Bối cảnh chính trị đang thay đổi của Đài Loan

Print Friendly, PDF & Email

taiwan election

Nguồn: Fu-Kuo Liu, “Taiwan’s shifting political landscape,” East Asia Forum, 18/01/2015.

Biên dịch: Phạm Trang Nhung | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Kết quả cuộc bầu cử chính quyền địa phương của Đài Loan diễn ra hồi tháng 11 năm ngoái là một bất ngờ lớn không chỉ với riêng người dân Đài Loan.[1] Quốc Dân Đảng cầm quyền đã bị đánh bại với mức chênh lệch chưa từng có. Kết quả này hoàn toàn trái ngược với kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012, khi Quốc Dân Đảng giành thắng lợi. Trong các cuộc bầu cử thị trưởng thành phố, Quốc Dân Đảng chỉ giành thắng lợi ở 1 trong số 6 thành phố trực thuộc trung ương và 5 trong số 16 thành phố và huyện trực thuộc tỉnh. Kết quả này đã làm thay đổi đáng kể bối cảnh chính trị của Đài Loan. Nhưng không nên xem đây là một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

Trong khi phần lớn các nghiên cứu được tiến hành trước kỳ bầu cử đều dự đoán rằng Quốc Dân Đảng có khả năng thất bại, không có nghiên cứu nào tính đến một thất bại ở quy mô như vậy. Nhiều người đang tự hỏi tại sao chính phủ cầm quyền lại có thể bị đánh bại thảm hại đến vậy. Quan trọng là kết quả này đã phá vỡ mô hình các căn cứ truyền thống của họ trong chính quyền cấp địa phương tại Đài Loan. Nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và có khả năng dẫn đến việc thay đổi lộ trình quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan vốn đang phát triển rực rỡ.

Tổng thống Mã Anh Cửu đã từ chức Chủ tịch Quốc Dân Đảng ngay sau khi có kết quả bầu cử, để lại đảng này trong hỗn loạn. Việc ông Mã không được lòng dân đã ảnh hưởng xấu đến toàn đảng trong chiến dịch. Chính quyền của ông được cho là không quyết đoán, thất thường, thiếu hiệu quả, yếu kém, thiếu động lực, và thiển cận. Hai nhóm cử tri dao động[2] quan trọng có vai trò quyết định trong cuộc bầu cử này là những người ủng hộ Quốc Dân Đảng thất vọng tràn trề đã chọn không đi bầu cử và các cử tri trẻ tuổi không kiên định hóa ra lại đi bầu cử với số lượng lớn chưa từng thấy.

Phong trào Hoa hướng dương, ban đầu là một cuộc biểu tình của sinh viên vào tháng 3 năm 2014, phản ánh rõ sự quan tâm của công chúng đối với tương lai của đất nước và tiến trình quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan trong tương lai. Năm ngoái chính quyền đã mắc sai lầm trong việc xử lý phong trào chiếm lĩnh Lập pháp viện (tức Quốc hội – NBT) của sinh viên diễn ra trong hơn một tháng. Tệ hơn, chính phủ lại không chủ động đáp lại yêu cầu của giới sinh viên về một quy trình minh bạch và hợp hiến để xem xét kỹ lưỡng các thỏa thuận giữa hai bờ eo biển Đài Loan.[3] Việc Lập pháp viện quyết định không phê chuẩn Hiệp định Thương mại Dịch vụ xuyên eo biển (CSSTA) giữa Trung Quốc và Đài Loan được diễn giải là một dấu hiệu rõ rệt thể hiện thái độ bài trừ Trung Quốc ngày một sâu sắc trong xã hội Đài Loan.

Tuy nhiên, mấu chốt của thế bế tắc về chính trị lại là sự đối đầu giữa Tổng thống Mã Anh Cửu và Viện trưởng Lập pháp viện Vương Kim Bình (Wang Jin-pyng), cũng là Phó Chủ tịch Quốc Dân Đảng. Mặc dù Quốc Dân Đảng chiếm đa số ghế trong sáu năm qua, nhưng phần lớn các nỗ lực chính sách của ông Mã lại bị tê liệt tại Lập pháp viện. Xu hướng tránh né sự giám sát của cơ quan lập pháp đối với các thỏa thuận xuyên eo biển của ông Mã cho thấy các nhà lập pháp vốn không hài lòng với các biện pháp của ông đã tẩy chay các dự luật. Những người ủng hộ Quốc Dân Đảng đã thất vọng với sự lãnh đạo không hiệu quả và yếu kém của ông Mã cũng như đảng của ông. Cuộc bầu cử này rõ ràng là một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính quyền của ông Mã.

Bối cảnh chính trị Đài Loan luôn rất nhạy cảm với quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc cũng như với an ninh khu vực. Dù quyết định lựa chọn Dân Tiến Đảng (DPP) của các cử tri dao động không nhất thiết mang tính lâu dài thì nó vẫn làm tương lai quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan càng thêm phần khó dự đoán.

Theo sau thất bại của Quốc Dân Đảng, Bắc Kinh đã nỗ lực tìm hiểu xem điều gì đang thực sự diễn ra ở Đài Loan và đang tự hỏi liệu Trung Quốc có nên thay đổi lộ trình hiện tại, đặc trưng bởi chính sách quan hệ tương đối ôn hòa, hay không. Tương tự, chính phủ Mỹ cũng rất ngạc nhiên khi biết ông Mã lại trở thành lãnh đạo ít được lòng cử tri đến thế nhưng đã từ chối đưa ra bất cứ bình luận cụ thể nào về tương lai quan hệ Đài-Trung. Mỹ cũng nhấn mạnh rằng nước này vẫn tiếp tục khuyến khích hai bên cải thiện quan hệ.

Tất cả những điều này đã làm một số nhà bình luận đưa ra ý kiến rằng cuộc bầu cử về bản chất là một cuộc trưng cầu dân ý về quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Nhưng đây là một sai lầm. Cuộc bầu cử ở cấp địa phương và mối quan hệ giữa hai bên đã không được đề cập tới trong suốt chiến dịch. Ngay cả DPP cũng nhanh chóng chứng tỏ rằng việc diễn giải cuộc bầu cử là một cuộc trưng cầu dân ý về chính sách với Đại lục của Quốc Dân Đảng là sai lầm. Không nên diễn giải kết quả bầu cử là một thất bại của Quốc Dân Đảng hay của Trung Quốc trong chính sách quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan.

Một số người lo ngại về xu hướng gia tăng của thái độ bài trừ Trung Quốc nổi lên trong người dân Đài Loan. Đúng là những thay đổi chính trị hiện tại có thể làm quan hệ Đài Loan – Trung Quốc càng khó dự đoán hơn. Để thuyết phục các cử tri rằng mình xứng đáng với phiếu bầu của họ, DPP phải cam kết tìm ra tiếng nói chung với Trung Quốc trong vài tháng tới. Cho đến nay, đây chính là thách thức lớn nhất đối với chính đảng đi theo đường lối độc lập này cũng như với các lãnh đạo của nó.

Thất bại của Quốc Đân Đảng đã đặt dấu chấm hết cho đường lối mang tính biệt lập (exclusionist – tức không lắng nghe ý kiến phản biện – NBT) của ông Mã trong việc thực thi quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Nhưng dù thất bại này là một đòn tấn công nghiêm trọng vào Quốc Dân Đảng và nhuệ khí của chính quyền đảng này, nó không có nghĩa là chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử toàn diện năm 2016 là ngoài tầm với. Quốc Dân Đảng sẽ nhanh chóng bầu ra chủ tịch mới để lãnh đạo đảng vượt qua khó khăn. Câu hỏi lớn hiện nay không phải là Bắc Kinh và Đài Bắc nên nhanh chóng tiến về phía trước ra sao mà là làm thế nào các nhà lãnh đạo Đài Loan có thể thuyết phục được người dân ủng hộ sự phát triển kinh tế giữa hai bên hơn nữa.

Fu-Kuo Liu (Lưu Phục Quốc) là giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế, Đại học Chính trị Quốc gia, Đài Loan.

———————-

[1] Khái quát về phân cấp hành chính Đài Loan: Trung Hoa Dân Quốc chia ra 2 tỉnh [province] là Đài Loan (tức đảo chính, gồm 3 thị [city] tức thành phố cấp tỉnh và 11 huyện [county]) và Phúc Kiến (gồm 2 huyện Liên Giang và Kim Môn, không có thị), và 6 trực hạt thị [municipality] (thành phố trực thuộc trung ương: Đài Bắc, Tân Bắc, Đào Viên [mới chuyển từ huyện lên trực hạt thị cuối năm ngoái], Đài Trung, Đài Nam, và Cao Hùng. Trực hạt thị và thị cấp tỉnh chia thành khu. Huyện chia thành thị cấp huyện, trấn và hương (dưới hương là thôn). Khu, thị cấp huyện, trấn chia thành lý. Lý và thôn chia thành lân, bé nhất. Như vậy bầu cử sẽ bầu các chức danh đứng đầu 6 trực hạt thị, 3 thị cấp tỉnh, và 13 huyện, chứ không diễn ra ở cấp tỉnh – NHĐ.

[2] Swinging voters – tức  các cử tri không thường ủng hộ đảng nào và dao động, do đó quyết định của họ tại thùng phiếu có thể tác động tới kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử – ND

[3] Các sinh viên bày tỏ sự phản đối việc ký kết và thông qua Hiệp định Thương mại Dịch vụ xuyên eo biển giữa Đài Loan và Trung Quốc của Quốc Dân Đảng cầm quyền tại Lập pháp viện mà không cần xem xét những điều khoản theo như thỏa hiệp trước đây của hai chính đảng là Quốc Dân Đảng và Dân Tiến Đảng – ND.