Trung Quốc: Chiến lược trở thành cường quốc biển

Print Friendly, PDF & Email

1024px-thumbnail

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Quá trình chuyển biến nhận thức về chiến lược biển của người Trung Quốc

Thực tế lịch sử cho thấy Trung Quốc tuy là nước lớn nhưng trong thời kỳ cận đại lại yếu hèn, bị các cường quốc bắt nạt, xâm chiếm. Đầu tiên, năm 1840, hạm đội Anh chiếm Quảng Châu, chính quyền nhà Thanh buộc phải ký Điều ước Nam Kinh nhục nhã; cuối cùng, năm 1937 phát xít Nhật tấn công Trung Quốc và dần dần chiếm đóng hầu hết nước này. Đại tá, giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc Lưu Minh Phúc nhận xét: Căn nguyên của tất cả các thất bại đó là do “Trung Quốc lạc hậu về chiến lược”. Đồng thời ông đánh giá “Mỹ là nước lớn về chiến lược…, người Mỹ chưa từng có những sai sót chiến lược gây ra sự tụt lùi của đất nước.”

Chiến lược quyết định phương hướng và tương lai của một quốc gia, dân tộc. Quốc gia có chiến lược đúng đắn thì có thể nhanh chóng phát triển và đạt được mục tiêu nước mạnh dân giàu, nước nhỏ cũng có thể trở thành nước mạnh. Chiến lược sai thì nước lớn cũng có thể suy yếu, bị các nước khác vượt qua. Sai lầm chiến lược là sai lầm chết người. Một chiến lược đúng đắn là phải biết phát huy các thế mạnh của quốc gia, dân tộc, trong đó có thế mạnh về hoàn cảnh thiên nhiên, đặc biệt là biển.

Biển là cái nôi sinh ra sự sống; trái đất có biển nên mới có các loài sinh vật, có loài người. Biển tiềm ẩn vô vàn tài nguyên quý giá, từ tài nguyên năng lượng, khoáng chất cho tới thực phẩm … Biển cung cấp cho nhân loại những con đường đi tới khắp nơi trên trái đất; vận tải đường biển là phương tiện vận tải rẻ nhất, chở được nhiều nhất, tiện lợi nhất. Biển là quà tặng vô giá của thiên nhiên, là thế mạnh của các quốc gia giáp biển.

Trung Quốc rộng 9,6 triệu km2, chiều dài bờ biển trên 10 nghìn km, lẽ ra họ phải biết tận dụng sự ưu đãi ấy. Nhưng dân tộc này có truyền thống đại lục, nền văn minh nông nghiệp đầu tiên của họ phát triển rực rỡ trên lưu vực Hoàng Hà không có biển. Tự hào với nền văn minh đó, họ tự cho mình là trung tâm tinh hoa của thiên hạ (“Trung Hoa”), coi nhẹ biển, không dám vượt biển xa, không đi khắp thế giới để mở tầm mắt, dẫn đến truyền thống tư duy bảo thủ khép kín.

Truyền thống đại lục khác với truyền thống biển của phương tây. Vùng ba biển — Địa Trung Hải, biển Adriatic và biển Aegean — tạo hoàn cảnh địa lý sinh ra nền văn minh phương Tây rực rỡ. Nền văn minh ấy về sau được phát triển tiếp, chủ yếu theo tuyến bờ biển phía tây đại lục châu Âu, bởi các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh. Văn minh phương tây trở thành dòng chính của văn minh thế giới, văn minh Trung Hoa tụt xuống địa vị thứ yếu.

Thực ra vào thế kỷ XV,  khi lịch sử thế giới chuyển từ thời đại lục địa sang thời đại biển thì trước cả Vasco da Gama và Christopher Columbus, Trung Quốc đã có nhà hàng hải lớn Trịnh Hòa. Thời gian 1405-1433 Trịnh Hòa từng 7 lần dẫn hạm đội lớn đi ra biển xa, tới tận phía đông châu Phi. Nhưng sau khi ông ốm chết (1433), triều đình nhà Minh đã đình chỉ việc đưa thuyền nhà nước đi biển xa, phá hết các xưởng đóng thuyền, hủy mọi tài liệu ông sưu tầm được trong các chuyến đi biển. Tư duy đại lục thiển cận ấy đã đem lại hậu quả là từ sau năm 1840, Trung Quốc ngày một thua to trước sự tấn công từ phía biển của nước ngoài. Năm 1894, toàn bộ hạm đội Bắc Dương của nhà Thanh bị tiêu diệt. Trung Quốc từ một nước độc lập trở thành một nước nửa phong kiến nửa thuộc địa, bị các đế quốc phương Tây và Nhật Bản xâu xé. Trong khi đó nước Mỹ tuy sinh sau đẻ muộn nhưng nhờ có những nhà chiến lược biển vĩ đại như Alfred Mahan nên đã tạo dựng được một “sức mạnh biển” có tính toàn cầu đến bây giờ vẫn mạnh nhất thế giới, bảo đảm nước Mỹ có địa vị siêu cường duy nhất lãnh đạo toàn thế giới.

Truyền thống đại lục thâm căn cố đế đã làm cho người Trung Quốc mãi đến giữa thập niên 70 thế kỷ XX mới bắt đầu thực sự coi trọng chiến lược biển. Thời kỳ đó, Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam, tạo ra tình trạng “khoảng trống” về quyền lực biển ở Biển Đông; quan hệ Trung Quốc-Mỹ bắt đầu được cải thiện dần; Mỹ rút quân ra khỏi eo biển Đài Loan; các xung đột trên biển giữa Trung Quốc với Đài Loan cũng chấm dứt. Những điều kiện lịch sử đó tạo ra thời cơ lớn cho Bắc Kinh mở rộng quyền lực biển của họ.

Chớp thời cơ chính quyền Sài Gòn không còn được Mỹ hậu thuẫn, tháng 1/1974, tướng Hứa Thế Hữu – Tư lệnh Quân khu Quảng Châu – mượn cớ hộ tống ngư dân Trung Quốc đánh cá, dùng lực lượng hải quân áp đảo tấn công chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Tháng 3/1988 hải quân Trung Quốc lại chiếm thêm 6 đảo đá ở quần đảo Trường Sa đang do CHXHCN Việt Nam kiểm soát, gây thương vong cho hải quân nước ta. Bắc Kinh coi đó là những thành tích “thu phục lãnh thổ”, thực ra đó là sự xâm lược trắng trợn lãnh thổ Việt Nam. Từ đó trở đi Trung Quốc tìm cách ổn định các tranh chấp biên giới trên lục địa, tập trung lực lượng lấn chiếm lãnh thổ trên biển, gây ra tranh chấp biển đảo với các nước xung quanh.

Trước đó, cho đến đầu thập kỷ 1980, hải quân Trung Quốc áp dụng chiến lược “phòng ngự biển gần” thích hợp với trình độ hải quân của họ; trọng điểm chiến lược và kinh phí quốc phòng chủ yếu tập trung cho an ninh trên lục địa chứ không phải trên biển.

Sau mấy chục năm cải cách mở cửa, kinh tế Trung Quốc tiến lên vị trí hàng đầu thế giới, khiến Bắc Kinh tự cho đã có đủ sức mạnh để thực hiện tham vọng trở thành cường quốc biển đọ sức được với Mỹ và bành trướng lãnh thổ trên biển. Họ tập trung phát triển không quân, hải quân, ra sức đóng tàu sân bay và rất nhiều tàu chiến, tàu ngầm hiện đại, đồng thời xây dựng nhiều căn cứ hải quân mới. Sau khi hoán cải thành công tàu sân bay đầu tiên từ vỏ tàu sân bay đóng dở dang mua lại từ Ukraine với giá sắt vụn, hiện nay nhà máy đóng tàu Đại Liên đã đóng được ụ tàu siêu lớn cỡ 300 nghìn tấn, dài 365 m, rộng 80 m, cao 12,17 m, tương đương kích thước tàu sân bay. Hải quân Trung Quốc chuyển sang thực hiện chiến lược “Biển Xanh” nhằm đưa nước này trở thành cường quốc hải quân hàng đầu tại châu Á, có thể tác chiển ở biển xa.

Nhưng tham vọng phát triển “quyền lực biển” của Bắc Kinh gặp nhiều khó khăn. Hướng đông bắc bị bán đảo Triều Tiên án ngữ, hơn nữa bán đảo này luôn luôn ở vào tình trạng bất ổn. Phần lớn bờ biển của Trung Quốc dọc Đông Hải (vùng biển phía đông Trung Quốc) đã bị chuỗi đảo Nhật-Đài Loan-Philippines bao vây ngăn chặn, thế trận này khó lòng có thể phá vỡ vì các quốc gia này đều có liên kết quân sự với Mỹ.

Bởi thế từ năm 2007 Bắc Kinh ngày càng quyết đoán tìm mọi cách phát triển “quyền lực biển” xuống phía nam, tức vùng Biển Đông, tuy nơi này rất xa vùng trung tâm Trung Quốc. Với dã tâm đó, Bắc Kinh dựng đứng thuyết Trung Quốc có chủ quyền trên toàn bộ vùng biển nằm trong “Đường 9 đoạn”, tức hầu hết diện tích Biển Đông, và tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa), Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) từ xưa đã là lãnh thổ của Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng họ có ưu thế lớn ở Biển Đông. Các quốc gia xung quanh Biển Đông đều là tiểu quốc, lực lượng quân sự cộng lại cũng chưa thể bằng Trung Quốc. Hơn nữa Trung Quốc có thể dùng sức mạnh kinh tế và thủ đoạn chính trị thâm độc để đe dọa, lôi kéo, chia rẽ các nước này, ép họ để Bắc Kinh muốn làm gì thì làm. Do đó chiến lược biển của Bắc Kinh mấy năm nay đều đặc biệt nhấn mạnh vào Biển Đông.

Chiến lược biển năm 2014: Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc biển

Bắc Kinh cho rằng tình hình xung quanh Trung Quốc mấy năm qua xuất hiện nhiều vấn đề bất lợi cho họ: thứ nhất là mâu thuẫn có tính đối kháng giữa Nhật, Ấn Độ với Trung Quốc tăng lên rõ ràng; thứ hai, Myanmar vốn lệ thuộc Trung Quốc bắt đầu giảm dần sự lệ thuộc đó; thứ ba, các rắc rối ở Biển Hoa Đông và Biển Đông tăng lên dần.

Trước tình hình đó, Trung Quốc đã đưa ra một loạt đối sách, đặc biệt đã xác lập một chiến lược biển hoàn toàn mới và công bố hàng năm.

Ngày 29/4/2014, tại Bắc Kinh, Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển biển (VNCCLPTB, thuộc Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc) cử hành long trọng nghi thức công bố “Báo cáo phát triển chiến lược biển Trung Quốc năm 2014” (China’s Ocean Development Report 2014) do Viện này tổ chức biên soạn, đồng thời mở cuộc tọa đàm về bản “Báo cáo” đó. Đây là báo cáo chiến lược biển đầu tiên của ban lãnh đạo mới Trung Quốc Tập Cận Bình – Lý Khắc Cường. Dự tọa đàm có lãnh đạo các ngành ngoại giao, quân đội, Cục Hải dương Quốc gia, Viện Khoa học Xã hội, các trường đại học và rất nhiều đại diện ngành phát thanh truyền hình và nhiều tờ báo lớn.

Giám đốc VNCCLPTB Cao Chi Quốc cho biết: các chương mục của “Báo cáo” được sắp xếp chủ yếu dựa vào sự bố trí chiến lược xây dựng cường quốc biển nói trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XVIII Đảng CSTQ và các yêu cầu nêu ra trong Báo cáo công tác năm 2013 của chính phủ, kết hợp sự phát triển công việc về biển, các sự kiện lớn về biển xảy ra trong năm 2013. So với các năm trước, “Báo cáo” năm nay tăng thêm phần “Xây dựng cường quốc biển”, có những ý mới, có đột phá, trình bày khá chi tiết về mục tiêu chiến lược xây dựng cường quốc biển, cung cấp tư liệu chi tiết cho công chúng tìm hiểu tình hình phát triển sự nghiệp biển của Trung Quốc. Ngoài ra còn có phần bình luận về một số vấn đề biển nóng sốt và khó khăn được dư luận quan tâm. Việc biên soạn “Báo cáo” được sự ủng hộ của Cục Hải dương quốc gia, đích thân Cục trưởng Lưu Tứ Quý viết Lời tựa cho “Báo cáo”.

“Báo cáo phát triển chiến lược biển Trung Quốc năm 2014” gồm 7 phần, chia làm 20 chương, độ dày tới hơn nửa triệu chữ.

Phần I “Hoàn cảnh vĩ mô phát triển biển của Trung Quốc”. Phần II “Tăng cường quản lý tổng hợp biển”. Phần III “Phát triển kinh tế biển”. Phần IV “Nâng cao năng lực khai thác tài nguyên biển”. Phần V “Giữ gìn môi trường sinh thái biển”. Phần VI “Bảo vệ quyền lợi biển quốc gia”. Phần VII “Xây dựng cường quốc biển”. Sáu phần đầu mỗi phần gồm ba chương, phần VII có hai chương, ngoài ra còn có phần Phụ lục.

Tại Tọa đàm, Phó Giám đốc VNCCLPTB Giả Vũ đã giới thiệu nội dung chính của “Báo cáo” và nhấn mạnh những điểm mới. Ông nói các vùng biển xung quanh Trung Quốc năm 2013 tiếp tục thể hiện tình hình phức tạp vừa hợp tác vừa đấu tranh, các tranh chấp vẫn tồn tại và có nguy hiểm dẫn đến xung đột cục bộ. Vấn đề chính gồm tranh chấp Trung Quốc – Nhật tại đảo Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku) và ảnh hưởng lâu dài, sâu sắc của việc Mỹ điều chỉnh chiến lược ở châu Á-Thái Bình Dương. “Báo cáo” nói Trung Quốc đã giành được những tiến triển rõ ràng về mặt bảo vệ quyền lợi biển, thực hiện đột phá về bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư, thực hiện kiểm soát hiệu quả ở bãi Hoàng Nham (còn gọi là bãi cạn Scarborough, gần Philippines). Trên vấn đề bảo vệ chủ quyền hải đảo và an ninh biển, Trung Quốc biểu thị rõ ràng thái độ kiên quyết không từ bỏ quyền lợi chính đáng, lại càng không hy sinh lợi ích cốt lõi của quốc gia. Sau khi chỉnh đốn đội ngũ chấp pháp trên biển, sẽ dùng danh nghĩa Cục Cảnh sát biển Trung Quốc để tiếp tục triển khai các chuyến tuần tiễu định kỳ tại các vùng biển Trung Quốc quản hạt, tiếp tục tiến hành các hoạt động chấp pháp bảo vệ quyền lợi đối với đảo Điếu Ngư và Hoàng Nham.

Đồng thời Trung Quốc không ngừng tăng quy mô kinh tế biển, ra sức xây dựng hệ thống công nghiệp biển hiện đại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế biển Trung Quốc hai năm nay bắt đầu chậm lại, tập trung vào việc nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên biển và sức cạnh tranh, đẩy mạnh điều chỉnh cơ cấu và chuyển hình nâng cấp.

Xây dựng cường quốc biển mang đặc sắc Trung Quốc là phần mới tăng thêm trong “Báo cáo” 2014. Nội dung xây dựng cường quốc biển gồm tư duy lý luận xây dựng cường quốc biển và biện pháp xây dựng cường quốc biển đặc sắc Trung Quốc. Chỉ có xây dựng được cường quốc biển thì mới có khả năng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, các quyền lợi trên biển và an ninh nhà nước, mới có bảo đảm cho sự phát triển kinh tế và xã hội. “Báo cáo” nhấn mạnh, Trung Quốc kiên trì đi con đường hòa bình xây dựng cường quốc biển chứ không phải con đường bá quyền biển, kiên trì con đường phát triển dựa biển làm đất nước giàu mạnh, người và biển hòa hợp, hợp tác cùng thắng, thăm dò mô hình mới hòa bình xây dựng cường quốc biển.

Khi bàn về cái mới trong chiến lược biển của Bắc Kinh, ông Kim Sán Vinh, Phó Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nói:  ”Chiến lược biển trước đây là ưu tiên giữ ổn định, chủ yếu là gác lại tranh chấp.” Nhưng từ sau vụ đảo Hoàng Nham, chiến lược biển của Trung Quốc thay đổi theo hướng “tích cực” hơn, “Anh gây sự thì tôi sẽ phản kích.” — ông nói.

Nói toạc ra, điểm mới trong chiến lược biển của Trung Quốc hiện nay là chủ động gây hấn, dùng sức mạnh để giải quyết mọi tranh chấp biển đảo với các nước xung quanh, chứ không còn “giấu mình chờ thời”, “giữ ổn định”, “gác lại tranh chấp” như trước đây.

Do theo đuổi chiến lược biển ngày càng chủ động gây mất ổn định, đòi mở rộng chủ quyền trên biển Thái Bình Dương, Trung Quốc đang chuốc lấy sự phản đối giận dữ của các nước liên quan.

Tại Đông Hải, việc Bắc Kinh gây căng thẳng với Nhật trên vấn đề đảo Điếu Ngư/ Senkaku ngày càng làm cho họ bế tắc. Đảo này trên thực tế do Nhật quản lý nhưng Trung Quốc lại nói đó là lãnh thổ của họ. Sau khi Nhật quốc hữu hóa đảo, Bắc Kinh ra sức phản đối, cho máy bay tàu chiến thường xuyên ra đây tuần tiễu, có lúc suýt xảy ra va chạm với máy bay tàu chiến tuần tiễu của Nhật. Thái độ hung hăng ấy vấp phải sự chống trả của chính phủ Nhật do Thủ tướng Abe lãnh đạo. Nhân dịp này, Abe đưa ra chủ trương tăng ngân sách quốc phòng, dọa sửa Hiến pháp hòa bình 1946 để Nhật có thể có một quân đội thực sự chứ không phải chỉ là “Lực lượng tự vệ” như cũ. Do thái độ quyết liệt của Nhật và cũng do Mỹ – Nhật có hiệp ước phòng thủ chung nên thực ra trên vấn đề Điếu Ngư/ Senkaku, Trung Quốc rất khó có thể làm gì mạnh tay hơn.

Nhưng tại Biển Đông, lợi dụng sự chia rẽ của ASEAN, sự bàng quan của không ít quốc gia trên thế giới, Trung Quốc đang ra sức lấn tới. Gần đây nhất họ ngang ngược hạ đặt giàn khoan HD 981 ngay trên vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Việt Nam và quốc tế, đơn phương khai thác tài nguyên biển, mặt khác ra sức bịa đặt vu cáo Việt Nam. Nếu không buộc Trung Quốc rút giàn khoan 981 thì rất có thể sau đây Bắc Kinh sẽ tiếp tục lấn tới, đưa giàn khoan đi khắp đường 9 đoạn.

Giáo sư Huge White tại Đại học Quốc gia Australia nhận định Bắc Kinh muốn thử thách quyết tâm “xoay trục” của Mỹ; họ tin rằng nếu xảy ra xung đột thì Mỹ sẽ bỏ mặc các quốc gia đồng minh của mình và nhượng bộ Trung Quốc. Theo White, thực ra chiến lược “xoay trục” của Mỹ được xây dựng trên giả định là Bắc Kinh không muốn đối đầu với Mỹ vì nếu đối đầu thì Mỹ nắm chắc phần thắng. Như vậy rõ ràng Trung Quốc đã thiếu tính toán và do đó họ đang chơi một trò chơi nguy hiểm — hai bên đều tin rằng đối phương sẽ nhượng bộ mình — sự ngộ nhận đó sẽ dẫn đến tình hình ngày càng căng thẳng và có thể đem lại thảm họa thật sự cho châu Á.

Tạp chí The National Interest của Mỹ nhận xét: việc đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một bước leo thang gây hấn của Trung Quốc, cho thấy Bắc Kinh đã có 4 sai lầm chiến lược:

  • Động thái này đã vượt quá giới hạn chịu đựng của Việt Nam, vì thế Việt Nam đã phản ứng quyết liệt, buộc phải tăng cường quan hệ an ninh với các cường quốc khác, thí dụ Mỹ;
  • Hành động của Trung Quốc vi phạm các quy định trong Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), làm các nước trong khu vực càng nghi ngờ ý đồ thực sự của Bắc Kinh, có thể gây ra một làn sóng dân tộc chủ nghĩa bài Trung Quốc tại ASEAN. Việc Indonesia gần đây thay đổi lập trường đối với Trung Quốc sẽ thực sự là một trở ngại cho Bắc Kinh.
  • Bằng việc cử tàu hải quân bảo vệ giàn khoan 981, Trung Quốc đã để mất cái cớ cho chủ trương hiện đại hóa quân sự của họ, mà trước đây họ nói chỉ có tính chất phòng thủ.
  • Hành động của Trung Quốc có thể gây bất ổn cho an ninh trong khu vực, tạo ra trở ngại cho các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tái cơ cấu nền kinh tế và duy trì tăng trưởng bền vững, giữ ổn định chính trị quốc nội trong khi các phong trào ly khai ở Tây Tạng và Tân Cương đang dâng cao.

Điều đáng quan ngại là do chính sách tuyên truyền lừa dối bịp bợm kéo dài nhiều năm của Bắc Kinh, dư luận công chúng Trung Quốc đã mất tỉnh táo, hùa theo luận điệu cho rằng Trung Quốc “có chủ quyền lịch sử không thể chối cãi trên tất cả các quần đảo ở Nam Hải” và do đó họ dứt khoát phải đòi lại các đảo này từ tay Philippines, Việt Nam, Malaysia mà Bắc Kinh gọi là “các nước xâm chiếm”.

Sau khi Nga sáp nhập thành công Crimea của Ukraine vào Liên bang Nga, không ít người Trung Quốc nhiễm tâm lý bái phục Putin nghĩ rằng nước họ có thể làm như vậy đối với các tiểu quốc ở xung quanh Biển Đông.

Trong bài “Tư duy chiến lược đến từ vụ Crimea”, một blog của cái gọi là “Liên minh thu phục lãnh thổ” trắng trợn kêu gọi người Trung Quốc cần phải suy nghĩ theo 4 hướng sau:

  • Bản chất chính trị quốc tế hiện nay là chính trị cường quyền, chính trị nước lớn; yếu tố quyết định chủ quyền, an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia không phải là chính nghĩa, dân chủ, nhân quyền, luật pháp mà là sức mạnh quốc gia.
  • Lợi ích quốc gia là tiêu chuẩn duy nhất quyết định đường lối chính sách của một nước, khi xảy ra việc có liên quan tới lợi ích cốt lõi thì phải quả quyết hành động, cướp thời cơ, dám giành lợi ích sớm trước kẻ khác, cũng không ngại trả giá.
  • Phải nhận thức được rằng các lãnh thổ trọng yếu (yếu địa) sẽ quyết định sự thành bại của quốc gia. Nam Hải (Biển Đông) là yếu địa của Trung Quốc, cần bằng mọi giá kiểm soát được Nam Hải (Biển Đông), nếu không thì Trung Quốc sẽ thua trong keo vật với Mỹ.
  • Sức mạnh quân đội quyết định sự được hay mất lãnh thổ, vì thế Trung Quốc nhất thiết phải đóng quân ở Nam Sa (Trường Sa).

Có thể thấy là với việc theo đuổi chiến lược trở thành cường quốc biển nói trên, Trung Quốc ngày càng tự bóc trần bộ mặt hòa bình hữu hảo, lộ rõ bản chất hiếu chiến và tham vọng chiếm trọn Biển Đông, đe dọa hòa bình và an ninh của các nước ven biển và do đó sẽ bị nhân dân các nước Đông Nam Á và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới phản đối ngày càng quyết liệt.

Nguyễn Hải Hoành là dịch giả và là nhà nghiên cứu tự do hiện sống tại Hà Nội.

————-

Tài liệu tham khảo:

1 –  http://www.cima.gov.cn 《中国海洋发展报告(2014)》首发座谈会 2014-04-29

2 – http://epaper.oceanol.com  国家海洋局海洋发展战略研究所副所长贾宇 解读《中国海洋发展报告(2014)》

3- http://news.k618.cn/travel/201404/t20140429_5113723.html  《中国海洋发展报告(2014)》首提海洋强国理论思考.