Khuyến khích Trung Quốc trở thành thành viên có trách nhiệm

Print Friendly, PDF & Email

lead_large

Nguồn: Barry Eichengreen, “China the Responsible Stakeholder”, Project Syndicate, 10/06/2015.

Biên dịch: Ngô Thanh Tâm | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Đến với châu Á và bạn sẽ nghe thấy một chuỗi những điều đáng lo ngại về việc Trung Quốc đang bành trướng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực. Nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (Asian Infrastructure Investment – AIIB) đã được thành lập trong đó chính phủ Trung Quốc nắm giữ 30% cổ phần. Bên cạnh đó còn có dự án Nhất Đới, Nhất Lộ (One Belt, One Road) nhằm phát triển “Con đường tơ lụa” mới mở rộng qua khu vực Trung Á cùng với một tuyến đường tơ lụa trên biển nối Trung Quốc với Đông Nam Á, Ấn Độ Dương, Trung Đông, và cuối cùng là châu Âu.

Về mặt tài chính, Trung Quốc đang thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế. Đồng thời Trung Quốc cũng tăng cường khẳng định lợi ích quân sự của mình bằng việc đẩy mạnh tranh chấp trên quần đảo Trường Sa và xây dựng đường băng cho máy bay chiến đấu.

Để đánh giá những sáng kiến này, chúng ta cần phải có một cái nhìn đa chiều. Việc Trung Quốc thiết lập các tiền đồn mới trên các đảo ở Biển Đông chắc chắn sẽ đặt ra một mối đe dọa đối với không chỉ vấn đề an ninh của Việt Nam, Philippines và các nước láng giềng mà còn đối với vấn đề quyền khai thác khoáng sản và hải sản của các nước nói trên. Cộng đồng quốc tế có chung quan điểm về việc không ủng hộ các hoạt động nói trên.

Nhưng các sáng kiến kinh tế của Trung Quốc, không chỉ hứa hẹn mang lại lợi ích cho chính nước này mà còn cho các nước đối tác, lại là một vấn đề khác. Đối với Trung Quốc, ngân hàng AIIB và dự án Con đường tơ lụa cung cấp giải pháp thay thế cho việc đầu tư không hiệu quả trong nước. Việc đặt nền móng cho sự thúc đẩy thương mại giữa Trung Quốc, các nước Nam Á và khu vực Trung Á mới nổi mang lại một viễn cảnh tươi sáng hơn cho ngành xây dựng của Trung Quốc hơn là việc xây dưng thêm những thành phố ma ở trong nước.

Các quốc gia ở những khu vực khác cũng sẽ nhận được lợi ích từ việc gia tăng thương mại. Một ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng được điều hành bởi Trung Quốc sẽ giúp các nước này đáp ứng những nhu cầu mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, qua đó giúp các nước này hội nhập sâu hơn với Trung Quốc cũng như các nước khác trên thế giới.

Điều đáng lo ngại là Trung Quốc, với tư cách là cổ đông và người góp vốn lớn nhất của ngân hàng AIIB, sẽ thống trị hoạt động của ngân hàng và bóp mép quá trình ra quyết sách. Kết quả, những người hoài nghi cho rằng các dự án đường sắt và đường bộ của AIIB đều sẽ chỉ dẫn đến Trung Quốc, và các nước nhận hỗ trợ sẽ trở nên phụ thuộc hơn vào nước cung cấp vốn, không chỉ về mặt tài chính.

Tuy nhiên việc hơn 50 nước, bao gồm cả các nền kinh tế phát triển và dân chủ, đã gia nhập AIIB có nghĩa là các quyết sách của AIIB sẽ được giám sát. Trung Quốc đảm bảo rằng ngân hàng mới này sẽ cởi mở và minh bạch. Vì thế đây mới chỉ là những điểm nghi vấn, cho đến khi chúng ta tìm ra bằng chứng xác thực.

Tương tự, việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ nên được khuyến khích thay vì ngăn cản. Chắc chắn rằng, việc mở rộng lưu thông quốc tế đồng Nhân dân tệ như là một công cụ giao dịch thương mại và đầu tư xuyên biên giới sẽ nâng cao sự phụ thuộc của các quốc gia khác trong giao dịch tín dụng bằng đồng Nhân dân tệ trong thời kỳ khủng hoảng. Ý thức được điều này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã đàm phán việc hoán đổi tiền tệ với các ngân hàng trung ương khác và chỉ định một trong năm ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất làm ngân hàng thanh toán bù trừ để giải quyết các giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ tại nhiều các trung tâm tài chính khác nhau.

Trong khi đó, Trung Quốc đã đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế thêm đồng Nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ cấu thành Quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Rights), đơn vị thanh toán của Quỹ. Đây là kết quả mà chúng ta nên đón nhận, bởi nó sẽ mang đến cho Trung Quốc tầm ảnh hưởng lớn hơn trong một thể chế đa phương vốn giám sát hoạt động của hệ thống tiền tệ thế giới.

Việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ là điều đáng để kỳ vọng ở một mức độ nào đó vì nó mang lại cho thế giới một nguồn thanh khoản khác ngoài đồng đô la. Khi nước Mỹ gặp vấn đề về tài chính, giống như năm 2008, các nước khác có thể viện tới một nguồn dự phòng tín dụng khẩn cấp.

Trên thực tế, Trung Quốc đã chỉ định ngân hàng thanh toán bù trừ, đàm phán hoán đổi tiền tệ với các nước không chỉ trong khu vực châu Á mà còn các nước châu Âu và Tây bán cầu. Thay vì cố gắng để xây dựng một khối tiền tệ ở châu Á, Trung Quốc có vẻ như đang tìm kiếm cơ hội để nâng tầm của đồng Nhân dân tệ trở thành một đồng tiền quốc tế thực sự có thể thách thức đồng đô la trong tương lai. Lợi thế của việc có nhiều nguồn vay khẩn cấp và nhiều nguồn thanh khoản quốc tế có thể là một điều tốt đối với toàn thế giới.

Rõ ràng Trung Quốc đang mở rộng mạnh mẽ và khẳng định bản thân một cách quyết đoán. Việc Trung Quốc có các hành động đe dọa tới các nước láng giềng cũng như các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cần phải bị trừng phạt và ngăn cản. Tuy nhiên, các chính sách hứa hẹn mang lại lợi ích kinh tế cho các nước khác, ví dụ như hỗ trợ tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua ngân hàng AIIB và dự án Con đường tơ lụa, cần phải được khuyến khích. Điều này cũng đúng với việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, điều sẽ mang đến sự hội nhập sâu sắc hơn của Trung Quốc vào thị trường tài chính toàn cầu, mang lại cho nước này lợi ích lớn hơn trong việc duy trì sự ổn định của hệ thống quốc tế.

Thay vì run sợ, cộng đồng quốc tế nên khuyến khích các sáng kiến mang tính xây dựng của Trung Quốc. Bước đầu tiên để tiến tới mục tiêu này có thể bắt đầu bằng việc có một cái nhìn đa chiều và khách quan hơn đối với các chính sách của Trung Quốc.

Barry Eichengreen là Giáo sư Kinh tế tại Đại học California, Berkeley; Giáo sư Lịch sử và các Thể chế Hoa Kỳ tại Đại học Cambridge; và là cựu cố vấn chính sách cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. 

Copyright: Project Syndicate 2015 – China the Responsible Stakeholder