Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (05/01/2015)

Print Friendly, PDF & Email

650x

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Đối với một đất nước nơi các thông tin quốc phòng quan trọng ít được công bố rộng rãi, hoặc nếu đã công bố thì chứng tỏ các thông tin đó đã cũ hoặc đã “được phép tiết lộ”, thì việc theo dõi các diễn đàn mạng liên quan đến quốc phòng cũng là một chỉ dấu mang tính tham khảo nhất định. Việt Nam không phải ngoại lệ. Trong vòng nửa tháng trở lại đây, các diễn đàn trở nên “sôi động” khi có thông tin cho rằng quân đội Việt Nam đã lựa chọn xong ứng viên thay thế cho tiêm kích Mig-21 già cỗi, vốn đã từng là xương sống của Không quân trong kháng chiến chống Mỹ.

Tranh luận diễn ra sôi nổi, tuy nhiên nếu như những “tin đồn” này là sự thực, thì có thế thấy rằng Không quân vẫn muốn thay thế Mig-21 bằng một loại máy bay một động cơ đơn nhiệm với khả năng chiếm ưu thế trên không mạnh mẽ. Điều này trái với một dòng suy đoán khác trong những năm gần đây rằng Không quân Việt Nam mong muốn thay thế Mig-21 bằng các dòng Sukhoi đa nhiệm nhưng có khả năng chiếm ưu thế trên không. Trên thực tế, các máy bay Su-27/30 mà Việt Nam đang tiếp nhận những năm gần đây là dòng máy bay đa nhiệm hai động cơ, vốn có tập trung vào khả năng đánh biển, trong bối cảnh căng thẳng biển Đông ngày ngày leo thang. Việc lựa chọn thay thế Mig-21 bằng dòng đơn nhiệm hạng nhẹ một động cơ được cho rằng sẽ giải quyết điểm yếu của Không quân Việt Nam hiện nay: thiếu vắng một loại máy bay đánh chặn hiện đại, với khả năng linh hoạt cao, tầm hoạt động và chi phí hợp lý có khả năng thay thế các máy bay Mig-21 vốn đã lỗi thời và sắp bị loại biên. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng ra sao xin hãy để thời gian trả lời.

Quay trở lại với các quốc gia liên quan tới biển Đông.

Mặc dù đang chiếm đóng hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa – đảo Ba Bình, nhưng Đài Loan mới đây đã lên tiếng lo ngại về các động thái tăng cường quân sự của Việt Nam và Trung Quốc tại các vị trí xung quanh. Việc Trung Quốc mở rộng các bãi đá, cũng như Việt Nam nâng cấp năng lực phòng thủ (bằng việc trang bị các tên lửa phòng không vác vai và pháo phản lực bắn loạt chống đổ bộ) và tăng cường bổ sung lực lượng tại đảo Sơn Ca đã đe doạ đến năng lực phòng thủ của đảo Ba Bình. Hệ thống phòng không vác vai nếu được sử dụng trên các tàu tuần tra sẽ có khả năng phong toả sân bay trên hòn đảo này, ngăn chặn các máy bay quân sự cất và hạ cánh. Đảo Ba Bình vốn chỉ được quản lý bởi lực lượng hải cảnh Đài Loan, và vì vậy nhiều nghị sĩ tại Đài Bắc đã đòi hỏi hải quân phải đóng vai trò phòng thủ chính yếu. Nhiều kế hoạch đã được công bố nhằm mở rộng đường băng trên đảo cũng như xây dựng cảng có khả năng tiếp nhận các tàu chiến neo đậu một cách thường xuyên.

Tiếp tục liên quan tới Đài Loan. Ngay sau khi hạ thuỳ tàu chiến tàng hình hai thân đầu tiên do nước này tự chế tạo, Đài Bắc đã công bố khởi động dự án đóng tàu ngầm cho riêng mình. Trong vòng 4 năm, bắt đầu từ 2016, các nhà thầu quốc phòng Đài Loan sẽ bắt tay vào thiết kế với chi phí dự tính cho dự án vào khoảng 95 triệu USD. Loại tàu ngầm mới sẽ có lượng giãn nước vào khoảng từ 1.200 – 3.000 tấn và sẽ gia tăng đáng kể năng lực tác chiến cho hải quân của hòn đảo này. Hiện tại trong biên chế, hải quân Đài Loan chỉ sở hữu 4 tàu ngầm đã lỗi thời và không đủ sức gánh vác các nhiệm vụ tác chiến trong chiến tranh hiện đại. Các nỗ lực trước đây nhằm mua tàu ngầm mới từ Hoa Kỳ hay các nước phương Tây đều gặp phải phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc, và vì vậy buộc Đài Loan phải tự lực phát triển tàu ngầm trong bối cảnh Bắc Kinh đang hiện đại hoá quân đội một cách nhanh chóng.

Một thông tin đáng chú ý khác có liên quan tới Trung Quốc khi Thời báo Hoàn Cầu đưa tin nước này đã bắt đầu đóng tàu khu trục lớn và hiện đại nhất từ trước tới nay: tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 055. Dự án này đã được manh nha bắt đầu từ năm 1965, tuy nhiên phải bỏ dở do Trung Quốc lúc đó chưa có đủ công nghệ cũng như chiến lược biển phù hợp để cần phải sử dụng một con tàu lớn đến như vậy. Dự án chính thức bị hoãn vào năm 1981 và dường như đã được khởi động lại gần đây theo Hoàn Cầu. Type 055 là mảnh ghép hoàn hảo cho chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD), khi nó lớn hơn Type 052D – tàu chiến mạnh nhất của Hải quân Trung Quốc hiện tại. Type 055 có khả năng mang theo hai trực thăng cùng với 96 tên lửa cho hệ thống phòng thẳng đứng (cả phòng không lẫn chống tàu) nếu so với Type-052D. Type 055 cũng được dự báo sẽ đóng vai trò tương tự như các tàu chiến mang theo tên lửa hành trình Tomahawk của Hoa Kỳ như các tàu lớp lớp Arleigh Burke hay Ticonderoga. Cùng với hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu, Type 055 sẽ dần dần hoàn thiện hơn nữa năng lực của chiến lược A2/AD.