Tại sao các bức tường biên giới kém hiệu quả?

Print Friendly, PDF & Email

main_900 (1)

Nguồn: Reece Jones, “Why Border Walls Fail”, Project Syndicate, 18/09/2015.

Biên dịch: Hiếu Minh | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

Năm nay có thể được xem là năm của những bức tường biên giới. Trong năm 2015, Estonia, Hungary, Kenya, Ả rập Saudi và Tunisia đã thông báo hoặc bắt đầu xây rào chắn ở biên giới nước mình. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hoá, nhưng rất nhiều quốc gia đang ngày càng tập trung vào việc hạn chế sự tự do di chuyển của con người.

Cho đến cuối Thế Chiến II, cả thế giới chỉ có năm bức tường biên giới. Ngày nay, theo Elisabeth Vallet từ Đại học Quebec, Montreal, đã có 65 bức tường, ba phần tư trong số đó được xây trong vòng 20 năm trở lại đây. Ở Mỹ, các ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hoà còn hứa hẹn sẽ xây thêm nữa. Donald Trump – ứng cử viên nặng ký của Đảng Cộng hoà – đã liên tục đề xuất xây một bức tường dọc theo toàn bộ biên giới Mỹ – Mexico. Trong một chương trình truyền hình sáng Chủ nhật, một ứng viên Đảng Cộng hoà khác, Thống đốc Wisconsin Scott Walker, đã mô tả việc xây dựng một bức tường dọc biên giới Mỹ – Canada là “một vấn đề hợp lý có thể xem xét”.

Thế nhưng thực tế là những bức tường biên giới hiện tại không hề rẻ và cũng không hiệu quả. Bức tường mà Israel xây ở khu Bờ Tây tiêu tốn hơn 1 triệu USD cho mỗi dặm. Theo Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, việc xây dựng và bảo trì hàng rào biên giới dài 670 dặm giữa Mỹ và Mexico tiêu tốn 6,5 tỷ USD cho một chu kỳ sử dụng dự kiến 20 năm. Theo giá này, xây dựng hàng rào ở 1.300 dặm biên giới còn lại với Mexico sẽ tốn hơn 12,6 tỷ USD. Xây một bức tường dọc theo biên giới dài 5.525 dặm với Canada sẽ tốn gần 50 tỷ USD và bức tường đó sẽ chạy ngang qua một đường băng sân bay, một nhà hát opera, cũng như nhiều nhà cửa và công ty nằm trên đường biên giới này.

Cũng không có nhiều bằng chứng cho thấy các bức tường biên giới sẽ mang lại hiệu quả như dự kiến. Chắc chắn là thực tiễn tại các nhà tù đã chứng minh rằng những bức tường ngắn được canh giữ cẩn mật có thể ngăn chặn việc di chuyển cực kỳ hiệu quả. Nhưng tường nhà tù cũng chỉ có hiệu quả tương đương với những người lính gác chịu trách nhiệm đảm bảo bức tường không bị phá, mà lính gác thì rất dễ bị mua chuộc. Vụ đào thoát mới đây của tên trùm buôn ma tuý Joaquin “El Chapo” Guzman khỏi một nhà tù ở Mexico cho thấy một điểm yếu khác của tường biên giới: đường hầm. Từ năm 1990, Lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ đã tìm thấy 150 đường hầm dưới đường biên giới Mỹ – Mexico. Những ai có tiền sẽ luôn có thể vượt biên với giấy tờ giả, hối lộ hoặc công cụ tân tiến.

Thực tế, củng cố biên giới (bằng các hàng rào) chỉ hiệu quả nhất đối với việc ngăn chặn dân di cư nghèo và dân tị nạn. Tuy vậy, thay vì ngăn chặn dân nhập cư, các bức tường biên giới kiên cố thường đẩy họ đến những điểm vượt biên nguy hiểm hơn. Kết quả là số lượng tử vong dự kiến tăng cao. Tổ chức Di trú Quốc tế ước tính có khoảng 40.000 người đã chết khi cố vượt biên trong khoảng từ năm 2005 đến 2014.

Không như tường vây quanh nhà tù, biên giới có thể kéo dài hàng ngàn dặm, điều này làm cho việc quản lý biên giới hết sức khó khăn. Lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ hiện có hơn 20.000 người; nhưng cho dù tất cả những người này cùng làm việc một lúc, mỗi người vẫn phải gác một đoạn biên giới dài tới 1.700 feet (khoảng 518 mét).

Tất nhiên các thiết bị như camera, cảm biến phát hiện di chuyển, máy bay không người lái, trực thăng và các phương tiện chuyên chở cho phép lính tuần theo dõi một đoạn biên giới dài. Nhưng sự cấp thiết của việc quản lý biên giới chỉ ra một sự thật cơ bản: lịch sử cho thấy đa số những biện pháp này là vô ích. Nhiều đoạn của Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc đã bị tàn phá chỉ sau vài chục năm xây dựng. Khi Đức xâm lược Pháp trong Thế Chiến II, người Đức đơn giản là đi vòng qua tuyến phòng thủ Maginot.[1] Bức tường Berlin cũng sụp đổ 30 năm sau ngày xây dựng.

Thực ra lính canh biên giới và các thiết bị có thể có hiệu quả mà không cần đến một rào chắn vật lý. Trong trường hợp hiệu quả nhất, tường thành và rào chắn chỉ làm giảm tốc độ (vượt biên) của con người lại, và do đó là một sự đầu tư lãng phí từ góc nhìn an ninh. Từ góc nhìn quân sự chúng cũng không hiệu quả. Tên lửa và máy bay có thể bay qua, còn xe tăng có thể nghiền nát tường và rào chắn.

Tuy vậy, mặc dù xây dựng tốn kém và hiệu quả thấp, tường biên giới vẫn thường được các nhà làm chính sách và chính trị gia dùng đến. Chúng là bằng chứng hữu hình cho thấy người ta đang làm gì đó (để đối phó) với vấn đề di cư. Giám sát công nghệ cao và quân lính trên mặt đất có thể ngăn chặn người vượt biên hiệu quả hơn nhưng một bức tường có thể được sử dụng như một công cụ chính trị.

Nếu Trump có xây một bức tường, ông ta nên xây một bức tường thật đẹp như Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc. Rồi một ngày nào đó nó có thể trở thành một điểm tham quan và cuối cùng cũng có chút ích lợi .

Reece Jones là giáo sư Địa lý tại Đại học Hawaii – Manoa, là tác giả của cuốn sách “Border Walls: Security and the War on Terror in the United States, India, and Israel” và cuốn “The Violence of Borders” sắp xuất bản.

Hình: Một chiếc xe đang cố gắng vượt qua hàng rào biên giới Mỹ – Mexico. Nguồn: The Atlantic.

—————–

[1] Tuyến phòng thủ Maginot là một công trình xây dựng quân sự kiên cố do Pháp xây trước Thế Chiến II để bảo vệ biên giới phía Đông của Pháp nhằm làm chậm bước tấn công của quân địch, tạo đủ thời gian để lực lượng từ trung tâm kéo ra, đồng thời buộc quân địch phải tấn công nước Bỉ nếu muốn kéo qua biên giới. Trên thực tế năm 1940 Đức vẫn tấn công Bỉ, chọc ngang sườn của phòng tuyến Maginot và tiến sang dễ dàng. Quân Đức Quốc Xã tấn công vào ngay điểm cầm cự mạnh nhất bằng lính dù và pháo kích. Trong vòng hai ngày thì tuyến phòng thủ vỡ.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Why Border Walls Fail

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]