Đích đến chính trị của Myanmar vẫn còn bất định

Print Friendly, PDF & Email

MYANMAR SUUKYI/

Nguồn: Trevor Wilson, “Myanmar’s political destination still unknown”, East Asia Forum, 06/08/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Lam Phương | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Cuộc tổng tuyển cử lần thứ hai kể từ khi Myanmar bắt đầu tiến trình chuyển tiếp về mặt chính trị vào năm 2011 sẽ được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 8 tháng 11 năm 2015. Khoảng 30 triệu cử tri Myanmar – cả trong và ngoài nước – sẽ có tư cách tham gia bỏ phiếu tại một trong những sự kiện bầu cử một giai đoạn có quy mô lớn trên thế giới. Nhưng cuộc tổng tuyển cử này có ý nghĩa như thế nào đối với tiến trình dân chủ hóa của Myanmar thì vẫn chưa rõ.

Cuộc bầu cử năm 2010 được biết đến với gian lận tràn lan, và được xem là không đủ tự do và công bằng. Cuộc bầu cử năm 2015 sẽ được tổ chức theo những quy trình minh bạch và nghiêm ngặt hơn với sự có mặt của các giám sát viên quốc tế, nhưng nó sẽ không nhất thiết được coi là hợp pháp khi quân đội vẫn tiếp tục kiểm soát nghiêm ngặt các hoạt động chính trị.

Cũng như năm 2010, ở cả lưỡng viện, 25 phần trăm số ghế được dành riêng cho các đại diện của quân đội. Điều này là theo quy định của bản hiến pháp do chế độ độc tài quân sự trước đó thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý gian lận vào tháng Năm năm 2008.

Tổng thống U Thein Sein, một vị tướng về hưu, người dẫn đầu Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền, vẫn chưa xác nhận những ý định của mình liên quan đến cuộc bầu cử. Sau khi lên nắm quyền, Thein Sein đã phải từ bỏ chức lãnh đạo chính thức của USDP. Vì thế ông được cho là sẽ không tìm kiếm một nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.

Trong vai trò tổng thống, Thein Sein đã cho thông qua một chương trình nghị sự cải cách, thúc đẩy việc hòa giải và đàm phán hòa bình với các nhóm sắc tộc. Thế nhưng đề xuất ngừng bắn trên toàn quốc của ông vẫn chưa chính thức nhận được sự đồng ý của tất cả các bên.

Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập do bà Daw Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã không tham gia tranh cử trong cuộc tuyển cử năm 2010. Một phe nhỏ của đảng, tự xưng là Lực lượng Dân chủ Quốc gia, chỉ giành được một số ghế nhỏ. Nhưng NLD đã tham gia cuộc bầu cử bổ sung vào tháng 4/2012, và giành được 43 trên tổng số 45 ghế được bầu. Bà Aung San Suu Kyi đã lần đầu tiên được bầu vào Quốc hội, và sau đó chấp nhận được bổ nhiệm làm người đứng đầu Ủy ban Quốc hội về Pháp quyền và Bình ổn, một vị trí mà bây giờ bà vẫn nắm giữ.

Đảng NLD và bà Suu Kyi cuối cùng đã xác nhận rằng họ sẽ tham gia tranh cử vào năm 2015. Nhưng theo quy định của hiến pháp năm 2008, bà Suu Kyi không được phép tham gia tranh cử tổng thống vì hai người con trai của bà đều mang quốc tịch Anh.

Đảng NLD từng giành được đa số phiếu áp đảo trong các cuộc bầu cử năm 1990, cuộc bầu cử được tổ chức lần đầu tiên của Myanmar dưới chế độ độc tài quân sự trước đây. Nhưng chế độ này đã từ chối chuyển giao quyền lực. Cuộc đảo chính quân sự diễn ra sau đó đã dẫn đến một chiến dịch đàn áp chống lại đảng. Hơn một triệu người Miến ủng hộ đảng NLD đã trốn khỏi đất nước.

Một số đảng khác đại diện cho các nhóm dân tộc khác nhau, những người chỉ thắng được một số ghế nhỏ trong hai cuộc bầu cử trước đó, cũng sẽ tham gia tranh cử để giành một vài ghế. Tuy không có các cuộc thăm dò ý kiến ở Myanmar về ý định bỏ phiếu của cử tri nhưng đảng NLD được suy đoán rộng rãi là có thể thành lập được chính phủ sau các cuộc bầu cử, hoặc tự mình hoặc thông qua một liên minh cầm quyền.

Tình hình chính trị quốc gia ở Myanmar bây giờ về một khía cạnh nào đó được đặc trưng bởi các đảng và các cá nhân đi theo những mảnh ý thức hệ riêng lẻ và tập trung vào những mục đích chính trị của đảng họ, mà không phản ứng lại một cách tới nơi tới chốn những mối quan tâm rộng rãi của người dân.

Điều này chắc chắn được thể hiện trong các hoạt động “chính trị” rõ ràng hơn ở Myanmar, bao gồm bạo lực giữa các nhóm ở địa phương và tình trạng nổi loạn tại một số vùng miền. Những nỗ lực nhằm khẳng định một lập trường độc lập dù có hay không có sự ủng hộ của người dân đều có thể đưa tới những ảnh hưởng sâu rộng. Tình hình chính trị quốc gia cũng được đánh dấu bởi sự thất bại của hầu hết các đảng lớn trong việc ứng phó với những mối quan ngại phổ biến, bao gồm cả vấn đề tranh chấp đất đai.

Người dân Myanmar rất quan tâm đến cuộc bầu cử năm 2015 này. Vào tháng 11 năm 2010, họ đã chứng kiến cách quy trình bầu cử đã bị bẻ cong như thế nào với nạn gian lận phiếu bầu và các lạm dụng khác. Tất nhiên, một vài người vẫn nhớ các cuộc bầu cử năm 1990 đã bị “đánh cắp” và đảng NLD đã bị quân đội trừng phạt ra sao. Một số người bây giờ đã nhận ra rằng đảng NLD không phải lúc nào cũng đáp ứng được các kỳ vọng chính trị của họ. Họ sẽ không bỏ phiếu hoặc lập kế hoạch phản ứng chính trị theo cách riêng của mình, không lệ thuộc vào đảng NLD.

Myanmar đã được tập huấn chuyên môn quốc tế về các thực tiễn bầu cử tốt nhất và Ủy ban Bầu cử Liên bang có vẻ như là độc lập dường như đang chuẩn bị rất quyết liệt cho các cuộc bầu cử năm 2015, tham gia vào các cuộc tham vấn cử tri quy mô nhất từ trước đến nay.

Việc đăng ký của cử tri và các đảng đã được thực hiện kỹ lưỡng hơn so với các cuộc bầu cử trước đây, bao gồm cả các cuộc bầu cử năm 2010. Các nhân viên ủy ban bầu cử, đảng viên và đại diện cho xã hội dân sự độc lập nay đã được đào tạo tốt hơn. Việc quy trình bầu cử được giám sát kỹ càng bởi các quan sát viên cả trong nước lẫn quốc tế sẽ đảm bảo tính minh bạch tốt hơn. Những yếu tố này sẽ góp phần cải thiện quy trình bầu cử.

Cuối cùng, sự thành công của các cuộc bầu cử sẽ được đánh giá dựa trên tính hợp pháp mà chúng mang lại, và điều này dựa vào việc các kết quả có thể được chấp nhận hay không. Các cuộc bầu cử sẽ có được tính hợp pháp lớn hơn nếu chúng không được tổ chức theo hiến pháp 2008 vốn không được thay đổi và không phải là kết quả của một quá trình dân chủ thực sự.

Hiến pháp năm 2008 sẽ được cải thiện nếu đạt được một thỏa hiệp về một số sửa đổi vốn đã được bàn bạc trong hai năm vừa qua. Các đại diện quân đội trong Quốc hội gần đây đã bỏ phiếu chống lại những sửa đổi hiến pháp vốn sẽ làm giảm yêu cầu về đa số phiếu cần thiết để thay đổi hiến pháp và cho phép bà Suu Kyi tranh cử tổng thống.

Các kết quả của cuộc bầu cử rất có thể sẽ gây hoang mang. Có thể sẽ mất một thời gian trước khi những chính sách mới được quyết định, kể cả khi bản thân quy trình bầu cử diễn ra một cách hòa bình và công bằng. Hy vọng rằng, hành trình cải cách tổng thể hướng tới dân chủ của Myanmar sẽ tiếp tục diễn ra sau năm 2015, cho dù ai lên nắm quyền đi chăng nữa.

Những nhà lãnh đạo của Myanmar sau năm 2015 sẽ phải kế thừa những thách thức đáng kể. Quan trọng nhất là phải đạt được một nền pháp quyền hiệu quả: trước khi đạt được các tiến bộ đáng kể trong việc đưa nền pháp quyền bén rễ vào mọi khía cạnh của xã hội thì những chính sách kinh tế – xã hội khả thi sẽ rất khó thực hiện, và việc bảo vệ tự do và quyền của mỗi cá nhân sẽ là bất khả thi. Đây thực sự là những mục tiêu mà Myanmar bây giờ rất cần đến, và cũng chính là những mục tiêu mà người dân nước này đang mong muốn hơn bao giờ hết. Những người bạn cũng như láng giềng của Myanmar phải có trách nhiệm sẵn sàng giúp đỡ họ.

Trevor Wilson là nghiên cứu viên khách mời tại Khoa Thay đổi về Chính trị và Xã hội, Đại học Quốc gia Australia.