16/03/1968: Thảm sát Mỹ Lai ở miền Nam Việt Nam

Print Friendly, PDF & Email

am_exp_my_lai

Nguồn:My Lai massacre takes place in Vietnam,” History.com, (truy cập ngày 14/03/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1968, một đại đội của quân đội Mỹ đã tàn nhẫn sát hại khoảng 200 đến 500 dân thường[1] không có vũ khí ở Mỹ Lai, một thôn nhỏ nằm gần bờ biển phía Bắc miền Nam Việt Nam.

Trong Chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ thường xuyên ném bom và pháo kích tỉnh Quảng Ngãi do tin rằng đó là thành trì của lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, hay Việt Cộng. Tháng 3 năm 1968, Đại đội Charlie của Mỹ nhận được tin báo rằng lực lượng du kích Việt Cộng đã nắm quyền kiểm soát làng Sơn Mỹ thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Sáng ngày 16 tháng 3, đại đội Charlie, dẫn đầu là Trung úy William L. Calley, tiến vào thôn Mỹ Lai 4 (một trong bốn thôn của làng Sơn Mỹ) với nhiệm vụ tìm và diệt du kích Việt Cộng. Tuy nhiên, họ chỉ tìm được những người dân thường không có vũ khí, trong đó phần lớn là phụ nữ, trẻ em, và người già.

Trước cuộc tấn công, các binh sĩ Mỹ được chỉ huy quân đội thông báo rằng bất cứ ai họ bắt gặp ở Mỹ Lai đều bị coi là Việt Cộng hoặc giúp đỡ Việt Cộng, và được lệnh đốt phá ngôi làng. Thế nhưng họ đã ra tay vô cùng tàn bạo, hãm hiếp và tra tấn dân làng trước khi sát hại họ và dồn hàng chục người, trong đó có trẻ em và trẻ sơ sinh, vào một mương nước rồi xả súng. Cuộc thảm sát được cho là kết thúc khi một phi công không quân Mỹ, chuẩn úy Hugh Thompson, hạ cánh xuống giữa binh sĩ Mỹ và dân làng và đe dọa sẽ nổ súng nếu binh sĩ Mỹ tiếp tục cuộc tấn công.

Cuộc thảm sát ở Mỹ Lai đã bị các sĩ quan quân đội cấp cao của Mỹ che dấu cho đến tháng 3 năm sau, khi binh sĩ Ron Ridenhour biết tới sự kiện qua lời kể của đồng đội và đã viết thư cho Tổng thống Richard Nixon, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao, Bộ Tham mưu Liên quân, và một số thành viên Quốc hội Hoa Kỳ. Lá thư phần lớn bị bỏ qua cho đến khi phóng viên điều tra Seymour Hersh phỏng vấn Calley và câu chuyện vỡ lở. Sự kiện Mỹ Lai lập tức được đưa lên trang bìa các báo lớn và trở thành một vụ bê bối quốc tế. Tháng 3 năm 1970, một ủy ban điều tra chính thức của quân đội Mỹ đã buộc tội 14 sĩ quan, bao gồm cả Calley và chỉ huy của ông là Đại úy Ernest Medina vì những tội ác liên quan đến Mỹ Lai. Trong số đó, chỉ có Calley bị kết án. Bị kết tội sát hại 22 người, Calley bị kết án tù chung thân. Sau khi kháng cáo, bản án của ông được rút xuống còn 20 năm, và cuối cùng là 10 năm. Nhiều người cho rằng Calley chỉ là người giơ đầu chịu báng, ông được ân xá năm 1974 sau mới 3 năm thi hành án.

—————–

[1] Con số do Mỹ đưa ra là khoảng 347 người, trong khi con số Việt Nam đưa ra là 504 – ND.