Nguồn gốc cộng sản và tư tưởng chống Đức của Đảng Syriza

Print Friendly, PDF & Email

Tsipras_Larisa

Nguồn: Nikolaos Papadogiannis, “Syriza’s German Fixation?”, Project Syndicate, 08/07/2015.

Biên dịch: Hoàng Hải Hà | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Người Hy Lạp đã nói lên tiếng nói của mình. Trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, họ đã quyết định bác bỏ thỏa thuận được các chủ nợ của Hy Lạp đưa ra. Tuy vậy, trong nội bộ của Đảng Syriza cầm quyền, mọi thứ không thực sự rõ ràng đến vậy.

Từ khi lên nắm quyền vào tháng 1, Đảng Syriza đã cố gắng cân bằng nhu cầu phải đi tới một thỏa thuận về các khoản nợ của Hy Lạp với lời cam kết được đưa ra trong cuộc vận động tranh cử rằng không ký bất cứ một thỏa thuận nào đẩy Hy Lạp lún sâu vào tình trạng suy thoái. Quyết định của thủ tướng Alexis Tsipras nhằm thúc đẩy cử tri Hy Lạp bỏ phiếu “chống” trong cuộc trưng cầu dân ý về đề xuất được các chủ nợ đưa ra gần đây nhất đã cho thấy rằng yếu tố thứ hai được ưu tiên. Động thái này tất yếu đã gặp phải sự chế giễu đầy giận dữ của các nhà lãnh đạo khu vực đồng Euro khác.

Theo chính phủ Hy Lạp, thỏa thuận hiện tại không chỉ biến Hy Lạp thành một thuộc địa của nợ nần mà còn đe doạ phẩm giá của người Hy Lạp. Đối với Tsipras, phẩm giá quốc gia là tối cao, như được minh họa trong chuyến đi thăm của ông chỉ vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng tới đài tưởng niệm chiến tranh ở Kaisariani, một quận của Athens. Đây là nơi 200 dân thường Hy Lạp đã bị lực lượng chiếm đóng của Đức Quốc xã giết hại vào năm 1944.

Nhiều nhà quan sát đã coi chuyến thăm này như một nỗ lực khiếm nhã nhằm trêu tức nước Đức, quốc gia mà Đảng Syriza xem như lực lượng đằng sau thúc đẩy các thỏa thuận cứu trợ tài chính. Thực tế, chuyến thăm của Tsipras khẳng định dư âm sự kháng cự lâu đời bên trong các phong trào vốn hình thành nên đảng chính trị của ông, một di sản có thể làm phức tạp thêm bất cứ nỗ lực nào của ông nhằm đi tới một thỏa thuận.

Đảng Syriza – vốn bao gồm nhiều nhóm cánh tả, từ những nhóm cực tả cho tới nhóm đảng viên Đảng xã hội dân chủ ôn hòa – có gốc rễ từ Đảng Cộng sản Hy Lạp. Đảng này đã từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống lại sự chiếm đóng của phát xít Đức thời kỳ Thế chiến II. Mặc dù các tổ chức kháng chiến thuộc phái cánh tả và trung dung cũng tồn tại, nhưng cả quy mô và mức độ ảnh hưởng của họ đều không thể sánh được với các đối thủ cánh tả theo chủ nghĩa cộng sản. Các lực lượng cánh tả đã chứng tỏ uy lực lớn của mình vào ngày 5 tháng 3 năm 1943 khi họ làm tê liệt Athens  bằng một cuộc biểu tình quy mô lớn.

Tuy nhiên trong cuộc nội chiến diễn ra ở Hy Lạp sau Thế chiến II, quân đội của Đảng Cộng sản đã bị các lực lượng chính phủ tiêu diệt, và các đảng viên cộng sản đã bị coi là những kẻ phản quốc. Việc loại trừ tuyệt đối đảng cộng sản tiếp tục là thành phần chủ đạo trong tư tưởng chính thống của Hy Lạp cho tới khi chế độ độc tài quân sự sụp đổ ở nước này năm 1974, khi các tổ chức cộng sản lại được phép hoạt động trở lại.

Ngay cả khi đã trải qua một thời kỳ dài bị khủng bố, các lực lượng cực tả Hy Lạp vẫn duy trì niềm tự hào về vai trò của các bậc tiền bối của họ trong cuộc chiến chống lại sự chiếm đóng của liên minh giữa Đức, Ý và Bulgaria, tán dương các nỗ lực quả cảm của họ, dù chỉ trong thời gian ngắn, để giải phóng lãnh thổ Hy Lạp khỏi sự bóc lột của ngoại bang. Sau năm 1974, những người cộng sản đã tổ chức một số sự kiện văn hóa nhấn mạnh chủ nghĩa anh hùng này, và các câu lạc bộ âm nhạc hoặc hộp đêm nhỏ thường vang lên nhiều bài hát từ những năm 1940 để lại. Thậm chí hiện nay, những người cộng sản Hy Lạp, bao gồm nhiều cán bộ Đảng Syriza, miêu tả bản thân họ như những người kế tục cuộc chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của Đức Quốc xã và chủ nghĩa phát xít.

Điều này không có nghĩa là các tổ chức có mối liên hệ với phe cánh tả cộng sản của Hy Lạp tin rằng tất cả người Đức đều mang trong mình tinh thần Đức Quốc xã. Trái lại, các nhóm cánh tả, bao gồm cả Đảng Syriza, hiếm khi, nếu không phải là không bao giờ, đưa ra quan điểm chống Đức như vậy (ít nhất là một cách chính thức). Thay vào đó, họ cố gắng thành lập các mối liên kết với những người Đức “khác”, những người đã thể hiện tinh thần đoàn kết với người Hy Lạp.

Về phần mình, Đảng Syriza vẫn duy trì mối liên hệ chặt chẽ với Đảng Cánh tả (die Linke) của Đức. Được thành lập vào năm 2007, Đảng Cánh tả này bao gồm các cựu thành viên của Đảng cộng sản trước đây nắm quyền ở Đông Đức, và những người phái tả tách ra từ Đảng Dân chủ Xã hội. Đảng Syriza và Đảng Cánh tả Đức hợp tác trong Quốc hội châu Âu, nơi mà cả hai đều tham gia vào nhóm Liên hiệp Cánh tả châu Âu / nhóm Cánh tả Xanh Bắc Âu (European United Left/Nordic Green Left).

Tuy vậy, các luận điệu chống người Đức vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn. Tấm áp phích của Giorgos Pantzas, ứng cử viên Đảng Syriza trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2012, tuyên bố “Nói Không với Đệ tứ Đế chế” và ”chúng ta không sợ súng đạn của người Đức” đã giúp ông ta trúng cử. Ngoài ra, nhiều thành viên Đảng Syriza so sánh các chính trị gia Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của Đức, đặc biệt là thủ tướng Đức Angela Merkel và bộ trưởng tài chính Wolfgang Schäuble, với những người Quốc xã.

Chắc chắn đây không phải là quan điểm chính thức của Đảng Syriza.  Ví dụ, Tsipras đã thẳng thắn phê phán bức tranh biếm họa vẽ Schäuble trong quân phục của Đức Quốc xã. Và, 2 tháng trước, sau cuộc gặp gỡ với bà Merkel, Tsipras đã gạt bỏ ý kiến cho rằng người Đức nên chịu trách nhiệm về tình trạng hiện tại của Hy Lạp. Quan điểm này cho thấy thiện chí nhằm đạt tới điều mà Đảng Syriza gọi là “một sự thỏa hiệp có nhân phẩm” với các đối tác châu Âu của Hy Lạp. Mặc dù vậy, việc đi đến một thỏa thuận như vậy sẽ không dễ dàng vì nó sẽ yêu cầu Tsipras phải vượt qua không chỉ sự phản kháng của các thành viên Đảng Syriza cực đoan trong quốc hội, mà còn thái độ bất bình của các chủ nợ của Hy Lạp.

Nikolaos Papadogiannis đang giảng dạy lịch sử tại Đại học St. Andrews, và là tác giả của các cuốn sách Militant Around the Clock? Left‑Wing Youth Politics, và Leisure, and Sexuality in Post‑Dictatorship Greece, 1974‑1981.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Syriza’s German Fixation?