Quản trị một thế giới hỗn loạn

Print Friendly, PDF & Email

cgws_background

Tác giả: Anne-Marie Slaughter | Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Liệu chúng ta có thể xây dựng một trật tự thế giới đủ sức để gìn giữ được hòa bình và đảm bảo các nước tuân thủ luật chơi hay không? Đó là câu hỏi mà Henry Kissinger đặt ra trong cuốn sách mới của ông mang tên World Order (Trật tự Thế giới). Thật không may, đó là một câu hỏi sai lầm.

Kissinger định nghĩa “trật tự thế giới” như một khái niệm về các dàn xếp quốc tế công bằng và “được cho là có thể áp dụng được trên toàn thế giới.” Ví dụ, trước khi Liên minh châu Âu ra đời, châu Âu quan niệm trật tự thế giới là một sự cân bằng giữa các cường quốc mà trong đó nhiều tôn giáo và hình thức chính thể khác nhau có thể cùng tồn tại.

Hồi giáo, trên tư cách một nền văn minh và một tôn giáo, lại hình dung một trật tự thế giới tối ưu rất khác – một nhà nước Hồi giáo thần quyền (caliphate) mà trong đó đức tin và chính phủ là một và hòa bình lan rộng khắp Dar al-Islam, hay thế giới của người Hồi giáo. Đây chắc chắn không phải là niềm tin của tất cả các tín đồ Hồi giáo hay của chính phủ các quốc gia nơi người Hồi giáo chiếm đa số, nhưng chủ nghĩa cực đoan được các nhóm như Nhà nước Hồi giáo (IS) tán thành đang tìm cách truyền bá không chỉ những quy tắc ứng xử mà còn tuyên truyền cả một thế giới quan trọn vẹn.

Theo quan điểm của Kissinger, những khái niệm đối lập về trật tự thế giới đang nổi lên không chỉ ở Trung Đông mà còn ở châu Á. Trung Quốc vẫn đang tuân thủ theo luật chơi quốc tế nhưng ngày càng tỏ rõ hi vọng sẽ được đối xử như đất nước đứng đầu trong khu vực (như Mỹ từ lâu đã khẳng định vị trí của nó ở châu Mỹ). Thế nhưng, bởi Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ và đang đòi lại những gì họ tin là địa vị lịch sử của mình ở châu Á và trên thế giới, họ còn kiên nhẫn chờ được đến bao giờ mới đòi định hình lại các quy tắc quốc tế?

Nga đang công khai phá vỡ những quy tắc này và chẳng buồn biện hộ cho mình trước luật pháp quốc tế. Thay vào đó, họ tự hào lấy lại những vùng lãnh thổ mà điện Kremlin từng cai trị và đe dọa sẽ sử dụng vũ lực để “bảo vệ” người gốc Nga khỏi các mối đe dọa mà họ cho là có thật.

Khi Nga sáp nhập Crimea tháng 3 vừa qua, bà Kadri Liik đến từ Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại đã chỉ ra sự khác biệt rõ rệt so với cách họ giải quyết cuộc xâm lược Gruzia vào năm 2008. Về cơ bản, chính phủ Nga đã khiêu khích Gruzia tấn công trước và sau đó đưa ra một sự biện minh tinh vi nhằm chứng minh những hành động của họ là phù hợp với luật pháp quốc tế. Nhưng lần này, Kadri viết, “Moscow đã thách thức toàn bộ trật tự châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh, cùng hệ thống các quy tắc của nó.”

Hi vọng của Kissinger là những quốc gia này và các cường quốc đang lên như Ấn Độ, và có lẽ cả Brazil (ông loại Mỹ La-tinh khỏi những thảo luận của mình về trật tự thế giới), sẽ có thể đạt đươc thỏa thuận về một bộ quy tắc mà tất cả sẽ coi là hợp pháp, qua đó duy trì sự ổn định của cán cân quyền lực toàn cầu. Ông tin rằng nguyên tắc Westphalia[1] về sự đa dạng  cũng rất quan trọng, vì nó sẽ là cần thiết cho các quốc gia và các nền văn minh khác nhau hoạt động trên các nguyên tắc đối nội khác nhau.

Tuy nhiên, một trật tự thế giới có hiệu quả trong thế kỷ 21 phải làm được nhiều hơn ngoài việc gìn giữ hòa bình. Kissinger tập trung vào các mối quan hệ liên quốc gia – làm thế nào để một quốc gia tránh được chiến tranh với các nước khác trong khi vẫn  ngăn chặn được sự xâm lược hoặc các hành động khác có khả năng làm đảo lộn cán cân quyền lực khu vực hoặc toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ nhìn lướt qua mục tin thời sự chính của ngày hôm nay chúng ta cũng thấy rằng những gì có thể giết và trục xuất hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu người trong những thập kỷ tới nhiều khả năng sẽ là các mối đe dọa toàn cầu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, khủng bố và mạng lưới tội phạm, chứ không phải là chiến tranh giữa các quốc gia.

Đúng thế, cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã cướp đi hơn 3.000 sinh mạng. Nhưng những dự đoán hiện tại về sự lây lan của virus Ebola cho thấy tới tháng 1 năm sau sẽ có khoảng một triệu ca nhiễm bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đại dịch HIV/AIDS đã giết chết 36 triệu người, hơn mười triệu so với số quân nhân thiệt mạng trong Thế chiến II, cộng thêm 35 triệu người nhiễm bệnh.

Nhiều mối đe dọa toàn cầu có liên quan mật thiết với chiến tranh, nhưng nhiều khả năng đó là các cuộc nội chiến chứ không phải các cuộc chiến vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Khoảng 2/3 dân số Syria đã phải di tản do cuộc nội chiến của đất nước này, và hàng triệu người đang phải chịu đựng cuộc sống khó khăn trong các trại tị nạn.

Tình hình chăm sóc y tế thảm hại ở Liberia và Sierra Leone, nơi dịch Ebola đang hoành hành, phản ánh nhiều thập kỷ nội chiến khủng khiếp ở cả hai nước. Bạo lực tiếp diễn ở khu vực Hồ Lớn châu Phi lấy đi hàng triệu mạng sống của dân thường bắt nguồn từ nạn diệt chủng Rwanda năm 1994 và dòng người Hutu tị nạn đổ vào các nước láng giềng.

Hạn hán và lũ lụt gây ra bởi biến đổi khí hậu sẽ khiến hàng triệu người phải di tản, đầu tiên là vào các thành phố đông đúc và nhiều vấn đề, sau đó là qua biên giới sang các nước khác. Nga và Canada có thể sẵn sàng nhận họ bởi những vùng đất đai rộng lớn mới sẽ được khai hóa, nhưng nhiều nơi khác trên thế giới đã chật chội từ trước, điều có nguy cơ sẽ dẫn đến xung đột.

Duy trì hòa bình chủ yếu vẫn là vấn đề kiềm chế hoặc hạn chế. Sự hợp tác toàn cầu hiệu quả đòi hỏi nhiều hơn thế. Các chính phủ và các chủ thể quan trọng đến từ khối doanh nghiệp và xã hội dân sự phải cùng thông qua những kế hoạch hành động toàn diện.

Đến lượt mình, những kế hoạch này lại cần đến kinh phí, nhân lực, ý chí tập thể, và khả năng thực thi. Tuy nhiên, ngày hôm nay, dù phải đối mặt với một loại virus đang cướp đi sinh mạng của một nửa số người bị nhiễm và nguy cơ nó có thể xóa sổ một phần mười dân số toàn châu Phi, làm gián đoạn di chuyển hàng không, và cách ly mọi người trên thế giới, nhưng thế giới mới chỉ cung cấp được một phần nhỏ những hỗ trợ về vật tư và tài chính cần thiết.

Chúng ta đang sống trong một thế giới của các vấn đề toàn cầu nhưng các giải pháp phần lớn chỉ mang tính quốc gia. Các tổ chức, với khả năng phản ứng nhanh chóng và hiệu quả không kém gì các chính phủ của các nước có nền quản trị tốt, đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Các thể chế thời kỳ hậu Thế chiến II đã không còn đủ nữa. Đã đến lúc cần cải tổ lại chúng và đưa ra các cơ cấu và công cụ mới được thiết kế nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Anne-Marie Slaughter là cựu giám đốc hoạch định chính sách thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (2009-2011), Chủ tịch và Tổng giám đốc điều hành của New America Foundation, Giáo sư hưu trí ngành Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Princeton, thành viên Hội đồng Nghị sự Toàn cầu về Tương lai Quản trị thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Bà là tác giả của cuốn sách “The Idea That Is America: Keeping Faith with Our Values in a Dangerous World.”

Biên tập: Lê Xuân Hùng | Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate

———————-

[1] Nguyên tắc chủ quyền theo Hòa ước Westphalia là quan điểm cho rằng các quốc gia-dân tộc có chủ quyền trên lãnh thổ của họ, không chủ thể nước ngoài nào có quyền can thiệp vào trong biên giới của một quốc gia – ND.