Triết lý “càng đơn giản càng tốt” của Putin

Print Friendly, PDF & Email

Vladimir-Putin-009

Nguồn: Georgy Satarov, “Putin Made Simple”, Project Syndicate, 30/06/2015.

Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Lê Xuân Hùng

Ba tuần trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đắc cử lần đầu tiên vào tháng 3 năm 2000, ban vận động tranh cử của ông đã phát hành cuốn sách “Nhân vật số một: những cuộc trò chuyện với Vladimir Putin”, dựa trên 24 giờ phỏng vấn giữa Putin và 3 nhà báo. Với các trích dẫn như “Thực sự, cuộc sống rất đơn giản”, cuốn sách bộc lộ một niềm tin chủ chốt, đóng vai trò nền tảng cho phong cách lãnh đạo của Putin: thế giới phức tạp này có thể và phải được làm cho đơn giản đi.

Thế giới quan này, thứ ngày nay đang thâm nhập khắp chính quyền của nước Nga, không do chính Putin phát triển; nó được đưa ra bởi một viện nghiên cứu chính sách (think tank) thành lập tháng 12 năm 1999 và được lãnh đạo bởi German Gref, người sau đó trở thành Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Thương mại dưới thời Putin. Dự liệu được chiến thắng của ông Putin, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược của Gref đã mời gọi các chuyên gia phát triển hai chương trình – một chương trình tập trung vào nền kinh tế, chương trình còn lại chú trọng vào cải cách hành chính công – dựa trên một chỉ thị căn bản: Đừng phức tạp hóa vấn đề!

Mười lăm năm sau, hệ tư tưởng, các chính sách và các hoạt động của Putin đều phản ánh nỗi ám ảnh với việc đơn giản hóa các hệ thống và cấu trúc nhà nước. Sự phân chia các nhánh quyền lực trong chính phủ quá kém hiệu quả, do đó quyền lực của Tổng thống (nhánh hành pháp) phải chi phối tất cả các nhánh khác. Một số lượng lớn các đảng chính trị, mỗi đảng với một cương lĩnh riêng, là quá phức tạp, do đó phải thay thế chúng bằng một danh sách rút gọn với một vài đảng được công nhận và một đảng đại điện quyền lực chính (và thường trực). Tự do ngôn luận chỉ dẫn đến những lời chửi bới ầm ĩ và thiếu xây dựng, do đó truyền thông phải nhận những chỉ thị rõ ràng để định hướng các bản tin của họ.

Chính quyền của Putin nhận thấy còn có quá nhiều thiết chế công thực hiện quá nhiều hoạt động mà không có sự giám sát đầy đủ, do đó các thiết chế này được cơ cấu để trở nên nhỏ gọn hơn và đảm trách các nhiệm vụ cụ thể theo một danh sách các ưu tiên chính sách ngắn gọn do trung ương soạn thảo. Số lượng các tòa án cấp cao nhiều rất khó để duy trì, do đó, chúng được thay thế bởi một tòa án tối cao duy nhất (ví dụ, Tòa án Trọng tài Cao cấp Liên bang Nga mới đây vào năm 2014 đã được sáp nhập với Tòa án Tối cao – NHĐ)

Giống như các hệ thống và các thiết chế, quá trình giải quyết các vấn đề cũng bị đơn giản hóa. Thay vì phát triển một giải pháp đa sắc thái cho một vấn đề đa phương diện – một hướng tiếp cận đòi hỏi suy nghĩ thấu đáo và có thể bao gồm cả những sai lầm và những sự điều chỉnh – mọi vấn đề, từ nạn tham nhũng của quan chức tới việc quản lý kinh doanh, được nhìn nhận một cách phiến diện.

Ác cảm của chính quyền Putin đối với tính phức tạp tăng dần theo thời gian, từ chỗ chỉ là niềm tin tương đối vô hại rằng tính đơn giản đồng nghĩa với những ưu điểm như sự rõ ràng, dễ quản lý, có thể dự đoán và an toàn, đã trở thành kết luận nguy hiểm rằng bản thân tính phức tạp – vốn đã không thể dự đoán và thường không thể thấu hiểu – là một mối đe dọa. Những ý tưởng và thiết chế phức tạp và rối rắm bị xem là sản phẩm của một học thuyết cưỡng ép do kẻ thù tạo ra một cách có chủ đích nhằm gây trở ngại và làm tổn thương nước Nga, và vì vậy phải bị hủy bỏ bằng mọi giá.

Quan điểm đen trắng phân minh này có vẻ giống như sự kế tục thế giới quan thời Xô-viết. Tuy nhiên, vào những năm 1990, Nga đã có những tiến bộ đáng kể trong công cuộc hiện đại hóa – không chỉ vì nước này bắt đầu chấp nhận các thể chế nhà nước theo kiểu phương Tây. Trên thực tế, động lực chính của công cuộc hiện đại hóa nước Nga là việc thiết lập một trật tự xã hội mới dựa trên quyền tự do, sự đa dạng, và sự công nhận rằng thế giới hiện đại chứa đựng nhiều cơ hội cho sự phát triển của cá nhân, cho dù là trong các ngành nghệ thuật, kinh doanh, khoa học, hay trong chính trị.

Tuy nhiên, trước khi một xã hội mở (open society) hiện đại được thiết lập đầy đủ hoặc hệ tư duy đi kèm với nó có đủ thời gian để bám rễ trong xã hội, nó đã bị đường lối “càng đơn giản càng tốt” của Putin vượt mặt. Quan điểm cho rằng nên làm cho cơ hội cá nhân và những tư tưởng đi ngược lại quan điểm chính thống trong xã hội lệ thuộc vào tính có thể dự báo tổng thể đã trao quyền cho tầng lớp tinh hoa chính trị khẳng định sự toàn trí toàn năng (cái gì cũng biết – NBT) của họ và cho rằng sự can thiệp từ bên ngoài là một mối đe dọa cho tương lai của nước Nga.

Được dẫn dắt bởi những niềm tin này, một liên minh “những người theo chủ nghĩa tự do” đã nỗ lực mang tới một mô hình hiện đại hóa các cơ quan hành chính nhà nước sau khi đã tự thuyết phục bản thân rằng một chế độ quan liêu tham nhũng có thể bằng cách nào đó mang lại các kết quả chính trị mang tính tự do thông qua các thiết chế dân chủ hạn chế. Không đáng ngạc nhiên là họ đã thất bại.

Chỉ trong vòng ít năm, điều trở nên rõ ràng là trong một thế giới vốn phức tạp, các giải pháp “đơn giản” không đem lại kết quả. Hơn thế nữa, những hạn chế đối với dân chủ, cùng với sự điều hành quan liêu từ trên xuống dưới tạo các điều kiện lý tưởng cho tham nhũng. Sự phá hủy các thể chế dân chủ này hiện đang được dẫn dắt bởi sự thèm muốn tính đơn giản lòng tham thuần túy. Câu tục ngữ Nga “suy nghĩ đơn giản đôi lúc còn tệ hơn đi ăn cắp” ứng nghiệm một cách kì lạ với trường hợp này (từ “đơn giản” trong câu tục ngữ này hàm nghĩa tiêu cực, đồng nghĩa với “ngây thơ”, “không kỹ càng, cẩn thận” – NBT).

Nạn nhân mới nhất trong cuộc truy lùng tính đơn giản của chính quyền Putin là khoa học. Trong khi khoa học ban đầu không được cho là một mối đe dọa, trong một trật tự xã hội và chính trị bị hạn chế nghiêm ngặt, nó đã nổi lên như là một biểu tượng của sự tự trị và sự đa dạng.

Đó là lý do tại sao, sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ ba (một cách bất hợp pháp), Putin đã thiết lập toàn quyền kiểm soát đối với Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Gần đây hơn, Bộ Tư pháp đã bổ sung Quỹ Dynasty Foundation, được thành lập năm 2002 bởi nhà khoa học nổi tiếng và cũng là nhân vật có thế lực của ngành viễn thông Dmitry Zimin, vào danh sách “các tổ chức/cơ quan nước ngoài”, với mục đích chính bóp chết những nỗ lực của tổ chức này trong việc xây dựng một cộng đồng khoa học hiện đại. (“Nguồn tài trợ nước ngoài” mà quỹ này nhận được – lý do khiến nó bị thổi còi – theo Zimin, đến từ các tài khoản ngân hàng của chính ông này).

Sự trấn áp này đã có những tác động nghiêm trọng đối với cộng đồng khoa học, với những nhà khoa học hàng đầu – những người không sẵn sàng tiếp tục ở trong một môi trường nơi mà lòng tham và nạn tham nhũng giết chết sức sáng tạo và khám phá. Họ theo chân các nhà đầu tư và nguồn vốn chạy trốn khỏi quốc gia này. Từ năm 1990 đến 2010, khoảng 70% các nhà toán học hàng đầu và 50% các nhà vật lý lý thuyết của Nga đã rời khỏi đất nước này mãi mãi. Các nhà nghiên cứu sinh vật học, hóa học, các kỹ sư và các chuyên gia khác cũng đang di cư để tìm kiếm những cơ hội tốt hơn. Các xu hướng này sẽ chỉ tăng nhanh khi chính quyền Putin tăng cường cuộc tấn công vào lĩnh vực này.

Trong bầu không khí trấn áp và xám xịt này, tính đơn giản do chính phủ áp đặt cuối cùng đã len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống người dân Nga. Người ta hy vọng rằng khi triều đại Putin kết thúc – một điều không thể tránh khỏi, thậm chí là sẽ sớm xảy ra – người dân Nga sẽ hiểu rằng con đường đi tới một xã hội hiện đại, cởi mở không bao giờ là đơn giản.

Georgy Satarov là Giám đốc của Indem, một viện nghiên cứu chính sách tại Moskva.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Putin Made Simple