Ảnh hưởng của các công ty lên các hiệp định thương mại

Print Friendly, PDF & Email

628x-1

Nguồn: Joseph E. Stiglitz, “The Secret Corporate Takeover,” Project Syndicate, 13/05/2015.

Biên dịch: Nguyễn Hoàng Mỹ Phương | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Hoa Kỳ và cả thế giới đang tham gia vào một cuộc tranh luận lớn về các thỏa thuận thương mại mới. Các hiệp định như vậy thường được gọi là “hiệp định thương mại tự do”; trên thực tế, chúng là các hiệp định thương mại được quản trị, được thiết kế cho phù hợp với lợi ích của các công ty, chủ yếu tại Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Ngày nay, các thỏa thuận như vậy thường được gọi là “quan hệ đối tác,” như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng chúng không phải là quan hệ đối tác bình đẳng: Hoa Kỳ trên thực tế là bên định ra các điều khoản. May mắn là “các đối tác” của Hoa Kỳ đang ngày càng trở nên không muốn chỉ là bên chấp nhận.

Không quá khó để thấy lý do vì sao. Các thỏa thuận này vượt xa ra ngoài phạm vi thương mại, chi phối cả đầu tư và tài sản trí tuệ, áp đặt những thay đổi nền tảng lên các khuôn khổ pháp lý, tư pháp và quản lý của các quốc gia, mà không có nội dung đóng góp hoặc trách nhiệm giải trình thông qua các tổ chức dân chủ.

Có lẽ phần đáng phản đối nhất – và không trung thực nhất – của các thỏa thuận như vậy liên quan đến việc bảo vệ nhà đầu tư. Tất nhiên, nhà đầu tư phải được bảo vệ trước các chính phủ bất hảo chiếm đoạt tài sản của họ. Nhưng đó không phải là điều mà những quy định này điều chỉnh. Đã có rất ít trường hợp sung công tài sản của nhà đầu tư trong những thập niên gần đây, và các nhà đầu tư muốn bảo vệ chính bản thân mình có thể mua bảo hiểm từ Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA), một thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB), và chính phủ Hoa Kỳ cũng như các chính phủ khác cũng cung cấp bảo hiểm tương tự. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đang yêu cầu những quy định như vậy trong TPP, mặc dù nhiều trong số “các đối tác” của Hoa Kỳ đã có quy định về bảo vệ tài sản và có hệ thống tư pháp tốt như của chính Hoa Kỳ.

Mục đích thực sự của các quy định này là để cản trở các quy định về sức khỏe, môi trường, an toàn, và, vâng, thậm chí là cả tài chính, nhằm bảo vệ nền kinh tế và công dân của chính Hoa Kỳ. Các công ty có thể kiện các chính phủ để được bồi thường đầy đủ cho bất kỳ sự sụt giảm lợi nhuận dự kiến nào của họ trong tương lai do những thay đổi về điều tiết.

Đây không chỉ là một khả năng thuần lý thuyết. Philip Morris đang kiện Uruguay và Australia về vấn đề yêu cầu nhãn cảnh báo lên bao thuốc lá. Phải thừa nhận rằng, cả hai nước đã đi xa hơn một chút so với Hoa Kỳ, bắt buộc phải bao gồm các hình ảnh đồ họa cho thấy hậu quả của việc hút thuốc lá.

Việc ghi nhãn có hiệu quả. Nó không khuyến khích người ta hút thuốc lá. Vì vậy, Philip Morris đang đòi được bồi thường cho khoản lợi nhuận bị mất.

Trong tương lai, nếu chúng ta phát hiện một số sản phẩm khác gây ra vấn đề về sức khỏe (ví dụ như chất asbestos [amiăng]), thay vì đối mặt với các vụ kiện vì đã gây ra phí tổn đối với chúng ta, nhà sản xuất có thể kiện các chính phủ bởi đã kiềm chế họ không giết nhiều người hơn. Điều tương tự cũng có thể xảy ra nếu các chính phủ của chúng ta áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn nhằm bảo vệ chúng ta khỏi tác động của khí thải nhà kính.

Khi tôi chủ trì Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Bill Clinton, những người chống bảo vệ môi trường đã cố gắng ban hành một quy định tương tự, được gọi là “khoản tiền bồi thường do điều tiết” (“regulatory takings”). Họ biết rằng một khi được ban hành, các quy định này sẽ bị ngưng thực thi, đơn giản vì chính phủ không đủ khả năng bồi thường. May mắn là chúng ta đã thành công trong việc phản bác sáng kiến này ở cả các tòa án và Quốc hội Mỹ.

Nhưng bây giờ các nhóm tương tự đang cố gắng vận động để né tránh các quá trình dân chủ bằng cách chèn các quy định đó vào trong các dự thảo hiệp định thương mại, các nội dung vốn thường được giữ bí mật trước công chúng (nhưng không được giữ bí mật trước các công ty đang theo đuổi chúng). Qua rò rỉ và các cuộc nói chuyện với các quan chức chính phủ – những người dường như cam kết nhiều hơn đối với các quá trình dân chủ – mà chúng ta biết những gì đang xảy ra.

Nền tảng của hệ thống chính phủ Mỹ là nền tư pháp công công bằng, với các tiêu chuẩn pháp lý được xây dựng qua nhiều thập niên, dựa trên nguyên tắc minh bạch, các tiền lệ, và cơ hội khiếu nại các quyết định không thuận lợi. Tất cả điều này đang được đặt sang một bên, khi các thỏa thuận mới kêu gọi áp dụng trọng tài tư nhân, không minh bạch, và rất tốn kém. Hơn nữa, sự sắp xếp này thường đầy rẫy những xung đột lợi ích; ví dụ, các trọng tài viên có thể là “quan tòa” trong một vụ kiện và là người vận động chính sách trong một vụ kiện có liên quan.

Việc kiện tụng rất tốn kém khiến Uruguay đã phải chuyển sang nhờ cậy Michael Bloomberg và những người Mỹ giàu có khác có cam kết bảo vệ sức khỏe người dân để chống lại Philip Morris. Và, mặc dù các công ty có thể kiện tụng, những người khác lại không. Nếu có vi phạm các cam kết khác – ví dụ như về  tiêu chuẩn lao động và môi trường – thì các công dân, công đoàn và các nhóm xã hội dân sự không có biện pháp nào để áp dụng cả (vì kiện tụng rất tốn kém).

Nếu như tồn tại cơ chế giải quyết tranh chấp một chiều nào mà vi phạm các nguyên tắc cơ bản thì đây chính là nó. Đó là lý do vì sao tôi đã tham gia cùng nhóm chuyên gia pháp lý hàng đầu của Mỹ, bao gồm các chuyên gia từ Harvard, Yale, và Berkeley, trong bức thư gửi Tổng thống Barack Obama giải thích những thỏa thuận này gây tổn hại cho hệ thống tư pháp của chúng ta như thế nào.

Những người Mỹ ủng hộ các hiệp định như vậy chỉ ra rằng Mỹ cho tới nay mới bị kiện rất ít  lần, và chưa bao giờ thua kiện. Tuy nhiên, các công ty đang học được cách làm thế nào để sử dụng các hiệp định này nhằm mang lại lợi thế cho mình.

Và các luật sư của công ty tại Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản với mức lương cao sẽ có khả năng áp đảo các luật sư của chính phủ với mức lương thấp đang cố gắng để bảo vệ lợi ích công. Tệ hơn nữa, các công ty ở các nước phát triển có thể lập công ty con ở các nước thành viên thông qua đó để đầu tư trở về nước nhà, và sau đó khởi kiện, mang đến cho họ một kênh mới để ngăn chặn các quy định.

Nếu có nhu cầu bảo vệ tài sản tốt hơn, và nếu cơ chế giải quyết tranh chấp tư và tốn kém mà tốt hơn so với cơ quan tư pháp, chúng ta nên thay đổi luật pháp không chỉ dành cho các công ty nước ngoài giàu có mà còn dành cho công dân và các doanh nghiệp nhỏ của chính chúng ta. Nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy thực tế đúng là như vậy.

Luật lệ và các quy định xác định kiểu kinh tế và xã hội mà trong đó mọi người sinh sống. Chúng ảnh hưởng đến quyền lực thương lượng tương đối, với các tác động quan trọng tới sự bất bình đẳng, một vấn đề ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có nên cho phép các công ty giàu có sử dụng các quy định ẩn trong cái gọi là các hiệp định thương mại nhằm chi phối cách chúng ta sẽ sống như thế nào trong thế kỷ 21 hay không? Tôi hy vọng người dân ở Mỹ, châu Âu, và Thái Bình Dương trả lời với một tiếng “không” vang dội.

Joseph E. Stiglitz, đoạt giải Nobel Kinh tế và giáo sư tại Đại học Columbia, là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Bill Clinton và từng là Phó Chủ tịch Cao cấp và Kinh tế Trưởng của Ngân hàng Thế giới. Quyển sách gần đây nhất của ông, đồng tác giả với Bruce Greenwald, là quyển Xây dựng Xã hội Học tập: Phương pháp Mới để Tăng trưởng, Phát triển và Tiến bộ Xã hội.