Cuộc đấu trí chống lại ISIS

Print Friendly, PDF & Email

Iraq-Jihadist-flag_2947305b

Tác giả: Mohammed bin Rashid Al Maktoum | Biên dịch: Đỗ Hải Yến

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã cho thế giới biết nền kinh tế của chúng ta đã trở nên phụ thuộc lẫn nhau một cách sâu sắc đến thế nào. Trong cuộc khủng hoảng gắn liền với chủ nghĩa cực đoan ngày nay, chúng ta phải nhận thức rằng chúng ta cũng phụ thuộc lẫn nhau về nền an ninh như đã thấy rõ trong cuộc chiến hiện tại nhằm đánh bại ISIS.

Để ISIS không dạy cho chúng ta bài học này với một cái giá đắt, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta không thể dập tắt được những ngọn lửa cuồng tín chỉ bằng vũ lực. Thế giới phải đoàn kết đằng sau một nỗ lực tổng thể nhằm làm suy yếu hệ tư tưởng vốn đem lại sức mạnh cho những kẻ cực đoan, đồng thời khôi phục nguồn hi vọng cũng như phẩm cách cho những con người mà chúng sẽ chiêu mộ.

Lẽ dĩ nhiên, ISIS có thể – và sẽ – bị đánh bại về mặt quân sự bởi liên minh quốc tế hiện thời đang tập hợp và được Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) tích cực ủng hộ. Nhưng chính sách ngăn chặn quân sự chỉ là một giải pháp cục bộ. Hòa bình lâu dài đòi hỏi ba yếu tố khác: chiến thắng cuộc chiến về tư tưởng, cải cách chính quyền yếu kém; đồng thời hỗ trợ vấn đề phát triển con người cho dân thường.

Một giải pháp như vậy phải bắt đầu bằng một quyết tâm chính trị mang tính phối hợp quốc tế. Không một chính trị gia nào ở Bắc Mỹ, châu Âu, châu Phi hay châu Á có thể phớt lờ các sự kiện ở Trung Đông. Một mối đe dọa ở phạm vi toàn cầu đòi hỏi một phản ứng toàn cầu. Mọi người sẽ cảm nhận được sức nóng, bởi những ngọn lửa ấy không biết đến giới hạn; trên thực tế, ISIS đã chiêu mộ các thành viên thuộc ít nhất 80 quốc tịch.

ISIS là một tổ chức tàn bạo và man rợ. Nó không đại diện cho Hồi giáo hay những giá trị căn bản nhất của loài người. Thế nhưng, nó đã xuất hiện, lan rộng và chống lại những ai đối đầu với nó. Thứ chúng ta đang đấu tranh không chỉ là một tổ chức khủng bố mà còn là hiện thân của một hệ tư tưởng xấu xa cần phải bị đánh bại trong một cuộc đấu trí.

Tôi xem hệ tư tưởng này là mối nguy hiểm lớn nhất mà thế giới sẽ phải đối mặt trong thập kỷ tới. Mầm mống của nó đang phát triển ở châu Âu, Hoa Kỳ, châu Á và những nơi khác. Với sắc thái tôn giáo đan xen, “sản phẩm nhượng quyền” đầy rẫy hận thù đã đóng gói sẵn này sẵn sàng được bất kỳ tổ chức khủng bố nào tiếp nhận. Nó mang theo sức mạnh nhằm huy động hàng ngàn những con người trẻ tuổi đang tuyệt vọng, thù hận hay giận dữ và sử dụng họ để tấn công vào những nền tảng của nền văn minh.

Hệ tư tưởng dẫn dắt ISIS có nhiều điểm chung với hệ tư tưởng của Al Qaeda cũng như các tổ chức con ở Nigeria, Pakistan, Afghanistan, Somalia, Yemen, Bắc Phi và Bán đảo Ả-rập. Điều khiến tôi lo lắng nhất đó là cách đây một thập kỷ, một hệ tư tưởng như vậy là tất cả những gì Al Qaeda cần để khiến thế giới mất ổn định, thậm chí từ một căn cứ thô sơ trong những hang động ở Afghanistan. Ngày nay, dưới tay ISIS, những kẻ trung thành được tiếp cận với công nghệ, tài chính, một căn cứ mặt đất rộng lớn và một mạng lưới tín đồ thánh chiến toàn cầu. Không những còn lâu mới bị đánh bại, hệ tư tưởng cuồng tín và hận thù của chúng còn trở nên hà khắc hơn, nguy hại hơn và lan rộng hơn.

Việc tiêu diệt các nhóm khủng bố vẫn chưa đủ đem lại hòa bình lâu dài. Chúng ta còn phải tấn công tận gốc nhằm ngăn chặn hệ tư tưởng quyền lực nguy hiểm của chúng trỗi dậy giữa những con người dễ bị lung lay bởi hoàn cảnh bi đát và tuyệt vọng. Về điểm này, chúng ta hãy trở nên lạc quan.

Giải pháp gồm ba yếu tố cấu thành. Yếu tố đầu tiên là đương đầu với những tư tưởng xấu xa bằng tư duy khai sáng, tư tưởng mở và thái độ khoan dung cũng như chấp nhận khác biệt. Cách tiếp cận này bắt nguồn từ đạo Hồi của chúng ta, thứ tôn giáo vốn kêu gọi hòa bình, tôn vinh cuộc sống, coi trọng nhân phẩm, khuyến khích phát triển con người và hướng chúng ta dành những điều tốt đẹp cho người khác.

Duy nhất một điều có thể ngăn một thanh niên cảm tử sẵn sàng chết vì ISIS: một hệ tư tưởng vững chắc hơn dẫn dắt họ đi theo con đường đúng đắn và thuyết phục họ rằng Thượng đế tạo ra chúng ta là để mở mang thế giới, không phải để phá hủy nó. Chúng ta có thể học hỏi những người láng giềng ở Ả-rập Saudi từ những thành công lớn lao của họ trong việc làm giảm tình trạng quá khích cho nhiều thanh niên thông qua những trung tâm và chương trình tư vấn. Trong cuộc đấu trí này, chính những nhà tư tưởng cũng như nhà khoa học có ảnh hưởng về trí tuệ và tinh thần đối với các tín đồ Hồi giáo là những người phù hợp nhất để dẫn dầu trọng trách cao cả này.

Yếu tố thứ hai là ủng hộ nỗ lực của các chính phủ nhằm tạo dựng những thể chế vững chắc có thể đem lại những dịch vụ thực sự cho nhân dân của họ. Chúng ta đều hiểu rõ rằng sự phát triển nhanh chóng của ISIS được thúc đẩy bởi những thất bại của chính quyền Syria và Iraq: chính quyền Syria gây chiến chống lại nhân dân của chính mình và chính quyền Iraq khởi xướng việc phân chia bè phái. Khi các chính phủ không giải quyết được bất ổn, những sự bất mãn chính đáng và những thách thức dai dẳng nghiêm trọng, họ sẽ tạo ra một môi trường lý tưởng để các hệ tư tưởng hiềm thù sinh sôi – và giúp các tổ chức khủng bố giành được tính chính danh.

Yếu tố cuối cùng là giải quyết cấp bách những hố đen trong vấn đề phát triển con người vốn tồn tại ở nhiều khu vực của Trung Đông. Đây không chỉ là trách nhiệm của khu vực Ả-rập mà còn là trách nhiệm của thế giới, bởi việc mang lại cơ hội cho dân thường và chất lượng sống tốt hơn cho người dân ở khu vực này một khi được bảo đảm sẽ cải thiện các vấn đề chung về bất ổn và xung đột của chúng ta. Chúng ta cần nhanh chóng có được các dự án dài hạn và những sáng kiến nhằm loại bỏ đói nghèo, cải thiện giáo dục và y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo lập các cơ hội kinh tế. Phát triển bền vững là câu trả lời bền vững nhất nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Khu vực của chúng ta là nơi sinh sống của hơn 200 triệu thanh niên. Chúng ta có cơ hội truyền hy vọng cho họ và hướng sức trẻ của họ vào việc cải thiện cuộc sống cho chính họ cũng như những người xung quanh. Nếu thất bại, chúng ta sẽ đẩy họ vào tình trạng cô độc, thất nghiệp và những hệ tư tưởng hiềm thù của chủ nghĩa khủng bố.

Mỗi ngày nếu chúng ta tiến một bước đến phát triển kinh tế, tạo dựng việc làm và nâng cao tiêu chuẩn sống, thì chúng ta sẽ làm xói mòn những hệ tư tưởng về nỗi sợ hãi và lòng hận thù vốn phát triển từ sự tuyệt vọng. Chúng ta sẽ xóa sổ lý do tồn tại của các tổ chức khủng bố.

Tôi lạc quan, bởi tôi biết rằng người dân Trung Đông sở hữu một sức mạnh của niềm hy vọng cũng như một khao khát được ổn định và thịnh vượng, những thứ đang lớn mạnh hơn và bền bỉ hơn so với những tư tưởng cơ hội và mang tính hủy diệt. Không có sức mạnh nào lớn hơn sức mạnh của hy vọng hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mohammed bin Rashid Al Maktoum là Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng của Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất và là Thống đốc Dubai.

Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate