Điều gì giúp hình thành Hệ thống Bretton Woods?

Print Friendly, PDF & Email

BRETTON-articleLarge

Tác giả: Harold James & Domenico Lombardi | Biên dịch: Hà Quỳnh Hương

Việc tổ chức kỷ niệm 70 năm Hội nghị Bretton Woods, hội nghị đã thành lập Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, gần với những ngày kỷ niệm lịch sử như cuộc đổ bộ của Đồng Minh vào  Normandy cho thấy các nhà tổ chức đã tham vọng như thế nào. Thật vậy, trong bối cảnh khá lộn xộn thời đó, hội nghị đã nhắm tới việc tạo ra một khung khổ tiền tệ quốc tế ổn định có thể xem như một hòn đá tảng của một trật tự thế giới hòa bình. Và nó đã thành công – ít nhất là trong một thời gian.

Bretton Woods vẫn giữ được sự hấp dẫn mạnh mẽ của nó, bằng chứng là ít nhất ba cuốn sách gần đây về đề tài này đã đạt được thành công thương mại đáng kể. Điều gì làm cho một sự kiện mà trong đó một nhóm chủ yếu toàn đàn ông nói về tiền bạc lại thu hút đến như vậy?

Tất nhiên, có một số chi tiết thú vị, chẳng hạn như màn vũ điệu của vợ John Maynard Keynes, một nữ diễn viên ballet người Nga, khiến Bộ trưởng Tài chính Mỹ rất thích thú, hay các cáo buộc đối với nhà đàm phán chính người Mỹ, Harry Dexter White, hoạt động gián điệp cho Liên Xô cũng vậy. Tuy nhiên, kịch tính thực sự của hội nghị nằm ở sự phát triển mang tính hệ thống của một cấu trúc thể chế làm nền tảng cho sự ổn định và thịnh vượng toàn cầu trong ít nhất ba thập kỷ.

Tầm nhìn thể chế được kết nối vào một hệ thống an ninh toàn cầu. Thật vậy, trong thỏa thuận ban đầu, năm cường quốc lớn sẽ có đại diện thường trực trong Ban điều hành IMF là Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc và Pháp. Những quốc gia này cũng có ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ngay cả trong khuôn khổ này, các cuộc đàm phán vẫn đầy thách thức. Vậy làm thế nào 44 quốc gia khác nhau, vốn đều đang tìm cách bảo vệ lợi ích quốc gia riêng của mình, lại đạt được đồng thuận về một hệ thống tiền tệ toàn cầu mới?

Theo Keynes, chìa khóa là một quá trình thảo luận và lập kế hoạch quốc tế, được dẫn dắt bởi “một cường quốc duy nhất hoặc một nhóm các cường quốc có tư tưởng giống nhau.” Ngược lại, một cuộc họp tụ tập 66 nước như Hội nghị Kinh tế Thế giới tổ chức ở London vào năm 1933 sẽ không bao giờ có thể đạt được sự đồng thuận. Đối thủ của Keynes, Friedrich Hayek, đã đi xa hơn, khẳng định rằng một trật tự thành công và lâu dài không thể đạt được bằng đàm phán; nó phải ra đời một cách tự phát ngẫu nhiên.

Kinh nghiệm tại Bretton Woods tạo thêm niềm tin đáng kể vào đánh giá của Keynes. Dù 44 quốc gia có mặt chính thức tại Bretton Woods, Vương quốc Anh và đặc biệt là Mỹ là những chủ thể chiếm ưu thế.

Trong thực tế, các cuộc đàm phán song phương đã tạo nên những thành công chủ yếu cho ngoại giao về các dàn xếp tài chính quy mô lớn. Vào đầu những năm 1970, khi chế độ tỷ giá hối đoái cố định được thiết lập tại Bretton Woods sụp đổ, IMF dường như đã hết nhiệm vụ. Tuy nhiên, bằng cách đàm phán lại Các điều khoản Thỏa thuận của Quỹ, Mỹ, vốn mong muốn có sự linh hoạt nhiều hơn, và Pháp, vốn muốn có khả năng dự đoán được mà chế độ bản vị vàng đã mang lại, đã làm IMF hồi sinh.

Vào cuối thập kỷ đó, những nỗ lực của Pháp, Đức và Anh để bàn bạc về chính sách tiền tệ đã thất bại thảm hại. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận giữa Pháp và Đức – nước vẫn giữ vai trò là tiếng nói hàng đầu trong các cuộc tranh luận về các vấn đề tiền tệ châu Âu – đã hiệu quả hơn nhiều. Tương tự như vậy, vào giữa thập kỷ 1980, khi biến động tỷ giá hối đoái dẫn đến các lời kêu gọi áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, Mỹ và Nhật Bản đã tìm ra một giải pháp liên quan đến bình ổn tỷ giá hối đoái.

Ngày nay, ngoại giao kinh tế quốc tế đặt trọng tâm vào Mỹ và Trung Quốc. Trong những năm gần đây, một cuộc tranh luận mới đã tập trung vào việc liệu hệ thống kinh tế toàn cầu trong những năm 2000 – trong đó các nền kinh tế hướng xuất khẩu mới nổi cơ bản gắn giá trị đồng tiền của mình với đồng đô la để có được tốc độ tăng trưởng nhanh hơn và tích lũy dự trữ ngoại hối ở mức ngoạn mục – có đang thực sự tạo ra một dạng “Bretton Woods II” hay không. Liệu Trung Quốc và Mỹ có thể chính thức hóa một hệ thống như vậy, với đồng nhân dân tệ đóng một vai trò lớn hơn?

Bản chất song phương của các cuộc đàm phán ngụ ý chắc chắn rằng các cuộc đàm phán luôn có một cơ hội thành công. Nhưng có một yếu tố quan trọng khác làm cơ sở cho sự thành công của hội nghị Bretton Woods: môi trường chính trị và an ninh toàn cầu.

Đầu tiên, hội nghị diễn ra một tháng ngay sau cuộc đổ bộ D-Day ở Normandy, khi ngày tàn của Chiến tranh thế giới lần thứ II dường như sẽ diễn ra sớm hơn dự kiến. Những cân nhắc trong nước cũng có vai trò trong việc này. Như Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Morgenthau, Jr tuyên bố trước khi diễn ra hội nghị: “Chúng tôi thấy điều này tốt cho thế giới, tốt cho đất nước, và tốt cho Đảng Dân chủ, để chúng ta đi tiếp.”

Để đạt được một thỏa thuận với quy mô và tầm ảnh hưởng tương tự, các nhà lãnh đạo thế giới – đặc biệt là ở Mỹ và Trung Quốc – sẽ cần phải chịu những sức ép lớn giống nhau. Một hiệp ước toàn cầu sẽ phải là một sự cần thiết mang tính cấp bách, chứ không phải là một khả năng hấp dẫn.

Điều gì sẽ thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng họ phải nhanh chóng củng cố nền kinh tế mở toàn cầu tạo điều kiện cho sự  tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc? Một chất xúc tác như vậy có thể là một cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ hệ thống ngân hàng ngầm đầy rủi ro của nước này. Một cuộc ganh đua để lãnh đạo thế giới cũng sẽ giúp thúc đẩy mục đích trên. Hoặc có thể sự kích thích sẽ đến từ nỗi sợ rằng thế giới đang trượt về hướng chủ nghĩa bảo hộ, với các hiệp định thương mại song phương và khu vực như Hiệp đính Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương vốn đang đào sâu những chia rẽ giữa các thành viên hiệp định và phần còn lại của thế giới.

Bretton Woods đã chứng minh rằng phải có một cuộc khủng hoảng lớn để tạo ra một động lực chính trị cho cải cách. Thế giới của ngày hôm nay, với tất cả các rắc rối của mình, vẫn chỉ đơn giản là không – hay ít nhất là chưa – đủ nguy hiểm  đối với các nước đứng mũi chịu sào của nền kinh tế toàn cầu.

Harold James là Giáo sư Sử học và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Princeton. Domenico Lombardi là Giám đốc Chương trình Kinh tế Toàn cầu tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế, Canada.

Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate