Trung Quốc ghi điểm, Hoa Kỳ nên làm gì tiếp theo?

Print Friendly, PDF & Email

Ratner_ChinaScores

Nguồn: Matthew Goodman & Ely Ratner, “China Scores And What the United States Should Do Next”, Foreign Affairs, November 23, 2014.

Biên dịch: Trần Quốc Nam | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

Trung Quốc đã quay lại. Gần hai thế kỷ sau khi đánh mất vị trí trung tâm truyền thống trong các vấn đề châu Á, Bắc Kinh đã bắt đầu định hình và chứng tỏ rằng nước này đang phục hồi lại vị thế lãnh đạo của mình trên đấu trường khu vực.

Điều này đã được thể hiện đầy đủ trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), một nhóm gồm 21 nền kinh tế ở cả hai bờ Thái Bình Dương, mới kết thúc gần đây. Là nước chủ nhà năm nay, Bắc Kinh không chỉ trải thảm đỏ cho lãnh đạo từ các nước còn lại trong khu vực mà  còn công bố một loạt sáng kiến quan trọng được thiết kế để đặt Trung Quốc vào trung tâm của tương lai kinh tế châu Á.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ quan điểm của mình về một “giấc mơ châu Á-Thái Bình Dương”  cùng phát triển và thịnh vượng, giọng điệu hùng hồn này còn ít gây chú ý hơn so với các đề xuất cụ thể và nguồn lực mà Trung Quốc tung ra để thực hiện. Với những hứa hẹn về gần 100 tỷ USD cho các khoản vay và đầu tư nước ngoài, Bắc Kinh đã sử dụng hội nghị APEC năm nay để thiết lập một ngân hàng tín dụng đa phương về cơ sở hạ tầng mới, khởi động một “Quỹ Con đường Tơ lụa” để kết nối Trung Quốc với các láng giềng phía tây của mình, và thúc đẩy tiến trình hướng tới một khu vực Thương mại tự do toàn châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). Khi làm như vậy, ông Tập thông báo cho quan khách của mình rằng, “Trung Quốc có khả năng và ý chí để cung cấp nhiều hàng hóa công hơn cho châu Á-Thái Bình Dương và toàn thế giới.”

Việc Trung Quốc phục hồi lại sự tích cực của mình trong khu vực diễn ra nhanh hơn người ta kỳ vọng. Sau nhiều thập kỷ không thấy một cường quốc nào khác có khả năng và tự tin đến vậy, Washington sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp (với sự trỗi dậy của Trung Quốc), theo bốn nguyên tắc sau.

Thứ nhất, kinh tế là yếu tố hàng đầu ở châu Á và sẽ phải là mặt trận chủ đạo và trọng tâm trong chính sách của Mỹ trong những năm tới. Mặc dù cạnh tranh quân sự và tranh chấp lãnh thổ trong khu vực là thực tế hiển nhiên, nhưng quyền lãnh đạo và tầm ảnh hưởng vẫn đến từ cái ví chứ không phải từ cây súng. Vì lý do đó, chính quyền Obama đã đúng khi nỗ lực phấn đấu để kết thúc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận giữa 12 nước giúp củng cố các tiêu chuẩn cao trong thương mại khu vực. Để làm như vậy, tổng thống sẽ phải làm việc chặt chẽ với Quốc hội mới do đảng Cộng hòa chi phối để thông qua Thẩm quyền Xúc tiến Thương mại (quyền cho phép Tổng thống Mỹ đàm phán các hiệp ước quốc tế mà Quốc hội chỉ có quyền phủ quyết hoặc thông qua mà không có quyền sửa đổi nội dung – NBT).

Nhưng rộng hơn, chính sách thương mại và vấn đề quản lý kinh tế của Hoa Kỳ có thể không còn là phạm vi của riêng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, hay thậm chí là của Bộ tài chính nữa. Tổng thống, Cố vấn An ninh Quốc gia và Ngoại trưởng nên xem kinh tế, thương mại, đầu tư và phát triển là các yếu tố cốt lõi trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Điều đó sẽ đòi hỏi Hoa Kỳ phải có tính toán trong việc đưa các sáng kiến có ý nghĩa phục vụ nhu cầu của khu vực đồng thời là điểm mạnh của Hoa Kỳ, như trong các lĩnh vực năng lượng sạch, tài chính, và giáo dục đại học. Giữ thế phòng thủ trước sự chủ động về kinh tế của Trung Quốc là một chiến lược thất bại.

Thứ hai, như Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhắc lại trong chuyến công du gần đây tới Châu Á, Washington cần phải chú trọng hơn tới cam kết rằng họ hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc và sẵn sàng ngồi chung mâm với Bắc Kinh. Chuyển từ một thế giới G-7 sang G-20 là một bước đi ý nghĩa đúng hướng. Nhưng sự miễn cưỡng của Quốc hội Mỹ trong việc thông qua các cải cách hạn ngạch tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế vốn sẽ tăng quyền biểu quyết của Trung Quốc lên một mức tương xứng hơn với sức mạnh kinh tế của nước này, đã củng cố nhận thức của Bắc Kinh rằng các hệ thống hiện thời đang chống lại họ. Ai có thể trách Trung Quốc khi họ cân nhắc đến các thể chế thay thế hay cạnh tranh khác khi tiếng nói của họ bị ngăn cản một cách không công bằng trong các thể chế hiện hữu?

Thứ ba, Washington không nên ngần ngại trong việc gạt bỏ các sáng kiến của Trung Quốc khi họ làm trái những thông lệ quốc tế được chấp nhận rộng rãi. Nhưng cần phải làm điều đó một cách minh bạch và có nguyên tắc. Đây chính là bí quyết rút ra từ trường hợp Trung Quốc nỗ lực thành lập một Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng mới(AIIB), Washington đã từ chối tham gia cho đến khi Bắc Kinh làm rõ là ngân hàng này sẽ giữ vững những tiêu chuẩn cơ bản về môi trường, mua sắm, và các tiêu chuẩn khác ra sao.

Mặc dù chính phủ Australia, Hàn Quốc và khắp châu Âu đều có nhận thức tương tự về ngân hàng này, Mỹ chưa từng thể hiện các mối quan tâm của mình đầy đủ và rõ ràng dẫn đến những chuyện phóng đại về việc Washington vận động hậu trường và phá rối (thọc gậy bánh xe) để cản trở các nỗ lực của Trung Quốc. Thời gian tới, các quan chức hàng đầu của Mỹ nên sẵn sàng công khai các tiêu chuẩn quản trị và cho vay phù hợp.

Cuối cùng, Hoa Kỳ nên sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh để định hình các sáng kiến của Trung Quốc. Mặc dù các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh cũng chẳng sẵn lòng thừa nhận nhưng họ vẫn còn phải học nhiều thứ. Trong thực tế, bất chấp quyết tâm và tiền bạc gần như vô hạn của Trung Quốc, AIIB và FTAAP cũng chẳng thể đáp ứng được những tham vọng nguyên thủy của Bắc Kinh. Cả hai thực chất đã bị gác lại khi rõ ràng là chúng gây tổn hại cho các chuẩn mực thông dụng – những quy chuẩn đã phục vụ lợi ích của Trung Quốc trong hơn 30 năm tăng trưởng nhanh chóng.

Theo đó, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc nên tỏ ra khiêm nhường và thông minh hơn trong việc theo đuổi lợi ích của mình trong thế kỷ 21. Washington sẽ phải học cách sống chung với quyền lực và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, và Bắc Kinh nên cẩn thận không để ném chuột vỡ bình khi cố gắng tái định hình trật tự kinh tế toàn cầu.