc hội Hoa Kỳ, trong đó ngài cũng trình bày một cách rõ ràng những nguyên tắc của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ. Năm 1917, Hoa Kỳ gia nhập liên minh cùng với Pháp và Vương quốc Anh đối đầu với một quốc gia đe dọa nền độc lập của cả hai quốc gia này. Vào năm 1941, Mỹ cũng đã hành động tương tự như vậy. Vào ngày 12 tháng 3 năm 1947, Tổng thống Truman, trong một thông điệp gửi đến Quốc hội, lại tái định hình những nguyên tắc cơ bản của chính sách ngoại giao Mỹ.
  2. Năm 1512, vua Henry VIII đã thành lập một liên minh với vương triều Hapsburg chống lại Pháp. Năm 1515, ngài lại liên minh với Pháp chống lại vương triều Hapsburgs. Trong năm 1522 và 1542, ngài đã tham gia với Hapsburgs chống lại Pháp. Năm 1756, Vương quốc Anh liên kết với Phổ chống lại Hapsburgs và Pháp. Năm 1793, Vương quốc Anh, Phổ và vương triều Hapsburgs lại cùng liên minh chống lại Napoleon. Năm 1914, Vương quốc Anh tham gia cùng Pháp và Nga đối đầu với Áo và Đức, và năm 1939, tham gia cùng Pháp và Ba Lan đối đầu với Đức.
  3. Napoleon, William II, và Hitler đều tìm cách chinh phục toàn bộ Châu Âu và đã thất bại.

Có sự tương đồng nào trong mỗi chuỗi sự kiện trên cho phép chúng ta hình thành nên một nguyên tắc chính sách ngoại giao đối với mỗi chuỗi sự kiện hay không? Hay là mỗi một sự kiện quá khác với những sự kiện còn lại trong chuỗi sự kiện đó đến mức mỗi sự kiện đòi hỏi phải có một đường lối ngoại giao khác nhau? Sự khó khăn trong việc đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này chính là sự khó khăn trong việc đưa ra những phán quyết xác đáng về các vấn đề quốc tế, trong việc định hình tương lai một cách sáng suốt, và trong việc thực hiện những điều đúng đắn bằng những cách thức đúng đắn và vào các thời điểm đúng đắn.

Có nên coi chính sách ngoại giao mà Washington đưa ra trong bài diễn văn từ nhiệm là nguyên tắc chung của chính sách ngoại giao Mỹ, hay nó chỉ nảy sinh từ những sự kiện nhất thời, và cũng sẽ biến mất cùng với những sự kiện đó? Liệu những chính sách ngoại giao đề ra trong hai thông điệp của Washington và Monroe có tương thích với Học thuyết Truman? Nói theo cách khác, Học thuyết Truman có phải chỉ là một sự điều chỉnh nguyên tắc chung thể hiện trong cách Washington và Monroe nhìn nhận các vấn đề quốc tế, hay Học thuyết Truman tách ra xa những truyền thống trong chính sách đối ngoại của Mỹ? Nếu là như vậy, điều đó có được biện minh bởi những điều kiện thay đổi hay không? Nói chung, những vị thế quốc tế khác biệt của Mỹ trong những năm 1796, 1823, 1917, 1941 và 1947 có đủ giải thích cho các chính sách ngoại giao khác biệt được xây dựng và thực thi trong các bối cảnh chính trị khác biệt đó hay không? Cụ thể hơn, đâu là những sự giống nhau và khác nhau trong các hoàn cảnh ở Châu Âu mà Mỹ phải đối diện những năm 1917, 1941 và 1947, và mức độ mà chúng đòi hỏi Mỹ phải có những chính sách ngoại giao tương đồng và khác biệt ra sao?

Ý nghĩa của những sự thay đổi này đối với chính sách ngoại giao của Anh là gì? Liệu chúng có phải là hệ quả từ những ý tưởng nhất thời hay sự phản bội của các bậc tôn vương và chính trị gia? Hay chúng được tạo ra bởi sự tổng hợp trí tuệ của một dân tộc, có tính tới những lực lượng trường tồn vốn quyết định mối quan hệ của họ với Châu Âu lục địa?

Những thảm họa theo sau ba nỗ lực chinh phục Châu Âu có phải là những tai nạn bởi các nguyên nhân khác hẳn nhau hay không? Hay sự tương đồng trong kết quả cuối cùng chỉ ra những sự tương đồng trong hoàn cảnh chính trị tổng thể, những điều có thể mang lại một bài học nào đó đối với những ai muốn cố gắng (chinh phục Châu Âu) thêm lần nữa? Cụ thể hơn, những chính sách về Châu Âu của Stalin có giống với các chính sách của Napoleon, William II và Hitler hay không? Nếu có thì trong chừng mực nào đó, nó có đòi hỏi những chính sách tương ứng của Mỹ như những chính sách mà Mỹ đã theo đuổi những năm 1917 và 1941 hay không?

Đôi khi, như trong trường hợp nhìn lại chính sách ngoại giao của Anh, câu trả lời dường như là rõ ràng. Chúng ta sẽ nói thêm về vấn đề này sau. Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, và đặc biệt là khi chúng ta xử lý những hoàn cảnh trong hiện tại và tương lai, câu trả lời nhất định sẽ thiếu độ chắc chắn và chính xác. Những sự kiện, sự việc mà dựa vào đó câu trả lời được đưa ra về cơ bản là mơ hồ và có thể thay đổi liên tục. Đối với những ai muốn làm khác đi, lịch sử đã cho thấy rằng dùng so sánh quá khứ để đánh giá hiện tại và tương lai là sai lầm. Khi chịu trách nhiệm với chính sách ngoại giao của chính quốc gia mình, những con người đó sẽ chỉ mang lại thảm hỏa. William II và Hitler đã không học được gì từ thất bại của Napoleon, bởi họ nghĩ rằng sự thất bại đó sẽ chẳng dạy được họ một điều gì. Những ai đã biến các lời khuyên của Washington thành một thứ giáo điều để tuân theo một cách mù quáng cũng đã mắc sai lầm không kém những người đã bác bỏ hoàn toàn những lời khuyên đó.

…..

2. Hiểu rõ vấn đề hòa bình thế giới

Download toàn bộ văn bản tại đây: CTQT-mot cach tiep can kep.pdf


[1]  American Journal of International Law, XXXIX (1945), 369 -70.

[2] Proceedings of the Eighth Conference of Teachers of International Law and Related Subjects (Washington: Carnegie Endowment for International Peace, 1946), p. 66

[3] “Democracy and Responsible Government”, The Challenge of Facts and Other Essays (New Haven: Yale University Press), pp. 245-6.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]