#223 – Trung Quốc và dân chủ ở Đông Á: Làn sóng sắp đến

Print Friendly, PDF & Email

A girl of Myanmar heritage holds a placard during a pro-democracy rally in New Delhi

Nguồn: Larry Diamond (2012). “China and East Asian Democracy: The Coming Wave”, Journal of Democracy, Vol. 23, No. 1, pp. 5-13.

Biên dịch: Trương Thị Thanh Hiền | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Nếu có một làn sóng lớn mới đối với triển vọng dân chủ toàn cầu trong thập kỷ này, thì khu vực khởi nguồn rất có thể là Đông Á.

Với sự bùng nổ của hàng loạt phong trào thay đổi mang tính chất dân chủ trên khắp thế giới Ả Rập trong năm 2011, những nhà phân tích đầy hy vọng về triển vọng dân chủ toàn cầu đã tập trung sự chú ý vào khu vực Trung Đông. Ba chế độ Ả Rập chuyên quyền (Tunisia, Ai Cập và Libya) đã sụp đổ trong năm vừa qua. Ít nhất thì hai chế độ chuyên quyền nữa (Yemen và Syria) dường như cũng không thể tránh khỏi sự chấm dứt sớm. Các áp lực thay đổi dân chủ thực sự xuất hiện ngày càng nhiều ở Marốc, Jordan, Chính quyền Palestine và có thể là Kuwait. Các áp lực này cũng tồn tại dai dẳng ở cả Bahrain.

Tuy nhiên, trong các quốc gia này và các quốc gia khác ở Trung Đông (bao gồm cả Iraq và Iran), chỉ có Tunisia là có cơ hội tốt để trở thành một chế độ dân chủ trong tương lai tương đối gần. Nguyện vọng về chính phủ dân chủ hơn và có trách nhiệm hơn đã ăn sâu khắp Trung Đông, và trong nhiều năm tới khu vực này sẽ là nơi sôi động và gây tranh cãi về những khả năng thay đổi chế độ. Tuy nhiên nếu một làn sóng khu vực mới của những chuyển đổi dân chủ mở ra trong năm đến mười năm tới, thì nó có nhiều khả năng đến từ Đông Á hơn – một khu vực đã bị lãng quên một cách kỳ lạ trong những tư tưởng gần đây về triển vọng mở rộng dân chủ. Và Đông Á cũng có vị thế tốt hơn để gia tăng số lượng các nền dân chủ tự do và bền vững.

Không giống như thế giới Ả Rập, Đông Á đã có một số lượng lớn các nền dân chủ. Bốn mươi phần trăm quốc gia Đông Á (7 trong số 17 quốc gia) là các nền dân chủ, cao hơn tỷ lệ ở Đông Nam Á hoặc Châu Phi hạ Sahara, mặc dù thấp hơn đáng kể tỷ lệ ở Châu Mỹ Latinh hay Trung và Đông Âu, nơi mà hầu hết các quốc gia là các nền dân chủ. Là kết quả của làn sóng dân chủ hóa toàn cầu thứ ba, Đông Á đã bước ra từ cái nôi của “chủ nghĩa chuyên chế kiến tạo phát triển”, (với Nhật Bản là nền dân chủ duy nhất) và hệ thống độc đảng thống trị lâu dài sang ít nhất là một tập hợp pha trộn và tiến bộ của các hệ thống. Ngày nay, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là những nền dân chủ tự do vững chắc. Đông Timor, Indonesia, Mông Cổ và Philippines ít nhất cũng là những nền dân chủ bầu cử với một ít sự vững chắc nhất định.

Hơn nữa, như tôi sẽ giải thích, hiện nay có những triển vọng quan trọng cho sự thay đổi dân chủ trong một số chế độ chuyên chế còn lại của khu vực. Thái Lan đang trong quá trình tiến đến chế độ dân chủ; Malaysia và Singapore cho thấy nhiều dấu hiệu đang bước vào giai đoạn chuyển đổi dân chủ; Miến Điện, trước sự ngạc nhiên của nhiều người, đang tự do hóa chính trị lần đầu tiên trong vòng hai mươi năm. Còn Trung Quốc phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng đang dần thành hình của chủ nghĩa chuyên chế, qua đó sẽ tạo ra cơ hội mới cho quá trình chuyển đổi dân chủ trong hai thập kỷ tới và có thể sớm hơn nhiều. Ngoài ra, tất cả những điều này đã xảy ra trong khoảng thời gian năm năm qua khi dân chủ lâm vào suy thoái trên toàn cầu.

Có ba nền dân chủ ở Đông Á hiện nay được xếp hạng cùng các nền dân chủ tự do ổn định của thế giới công nghiệp hóa: Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Họ không phải không có những thách thức khắc nghiệt về kinh tế và chính trị, hay số lượng lớn các công dân thất vọng bày tỏ sự thờ ơ đối với chế độ dân chủ trong các cuộc khảo sát. Tuy nhiên, trong mỗi quốc gia này, đông đảo công dân từ chối chọn chế độ chuyên chế trong khi bày tỏ sự ủng hộ tương đối mạnh mẽ đối với các giá trị tự do như nền pháp quyền, tự do ngôn luận và tư pháp độc lập.[1] Dữ liệu so sánh về quyền chính trị, quyền tự do dân sự và chất lượng quản trị đã chứng minh rằng đây là những nền dân chủ tự do. Tuy nhiên, họ có thể trở thành những nền dân chủ tốt hơn, tự do hơn thông qua việc tăng cường nền pháp quyền và tự do dân sự, đồng thời cải thiện các cơ chế chịu trách nhiệm giải trình và minh bạch để kiểm soát tham nhũng và nạn ô dù chính trị.

Dĩ nhiên, các nền dân chủ bầu cử (electoral democracy) đơn thuần của Đông Á vẫn còn phải đi xa hơn nữa trong việc tăng cường và củng cố nền dân chủ. Mông Cổ đạt được số điểm tương đối tốt trong các bảng xếp hạng của Freedom House về các quyền chính trị và tự do dân sự, nhưng ở quốc gia giàu khoáng sản một cách kỳ lạ này, bộ máy tư pháp vẫn còn kém phát triển, nền pháp quyền còn yếu và tham nhũng vẫn còn là một vấn đề nghiêm trọng được công chúng thừa nhận rộng rãi. Việc thực thi dân chủ của Indonesia trong thập kỷ qua đã tốt hơn nhiều so với những gì mà nhiều chuyên gia về đất nước này có thể đã mong đợi.

Philippines đã trở lại chế độ dân chủ với cuộc bầu cử năm 2010, khi Benigno Aquino III đắc cử tổng thống. Tuy nhiên giới tinh hoa bán phong kiến vẫn còn vị trí mạnh mẽ về chính trị ở nhiều tỉnh và khu vực bầu cử của Philippines và sự hiện diện của họ trong Quốc hội của đất nước cho đến nay đã gây cản trở lớn đối với các cải cách căn bản. Trong các bảng xếp hạng quản trị thường niên của Ngân hàng Thế giới, Indonesia và Philippines nằm trong một phần tư các quốc gia cuối bảng về kiểm soát tham nhũng và không khá hơn bao nhiêu về nền pháp quyền (một phần ba cuối bảng). Năm 2010, trong số các nền dân chủ thị trường mới nổi lớn (chủ yếu nằm trong nhóm G-20) như Argentina, Bangladesh, Brazil, Ấn Độ, Mexico, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ có Bangladesh là kém hơn họ về hai chỉ số quản trị này.[2]

Trong mỗi nền dân chủ bầu cử này – Mông Cổ, Indonesia và Philippines – ít nhất là ba phần tư công dân đồng ý rằng “Dân chủ có thể có những vấn đề của nó, nhưng nó vẫn là mẫu hình chính phủ tốt nhất.” Tương tự như vậy, trong mỗi quốc gia, chỉ có khoảng một nửa công chúng hài lòng với cách mà chế độ dân chủ đang được thực thi, tuy nhiên đa số họ tin rằng nền dân chủ vẫn còn có khả năng giải quyết các vấn đề của đất nước. Một lý do khả dĩ cho sự tin tưởng này đối với nền dân chủ chính là việc đông đảo công chúng trong mỗi quốc gia (lên đến 76% ở Mông Cổ và 80% ở Philippines) tin rằng người dân nắm quyền thay đổi chính phủ thông qua các cuộc bầu cử.[3]

Triển vọng dân chủ hóa hơn nữa

Cho đến nay, người ta đồng ý một cách rộng rãi rằng Singapore là một trường hợp bất thường lớn nếu chiếu theo bất kỳ tiêu chuẩn nào. Như chúng ta thấy ở Bảng trong trang tiếp theo, ngày nay Singapore giàu hơn rất nhiều so với bất kỳ quốc gia lớn nào của làn sóng thứ ba khi họ thực hiện quá trình chuyển đổi dân chủ (bao gồm cả Tây Ban Nha và Hy Lạp, những nước không xuất hiện trong Bảng). Singapore là chế độ không dân chủ phát triển nhất về kinh tế trong lịch sử thế giới. Nhưng Singapore đang thay đổi, và sự thay đổi này có thể sẽ tăng tốc khi thế hệ những nhà lãnh đạo sáng lập, đặc biệt là Lý Quang Diệu (người đã bước sang tuổi 88 vào tháng 9/2012 vừa qua), rời khỏi chính trường.

Trong các cuộc bầu cử quốc hội tháng 5 năm 2011, Đảng Hành động Nhân dân (PAP) đã có kết quả bầu cử thấp nhất kể từ khi giành được độc lập vào năm 1965, chiến thắng “chỉ” với 60% tổng phiếu bầu. Mặc dù PAP vẫn giành chiến thắng (một lần nữa) với hơn 90% số ghế trong quốc hội nhờ vào một hệ thống bầu cử được thao túng ở mức độ cao, nhưng Đảng Công nhân đối lập lần đầu tiên đã vượt qua để giành chiến thắng ở một khu vực bầu cử với 5 ghế và có tổng cộng là 6 ghế – một kỷ lục đối với đảng đối lập của Singapore.

Trong khi các cuộc khảo sát sau bầu cử không cho thấy sự gia tăng ủng hộ nói chung đối với chủ nghĩa đa nguyên chính trị so với những cuộc bầu cử năm 2006, thì mong muốn có một hệ thống chính trị cạnh tranh hơn đã tăng đáng kể trong nhóm những người trẻ tuổi nhất (từ 21 đến 29 tuổi), tăng vọt từ 30% lên 44%.[4] Dù Singapore đã duy trì sự kìm kẹp của chế độ bá quyền độc đảng đã nửa thế kỷ, nhưng hiện nay chế độ bá quyền đó dường như đang bước vào giai đoạn dễ bị tổn thương hơn khi các đảng đối lập tìm được nguồn năng lượng và sự ủng hộ mới. Giờ đây, những người trẻ tuổi đổ xô vào các phương tiện truyền thông xã hội để thể hiện bản thân một cách cởi mở hơn, các phương tiện truyền thông độc lập xuất hiện hình thức trực tuyến trên mạng để cung cấp đầy đủ hơn các tin tức và ý kiến, và đảng cầm quyền cảm thấy bắt buộc phải nới lỏng sự kiểm duyệt và các hình thức kiểm soát khác. Nói cách khác, Singapore đã gia nhập vào hàng ngũ của các chế độ “chuyên chế cạnh tranh” của thế giới – nhóm các chế độ chuyên quyền mà quá trình chuyển đổi dân chủ có thể xảy ra nhiều nhất.[5]

BẢNG – MỨC ĐỘ PHÁT TRIỂN VÀ QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI DÂN CHỦ

Quốc gia Năm chuyển đổi GDP bình quân đầu người theo sức mua ngang giá (đô la quốc tế năm 2009) Chỉ số phát triển con người (HDI) (năm chuyển đổi)
Thổ Nhĩ Kỳ 1984 6.316
Brazil 1985 7.596 0,687
Philippine 1986 2.250
Hàn Quốc 1988 9.086
Pakistan 1988 1.722
Hungary 1990 12.979 0,692
Ba Lan 1990 8.376 0,683
Chile 1990 6.896 0,675
Bangladesh 1991 748 0,186
Thái Lan 1992 4.732 0,685
Nam Phi 1994 7.235 0,716
Đài Loan 1996 19.938
Indonesia 1999 2.666 0,681
Mexico 2000 12.662 0,698
Ghana 2000 1.653 0,431
Ukraine 2005 6.037 0,696
Châu Á (hiện nay)
Singapore 56.522 0,866
Malaysia 14.670 0,761
Thái Lan 8.505 0,682
Trung Quốc 7.519 0,687
Việt Nam 3.134 0,593
Lào 2.436 0,524
Miến Điện 1.256 0,483

Ghi chú: Trong nửa sau của bảng, dữ liệu GDP bình quân đầu người là cho năm 2010 và HDI là cho năm 2011. Tất cả các số liệu về GDP bình quân đầu người đã được chuyển thành giá trị đô la không đổi năm 2009 bằng cách sử dụng chỉ số giảm phát GDP.

Nguồn: về HDI: http://hdr.undp.org/en/data/trends; về GDP bình quân đầu người: www.imf.org/external/pubs.

Trường hợp dị biệt của Singapore được biết đến rộng rãi. Ít được biết đến hơn là việc Malaysia hiện nay cũng có thu nhập bình quân đầu người cao hơn so với hầu hết các quốc gia của làn sóng thứ ba khi họ thực hiện quá trình chuyển đổi dân chủ của mình. Thực tế, trong các trường hợp nổi bật trong Bảng, chỉ có Đài Loan là có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Malaysia khi hoàn thành quá trình chuyển đổi dân chủ mình. Hơn nữa, số điểm của Malaysia về Chỉ số Phát triển Con người – vốn là một phương thức đo lường mức độ phát triển chính xác hơn – hiện tại đã cao hơn đáng kể so với Brazil, Chile, Mexico và thậm chí là Hungary, Ba Lan và Ukraine khi các nước này thực hiện quá trình chuyển đổi dân chủ. Vì vậy từ quan điểm của lý thuyết hiện đại hóa, Malaysia đã chín muồi cho quá trình chuyển đổi dân chủ.

Trong hơn một thập kỷ, chế độ chuyên chế cạnh tranh của Malaysia đã phải đối mặt với một thách thức nghiêm trọng hơn rất nhiều so với những gì mà cho đến nay Singapore đã trải qua. Khi đảng đối lập đạt được sự thống nhất, sự tín nhiệm và sức mạnh vận động quần chúng, thì Tổ chức Dân tộc Thống nhất Malay (UMNO) đã cầm quyền trong một thời gian dài cảm thấy sự đe dọa ngày càng tăng. Phần lớn những điều đang thúc đẩy sự thay đổi ở Malaysia không chỉ là tình trạng mệt mỏi với nửa thế kỷ cầm quyền bởi một đảng (chính thức là thông qua một liên minh cầm quyền), mà còn là một xã hội được giáo dục tốt hơn và đa nguyên hơn, với sự gia tăng kèm theo của các tổ chức độc lập, và việc sử dụng rộng rãi và sáng tạo các phương tiện truyền thông xã hội (bao gồm cả một trong những tờ báo trực tuyến có sức ảnh hưởng nhất trên thế giới, Malaysiakini).

Lo ngại bởi những biến động đột ngột bắt đầu bao phủ thế giới Ả Rập vào cuối năm 2010, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cam kết chỉ định một ủy ban lớn để xem xét lại hệ thống bầu cử của đất nước và đề nghị những cải cách, và sau đó đã tuyên bố bãi bỏ Đạo luật An ninh Nội địa hà khắc. Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo của đảng đối lập và các tổ chức dân sự thấy đây chỉ là những lời hứa suông, mà bằng chứng là nỗ lực của Razak nhằm ban hành những đạo luật an ninh mới hà khắc để thay thế những đạo luật cũ. Sau khi giành quyền kiểm soát 5 trong 13 bang năm 2008, các lực lượng đối lập đã sẵn sàng để đạt được kết quả tốt hơn trong những cuộc bầu cử tiếp theo, có thể diễn ra trong năm 2012.

Liên minh đối lập mới Pakatan Rakyat đang mạnh lên, và nỗ lực của chế độ nhằm tiếp tục hạ bệ cựu phó thủ tướng Anwar Ibrahim với lời buộc tội bịa đặt về quan hệ đồng tính dường như ít đáng tin cậy hơn so với lúc thủ đoạn này được sử dụng lần đầu tiên cách đây vài năm. Thật ra mà nói, chế độ chuyên chế của Malaysia vẫn còn nhiều nguồn lực. Tuy nhiên, hiện nay những cải cách mà ông Razak đề xuất dường như là “quá ít và quá trễ”, khi mà “chủ nghĩa hoài nghi đã tràn ngập khắp đất nước”.[6] Quá trình chuyển đổi dân chủ có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong những năm tới, thông qua công cụ quen thuộc đã diễn ra trong các chế độ chuyên chế cạnh tranh khác: quá trình bầu cử.

Thái Lan kém phát triển hơn Malaysia, nhưng cũng đã có kinh nghiệm về dân chủ nhiều hơn và hiện nay cũng tự do và đa nguyên hơn. Mặc dù người Thái vẫn còn bị phân cực sâu sắc giữa một phe ủng hộ vị Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra và một phe tập hợp quanh thể chế quân chủ, nhưng các cuộc bầu cử quốc gia vẫn mang tính cạnh tranh cao và dường như đáp ứng được tiêu chuẩn “tự do và công bằng” của chế độ dân chủ bầu cử. Với chiến thắng áp đảo của đảng đối lập Pheu Thai mới (do em gái ông Thaksin là bà Yingluck Shinawatra lãnh đạo) trong các cuộc bầu cử quốc hội năm 2011, lực lượng chính trị mà quân đội đã phế truất trong cuộc đảo chính năm 2006 đã trở lại, và Thái Lan rõ ràng một lần nữa đã trở thành nền dân chủ bầu cử. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với một chặng đường chông gai phía trước, khi sự hiện diện ổn định của Vua Bhumibol (sinh năm 1927) đã trị vì trong thời gian dài sắp kết thúc.

Nếu kết quả cuối cùng là một nền quân chủ (gắn liền với giới quân sự) yếu hơn, thì điều này cuối cùng có thể giúp làm giảm bớt sự phân cực mạnh mẽ của đất nước và tạo ra một nền chính trị chín chắn và được thể chế hóa một cách vững chắc hơn. Ít nhất quân đội dường như đã học được từ tình trạng bất ổn và phân cực về chính trị của thập kỷ trước rằng sự can thiệp trực tiếp của họ sẽ không giải quyết được các vấn đề chính trị của đất nước. Mặc dù rõ ràng là họ thích Đảng Dân chủ nắm quyền, nhưng quân đội đã tuyên bố sự trung lập của họ trong cuộc bầu cử gần đây. Nếu cuộc đảo chính quân sự năm 2006 là cuộc đảo chính cuối cùng trong lịch sử Thái Lan, thì nền dân chủ sẽ bén rễ vững chắc hơn trong thập kỷ tới khi quá trình hiện đại hóa ngày càng nâng cao thu nhập và nền giáo dục. Như chúng ta đã thấy, Thái Lan có thu nhập bình quân đầu người và chỉ số phát triển con người xấp xỉ bằng với Ba Lan khi họ thực hiện quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ khoảng năm 1990 (xem Bảng).

Không chỉ có những nước Đông Nam Á giàu có hơn mới trải nghiệm làn gió của sự thay đổi dân chủ. Như nhà lãnh đạo dân chủ mang tính biểu tượng của Miến Điện Aung San Suu Kyi gần đây đã thừa nhận, rằng sự mở cửa về chính trị của đất nước, vốn bắt đầu vào năm 2008 giữa lúc chủ nghĩa hoài nghi đang lan rộng với nhiều cử tri bỏ phiếu trắng trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp, đột nhiên có vẻ khá nghiêm túc. Các công đoàn đã được hợp pháp hóa, sự kiểm duyệt Internet đã được nới lỏng và nhiều tù chính trị đã được trả tự do. Hiện nay, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi (đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử bị hủy bỏ năm 1990) đang chuẩn bị đăng ký và chạy đua vào quốc hội bằng các cuộc bầu cử bổ sung có thể được tổ chức vào cuối năm 2012. Như những gì đã xảy ra với các chế độ chuyên chế lựa chọn tự do hóa chính trị khác, những nhà cầm quyền chế độ chuyên chế của Miến Điện dường như đã bị ảnh hưởng bởi sự phát triển dân chủ ở các nơi khác trên thế giới, cũng như bởi những lợi ích kinh tế tương lai mà sự tự do hóa chính trị có thể mang lại. Như một cố vấn của Chủ tịch Miến Điện Thein Sein đã lưu ý vào tháng 12 năm 2011, “Tổng thống đã bị thuyết phục về tình hình thế giới; ông đã nhìn thấy nơi mà dòng chảy toàn cầu đang hướng đến.”[7]

Thay đổi sắp tới ở Trung Quốc

………….

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Trung Quoc va dan chu o Dong A.pdf

—————–

[1] Ví dụ, xem Yun-han Chu và các cộng sự, How East Asians View Democracy (New York: Columbia University Press, 2008), và các báo cáo khác của Asian Barometer, www.asianbarometer.org.

[2] Nhóm Ngân hàng Thế giới, Chỉ số Quản trị Toàn cầu, năm 2011, http://info.worldbank.org/governance/wgi/index.asp. Indonesia và Philippine lần lượt xếp ở phần trăm thứ 27 và 22 về kiểm soát tham nhũng và xếp ở phần trăm thứ 31 và 24 về pháp quyền. Ngược lại, Hàn Quốc xếp ở phần trăm thứ 69 và 81 về hai chỉ số này.

[3] Dữ liệu từ Vòng III của Asian Barometer.

[4] Học viên Nghiên cứu Chính trị (Singapore), “IPS Post-Election Survey 2011.” Gửi lời cảm ơn chân thành của tôi đến Tan Ern Ser vì đã chia sẻ bản sao của các tài liệu tóm tắt.

[5] Stephan Ortmann, “Singapore: Authoritarian but Newly Competitive,” Journal of Democracy 22 (tháng 2011): 153–64.

[6] Ooi Kee Beng, “In Malaysia, Reforms Take a Staggered Path,” TodayOnline, ngày 3 tháng 12 năm 2011, có sẵn trên www.todayonline.com/Commentary/EDC111203-0000021/In-Malaysia-reforms-take-a-staggered-path.

[7] “In Myanmar, Government Reforms Win Over Some Skeptics,” New York Times, ngày 30 tháng 11 năm 2011.