Phản ứng của Trung Quốc đối với tranh luận về Viện Khổng Tử

Print Friendly, PDF & Email

0013729e47711226458f3b

Nguồn: Nathan Beauchamp-Mustafaga, “A spoiled Anniversary: China Reacts to Confucius Institute Controversy”, China Brief, Volume 14, Issue 19, 10/10/2014.

Biên dịch: Nguyễn Thị Thùy Trang | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

Ngày 27/9/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kỷ niệm “Ngày Học viện Khổng Tử”  để đánh dấu 10 năm ngày thành lập học viện đầu tiên vào tháng 11/2004 ở Hàn Quốc. Nhưng những lời chỉ trích ngày càng tăng về chương trình của Học viện Khổng Tử tại Mỹ, nơi có số lượng Học viện Khổng Tử lớn nhất trên toàn thế giới, đã làm u ám cả bầu không khí tự tán tụng này. Phản ứng của truyền thông Trung Quốc là xem sự chỉ trích này là có động cơ chính trị do tâm lý tự ti bắt nguồn từ sự suy thoái của Mỹ cũng như do tiêu chuẩn kép giả tạo trong vấn đề trao đổi văn hóa, thậm chí còn liên hệ sự việc này đến âm mưu tham gia của Mỹ vào những cuộc biểu tình đang diễn ra tại Hong Kong.

Kỷ niệm 10 năm thành lập Học viện Khổng Tử

Truyền thông Trung Quốc truyền bá rộng rãi về dịp kỷ niệm 10 năm trong suốt tháng 9 vừa qua, lên đến đỉnh điểm là một bài báo trên trang bìa của tờ People’s Daily đăng lời phát biểu chúc mừng của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng “Học viện Khổng tử thuộc về Trung Quốc và thế giới”. Ông tự hào nhắc lại rằng hiện có 456 Học viện Khổng Tử có mặt tại 123 quốc gia trên toàn thế giới, cùng với 713 Lớp học Khổng tử (tương đương với trường tiểu học) giảng dạy cho tổng cộng khoảng 850.000 học sinh. Trong số đó, riêng năm vừa qua đã có thêm 16 học viện tại 8 quốc gia mới.

Mặc dù Học viên Khổng Tử là một phần di sản trong chiến dịch của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhằm phát triển và đưa sức mạnh mềm của Trung Quốc ra thế giới, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kế thừa nó trong vai trò một nhà tài trợ đầy hãnh diện. Trong chuyến thăm Châu Âu vào tháng 3, ông đã ghé thăm Học viện Khổng Tử tại Đức và tham gia lễ ký thành lập Học viện ở Brazil trong chuyến thăm Nam Mỹ vào tháng 7 (Guangming Daily, 30/3; Hanban 25/7).

Trong chuyến thăm Học viện ở Đức, Tập Cận Bình nói về lý lẽ tồn tại của các Học viện Khổng Tử, cho rằng “một số người có thành kiến không tốt về Trung Quốc và điều này chủ yếu là do sự không quen thuộc, xa cách và hiểu lầm gây ra” (Guangming Daily, 30/3). Dù Tập Cận Bình không liên hệ trực tiếp những mục tiêu về sức mạnh mềm của Học viện với sáng kiến “giấc mơ Trung Hoa” của ông, Phó Thủ tướng Lưu Diên Đông đã phát biểu trong một hoạt động kỉ niệm rằng “Ngày nay, Học viện Khổng Tử được ví như đã trở thành một đường sắt cao tốc về tinh thần kết nối mọi người từ nhiều nước và là một sợi dây đầy màu sắc kết nối Giấc mơ Trung Hoa và giấc mơ của mọi người ở những nước khác (CCTV, 27/9)

Những trường đại học ở Mỹ cân nhắc lại việc hợp tác (với Viện Khổng Tử)

Nhiều trường đại học và tổ chức giáo dục ở Mỹ đã dừng việc liên danh hoặc từ chối hỗ trợ của Học viện Khổng tử kể từ mùa hè năm nay. Trong tháng 6, Hiệp hội Giáo sư đại học Mỹ (AAUP) phát hành một báo cáo kêu gọi “các trường đại học dừng can dự vào Học viện Khổng tử” (AAUP, tháng 6). AAUP phát biểu rằng những trường đại học nước Mỹ đã “hy sinh sự liêm chính của trường và đội ngũ giảng viên của họ”, từ khi Học viện Khổng Tử “thúc đẩy chính sách  của nhà nước (Trung Quốc) trong việc tuyển dụng và quản lý giảng viên, trong việc lựa chọn giáo trình và trong việc hạn chế tranh luận”.

Vào ngày 25/9, 2 ngày trước lễ kỷ niệm Ngày Học viện Khổng Tử theo dự kiến, Đại học Chicago đã tuyên bố ngừng thương lượng về việc gia hạn hợp đồng với Học viện Khổng tử cho học kỳ tiếp theo. Sau đó, vào ngày 1/10 Đại học Pennsylvania (Penn State) thông báo họ sẽ kết thúc hợp tác với Viện vào cuối năm nay và cho rằng “nhiều mục tiêu giáo dục của họ không phù hợp với mục tiêu của Viện Khổng Tử” (Penn State, 1/10). Những thông báo này theo sau hàng loạt chỉ trích từ toàn bộ giảng viên và sự lo lắng của phụ huynh học sinh ở Mỹ và những nước khác trên thế giới.

Nước Mỹ đã mất đi sự tự tin vốn có

Phản ứng của truyền thông Trung Quốc là bất ngờ, giận dữ và đầy thuyết âm mưu. Phản ứng chính đối với những thông báo này xuất hiện vào ngày 06/10 khi tờ Global Times công bố một bài báo công kích nhằm vào chủ nghĩa đế quốc về văn hóa của Mỹ. Tác giả Wang Dehua – người đã công khai chỉ trích nhân vật hoạt hình Doraemon của Nhật hồi tháng 9 – giải thích rằng việc kết thúc (hợp tác – NBT) đúng vào kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh Trung Quốc là một tín hiệu phản kháng mạnh mẽ của Mỹ đối với văn hóa Trung Quốc, và bối cảnh chung cho thấy nước Mỹ đang đi xuống và Trung Quốc đang đi lên (Global Times 26/9 và 6/10). Bác bỏ những mối lo ngại của Mỹ cho rằng “Viện Khổng Tử được xem như là một cơ sở tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, với mục đích truyền bá tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc và do đó vi phạm tự sự tự do về học thuật,” Wang cáo buộc Mỹ sử dụng tiêu chuẩn kép bằng việc đánh đồng tự do học thuật với sự tự do nói chung: “Sự thật là văn hóa của Mỹ có thể tự do thâm nhập vào những nước khác, nhưng văn hóa của những nước khác không thể tự do vào Mỹ (Global Times 6/10).

Phản ứng của Wang mạnh mẽ đến vậy có thể vì bầu không khí căng thẳng xung quanh các cuộc biểu tình ở Hong Kong và nhu cầu gia tăng nội dung bài ngoại trên tờ Global Times vốn mang đậm tính dân tộc chủ nghĩa. Wang khẳng định là việc cấm Học viện Khổng Tử hoạt động là vì một phần giới trí thức ở Mỹ “thiếu sự tự tin vào văn hóa và hệ thống của họ” giống như khi so sánh với lịch sử hàng ngàn năm của Trung Quốc, “nền văn hóa cướp biển (pirate culture) của Mỹ chỉ mới 200 năm tuổi […] và họ cảm thấy xấu hổ và sợ sệt!” Phát biểu về những cuộc biểu tình ở Hong Kong, Wang cho rằng Trung tâm Hong Kong – Mỹ thuộc Trường đại học Hong Kong thật ra là một cơ sở đào tạo do Lãnh sự quán Mỹ hậu thuẩn (để huấn luyện) cho những người biểu tình trong chiến dịch Chiếm lĩnh Trung hoàn.

Những chỉ trích của Mỹ mang tính chính trị

Trong khi phản ứng của truyền thông Trung Quốc đối với các trường đại học là mang tính giật gân nhưng hạn chế, phản ứng của truyền thông Trung Quốc đối với lời kêu gọi chấm dứt hợp tác của Hiệp hội Giáo sư đại học Mỹ hồi tháng 6 lại rộng  hơn và tập trung hơn vào việc trấn an độc giả trong nước. Đầu tiên, tờ People’s Daily phát hành các bài phỏng vấn với Giám đốc các Viện Khổng Tử ở 9 nước, tất cả đều cho rằng Viện Khổng Tử chưa bao giờ vi phạm về tự do học thuật và sự cáo buộc của AAUP là “hoàn toàn sai”, “phi lý và nực cười” và “bắt nguồn từ động cơ chính trị” (People’s Daily, 20/6). Bài báo còn nói thêm về mục đích của Viện Khổng Tử là đẩy mạnh trao đổi và hiểu biết văn hóa như tuyên bố về sứ mệnh của chúng đã đề ra.

Cùng ngày, tờ Global Times đề cập tới nhận định của AAUP bằng cách liệt kê hàng loạt lời cáo buộc tương tự (Global Times, 20/6).  Bài báo khẳng định: Những Học viện này giống với các chương trình của phương Tây khác; tất cả những hoạt động quảng bá văn hóa đều là vì mục đích chính trị; Nước Mỹ không tự tin, áp dụng tiêu chuẩn kép và tâm lý Chiến tranh lạnh; và rằng sự lo ngại của Mỹ là do không hiểu biết về Trung Quốc. Hai ngày sau, Tân Hoa Xã đăng một bài bình luận của một cựu giáo viên Học viện Khổng Tử ở Mỹ, nói về “sự thật về Học viện Khổng Tử ở Mỹ” (Xinhua, 22/6). Tác giả đã khẳng định tự do học thuật không phải là một vấn đề bởi vì tác giả đã thảo luận về “dân chủ kiểu Trung Quốc” và “chế độ dân chủ phi phương Tây” với những học sinh trong Học viện Khổng Tử này.

Nỗ lực của truyền thông Trung Quốc nhằm mô tả những chỉ trích đối với Học viện Khổng Tử là mang động cơ chính trị thật ra lại phản ánh sự không an tâm trong nội bộ hệ thống chính trị của Trung Quốc. Tháng 5/2012, một chỉ thị từ Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề cấp visa cho những giáo viên Trung Quốc đến dạy tại các Học viện Khổng Tử được (Trung Quốc) giải thích như là một phản ứng dữ dội do lo ngại của Mỹ về thành công của chương trình và những mối quan ngại về chính trị trong cuộc chay đua bầu cử tổng thống năm 2012 (Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 17/5/2012, Global Times 24/5/2012).

Một bài báo trên tờ Global Times số tháng 6 năm nay đi đến cùng vấn đề –  cho rằng quyết định của Mỹ trả lại khoản bồi thường (do thiệt hại gây ra) từ cuộc khởi nghĩa Nghĩa hòa đoàn (Boxer Rebellion) và sử dụng số tiền đó để thành lập Đại học Thanh Hoa là “mang tính chính trị”; rằng giáo dục kiểu phương Tây ở Trung Quốc “mang tính chính trị, ý thức hệ và thậm chí có liên quan đến quân sự”; mối quan ngại của Mỹ về Viện Khổng tử là “sự tiếp tục của Chủ nghĩa McCarthy (tức chống cộng – NBT)”, cùng với việc Mỹ “Tái cân bằng sang Châu Á” và buộc tội năm sĩ quan của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (vì các cáo buộc an ninh mạng –NBT) là “một động thái chính trị”.

Bài học từ nỗi đau

Trong lúc đó, truyền thông Trung Quốc cũng đã cố gắng vượt qua những lời chỉ trích. Một bài báo trên tờ People’s Daily năm 2012 đã nhắc lại “nỗi đau đang lớn dần và không tránh khỏi” của các Học viện Khổng trong quá trình giải quyết các quan niệm sai lầm và trở ngại, do “một số nước phương Tây nhìn nhận Học viện Khổng Tử như một công cụ chính trị” (People’s Daily, 19/12/2012). Trong khi truyền thông Trung Quốc không đề cập đến những khác biệt cốt lõi giữa Học viện và các chương trình của các nước khác  – nghĩa là chỉ có Trung Quốc trực tiếp đặt các Học viện Khổng tử trong các trường học (trong khi các tổ chức như Hội đồng Anh, Viện Goethe… đứng độc lập – NBT) – bài viết đã thừa nhận rằng “tham gia vào hệ thống giáo dục được xem như việc Học viện Khổng Tử mở đường để “tiến vào” nước chủ nhà.”

Đồng thời, điều này chứng tỏ rằng chính phủ Trung Quốc đã nhận thấy được nguyên nhân sâu xa của sự chỉ trích – mối quan hệ chặt chẽ của chương trình này với chính phủ –  nhưng lại không sẵn sàng cho phép Học viện trở nên độc lập và tự phát triển. Có vẻ là bất chấp việc “Giấc mơ Trung Hoa” của Tập Cận Bình nhấn mạnh sự tự tin của Trung Quốc, giới lãnh đạo nước này còn lâu mới sẵn sàng để sức mạnh mềm của Trung Quốc được xuất phát từ phía người dân chứ không phải từ  Đảng cộng sản Trung Quốc.