So sánh khủng hoảng châu Á và khủng hoảng Hy Lạp

Print Friendly, PDF & Email

greece_eurozone_exit

Nguồn: Lee Jong-Wha, “Asia’s View of the Greek Crisis,” Project Syndicate, 16/07/2015.

Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Các nước châu Á đang dõi theo cuộc khủng hoảng Hy Lạp với sự ghen tị pha lẫn cảm giác thỏa mãn. Khi trải qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, các nước châu Á nhận được sự trợ giúp ít hơn rất nhiều, với những điều kiện hà khắc hơn nhiều. Nhưng họ cũng phục hồi mạnh mẽ hơn hẳn, và điều đó cho thấy những khoản cứu trợ cứ lớn dần có thể không phải là toa thuốc tốt nhất để hồi phục.

Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, Hy Lạp đã nhận được khoản tài chính khổng lồ từ Hội đồng ba bên (“troika”): Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Hy Lạp đã nhận được các gói cứu trợ vào năm 2010 và 2012, tổng cộng lên đến 240 tỉ euro (tương đương 266 tỉ USD), trong đó có 30 tỉ euro từ IMF, gấp hơn 3 lần hạn mức cộng dồn mà IMF có thể cho Hy Lạp vay. Các thỏa thuận mới nhất hứa hẹn một khoản cứu trợ khác trị giá lên đến 86 tỉ euro.

Ngược lại, gói cứu trợ năm 1997 của Hàn Quốc – lớn hơn những gói cứu trợ của Indonesia, Thái Lan, hay Philippines – chỉ có tổng cộng 57 tỉ USD, trong đó có 21 tỉ USD từ IMF. Vào thời điểm đó, GDP hàng năm của Hàn Quốc là 560 tỉ USD; năm 2014, GDP của Hy Lạp chưa đến 240 tỉ USD.

Dường như IMF cho Hy Lạp vay một khoản lớn đến như vậy là vì những lý do chính trị. Đầu tiên, vào thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng, Giám đốc điều hành IMF lúc bấy giờ, Domique Strauss-Kahn, là ứng viên hàng đầu cho chức vụ Tổng thống Pháp. Nhìn rộng hơn, các cổ đông lớn của IMF, Liên minh châu Âu, và Hoa Kỳ có lợi ích sống còn trong việc bình ổn Hy Lạp để đảm bảo an toàn cho các ngân hàng Pháp và Đức và giữ gìn sự thống nhất của khối NATO. Desmon Lachman, nguyên phó giám đốc ban chính sách của IMF, từng gọi tổ chức này là một quỹ đen, bị lạm dụng bởi những ông chủ chính trị của nó trong suốt cuộc khủng hoảng Hy Lạp.

Chắc chắn, cơn hỗn loạn kinh tế xảy ra tại Hy Lạp – kết quả của sự hoang phí của chính phủ, tham nhũng của các quan chức, và nạn trốn thuế tràn lan – xứng đáng nhận được một số sự trợ giúp quốc tế nào đó. Và IMF đã áp đặt các điều kiện lên những khoản vay cho Hy Lạp – bao gồm chính sách tài khóa thắt lưng buộc bụng, tư nhân hóa, và cải cách cơ cấu các hệ thống thuế và lương hưu của đất nước này – phần lớn những điều kiện này là cần thiết để giải quyết vấn đề vỡ nợ của quốc gia. Những điều kiện trong thỏa thuận giải cứu mới nhất là hà khắc nhất cho đến thời điểm hiện tại – thậm chí còn hà khắc hơn cả những điều khoản mà cử tri Hy Lạp đã bỏ phiếu từ chối một cách áp đảo trong cuộc trưng cầu dân ý hồi đầu tháng này.

Nhưng quy mô của sự trợ giúp này vẫn khổng lồ, đặc biệt là khi xét đến tiến độ chậm chạp trong việc thực hiện những cải cách mà Hy Lạp từng hứa hẹn trước đây. Điều này trái ngược hoàn toàn so với những gì châu Á trải qua vào năm 1997.

Không giống như Hy Lạp, vấn đề của châu Á không phải là một cuộc khủng hoảng vỡ nợ, mà là một cuộc khủng hoảng về thanh khoản, gây ra bởi sự đổi chiều đột ngột của các dòng vốn. Ở Hàn Quốc, khoản vốn ròng của tư nhân chảy vào nước này chiếm 4,8% GDP trong năm 1996 đã nhanh chóng chuyển thành dòng vốn ròng chảy ra nước ngoài lên tới 3,4% GDP trong năm 1997. Mặc dù sự tích tụ của những khoản nợ ngắn hạn khá lớn trong hệ thống tài chính và khu vực doanh nghiệp đã làm khuếch đại thêm cú sốc này, nhưng những yếu tố chính làm bùng lên cuộc khủng hoảng này là sự thiếu thanh khoản quốc tế, các động thái hoảng loạn của các nhà đầu tư, và sự sụp đổ tài chính dây chuyền.

Vậy mà IMF lại áp đặt những điều kiện lên châu Á thậm chí còn khắc nghiệt hơn lên Hy Lạp, bao gồm thắt lưng buộc bụng về tài khóa, thắt chặt chính sách tiền tệ, và tái cấu trúc tài chính. Một số điều kiện rõ ràng là không cần thiết, ví dụ như đối với trường hợp của Malaysia, nước đã phục hồi nhanh chóng từ khủng hoảng mà không cần sự trợ giúp của IMF.

Dù là trong trường hợp nào thì những biện pháp này cũng chỉ mang tính tạm thời. Khi sự tự tin bắt đầu hồi phục và các điều kiện thị trường bình ổn, các nền kinh tế Đông Á đã chuyển các chính sách tiền tệ và tài khóa sang hướng nới lỏng và theo đuổi việc phá giá tỉ giá hối đoái trên diện rộng – những nỗ lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu của họ. Các cải cách cơ cấu, bao gồm việc đóng cửa ngay lập tức các tổ chức tài chính và loại bỏ các khoản nợ xấu, cũng giúp đẩy mạnh sự phục hồi.

Ví dụ như ở Hàn Quốc, tăng trưởng GDP thực nhanh chóng phục hồi từ âm 6,7% trong năm 1998 lên 9,5% năm 1999. Cho đến giữa năm 2003, khoảng 776 tổ chức tài chính của nước này đã bị đóng cửa. Và cam kết mạnh mẽ của chính quyền về cải cách đã phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư, làm hồi sinh nguồn vốn tư nhân chảy vào trong nước và kích hoạt lại hoạt động ngoại thương.

Ngược lại, Hy Lạp đã thất bại hoàn toàn trong việc thiết kế một sự hồi phục. Thay vì giảm tỉ lệ nợ công trên tổng GDP xuống 110% như kế hoạch, tỉ lệ này lại tăng lên đến 170%. Thu nhập thực tế bình quân đầu người/năm thu hẹp trung bình 4,8% mỗi năm trong sáu năm vừa qua. Tỉ lệ thất nghiệp đứng ở mức 26%, và dao động quanh mức 50% đối với giới trẻ.

Trong bối cảnh này, không quá ngạc nhiên khi Hy Lạp trở thành quốc gia phát triển đầu tiên không thể trả nợ cho IMF khi đất nước này không thể có được 1,5 tỉ euro vào cuối tháng 6. IMF đã muộn màng thừa nhận rằng các khoản vay và khuyến nghị chính sách của Quỹ đã thất bại ở Hy Lạp.

Chính phủ Hy Lạp sau đó đề nghị hỗ trợ tài chính nhiều hơn nữa với các điều khoản ít ngặt nghèo hơn. Nhưng, như các bên cho vay đã nhận ra, việc cung cấp thêm tiền sẽ không giải quyết được vấn đề vỡ nợ của Hy Lạp. Đó là lý do tại sao thỏa hiệp mới đây đòi hỏi chính phủ nước này ngay lập tức phải cắt giảm các khoản lương hưu, tăng thuế (bắt đầu với thuế giá trị gia tăng), tự do hóa thị trường lao động, và tuân thủ một số hạn chế chi tiêu khắt khe. Đồng thời, việc giảm giá trị của nợ công chính thức, giống như lần “cắt tóc” (haircut)[1] cho các chủ nợ tư nhân năm 2012, sẽ là cần thiết.

Rất nhiều người đã đặt câu hỏi là liệu những cải cách khổ sở này có hoàn toàn cần thiết hay không; nhiều người đề xuất rằng nếu Hy Lạp quay trở lại sử dụng đồng drachma thì nó có thể thực hiện cắt giảm lãi suất ngân hàng và phá giá tỉ giá hối đoái, qua đó phục hồi kinh tế bằng xuất khẩu. Nhưng với khu vực xuất khẩu nhỏ của Hy Lạp, chưa kể sự yếu kém của nền kinh tế toàn cầu, một cuộc phục hồi như vậy có thể là bất khả thi. Vận may lớn nhất của Hy Lạp hiện giờ chính là cải cách.

Cho đến giờ, Hy Lạp vẫn thể hiện là nước này không thực sự thiện chí với việc tiến hành các biện pháp điều chỉnh lương nội bộ và những cải cách đầy đau đớn mà các nước ngoài ép buộc. Có lẽ cuộc thỏa thuận mới nhất, đạt được khi Hy Lạp đang trên bờ vực sụp đổ, sẽ là một bước ngoặt để cuối cùng Hy Lạp cũng phải cam kết tích cực cải cách kinh tế và tài khóa. Nếu không thì việc Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu – với tất cả những xung đột kinh tế và xã hội ập xuống cùng lúc – sẽ dường như là không thể tránh khỏi.

Người châu Á dõi theo Hy Lạp với lòng cảm thông về sự sụp đổ của nơi sinh ra nền văn minh phương Tây. Nhưng có lẽ Hy Lạp nên nhìn vào châu Á để nhận ra rằng, bằng cách chịu trách nhiệm về vận mình của mình, một đất nước có thể vực dậy mạnh mẽ, ngay cả từ những thử thách khó khăn nhất.

Lee Jong-Wha, Giáo sư Kinh tế và Giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á, Đại học Korea, là Chuyên gia Kinh tế Trưởng kiêm Trưởng Văn phòng Hội nhập kinh tế Vùng, Ngân hàng Phát triển châu Á, và là cố vấn cấp cao về các vấn đề kinh tế quốc tế của cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung bak.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Asia’s View of the Greek Crisis

————————-

[1] Trong lĩnh vực tài chính haircut nghĩa là phần chiết khấu khỏi giá trị thật của tài sản khi tài sản được thế chấp tại ngân hàng. Ví dụ, một lô đất giá trị 100 đồng nhưng ngân hàng chỉ chấp nhận thế chấp ở mức 75 đồng, để đề phòng rủi ro tài sản giảm giá, và phần chênh lệch 25 đồng được gọi là haircut. Tương tự, trong khủng hoảng các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu, người ta áp dụng biện pháp này để buộc các trái chủ chấp nhận giảm giá trị trái phiếu đang gửi tại các ngân hàng (tức con nợ của họ) theo một tỉ lệ nhất định để giúp giảm số nợ của ngân hàng. Số chiết khấu này cũng có thể được biến thành cổ phần của các trái chủ trong các ngân hàng đó, làm giúp tăng quy mô vốn cho các ngân hàng. Giải pháp này được nhiều nước ủng hộ trong quá trình tái cơ cấu nợ của các ngân hàng vì nó chuyển chi phí sang các trái chủ, trong khi nếu dùng giải pháp giải cứu (bail out) thì nhà nước phải dùng ngân sách, tức tiền thuế của dân, để làm việc đó, dẫn tới các phản đối của người dân –NBT.

Xem thêm các từ ngữ thú vị tại ĐÂY.