‘Hậu duệ Hoàng đế’ và triển vọng quan hệ Trung-Đài

Print Friendly, PDF & Email

20151114_ASD000_1

Nguồn: “The emperor’s descendants”, The Economist, 14/11/2015.

Biên dịch: Vũ Hồng Trang

Những nụ cười và những cái bắt tay mở ra một thời kỳ chông gai cho quan hệ Trung Quốc – Đài Loan.

Đó là một cái bắt tay lâu, tròn một phút. Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn khai thác ý nghĩa lịch sử của cuộc gặp giữa họ vào ngày 07 tháng 11 tại Singapore. Tuy nhiên, hai vị có ý định gửi đến cho người dân của mình những thông điệp rất khác nhau. Đối với tổng thống Mã, nó cho thấy các chính sách mà ông theo đuổi trong suốt nhiệm kỳ từ năm 2008 nhằm cải thiện tương giao với đại lục đã đảm bảo quan hệ hai bên tiến triển suôn sẻ hơn, và do đó bảo tồn sự thịnh vượng và an ninh của Đài Loan, tức là giữ vững được nguyên trạng. Đối với chủ tịch Tập, cuộc gặp gỡ ngụ ý chính sách đối ứng của Trung Quốc nhằm khích lệ giao lưu kinh tế và các mối quan hệ khác với Đài Loan đã giảm căng thẳng và giúp mở đường cho sự thống nhất sau này của hòn đảo với đại lục. Không thể có chuyện cả hai đều đúng.

Cử chỉ của chủ tịch Tập, chấp nhận gặp gỡ vị lãnh đạo một chính phủ mà Trung Quốc coi là kẻ soán ngôi bất hợp pháp chính quyền địa phương của một tỉnh Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt. Chưa từng có cuộc gặp gỡ nào như vậy diễn ra kể từ khi Quốc Dân Đảng của tổng thống Mã biến Đài Loan trở thành vị trí cố thủ cuối cùng của mình sau khi thất bại trước lực lượng cộng sản trong cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949.

Hội nghị thượng đỉnh này có lẽ là sự nhượng bộ lớn nhất trong “vấn đề cốt lõi” về chủ quyền mà bất kỳ lãnh đạo Trung Quốc nào đưa ra kể từ đầu thập niên 1980 khi Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình đề nghị với Đài Loan về giải pháp “một quốc gia, hai chế độ” và đồng ý với Anh về một thỏa thuận tương tự với Hồng Kông. Đài Loan bác bỏ lời hứa hẹn của Trung Quốc rằng thay vì phải công nhận thẩm quyền của chính quyền Bắc Kinh, hòn đảo sẽ hưởng quyền tự trị và thậm chí được duy trì quân đội riêng.

Cử chỉ quan trọng của chủ tịch Tập còn cho thấy một lần nữa rằng ông là nhà lãnh đạo quyền lực nhất ở Trung Quốc sau Đặng Tiểu Bình, có thể xóa bỏ những nguyên tắc kéo dài nhiều thập niên mà không sợ vấp phải phản đối. Tất nhiên, Trung Quốc đã cẩn thận không cho tổng thống Mã quá nhiều vị thế. Hai nhà lãnh đạo đã gọi nhau là “ông”, không gặp mặt tại một hội nghị thượng đỉnh kinh tế quốc tế như Đài Loan đã kỳ vọng, mà trong một khách sạn, nơi họ chia tiền thanh toán hóa đơn. Truyền hình Trung Quốc cắt hình ảnh tổng thống Mã ngay khi ông bắt đầu phát biểu, gây bức xúc cho nhiều người dân đại lục.

Chủ tịch Tập có thể tự tin rằng ông sẽ không phải đối mặt với các cuộc biểu tình đường phố tại quê nhà để phản đối cuộc gặp như tổng thống Mã.  Nhưng Tập cũng mạo hiểm một cách táo bạo. Chủ tịch Trung Quốc nhận được lời ngợi ca khi xuất hiện trong tư thế một chính khách hào hiệp, có thiện chí hòa bình. Tuy nhiên, ông cũng đặt vấn đề quan hệ hai bờ eo biển ra trước sự chú ý của giới truyền thông trong nước và quốc tế. Người dân đại lục có thể mong chờ chứng kiến một số tiến triển dẫn đến thống nhất. Và có lẽ họ sẽ thất vọng.

Không ít người cho rằng Trung Quốc có mục tiêu chiến thuật: tác động đến việc bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội tại Đài Loan vào tháng 1. Các cuộc thăm dò cho thấy ứng cử viên tổng thống của Quốc Dân Đảng, Chu Lập Luân(Eric Chu), sẽ thất bại trước bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) của Đảng Dân Tiến (DPP). Đảng này có thể thậm chí giành quyền kiểm soát quốc hội lần đầu tiên. Trung Quốc coi đảng này là kẻ thù không đội trời chung, bởi gốc rễ của đảng này là phong trào kích động Đài Loan chính thức độc lập với Trung Quốc. Quốc Dân Đảng chí ít tuân thủ khái niệm mơ hồ, được gọi là “đồng thuận 1992”, rằng chỉ có “một Trung Quốc” – với việc hai bên chấp thuận bất đồng về cách hiểu khái niệm này (tên chính thức của Đài Loan vẫn là Cộng hòa Trung Hoa). Trong cuộc gặp gỡ, cả hai đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng thuận, mặc dù chủ tịch Tập, như các quan chức Trung Quốc thường làm, không đề cập đến vấn đề hai bên hiểu theo hai cách khác nhau. Đảng Dân Tiến bác bỏ sự tồn tại của đồng thuận đó.

Chủ tịch Tập, và thậm chí ở mức độ mạnh hơn là tổng thống Mã, đã nhấn mạnh mối liên hệ sắc tộc và văn hóa của nhân dân hai bên. “Huynh đệ còn liền da thịt khi xương gãy” như lời của vị chủ tịch Trung Quốc, hay “Hậu duệ của Hoàng Đế”, theo cách nói của tổng thống Đài Loan. Nhưng ngày càng nhiều người dân ở hòn đảo xem mình là “người Đài Loan”, chứ không phải là “người Trung Quốc”. Hầu hết người dân ở Đài Loan đến từ các gia đình sống trên đảo qua nhiều thế hệ trước năm 1949. Một bộ phận nhỏ thổ dân không phải người Trung Quốc. Ngoài thời kỳ nội chiến hỗn loạn, Trung Quốc thậm chí còn chưa từng cai trị Đài Loan kể từ năm 1895, khi Trung Quốc nhượng lại hòn đảo này cho Nhật Bản. Trung Quốc cho hay, tuyên bố độc lập của hòn đảo này có thể kích động Trung Quốc sử dụng vũ lực, bởi vậy mà hiếm người Đài Loan nào ủng hộ độc lập chính thức. Nhưng càng ít người hơn thế muốn thống nhất.

Vì vậy, ẩn ý trong cuộc gặp gỡ tại Singapore là bất chấp tất cả sự thân thiện đầm ấm, những lời chúc tụng lẫn nhau về mối quan hệ được cải thiện và những hứa hẹn về hợp tác gắn bó hơn nữa trong tương lai, thì lời đe dọa ngầm cho cử tri Đài Loan là: nếu họ bỏ phiếu cho đảng Dân Tiến thì tất cả những điều tốt đẹp trên sẽ bị tổn hại.

Chủ tịch Tập cũng nhắc nhở bạn bè quốc tế của Đài Loan, đặc biệt là Mỹ, rằng ngay cả chính họ cũng đồng thuận với quan điểm “một Trung Quốc” như là cái giá phải trả cho quan hệ với Trung Hoa đại lục. Trên thực tế, nhấn mạnh vào đồng thuận cũng là cảnh báo rằng một chính phủ do Đảng Dân Tiến lãnh đạo sẽ phải đối mặt với sự trả đũa nếu nó không chấp nhận sự đồng thuận đó. Đảng Dân Tiến muốn né tránh vấn đề này, nhưng chủ tịch Tập dường như muốn gây sức ép. Chủ tịch Trung Quốc là nhà lãnh đạo đầy tham vọng, và cũng là con trai của một nhân vật tầm cỡ trong cuộc cách mạng cộng sản. Có lẽ Tập tự coi mình là người sẽ hoàn thành nhiệm vụ cốt lõi “tái thống nhất Trung Quốc” vốn còn dang dở trong gần bảy thập niên qua.

Chỉ là hình thức

Tuy nhiên, không giống như Đặng Tiểu Bình, chủ tịch Tập không đưa ra những nhượng bộ lớn hơn ngoài những những bộ tượng trưng ​​như cuộc gặp mặt này. Chắc chắn Tập không muốn tính đến thống nhất bằng vũ lực, vì vậy ông cần phải giành sự đồng tình của chính phủ Đài Loan, và  dĩ nhiên của cả người dân Đài Loan bởi Đài Loan là một nền dân chủ. Trong quá khứ, những cảnh báo gay gắt trước đây hay thậm chí các đe dọa quân sự mạnh mẽ (như năm 1995-1996 trước khi cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên của Đài Loan diễn ra, Trung Quốc tiến hành thử tên lửa ở eo biển Đài Loan) chỉ càng đẩy người Đài Loan ra xa hơn.  Nhưng ngay cả sự thân thiện, chẳng hạn bằng việc đưa ra những nhượng bộ thương mại và thúc đẩy du lịch cũng như các mối liên hệ khác, cũng không thể giúp gì nhiều. Như ở Hồng Kông, càng tiếp xúc nhiều với đại lục, người dân dường như càng ý thức hơn về bản sắc riêng của họ.

“Ai trong số các con cháu của Hoàng Đế muốn đi vào lịch sử như một kẻ phản bội?” Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi này trong một thông điệp gửi đến Đài Loan vào ngày 1 tháng 1 năm 1979, khi Mỹ đã từ bỏ quan hệ ngoại giao với hòn đảo này để chọn đại lục, đồng thời Trung Quốc ngừng nã pháo vào các tiền đồn của Đài Loan (các đảo Kim Môn, Mã Tổ, gần đại lục – NBT). Mỗi năm trôi qua, số lượng những kẻ phản bội trong tương lai dường như sẽ càng tăng thêm.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]