Nguồn: Angus Deaton, “Rethinking Robin Hood”, Project Syndicate, 13/06/2016.
Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Viện trợ phát triển quốc tế được dựa trên nguyên tắc Robin Hood: lấy từ người giàu và trao cho người nghèo. Các cơ quan phát triển quốc gia, các tổ chức đa phương, và các tổ chức phi chính phủ hiện đang chuyển giao hơn 135 tỷ đô la mỗi năm từ các nước giàu sang các nước nghèo với suy nghĩ này.
Thuật ngữ trang trọng hơn cho nguyên tắc Robin Hood là “chủ nghĩa ưu tiên đại đồng” (“cosmopolitan prioritarianism”), nguyên tắc đạo đức cho rằng chúng ta nên nghĩ đến mọi người trên thế giới theo cùng một cách giống nhau, bất kể họ sống ở đâu, và sau đó tập trung sự giúp đỡ vào nơi mà nó phát huy nhiều tác dụng nhất. Những người nghèo hơn được ưu tiên hơn những người khá hơn. Triết lý này định hướng một cách âm thầm hoặc rõ ràng cho viện trợ phát triển kinh tế, viện trợ y tế, và viện trợ nhân đạo khẩn cấp.
Bề ngoài, chủ nghĩa ưu tiên đại đồng rất có lý. Người dân ở các nước nghèo có những nhu cầu bức thiết hơn, và mức giá cả thấp hơn nhiều ở những nước này khiến một đồng đô la hoặc một đồng euro có thể mua được gấp hai hay ba lần giá trị của nó so với tại những quốc gia sử dụng đô la hoặc euro. Chi tiêu tại các nước giàu không chỉ đắt đỏ hơn, mà còn đến tay những người vốn đã giàu có (ít nhất là mức tương đối, đánh giá theo các tiêu chuẩn toàn cầu), và vì thế mà ít có ích hơn.
Tôi đã suy nghĩ và cố gắng đo lường mức nghèo đói toàn cầu trong nhiều năm, và nguyên lý định hướng này nhìn chung dường như luôn đúng. Nhưng gần đây bản thân tôi cảm thấy ngày càng không chắc chắn về nó. Cả thực tế lẫn đạo đức đều đặt ra những vấn đề.
Chắc chắn đã có những bước tiến lớn trong việc giảm nghèo toàn cầu, phần nhiều là nhờ tăng trưởng và toàn cầu hóa hơn là nhờ viện trợ nước ngoài. Số người nghèo đã giảm trong 40 năm qua từ hơn 2 tỷ người xuống còn dưới 1 tỷ người – một kỳ tích đáng kể, nếu xét đến sự gia tăng dân số thế giới và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại kéo dài, đặc biệt là từ năm 2008.
Mặc dù ấn tượng và được đón chào nồng nhiệt, giảm nghèo không phải là không có giá của nó. Quá trình toàn cầu hóa đã cứu rất nhiều người dân ở các nước nghèo nhưng lại gây hại cho một số người ở các nước giàu, khi các nhà máy và việc làm đã di dời sang nơi có lao động rẻ hơn. Điều này dường như là một cái giá có thể chấp nhận được về mặt đạo đức, bởi những người mất việc vẫn giàu có (và khỏe mạnh) hơn rất nhiều những người mới nhận được việc.
Một nguyên nhân kéo dài của sự không hài lòng là những ai đưa ra những nhận định như thế trong số chúng ta lại không ở vị trí phù hợp để đánh giá tổn thất. Như nhiều người trong giới học giả và trong ngành phát triển, tôi nằm trong số những người được hưởng lợi lớn nhất từ toàn cầu hóa – những người có thể bán dịch vụ của mình cho những thị trường ngày một lớn và giàu có hơn những gì ông cha ta có thể mơ tới.
Toàn cầu hóa ít đẹp đẽ hơn với những người không chỉ không được hưởng lợi từ nó, mà còn phải chịu tác động của nó. Ví dụ, từ lâu chúng ta biết rằng những người Mỹ có thu nhập thấp hơn và ít giáo dục hơn chỉ nhận được lợi ích kinh tế ít ỏi trong bốn thập niên qua, và đáy thị trường lao động Mỹ có thể là một môi trường vô cùng khắc nghiệt. Nhưng những người Mỹ này phải hứng chịu tồi tệ đến mức nào từ toàn cầu hóa? Họ có khá hơn nhiều so với những người châu Á đang làm việc trong những nhà máy mà trước đây từng được đặt ở quê nhà của họ hay không?
Chắc chắn là phần lớn có khá hơn. Nhưng vài triệu người Mỹ – da màu, da trắng, và gốc Latinh – lại đang phải sống trong những hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người dưới 2 đô la Mỹ một ngày, về cơ bản chính là mức tiêu chuẩn mà Ngân hàng Thế giới sử dụng để định nghĩa ngưỡng nghèo cơ bản ở Ấn Độ hay châu Phi. Tìm được một nơi cư ngụ ở Hoa Kỳ với mức thu nhập đó khó đến mức nghèo ở ngưỡng 2 đô la một ngày ở Mỹ thì gần như chắc chắn tồi tệ hơn nhiều so với ngưỡng 2 đô la một ngày ở Ấn Độ hay châu Phi.
Hơn nữa, sự bình đẳng về cơ hội vốn được ca ngợi rất nhiều của nước Mỹ đang bị đe dọa. Các thị trấn và thành phố vốn đã để những nhà máy của họ rơi vào tay toàn cầu hóa cũng đã mất đi nguồn thuế và khó duy trì được các trường học chất lượng – lối thoát cho thế hệ tiếp theo. Những trường danh giá tuyển sinh viên giàu để chi trả những chi phí cho chúng, và mời những bộ phận dân số thiểu số vào nhằm sửa chữa lỗi lầm của hàng thế kỷ phân biệt chủng tộc; nhưng rõ ràng sự thật trên sẽ làm tăng thêm sự oán hận trong giai cấp lao động da trắng, những người mà con cái họ không thể tìm được chỗ đứng trong một thế giới mới đầy biến động này.
Công trình của tôi hợp tác cùng Anne Case cho thấy nhiều dấu hiệu đáng lo ngại hơn nữa. Chúng tôi đã ghi nhận được làn sóng “những cái chết vì tuyệt vọng” tăng cao trong số những người da trắng không có gốc Latinh – do tự tử, lạm dụng chất cồn, và các trường hợp tai nạn sốc thuốc được kê đơn hoặc thuốc bất hợp pháp. Tỷ lệ tử vong tổng thể của nước Mỹ trong năm 2015 cao hơn trong năm 2014, và tuổi thọ cũng đã giảm xuống.
Chúng ta có thể tranh luận về thước đo mức sống vật chất, về việc lạm phát có bị phóng đại và mức gia tăng mức sống có bị đánh giá thấp hay không, hay liệu các trường học có thực sự tồi tệ như vậy ở khắp mọi nơi không. Nhưng cái chết thì khó mà lấp liếm.
Tư cách công dân đi cùng với một nhóm quyền và nghĩa vụ mà chúng ta không chia sẻ với công dân ở các nước khác. Nhưng phần “đại đồng” trong định hướng đạo đức trên lại làm ngơ mọi nghĩa vụ đặc biệt mà chúng ta có với chính đồng bào mình.
Chúng ta có thể nghĩ về những quyền và nghĩa vụ này như một loại hợp đồng bảo hiểm lẫn nhau: Chúng ta từ chối chấp nhận một số hình thức bất bình đẳng đối với đồng bào mình, và mỗi người chúng ta có một trách nhiệm giúp đỡ – và một quyền được đón nhận sự giúp đỡ – khi đối mặt với những mối đe dọa tập thể. Những trách nhiệm đó không làm mất giá trị hay đứng trên trách nhiệm của chúng ta với những người đang chịu nhiều đau khổ ở những nơi khác trên thế giới, nhưng chúng đồng nghĩa với việc nếu chỉ đánh giá dựa trên nhu cầu vật chất thì chúng ta đang liều lĩnh bỏ qua những cân nhắc quan trọng.
Khi công dân tin rằng giới tinh hoa quan tâm đến người dân ở phía bên kia đại dương nhiều hơn những người ở phía bên kia đường ray, hợp đồng bảo hiểm này đã bị phá vỡ, chúng ta chia rẽ thành những phe phái, và những người bị bỏ lại trở nên tức giận và sụp đổ niềm tin với một nền chính trị giờ đây không còn phục vụ mình. Chúng ta có thể không đồng tình với những biện pháp mà họ tìm kiếm, nhưng chúng ta đang bỏ qua những bất bình thực sự của họ với cái giá là sự nguy hiểm cho họ và chính mình.
Angus Deaton, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2015, là Giáo sư ngành Kinh tế và các vấn đề quốc tế tại Viện Đại học Princeton, Hoa Kỳ. Ông là tác giả cuốn The Great Escape: Health, Wealth, and the Origins of Inequality.
Copyright: Project Syndicate 2013 – Rethinking Robin Hood
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]