Thách thức từ sự suy thoái của Nga

Print Friendly, PDF & Email

economist-Putin-cover

Nguồn: Joseph S. Nye , “The Challenge of Russia’s Decline,” Project Syndicate, 14/04/2015.

Biên dịch: Trần Hương Phong | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Khi châu Âu đang còn tranh cãi xem liệu có nên duy trì các biện pháp trừng phạt của họ đối với Nga hay không, chính sách xâm lược của Điện Kremlin đối với Ukraine vẫn tiếp tục không suy giảm. Nga đang ở trong cơn suy thoái dài hạn, nhưng nó vẫn đặt ra một mối đe dọa rất thực tế đối với trật tự quốc tế ở châu Âu và xa hơn nữa. Quả thực, sự suy thoái của Nga có thể khiến nó thậm chí còn nguy hiểm hơn.

Chắc chắn, những gì đang xảy ra ở Ukraine là sự xâm lược của Nga. Trò giả vờ của Tổng thống Vladimir Putin rằng quân đội Nga đã không tham gia vào cuộc chiến mới đây đã bị bại lộ khi một binh sĩ Nga ở Donetsk xác nhận với Đài BBC Nga ngữ rằng họ đang đóng vai trò quyết định trong những bước tiến của quân nổi loạn. Anh ta thuật lại rằng các sĩ quan Nga đã trực tiếp chỉ huy các hoạt động quân sự lớn ở miền Đông Ukraine, trong đó có cuộc bao vây và chiếm giữ trung tâm giao thông quan trọng của thành phố Debaltseve hồi tháng 2.

Nhưng mối đe dọa mà Nga đặt ra còn vượt ra ngoài Ukraine. Xét cho cùng, Nga là một trong những quốc gia có đủ tên lửa và đầu đạn hạt nhân để hủy diệt Hoa Kỳ. Khi ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị của Nga đã suy yếu, nó sẽ không tự nguyện xem xét từ bỏ vị thế hạt nhân của mình. Thật vậy, không những làm sống lại chiến thuật thời Chiến tranh Lạnh bằng việc đưa máy bay quân sự  vào không phận các nước Baltic và Biển Bắc mà không báo trước; Nga còn ngầm đe dọa hạt nhân chống lại những nước như Đan Mạch.

Sức mạnh của Nga không chỉ là vũ khí. Nước này còn được hưởng lợi từ lãnh thổ rộng lớn, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, và dân cư có trình độ, bao gồm vô số các nhà khoa học và kỹ sư có tay nghề cao.

Nhưng Nga cũng đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Nó vẫn là một “nền kinh tế một vụ” (“one-crop economy”), với ngành công nghiệp năng lượng chiếm hai phần ba khối lượng xuất khẩu. Và dân số của nó đang co hẹp lại – nhất là vì tuổi thọ trung bình của người Nga là 65 tuổi, ngắn hơn tròn một thập niên so với các nước phát triển khác.

Mặc dù những cải cách theo hướng tự do có thể chữa khỏi bệnh cho nước Nga, một nghị trình như vậy chưa chắc sẽ được chấp thuận trong một quốc gia tham nhũng tràn lan với giới lãnh đạo rõ ràng là phi tự do. Putin, xét cho cùng, đã tìm cách thúc đẩy một bản sắc tân chủ nghĩa ái Slavơ (neo-Slavophile) được định nghĩa trước hết bằng mối nghi ngờ về ảnh hưởng của văn hóa và trí thức phương Tây.

Thay vì phát triển một chiến lược để phục hồi nước Nga về dài hạn, Putin đã thông qua một cách tiếp cận phản động và cơ hội – một phương pháp mà đôi khi có thể thành công nhưng chỉ trong ngắn hạn – để đối phó với bất ổn trong nước, các mối đe dọa từ bên ngoài được cảm nhận, và sự yếu kém của các nước láng giềng. Putin tiến hành chiến tranh phi truyền thống ở phía Tây, trong khi theo đuổi mối quan hệ thân thiết hơn với phương Đông, nâng cao khả năng sẽ có ngày Nga trở thành đối tác cấp thấp (junior partner) của Trung Quốc mà không cần tiếp cận vốn, công nghệ, và các mối quan hệ của phương Tây, những thứ mà Nga cần để đảo ngược tiến trình suy thoái của nó.

Nhưng vấn đề của Nga không chỉ là Putin. Dù rằng Putin đã “gieo mầm” chủ nghĩa dân tộc ở Nga (theo Giáo sư Timothy Colton, Đại học Harvard, tại một cuộc họp mới đây của Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai, Putin đã tự gọi mình là “nhà dân tộc chủ nghĩa lớn nhất” của nước này), ông ta đã tìm được mảnh đất màu mỡ để “cày cấy”. Do những nhà lãnh đạo cấp cao khác – ví dụ như Dmitry Rogozin, người đã tán đồng một cuốn sách kêu gọi đưa Alaska quay về với Nga hồi tháng 10 năm ngoái – cũng là những nhà dân tộc chủ nghĩa cao độ, người kế nhiệm Putin có thể sẽ không phải là người có tư tưởng tự do. Vụ ám sát Boris Nemtsov, cựu Phó Thủ tướng và là nhà lãnh đạo đối lập (của Putin), đã củng cố giả thiết này.

Vậy là Nga có vẻ không thể tránh khỏi tiếp tục suy thoái – một kết quả mà không có lý gì đáng ăn mừng ở phương Tây. Các quốc gia đang ở trong cơn suy thoái – hãy nhớ đến Đế quốc Áo-Hungary năm 1914 – có xu hướng trở nên ít sợ rủi ro hơn và do đó nguy hiểm hơn nhiều. Trong mọi trường hợp, một nước Nga thịnh vượng sẽ đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế trong dài hạn.

Trong khi đó, Hoa Kỳ và châu Âu đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về chính sách. Một mặt, điều quan trọng là phải chống lại thách thức của Putin đối với nguyên tắc cơ bản rằng các quốc gia không được sử dụng vũ lực để xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Dù các biện pháp trừng phạt sẽ không thể thay đổi tình hình Crimea hay dẫn đến việc binh lính Nga phải rút khỏi Ukraine, chúng đang ủng hộ nguyên tắc đó bằng cách chứng tỏ rằng không thể vi phạm nó mà không bị trừng phạt.

Mặt khác, điều quan trọng không kém là không được cô lập Nga hoàn toàn nếu xét đến những lợi ích chung của Nga với Mỹ và châu Âu liên quan đến an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân, chủ nghĩa khủng bố, vũ trụ, Bắc Cực, Iran và Afghanistan. Không nước nào được hưởng lợi từ một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Dung hòa những mục tiêu này không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là với việc Ukraine đang tiếp tục khủng hoảng. Tại Hội nghị An ninh ở Munich hồi tháng 2, nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đã ủng hộ việc trang bị vũ khí cho Ukraine – một biện pháp có thể làm tình hình trầm trọng thêm do Putin đang chiếm ưu thế về lực lượng quân sự truyền thống ở đó. Với việc các nhà lãnh đạo Đức, trong đó có cả Thủ tướng Angela Merkel, phản đối cách tiếp cận này, việc Mỹ theo đuổi nó cũng sẽ làm chia rẽ phương Tây và tăng cường hơn ảnh hưởng của Putin.

Các quốc gia khác tại Hội nghị cũng cho rằng phương Tây nên thay đổi trò chơi bằng cách trục xuất Nga khỏi hệ thống giao dịch tài chính liên ngân hàng quốc tế (SWIFT), khuôn khổ quốc tế cho việc thanh toán các khoản thanh toán ngân hàng. Nhưng các nhà phê bình đã chỉ ra rằng điều này sẽ gây thiệt hại cho SWIFT và phương Tây, theo đó các ngân hàng của họ sẽ mất hàng trăm tỷ đô la mà Nga hiện đang nợ. Về phần mình, Nga đã cảnh báo một cách không chính thức rằng đây sẽ là “sự lựa chọn hạt nhân thực sự.”

Việc thiết kế và thực hiện một chiến lược nhằm hạn chế được hành vi xét lại của Putin, đồng thời vẫn đảm bảo sự can dự quốc tế về dài hạn của Nga, là một trong những thách thức quan trọng nhất mà Mỹ và các đồng minh của nó đang phải đối mặt hiện nay. Hiện tại, sự đồng thuận về chính sách dường như là duy trì các biện pháp trừng phạt, giúp cải thiện nền kinh tế Ukraine, và tiếp tục tăng cường sức mạnh của NATO (một kết quả mà chắc chắn Putin không mong muốn). Còn ngoài ra, những gì xảy ra phần lớn phụ thuộc vào chính Putin.

Joseph S. Nye là cu tr lý B trưởng Quc phòng, ch tch Hi đng Tình báo Quc gia Hoa Kỳ, và là giáo sư ti Đi hc Harvard. Gn đây nht, ông là tác gi ca cun Presidential Leadership and the Creation of the American Era (Lãnh đạo của Tổng thống và sự hình thành Kỷ nguyên Hoa Kỳ).