#214 – Tác động kinh tế chính trị của các công ty đa quốc gia

Print Friendly, PDF & Email

Well-Known World Brand Logotypes

Nguồn: Leon Grunberg, “The IPE of Multinational Corporations”, in David N. Balaam & Michael Vaseth, Introduction to International Political Economy,  (New Jersey: Pearson Education, 2001), pp. 320-345.

Biên dịch: Khoa QHQT | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn Introduction to International Political Economy

Tổng quan

Các công ty đa quốc gia là các nhân tố chính làm thay đổi khung cảnh kinh tế và chính trị quốc tế. Là những tổ chức hiện diện rộng khắp với quyền lực và tính di động cao, chúng gây ra cả sự nể phục lẫn sợ hãi. Mục đích của chương này là trình bày khái niệm các công ty đa quốc gia là gì, đến từ đâu, đầu tư vào đâu, và đánh giá tác động của chúng đối với các quốc gia và giới công nhân trên toàn cầu. 

Các công ty đa quốc gia là các công ty tiến hành các hoạt động sản xuất ở nhiều quốc gia khác nhau. Hầu hết các công ty này khởi phát từ các quốc gia giàu có phát triển và phần nhiều dự án đầu tư nước ngoài của họ là nhằm vào các nước phát triển khác. Thông thường, các công ty này mang vốn ra nước ngoài bởi vì họ sở hữu một số lợi thế đặc biệt mà họ muốn khai thác tối đa, hơn nữa họ có thể thu được nhiều lợi nhuận từ các hoạt động ở nước ngoài. Những lợi nhuận này có thể là nhờ việc tránh được hàng rào thuế quan nhập khẩu hay sử dụng lao động nước ngoài giá rẻ.

Trong khi phần lớn các nhà kinh tế chính trị học đều đồng ý với những ý trên, vẫn còn nhiều tranh cãi về các ảnh hưởng do các công ty đa quốc gia mang lại. Các nhà tự do về kinh tế coi các công ty này là lực lượng mang lại sự thay đổi tích cực, mở rộng những điều tốt đẹp như công nghệ và năng suất rộng khắp thế giới. Các nhà chủ nghĩa dân tộc về kinh tế lại nhìn nhận chúng như là mối nguy hiểm đối với chủ quyền của các quốc gia-dân tộc. Chủ nghĩa Mác hay các nhà chủ nghĩa cấu trúc lại lo lắng rằng các công ty đa quốc gia đang tạo ra một thị trường thế giới đặc trưng bởi tính bất bình đẳng và sự phụ thuộc.

Chương này sẽ không nghiêng về một quan điểm nào nêu trên. Trái lại, chương này sẽ giới thiệu từng trường hợp một cách rõ ràng để người đọc có thể hiểu rõ từng kết luận của từng chủ nghĩa.

——-

Mặc dù các công ty đa quốc gia mở rộng sản xuất ra khắp thế giới, chúng tập trung việc điều phối và lập kế hoạch sản xuất ở một số thành phố chủ chốt, đồng thời duy trì quyền lực và thu nhập cho những người có lợi thế.

Stephen Hyner (1972)

Tôi có một giấc mơ là mua được một hòn đảo mà không thuộc quyền sở hữu của bất kì một quốc gia nào và thành lập trụ sở chính toàn cầu của công ty Dow trên mảnh đất thực sự trung lập của hòn đảo đó mà không phải chịu sự chi phối của bất cứ một quốc gia hay xã hội nào cả.”

Carl A. Gerstacker, Chủ tịch công ty hóa chất Dow

Những trích dẫn trên cho thấy không khía cạnh nào khác của kinh tế chính trị quốc tế đã tạo ra nhiều tranh cãi và những tuyên bố hùng hồn hơn các công ty đa quốc gia. Rốt cuộc, đâu đó vẫn tồn tại sự kinh hãi và cảm giác bị đe dọa trước quyền lực của các tổ chức kinh tế trải rộng khắp toàn cầu này. Trong thập niên 1960 và 1970, khi sự bùng nổ mạnh mẽ về số lượng và sự bành trướng phạm vi hoạt động trên toàn cầu của các công ty đa quốc gia được công chúng và giới học thuật để ý tới, đã xuất hiện rất nhiều chỉ trích  gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm mà các công ty đa quốc gia gây ra đối với chủ quyền của các quốc gia và an sinh cũng như sự ổn định của công nhân sống trên toàn cầu.

Ngày nay, sau vài thập kỉ, khi các công ty đa quốc gia trở thành một bộ phận cấu thành và vững chắc của đời sống kinh tế chính trị quốc tế thì các nhà phê bình đã im hơi lặng tiếng. Các công ty đa quốc gia ngày nay trở thành “con quái vật mà ai cũng yêu thích” theo cách dùng từ của tạp chí The Economist. Các quốc gia giàu, nghèo, từng theo chế độ cộng sản hay vẫn còn theo chế độ cộng sản, tất cả đều cạnh tranh nhau kêu gọi các công ty đa quốc gia đầu tư vào đất nước mình. Với sự sụp đổ của mô hình kinh tế Xô Viết và sự khống chế ngày càng cao của các công ty đa quốc gia đối với một phần lớn các nguồn lực kinh tế chủ yếu của thế giới (như vốn, công nghệ và kĩ năng quản lí), giờ đây dường như không có lựa chọn nào khác có thể thay thế hữu hiệu cho chiến lược phát triển tư bản chủ nghĩa. Ở nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, kêu gọi các công ty đa quốc gia đầu tư phục vụ chiến lược phát triển trở thành chính sách quan trọng nhất. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi và các chỉ trích vẫn còn đó. Thậm chí ngay cả khi các công ty đa quốc gia đã trở nên “được yêu thích” thì họ vẫn là những con quái vật đe dọa toàn cầu.

Chương này sẽ cố gắng xem xét cả sự hấp dẫn và nỗi sợ hãi mà các công ty đa quốc gia gây ra. Mục đích của chương này sẽ phân tích, đánh giá các công ty đa quốc gia một cách khách quan, trả lời một loạt câu hỏi cơ bản như công ty đa quốc gia là gì? Đến từ đâu và đi đâu? Tại sao chúng lại tồn tại? Phương thức vận hành ra sao? Hoạt động của các công ty đa quốc gia ảnh hưởng đến các tổ chức khác và chính phủ các nước như thế nào? Từ đó ta có thể đánh giá được bản chất vai trò của các công ty đa quốc gia trong nền kinh tế chính trị quốc tế hiện nay và trong tương lai.

Bản chất của các công ty đa quốc gia

Các công ty đa quốc gia là các tập đoàn kinh tế tiến hành hoạt động sản xuất ở hai nước trở lên. Thông thường, các công ty này đặt trụ sở chính ở quốc gia gốc và mở rộng ra nước ngoài bằng cách xây dựng hoặc mua lại các công ty con ở các nước khác (quốc gia tiếp nhận). Loại mở rộng này được gọi là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bởi vì nó liên quan đến việc tiến hành trực tiếp hoạt động sản xuất ở nước ngoài, ví dụ như Ford thiết lập nhà máy sản xuất xe hơi ở Mexico, hay Citibank đặt văn phòng chi nhánh ở London để cung cấp dịch vụ tài chính. FDI đã gia tăng với tỷ lệ phi thường kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ví dụ, vào thập niên 1980, FDI tăng trưởng 28,9% mỗi năm, gấp 3 lần mức tăng trưởng của thương mại thế giới, và đó chính hư là chìa khóa tác động mạnh mẽ tới sự hợp nhất của nền kinh tế thế giới. Nhưng FDI không phải là nhân tố duy nhất làm thay đổi quan hệ kinh tế trên khắp toàn cầu. Thương mại và đầu tư gián tiếp cũng liên kết các nền kinh tế quốc gia và đã phát triển một cách nhanh chóng. Thực tế, đầu tư gián tiếp, tức sự di chuyển quốc tế của dòng tiền nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao trên các thị trường tài chính và tiền tệ, đã có giá trị tính bằng đồng đô la lớn hơn nhiều lần so với FDI và thương mại quốc tế. Chúng ta sẽ không bàn đến đầu tư gián tiếp trong chương này mà tập trung vào FDI – hay nói cách khác là hoạt động sản xuất của các công ty đa quốc gia.

Mặc dù có khoảng 45.000 công ty đa quốc gia với khoảng 280.000 chi nhánh ở trên toàn thế giới, quyền sở hữu và nắm giữ tài sản lại có mức độ tập trung cao. Ví dụ, chỉ riêng 1% các công ty đa quốc gia đã sở hữu một nửa tổng tất cả tài sản hiện hữu ở nước ngoài. Câu chuyện về FDI vẫn chủ yếu là câu chuyện của các công ty đa quốc gia lớn. Trước chiến tranh thế giới thứ hai, phần lớn các công ty đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên (ví dụ như các công ty sản xuất dầu Shell, Exxon, và BP). Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, các công ty trong lĩnh vực chế tạo như GM, Ford, Siemens, Sony hay Phillip Electronics mới thống trị FDI. Dần dần, làn sóng phát triển mới nhất và nhanh nhất của các công ty đa quốc gia là trong lĩnh vực dịch vụ, với các công ty như Citibank và Nomura Securities cung cấp dịch vụ tài chính trên toàn cầu. Một số trong các công ty này có doanh thu bán hàng lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội của nhiều nước trên thế giới và dần dần, đa số các công ty đa quốc gia này có công ty con ở nhiều quốc gia chứ không chỉ một vài quốc gia nữa. Chính những đặc tính này đem lại cho các công ty đa quốc gia những biệt danh như “thủy quái khổng lồ” hay “quái vật.”

Nguồn gốc của MNCs và các MNCs sẽ đi đâu?

Một trong những quan niệm sai lầm phổ biến nhưng dễ hiểu về FDI là FDI chảy từ các nước giàu và phát triển tới các nước nghèo, đang phát triển. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy. FDI là một hoạt động diễn ra chủ yếu giữa các nước giàu. Trung tâm của Liên Hợp Quốc về các Công ty đa quốc gia, tổ chức hàng đầu theo dõi hoạt động của các công ty đa quốc gia, ước tính rằng trong phần lớn thời kỳ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai các nước phát triển không chỉ là nước chủ nhà (nước đi đầu tư) của trên 95% dòng chảy FDI mà còn là những nước tiếp nhận của trên 80% dòng vốn này. Thậm chí ngay cả khi có sự gia tăng gần đây của FDI vào các nước đang phát triển, số vốn FDI chảy vào các nước này cũng chỉ chiếm 37% tổng FDI toàn cầu, gần bằng với mức của các thời kỳ bùng nổ FDI khác. Thực vậy, kể từ năm 1985, chỉ 5 quốc gia giàu (Mĩ, Anh, Đức, Nhật và Pháp) là nước chủ nhà của khoảng 70% và là nước tiếp nhận của 57% FDI toàn cầu. Những thực tế này nên làm thay đổi quan niệm thông thường cho rằng các công ty đa quôc gia thường chỉ quan tâm tới việc tìm kiếm những địa điểm đầu tư có giá nhân công rẻ nhất. Trong khi điều này có thể đúng với một vài công ty đa quốc gia trong các lĩnh vực sản xuất đơn giản và đòi hỏi nhiều lao động, đối với nhiều công ty đa quốc gia khác thì mối quan tâm quan trọng hơn chính là việc tiếp cận hay ở gần các thị trường tiêu dùng giàu có, cũng như phản ứng lại sự di chuyển địa điểm của các MNC đối thủ lớn.

Tuy nhiên, khi nói như vậy chúng ta không có hàm ý là hoạt động của các công ty đa quốc gia là không quan trọng đối với quá trình phát triển của các nước nghèo. Một số các công ty đa quốc gia hùng mạnh có thể ảnh hưởng đáng kể, thậm chí bóp méo nền kinh tế chính trị của một một đất nước nhỏ và nghèo. Trái lại, nói như vậy giúp nhắc nhở chúng ta rằng nếu tập trung mọi sự chú ý của mình vào các công ty đa quốc gia ở thế giới đang phát triển sẽ tạo nên một bức tranh hạn hẹp về sai lầm về vai trò của các công ty đa quốc gia trong nền kinh tế chính trị quốc tế.

Nếu nhìn kỹ vào những thay đổi về nguồn gốc và đích đến địa lý của FDI chúng ta có thể nhận ra một số xu hướng quan trọng phần nào phản ánh thay đổi trong tương quan sức mạnh kinh tế giữa các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới. Trong phần lớn thế kỷ 20, nền kinh tế hùng mạnh của Mỹ chiếm phần lớn đầu tư FDI ra nước ngoài trên thế giới. Những năm cuối thập niên 1970, nước Mỹ vẫn chiếm hơn 40% tổng lượng vốn FDI đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên đến những năm đầu thập niên 1990 thì con số này giảm xuống dưới 14%. Mặc dù các công ty Mỹ vẫn thống trị hoạt động kinh tế quốc tế nhờ đã tích lũy được một lượng lớn tài sản ở hải ngoại qua nhiều thập kỉ đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, chính Đức, và đặc biệt là Nhật Bản, là những nước có mức tăng trưởng nhanh nhất về đầu tư ra nước ngoài những năm 1970 và 1980. Tỷ trọng của Nhật Bản trong FDI ra nước ngoài toàn cầu nhảy vọt từ ít hơn 1% vào năm 1960 lên đến gần 12% vào năm 1985. Và những năm cuối của thập niên 1980, Nhật Bản đã đứng đầu về lượng vốn FDI đầu tư ra nước ngoài hằng năm. Những năm 1990 đã cho chúng ta thấy sự đảo chiều, với nước Mỹ đã lấy lại được vị trí dẫn đầu và Nhật Bản tụt xuống hạng 5 vì vướng phải cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Phần lớn dòng vốn FDI từ Nhật, Đức và các nước giàu có ở Châu Âu đề đổ vào Mỹ. Mỹ vẫn là điểm đến phổ biến nhất của các công ty đa quốc gia, nhận từ 40 đến 50% tổng số vốn FDI toàn cầu vào giữa thập niên 1980 và khoảng 25% vào năm 1996. Tương phản với điều này là vào những năm đầu của thập niên 1970, chỉ có 7,2% tổng vốn FDI chảy vào Mỹ. Sự gia tăng đột biến trong hoạt động của các công ty đa quốc gia vào Mỹ tạo nên những phản ứng khá trớ trêu khi một số người Mỹ bày tỏ sự sợ hãi và vẽ nên những bức tranh tương tự như của người châu Âu và Canada đã từng sử dụng ở các thập kỉ trước khi các công ty đa quốc gia của Mỹ xâm nhập vào các nước này.

Vào lúc đó, Châu Âu lo lắng về việc Mỹ “tiếp quản” Châu Âu, còn người Canada cảm thấy họ đang trở thành một căn cứ kinh tế phụ thuộc vào nền kinh tế của Mỹ. Trong những năm 1990, mọi thứ đã bị đảo ngược và chính người Mỹ cảm thấy lo sợ trước cuộc xâm chiếm của các công ty Nhật khi những biểu tượng như Rockefeller Center và Columbia Pictures trở thành tài sản của người Nhật. Thậm chí cả sở thích thư giãn mang đậm nét văn hóa Mỹ là bóng chày cũng bị người nước ngoài xâm nhập khi nhà sản xuất trò chơi điện tử Nhật là Nintendo mua đa số cổ phần của đội Seattle Mariners.

Nhưng trong khi những quan ngại này là dễ hiểu thì chúng có đáng gây quan ngại không? Lập luận mạnh mẽ nhất khiến các quan ngại này được thổi phồng và đặt nhầm chỗ là của nhà kinh tế chính trị Robert Reich. Trong cuốn sách The Work of Nations, ông lập luận rằng quốc tịch của các công ty đa quốc gia trở thành một khái niệm không còn phù hợp nữa. Các công ty Nhật đầu tư vào Mỹ có thể giúp nâng cao mức sống của người Mỹ nhiều hơn là các công ty đa quốc gia của Mỹ đầu tư vào Mỹ Latinh hay Châu Á. Trong trường hợp thứ nhất, các nhà máy, văn phòng, máy móc và việc làm được đặt ở Mỹ, trong khi ở trường hợp thứ hai chúng lại được đặt ở nước ngoài. Kết luận chính sách mà Reich đưa ra hiển nhiên là: “Các quốc gia không còn có thể nâng cao sự thịnh vượng của người dân bằng cách trợ cấp, bảo hộ, hay, ngược lại, bằng cách giúp tăng khả năng lợi nhuận của các tập đoàn của họ.”

Nếu Reich đúng thì trường hợp của Nhật Bản được xem như đại diện cho một trường hợp khó lý giải. Mặc dù đã trở thành một nguồn cung FDI lớn ra bên ngoài, nhưng gần như không có nguồn đầu tư FDI nào vào Nhật Bản. Không giống như ở Mỹ, Anh, Pháp và Đức, những nước có khoảng từ 10% – 20% tổng doanh thu bán hàng đến từ các công ty đa quốc gia do nước ngoài sở hữu, ở Nhật Bản, con số này chỉ ít hơn 1%. Thật vậy, để chỉ ra việc nguồn FDI ở Nhật ít như thế nào, người ta có thể thấy rằng chỉ cần hai trường hợp doanh nghiệp Nhật Bản mua lại các công ty Mỹ (Matsushita mua lại MCA và Sony mua lại hãng phim Columbia Pictures) đã tương đương tổng giá trị FDI đầu tư vào Nhật Bản. Nguyên nhân chủ yếu của nguồn FDI rất nhỏ này là do chính sách tạo nên những rào cản và thủ tục hành chính quan liêu vốn kéo dài hàng thập kỉ của chính phủ Nhật Bản để hạn chế nguồn đầu tư FDI vào Nhật. Việc tại sao Nhật Bản lại theo đuổi những chính sách như vậy là một vấn đề gây nhiều tranh cãi nhưng chắc có lẽ chính sách này xuất phát từ truyền thống chủ nghĩa dân tộc về kinh tế cũng như mong muốn bảo vệ các công ty đang trên đà tăng trưởng của Nhật. Khi các công ty Nhật Bản trở thành những đối thủ cạnh tranh mang tầm quốc tế và vươn đến phạm vi toàn cầu vào những năm 1970 và 1980, thì những quốc gia khác đã gây áp lực lên Nhật để nước này mở cửa cho các tập đoàn đa quốc gia của nước ngoài vào đầu tư. Chính phủ Nhật Bản vì vậy đã xóa bỏ hầu hết các rào chắn quan liêu và pháp lý vào năm 1980. Nhưng nguồn FDI vào Nhật vẫn duy trì ở mức thấp, điều này có thể là do sự tồn tại của các keiretsu (các tập đoàn liên kết thành một nhóm thông qua việc nắm giữ cổ phần của nhau), gây ra những khó khăn rất lớn cho các công ty đa quốc gia trong việc sáp nhập và mua lại các doanh nghiệp Nhật Bản nằm trong các nhóm như vậy. Sự mất cân bằng này trong quan hệ giữa Nhật Bản và các quốc gia khác – rằng Nhật Bản có thể mua  lại các công ty của nước ngoài, nhưng người người nước ngoài hầu như không thể thu mua được các công ty lớn của Nhật Bản, được xem là một nguyên nhân làm gia tăng tình trạng căng thẳng về kinh tế chính trị quốc tế trong những năm tiếp theo.

Cuối cùng, trước khi kết thúc phần này, chúng ta cần chú ý hai xu hướng về FDI  trong thế giới đang phát  triển. Như chúng ta đã chỉ ra, rất ít FDI bắt nguồn từ và tìm đến các nước đang phát triển. Những quốc gia nghèo nhất, phần lớn ở Châu Phi, về căn bản là những người ngoài cuộc trong hoạt động mang tính toàn cầu này, chỉ thu hút dưới 1% trong tổng các dòng chảy FDI. Hầu hết nguồn FDI đầu tư vào các nước đang phát triển chỉ hướng đến 10 quốc gia ở Châu Á và Mỹ Latinh (chủ yếu là Trung Quốc, Malaysia, Hong Kong, Singapore, Brazil và Mexico). Những nước này hoặc có thị trường nội địa rất rộng lớn hoặc đã tương đối phát triển về cơ sở hạ tầng ( chẳng hạn như cảng biển, hệ thống ngân hàng, giáo dục)

Cũng chính ở các nước này chúng ta mới có thể nhận thấy sự phát triển của một số lượng dù còn ít nhưng đang ngày càng gia tăng các công ty đa quốc gia. Những nền kinh tế đang trong quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng này là nơi bắt nguồn ngày càng nhiều dòng chảy FDI đến các nước đang phát triển khác. Cụ thể, dòng chảy FDI từ những nước mới công nghiệp hóa ở Đông Á (như Hồng Kông, Hàn Quốc và Singapore) gần đây đã trở thành một nguồn cung FDI vào các nước như Trung  Quốc, Indonesia và Malaysia lớn hơn so với các nguồn đến từ Nhật Bản và Mỹ.

Tại sao các công ty đầu tư ra nước ngoài?

Ở đây không tồn tại một học thuyết cô đọng và duy nhất nào để lý giải cho việc đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng như trường hợp của thương mại quốc tế. Thực vậy, sự tồn tại và phát triển của mạng lưới quốc tế các công ty con được điều hành bởi trụ sở chính của các công ty đa quốc gia lớn không hoàn toàn phù hợp với mô hình thế giới cạnh tranh hoàn hảo của kinh tế học tân cổ điển, lý thuyết chủ đạo trong kinh tế học. Trong thế giới mang đậm tính lý thuyết này, các công ty sẽ không tăng trưởng vượt quá quy mô của một nhà máy đơn lẻ có hiệu quả. Những nhà máy như vậy sẽ mua lại nguồn cung cấp cần thiết từ những công ty độc lập khác (mà không phải từ các công ty con cùng nằm trong tập đoàn đa quốc gia) và sẽ bán hàng thông qua xuất khẩu các mặt hàng mà họ đã sản xuất tại từng địa điểm cụ thể (hơn là sản xuất và bán các sản phẩm của họ tại những nơi khác nhau trên khắp thế giới). Nếu họ sở hữu một công nghệ đặc biệt độc đáo, họ có thể bán lại công nghệ đó cho một công ty nước ngoài sử dụng và thu phí (thường được gọi là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng). Trong một thế giới như vậy, các tập đoàn đa quốc gia sẽ không tồn tại. Nhưng như chúng ta đã biết, những công ty đa quốc gia lại dần thâm nhập và đang bắt đầu chi phối các hoạt động kinh tế quốc tế. Để hiểu được sự phát triển này, chúng ta cần bớt lý tưởng hóa và nên xem xét hành vi cụ thể của các công ty. Nếu chúng ta muốn hiểu tại sao các tập đoàn đa quốc gia tồn tại được, thì chúng ta phải tìm hiểu kiểu công ty nào là đa quốc gia và những động cơ của họ khi đầu tư ra nước ngoài.

Một lý giải toàn diện về quyết định đầu tư ra nước ngoài của các công ty đa quốc gia bao gồm một vài yếu tố khác nhau. Có lẽ yếu tố quan trọng nhất là các công ty sở hữu một số lợi thế cạnh tranh riêng của từng công ty. Điều này là quan trọng bởi các công ty phải có khả năng vượt qua những bất lợi trong quá trình kinh doanh tại nước ngoài để chống lại các công ty nước ngoài vốn nắm rõ hơn môi trường địa phương. Có một vài thuận lợi khiến cho các công ty có thể đầu tư ra nước ngoài và cạnh tranh một cách thành công với các nhà sản xuất nước ngoài. Một điều quan trọng là quy mô. Các công ty đa quốc gia thường rất lớn và có năng lực thị trường. Họ có thể thu xếp được nguồn vốn tài chính tương đối dễ dàng và với các điều kiện cho vay thuận lợi. Hơn nữa, họ thường là người dẫn đầu về kĩ thuật công nghệ và chiến lược marketing trong ngành nghề của mình. Giống như tập đoàn Xerox, họ cũng có thể là người đi tiên phong về một sản phẩm đặc biệt nào đó, hay như Toyota, đã phát triển một hệ thống sản xuất có năng suất cao. Hay họ cũng có thể có năng lực marketing rất lớn nhờ có thương hiệu, như Coca-Cola, McDonald’s, hay  Hilton Hotels. Những thuận lợi này làm cho các công ty có thể cạnh tranh một cách thành công ở nước ngoài.

Những hãng như vậy, tất nhiên, cũng có thể bán hoặc nhượng quyền công nghệ hay thương hiệu cho các công ty nước ngoài, thông qua đó gián tiếp thu lợi nhuận từ các lợi thế của mình. Một số công ty trên thực tế đã làm như vậy thông qua các hợp đồng chuyển nhượng thương quyền và quan hệ đối tác hoặc các liên minh. Nhưng cũng có nhiều công ty không làm vậy mà nhất định muốn sở hữu và kiểm soát toàn bộ các lợi thế của mình. Có hai lý do cơ bản giải thích cho vấn đề này. Thứ nhất, khi tự quản lý lợi thế của mình thì công ty có thể thu được tất cả lợi nhuận có được từ những lợi thế đó. Do những lợi thế về thương hiệu và công nghệ thường mang lại cho các tập đoàn đa quốc gia lợi nhuận cao, họ có lý do về mặt tài chính để không muốn chia sẻ những lợi nhuận này với người khác, nhất là với các công ty có thể trở thành đối thủ tiềm năng của họ. Thứ hai, việc nhượng quyền có thể dẫn tới nhiều điều thiếu chắc chắn. Liệu người được nhượng quyền có làm tốt công việc như công ty nhượng quyền đã làm về mặt sản xuất và tiếp thị hay không? Đối với rất nhiều công ty, sự không đảm bảo này là đủ lớn để họ cảm thấy việc nhượng quyền không còn hấp dẫn nữa. Như vậy duy trì những lợi thế trong nội bộ là yếu tố lý giải thứ hai.

Hai yếu tố này vẫn chưa trả lời một cách thỏa đáng câu hỏi tại sao các công ty không cung ứng cho thị trường nước ngoài thông qua xuất khẩu. Một công ty có thể duy trì quản lý toàn bộ lợi thế cạnh tranh đặc biệt của mình và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Coca Cola hay máy photocopy Xerox hiển nhiên có thể được xuất khẩu từ Mỹ đến khắp nơi trên thế giới. Câu trả lời cho câu hỏi này liên quan tới điều mà đôi khi được gọi là lợi thế về vị trí địa lý. Đó là, việc sản xuất tại các địa điểm ở nước ngoài mang lại những lợi thế nhất định chỉ có ở quốc gia đó. Khi các công ty đa quốc gia đóng ở nước ngoài, họ có thể thu được nhiều thông tin tốt hơn về các thay đổi trong thị hiếu khách hàng và có thể đáp ứng những thay đổi đó một cách nhanh nhạy hơn. Ngoài ra họ cũng tránh được các chi phí vận chuyển hàng hóa xuất khẩu qua khoảng cách xa và có thể tận dụng được giá lao động rẻ, tương đương với đối thủ của họ tại thị trường nước ngoài đó. Một vài chính phủ còn thắt chặt hàng rào nhập khẩu nhằm trợ giúp cho các nhà sản xuất trong nước. Chính vì vậy, lách qua các rào cản thương mại trở thành một lí do khác rất quan trọng khiến các công ty quyết định đặt cơ sở của mình tại nước ngoài, qua đó có thể loại trừ được những bất lợi như vậy. Một ví dụ trong số đó là Nissan và Honda khi họ mở rộng các chi nhánh sản xuất tại Anh, qua đó có thể vượt qua được rào cản hạn ngạch của Ý và Pháp áp dụng đối với việc nhập khẩu xe hơi Nhật Bản. Với việc sản xuất tại Anh, một quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu, những công ty này có thể tránh được những hạn chế nêu trên.

Raymond Vernon đã kết hợp nhuần nhuyễn những lợi thế về vị trí địa lý cụ thể với vòng đời tiến hóa của sản phẩm để lý giải về sự lựa chọn thời điểm và trình tự các hoạt động đầu tư FDI của các nhà sản xuất Mỹ. Thuyết vòng đời sản phẩm cho rằng tại thời điểm ra đời của một sản phẩm mới, các công ty phải đối mặt với ít đối thủ cạnh tranh và sẽ có xu hướng đặt tất cả cơ sở sản xuất gần với khách hàng cũng như trung tâm nghiên cứu và phát triển của mình. Bằng cách này, công ty có thể điều chỉnh sản phẩm một cách dễ dàng hơn cho phù hợp với các điều kiện của thị trường chính của sản phẩm. Thị trường nước ngoài được đáp ứng thông qua xuất khẩu. Khi sản phẩm ra đời đã lâu, quy trình sản xuất đã trở nên quen thuộc và dễ bắt chước hơn, các đối thủ cạnh tranh nước ngoài bắt đầu thách thức thị trường xuất khẩu của các công ty đi trước. Như chúng ta đã thấy, những công ty nước ngoài như vậy có thể đưa ra các mức giá sản phẩm và dịch vụ thấp hơn so với các công ty đi trước nhờ có lợi thế về vị trí địa lý. Để duy trì thị phần, các công ty đi trước có thể thiết lập các cơ sở sản xuất tại nước ngoài. Khi sản phẩm tiến gần tới giai đoạn cuối và sự cạnh tranh giá cả trở nên gay gắt hơn khi có thể xuất hiện các đối thủ giá rẻ từ những quốc gia đang phát triển, các công ty đa quốc gia lại buộc phải di dời một vài cơ sở sản xuất của mình nhằm tìm kiếm địa điểm có giá thành sản xuất thấp hơn.

Một yếu tố quan trọng khác để lý giải cho các hoạt động FDI liên quan đến những chiến lược của các công ty lớn, nhằm duy trì khả năng cạnh tranh với các đổi thủ chính của mình. Những nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng phần lớn đầu tư FDI của Hoa Kì trong những năm 1960 và 1970 đã diễn ra theo từng “cụm”, với một vài tập đoàn đa quốc gia trong cùng một ngành công nghiệp đều đầu tư vào một quốc gia hoặc khu vực tại cùng thời điểm gần như nhau. Liệu các công ty này đều có lợi thế riêng giống nhau và đều tình cờ khám phá được những lợi thế về vị trí địa lý cụ thể ở cùng thời điểm như nhau? Điều này dường  như không thể xảy ra. Một sự giải thích hợp lý hơn đó là nhiều công ty đa quốc gia đang tiến hành các hoạt động nhằm đáp lại động thái của các đối thủ cạnh tranh vì e rằng một trong số họ sẽ giành được lợi thế khi trở thành công ty duy nhất đầu tư ra nước ngoài. Với phương châm “đi theo người dẫn đầu” và hành động theo nhóm, những công ty này cố gắng giảm thiểu các rủi ro và duy trì sự ổn định của thị trường hoặc mức cân bằng cạnh tranh trong ngành kinh doanh của mình. Kiểu hành vi này vẫn còn tiếp diễn. Một ví dụ phổ biến của hoạt động mang tính chất “bầy đàn” đó là trong ngành công nghiệp hóa chất của Châu Âu. Các công ty đa quốc gia của châu Âu như Ciba, BASF, Bayer và ICI đều đang trong quá trình cùng lúc chuyển các hoạt động sản xuất hóa chất số lượng lớn ra khỏi thị trường trì trệ ở Châu Âu sang các thị trường đang tăng trưởng nhanh ở Châu Á.

Nói tóm lại, chúng ta có thể nói rằng FDI chủ yếu được tiến hành bởi các công ty lớn, sở hữu một vài lợi thế cạnh tranh đặc biệt mà họ không muốn chia sẻ với các đối thủ. Các công ty này có khuynh hướng hoạt động đa quốc gia nhằm được hưởng những lợi thế về vị trí địa lý ở nước ngoài. Những thuận lợi này bao gồm vượt qua các rào cản thương mại, vận hành gần với các thị trường lớn và tiếp cận nguồn lao động giá rẻ.

Trong tương lai, khi các cuộc cách mạng về truyền thông và vận tải rút ngắn khoảng cách trên toàn cầu và làm cho các hoạt động kinh tế quốc tế trở nên thuận lợi hơn, và khi ngày càng có nhiều công ty trở thành đa quốc gia, sự giải thích về FDI sẽ chuyển từ việc tập trung lý giải tại sao các công ty trở thành đa quốc gia sang việc các công ty đa quốc gia này hành xử như thế nào. Ngoài ra, khi các công ty đa quốc gia đến từ các nước phát triển khác nhau thành công trong việc xâm nhập các thị trường của nhau, cuộc chiến cạnh tranh chủ yếu sẽ không còn xoay quanh việc tiếp cận các thị trường nữa mà tập trung nhiều hơn vào việc ai nắm giữ những đổi mới về công nghệ tốt nhất và chi phí sản xuất thấp nhất.

Ảnh hưởng của các công ty đa quốc gia

Bây giờ chúng ta sẽ bàn đến vấn đề trung tâm của những tranh cãi xoay quanh các công ty đa quốc gia. Chúng nên được chào đón như những lực lượng mang đến sự thay đổi tích cực và tiến bộ cho nền kinh tế chính trị quốc tế, hay chính chúng góp phần tạo nên một nền kinh tế toàn cầu tiêu cực và không công bằng? Chúng thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia nghèo, hay bóc lột và bóp méo nền kinh tế của các nước ấy? Không có câu trả lời đơn giản hay có tính thuyết phục cho những tranh cãi này. Việc đánh giá ảnh hưởng của những công ty đa quốc gia phụ thuộc vào những nhân tố hoàn cảnh như: nước nhận đầu tư là nước giàu hay nghèo; sự đầu tư này là căn bản và mang tính dài hạn, hay hời hợt và mang tính ngắn hạn; những phương án thay thế dành cho nước tiếp nhận đầu tư; và rất nhiều những nhân tố khác ta sẽ xem xét sau đây. Sự đánh giá cuối cùng còn phụ thuộc vào quan điểm và tiêu chuẩn của từng cá nhân. Nếu một người cho rằng sự phát triển của nền kinh tế quan trọng hơn hết thảy những vấn đề khác, anh ta sẽ có khuynh hướng cho rằng các công ty đa quốc gia là mấu chốt cho sự phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, nếu anh ta tin rằng việc theo đuổi một sự phát triển công bằng và ổn định (thậm chí là chậm chạp) là nên làm hơn, các công ty đa quốc gia sẽ trở thành những thế lực khoét sâu thêm bất công và sự bóc lột. Thay vì đứng về một quan điểm nhất định, chúng tôi sẽ cung cấp một bài phân tích cân bằng những ảnh hưởng của các công ty đa quốc gia bằng cách trình bày những quan điểm của mỗi phe trong cuộc tranh luận. Chính người đọc sẽ phải quyết định sức thuyết phục của những luận điểm khác nhau đó, kiểm chứng chúng với những vụ việc và hoàn cảnh cụ thể, từ đó rút ra kết luận cho chính mình.

Quan điểm tích cực

Tác động lên nước nhận đầu tư

Những luận điểm ủng hô các công ty đa quốc gia thường được đưa ra bởi những nhà kinh tế chính trị tự do và giới kinh doanh. Vì các công ty này thường nắm trong tay nhiều lợi thế cạnh tranh, những quan điểm tích cực phụ thuộc rất nhiều vào những lợi ích mà các công ty đa quốc gia mang đến cho nước chủ nhà. Các công ty đa quốc gia được cho rằng đã chuyển giao kĩ thuật, sản phẩm, vốn, và kĩ năng quản lý hiệu quả cho những quốc gia thiếu hụt những điều này. Sự chuyển giao này đối với các quốc gia chủ nhà sẽ tạo việc làm và nâng cao kĩ năng của lực lượng lao động, khi họ phải học cách sử dụng những kĩ thuật hiện đại các công ty đa quốc gia đã chuyển giao. Nếu so với việc mua lại một công ty địa phương nào đó, những tác động tích cực đến nền kinh tế của một đất nước thậm chí còn nhiều hơn gấp bội khi sự đầu tư nhằm vào một khu vực còn mới chưa phát triển của đất nước đó. Trong trường hợp đầu tư vào một lĩnh vực mới, đó rõ ràng là một sự đóng góp cho năng suất của quốc gia đó, vì nếu không có đầu tư nước ngoài, cơ sở sản xuất và những việc làm liên quan sẽ không tồn tại. Và dù việc mua lại các công ty bản địa có kém hấp dẫn hơn với nước chủ nhà thì vẫn còn những lợi ích khác khi các công ty đa quốc gia có khuynh hướng quản lý hoạt động của công ty được mua lại hiệu quả hơn so với người chủ cũ. Như Robert Reich đã chỉ ra, các công ty đa quốc gia tiến hành đầu tư ra nước ngoài vì “họ nghĩ họ sẽ có khả năng sử dụng tài sản cũng như nhân công của quốc gia được đầu tư tốt hơn các nhà đầu tư bản địa và do đó các nhà quản lý có thể làm cho tài sản và nhân công có năng suất cao hơn. Một ví dụ cụ thể là Toyota, công ty đã tiếp quản một nhà máy của General Motors ở California và đã thành công trong việc nâng năng suất lên 50% và giảm thiểu đáng kể tình trạng trốn việc.

Hơn nữa, sẽ có những tác động lan tỏa lên các công ty và khu vực kinh tế của quốc gia được đầu tư. Ví dụ, việc Ford xây dựng một nhà máy sản xuất xe hơi ở Brazil có thể dẫn đến cơ hội mở rộng quy mô cho các công ty cung cấp cao su hay thép nội địa, đồng thời tạo thêm việc làm cho các đại lý xe hơi cũng như các công ty quảng cáo, nếu như, đương nhiên, Ford mua nguồn nguyên vật liệu ở thị trường nước nhận đầu tư và bán phần lớn sản phẩm của nó tại địa phương. Nói cách khác, mức độ quan hệ giữa các công ty đa quốc gia này với các công ty nội địa là một nhân tố quan trọng trong việc mở rộng những tác động lan tỏa lên nền kinh tế của nước nhận đầu tư. Đây là lý do tại sao nhiều chính phủ của nước nhận đầu tư đòi hỏi các công ty đa quốc gia phải sử dụng một lượng nhất định các nguồn nguyên vật liệu nội địa trong sản phẩm cuối cùng của họ. Những lợi ích gián tiếp khác bao gồm việc cạnh tranh gia tăng mà các công ty đa quốc gia tạo ra đối với các công ty bản địa. Điều này sẽ thúc đẩy các công ty bản địa ứng phó hiệu quả hơn với những đối thủ nước ngoài bằng cách học hỏi các công ty đa quốc gia này. Rõ ràng “bộ ba ông lớn” sản xuất xe hơi của Mỹ đã bắt đầu giảm sự tự mãn của mình trước sự thành công của các dòng xe hơi Nhật Bản, cả xe nhập khẩu lẫn xe sản xuất tại Mỹ bởi các nhà máy của Nhật.

Các công ty đa quốc gia cũng được cho là giúp cải thiện cán cân thanh toán của các quốc gia. Về cán cân tài khoản vốn, sẽ có một dòng vốn được chuyển vào nền kinh tế khi một công ty đa quốc gia xây dựng một công ty con hoặc mua lại một công ty đã có sẵn. Hiển nhiên vấn đề mấu chốt ở đây là sự cân bằng cán cân vốn sau khi trừ đi dòng vốn chảy ra nước ngoài dưới dạng chuyển lợi nhuận về nước, phí nhượng quyền, và những khoản chi trả mà công ty con chuyển cho công ty mẹ. Trong khi có những ý kiến cho rằng cán cân vốn này về lâu dài sẽ âm vì các công ty này không chỉ mong muốn thu hồi được khoản vốn họ đã bỏ ra để đầu tư mà còn phải thu được lợi nhuận, những người ủng hộ các công ty đa quốc gia đã chỉ ra những ảnh hưởng tích cực về thương mại mà các công ty này mang lại. Các công ty đa quốc gia có thể giúp giảm nhập khẩu ở quốc gia mà họ đầu tư bằng cách thay thế những sản phẩm trước đó phải nhập khẩu bằng các sản phẩm được sản xuất nội địa, đồng thời gia tăng xuất khẩu. Các công ty đa quốc gia, với quy mô quốc tế của mình, có hệ thống tiếp thị và phân phối tốt hơn nhiều so với các công ty nội địa, và do đó họ là những nhà xuất khẩu rất thành công. Thực tế, nhiều công ty con của họ ở các nước đang phát triển chủ yếu phục vụ mục đích xuất khẩu khi họ sản xuất hàng hoá chỉ để bán tại các quốc gia khác. Tuy nhiên, một lần nữa, chúng ta phải xét đến tác động ròng đối với thương mại, vì rất nhiều các công ty đa quốc gia phải nhập khẩu các nguyên vật liệu từ các công ty con khác trên thế giới.

Tác động lên nước đầu tư

Chúng ta đã tập trung vào những ảnh hưởng tích cực đối với các nước nhận đầu tư. Vậy những lợi ích mà các nước nhận đầu tư nhận được có gây tổn hại cho nước đầu tư không? Những khoản vốn, kỹ thuật, và kĩ năng quản lý được đưa ra nước ngoài có đồng nghĩa với việc làm giảm cơ hội việc làm, giảm xuất khẩu từ những nước đầu tư? Đây là một câu hỏi khó trả lời một cách chắc chắn vì ta không thể chắc điều gì sẽ xảy ra với nguồn lực của các công ty đa quốc gia nếu họ không “xuất ngoại.’’ Ví dụ, liệu một nhà máy bị đóng cửa ở chính quốc để công ty mẹ có thể chuyển việc sản xuất đến một khu vực có chi phí lao động rẻ hơn sẽ có khả năng tiếp tục tồn tại nếu việc dịch chuyển không xảy ra? Không cách nào có thể chắc chắn được. Những người ủng hộ các công ty đa quốc gia cho rằng những công ty này đã thực hiện những quyết định kinh tế một cách có suy xét cẩn thận. Họ chuyển giao việc sản xuất ra nước ngoài hay mở những nhà máy sản xuất mới ở đây nhằm tự vệ trước những áp lực cạnh tranh. Nếu không làm vậy họ sẽ có nguy cơ không thể thâm nhập thị trường nước ngoài và thậm chí phá sản – đe dọa việc làm của lực lượng lao động. Hơn nữa, những người ủng hộ còn cho rằng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài có thể kích thích hoạt động kinh tế tại chính quốc. Ví dụ, các công ty đa quốc gia của Mỹ đã xuất khẩu một lượng lớn các sản phẩm nội địa của họ cho các công ty con ở nước ngoài. Nếu các công ty con này không tồn tại, hoàn toàn không có gì đảm bảo những thị trường nước ngoài cho những sản phẩm xuất khẩu này sẽ tồn tại.

Cuối cùng, ở một mức độ bao quát, hệ thống hơn, những người ủng hộ các công ty đa quốc gia đã đưa ra một loạt những lập luận về những lợi ích chính trị và văn hoá mà các công ty này mang lại. Ở cấp độ hệ thống, các công ty đa quốc gia được nhìn nhận như là những lực lượng giúp hợp nhất nền kinh tế thế giới, do đó làm giảm chủ nghĩa dân tộc cũng như các căng thẳng quốc tế. Với việc thúc đẩy thương mại giữa các quốc gia và tạo sự kết nối giữa những người lao động ở các quốc gia khác nhau vào trong một mạng lưới, cùng với việc phân phối các sản phẩm tiêu dùng giống nhau vào từng ngõ ngách của thế giới, họ đã xoá nhoà khoảng cách giữa các quốc gia và tạo nên công dân toàn cầu với những thị hiếu và thói quen hiện đại. Hơn nữa, với việc vươn ra toàn cầu thay vì chỉ quanh quẩn trong phạm vi quốc gia, đồng thời giúp cách mạng hóa dòng chảy của vốn và thông tin quốc tế, các công ty đa quốc gia đã buộc các chính phủ phải hợp tác về mặt chính trị để có thể điều tiết và kiểm soát những thế lực quốc tế mới này. Cùng quan điểm đó, những người ủng hộ các công ty đa quốc gia hay rộng hơn là nền kinh tế toàn cầu không biên giới cũng tuyên bố rằng tăng trưởng kinh tế bắt nguồn từ một nền kinh tế thế giới cởi mở hơn sẽ dẫn đến một trật tự kinh tế tự do và dân chủ hơn ở các quốc gia trước đây từng phải trải qua các chế độ chuyên chế.

Quan điểm tiêu cực

Tác động đối với nước nhận đầu tư

Tác động tiêu cực đến nước đầu tư

Tổng hợp tác động của công ty đa quốc gia

Quan hệ đàm phán giữa các công ty đa quốc gia với các chính phủ và công nhân 

Kết luận

Câu hỏi thảo luận

Download phần còn lại của văn bản tại đây:Kinh te chinh tri quoc te cua cac cong ty da quoc gia.pdf