Mỹ có thể thắng hai cuộc chiến đồng thời với Nga và Trung Quốc không?

Print Friendly, PDF & Email

uschinarus

Nguồn: Robert Farley, “US Military’s Worst Nightmare: A War with Russia and China (at the Same Time)”, The National Interest, 26/8/2016.

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào cuối thập niên trước, nước Mỹ đã từ bỏ học thuyết “Hai cuộc chiến” thường bị hiểu lầm; học thuyết đó được coi là khuôn mẫu cung cấp các biện pháp giúp Mỹ đồng thời tiến hành hai cuộc chiến tranh cục bộ.

Được thiết kế để ngăn chặn Bắc Triều Tiên gây ra một cuộc chiến tranh trong khi Mỹ đang can dự vào cuộc chiến chống Iran hay Iraq (hoặc ngược lại), ý tưởng này đã giúp Bộ Quốc phòng Mỹ hình thành kế hoạch tổ chức mua sắm, hậu cần và sắp đặt căn cứu quân sự trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ không cần đối phó với mối đe dọa từ Liên Xô. Do hệ thống quốc tế đã có thay đổi, bao gồm sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự gia tăng mạng lưới khủng bố có hiệu quả cao, nước Mỹ đã từ bỏ học thuyết nói trên.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu ngày nay nước Mỹ phải tiến hành hai cuộc chiến tranh, và không phải là chống lại các nước như Bắc Triều Tiên và Iran? Nếu Trung Quốc và Nga phối hợp tốt với nhau đồng thời có hành động đối địch với Mỹ ở Thái Bình Dương và ở châu Âu thì tình hình sẽ như thế nào?

Phối hợp về chính trị

Liệu Bắc Kinh và Moskva có thể phối hợp gây ra hai cuộc khủng hoảng cùng lúc làm cho quân đội Mỹ phải có hai phản ứng riêng rẽ hay không? Có thể như thế, nhưng cũng có thể không. Nga và Trung Quốc mỗi nước đều có mục tiêu riêng và họ hành động theo thời gian biểu của mình. Có nhiều khả năng là một trong hai nước đó sẽ không bỏ lỡ cơ hội tận dụng lợi thế của một cuộc khủng hoảng hiện hữu để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền trong khu vực. Chẳng hạn, nếu Mỹ dính líu vào một cuộc giao tranh lớn tại Biển Đông thì Moskva có thể sẽ quyết định tấn công các quốc gia vùng Baltic.

Trong bất cứ trường hợp nào, Moskva hoặc Bắc Kinh cũng sẽ là bên chủ động gây chiến trước. Nước Mỹ đang được hưởng lợi từ nguyên trạng ở cả hai khu vực nói trên, và nói chung (ít nhất là trong quan hệ giữa các cường quốc) Mỹ muốn sử dụng các biện pháp ngoại giao và kinh tế để theo đuổi mục đích chính trị của mình hơn. Dù Mỹ có thể tạo ra các điều kiện cho chiến tranh thì chính Nga hay Trung Quốc mới là bên sẽ nổ súng trước.

Sự linh hoạt

Điều có lợi cho Mỹ là chỉ một số yêu cầu đối với tác chiến ở châu Âu và tác chiến ở Thái Bình Dương bị trùng lặp. Như tình hình hồi Thế chiến II, lục quân Mỹ sẽ đóng vai trò chủ lực bảo vệ châu Âu trong khi hải quân Mỹ sẽ tập trung vào vùng Thái Bình Dương. Không quân Mỹ sẽ có tác dụng hỗ trợ chi viện cho cả hai chiến trường.

Tại vùng Bắc Đại Tây Dương, Nga thiếu khả năng để đánh NATO và có lẽ họ cũng không có lợi ích chính trị để thử làm việc đó. Điều này có nghĩa là tuy rằng Mỹ và các đồng minh NATO có thể bố trí một số lực lượng quân sự để đe dọa không gian trên biển của Nga (và đề phòng hải quân Nga xuất kích), song Hải quân Mỹ vẫn có thể tập trung lực lượng vào vùng Thái Bình Dương. Tùy theo thời gian cuộc xung đột dài hay ngắn và tùy theo mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa, Mỹ có thể gửi khá nhiều lực lượng lục quân sang châu Âu nhằm chi viện các vùng có chiến sự ác liệt.

Phần lớn tàu sân bay, tàu ngầm và tàu chiến mặt nước của Mỹ sẽ tập trung vào vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nhằm trực tiếp tấn công hệ thống chống tiếp cận/ chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc, cắt đứt đường vận chuyển trên biển của Trung Quốc. Các loại máy bay tầm xa, gồm máy bay ném bom tàng hình và các phương tiện tương tự, sẽ tùy theo nhu cầu mà tham gia tác chiến ở cả hai chiến trường.

Quân đội Mỹ sẽ có thể phải chịu sức ép rất lớn, buộc phải nhanh chóng giành được thắng lợi quyết định tại ít nhất một chiến trường. Điều đó sẽ có thể khiến cho Mỹ phải dồn quá lệch các lực lượng trên không, trên vũ trụ và không gian mạng vào một trong hai chiến trường nhằm giành thắng lợi về chiến lược và về chính trị, qua đó cho phép sau chiến thắng Mỹ có thể chuyển dịch lực lượng còn lại vào một chiến trường khác. Nếu xét sức mạnh của các đồng minh châu Âu của Mỹ, có lẽ trong thời gian đầu Mỹ có khả năng tập trung sức mạnh để đánh thắng cuộc chiến ở vùng Thái Bình Dương.

Kết cấu đồng minh

Đồng minh của Mỹ tại vùng Thái Bình Dương có cơ cấu khác hẳn đồng minh tại châu Âu. Cho dù có lo ngại về việc liệu một số quốc gia đồng minh châu Âu của Mỹ có thi hành các cam kết của NATO hay không, nhưng ngoài việc giữ gìn sự nguyên vẹn của khối liên minh NATO ra, Mỹ chẳng có lý do nào khác để giao chiến với Nga. Nếu Mỹ đánh nhau với Nga thì Đức, Pháp, Ba Lan, và Anh đều sẽ theo Mỹ. Trong trường hợp chiến tranh dùng vũ khí thông thường [không dùng vũ khí hạt nhân], ngay cả khi chỉ có các đồng minh châu Âu tác chiến thôi thì cũng đủ để NATO giành được ưu thế lớn về trung hạn so với người Nga. Tuy rằng Nga có thể chiếm được một phần vùng Baltic nhưng họ sẽ bị không quân NATO đánh cho thiệt hại nặng, và có lẽ họ cũng không có khả năng giữ lâu các vùng đã chiếm được. Trong tình hình đó, hải quân và không quân Mỹ chủ yếu sẽ phát huy tác dụng chi viện và phối hợp tác chiến, giúp các quốc gia đồng minh NATO có ưu thế cần thiết để đánh bại Nga. Lực lượng hạt nhân Mỹ sẽ cung cấp sự bảo đảm ngăn ngừa Nga quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc chiến lược.

Nước Mỹ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn tại Thái Bình Dương. Tuy rằng Nhật hoặc Ấn Độ có thể có lợi ích ở Biển Đông, song điều đó rất khó bảo đảm họ sẽ tham dự vào một cuộc chiến tranh (thậm chí chẳng thể bảo đảm rằng lập trường trung lập của họ có thiện chí tới mức nào). Cơ cấu khối liên minh [với Mỹ] sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của cuộc xung đột đó; bất kỳ nước nào trong số các nước Philippines, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật hoặc Đài Loan đều có thể trở thành mục tiêu [tấn công] chính của Trung Quốc. Cho dù Mỹ có gây sức ép hay không, các quốc gia còn lại rất có thể sẽ đứng ngoài cuộc. Tình hình đó sẽ tạo thêm sức ép buộc Mỹ phải sử dụng sức mạnh của mình để giành được ưu thế tại vùng Tây Thái Bình Dương.

Triển vọng dài hạn

Mỹ vẫn có thể đồng thời đánh thắng cả hai cuộc chiến tranh lớn, hoặc ít nhất tiến gần đến một chiến thắng đủ để cảnh báo Nga hoặc Trung Quốc thấy rằng họ sẽ chẳng có hy vọng gì trong cuộc chơi này. Sở dĩ Mỹ có thể làm được điều đó là do họ tiếp tục có được một quân đội mạnh nhất thế giới, và do họ đứng đầu một liên minh quân sự cực mạnh. Ngoài ra thách thức chiến tranh của Nga và Trung Quốc tạo ra những vấn đề quân sự rất khác nhau, cho phép Mỹ có thể phân phối một số lực lượng vào việc đối phó với một đối thủ này và sử dụng phần lực lượng còn lại để đối phó với một đối thủ khác.

Thế nhưng cần nhấn mạnh là tình hình nói trên sẽ không kéo dài mãi mãi. Mỹ không thể giữ được mức độ ưu thế này, và trong dài hạn Mỹ sẽ phải thận trọng lựa chọn các cam kết của mình. Đồng thời nước Mỹ đã tạo dựng ra một trật tự quốc tế có lợi cho nhiều quốc gia mạnh nhất và giàu nhất thế giới;  tạm thời nước Mỹ có thể đặt niềm tin vào vào sự ủng hộ của các quốc gia đó.

Robert Farley là giảng viên cao cấp tại Trường Patterson về Ngoại giao và Thương mại Quốc tế, Đại học Kentucky.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]