27/08/1952: “Nỗi sợ cộng sản” bao trùm chính trị Hoa Kỳ

Print Friendly, PDF & Email

did-red-scare-affect-america_d20040cbb42585b9

Nguồn: “Red Scare dominates American politics”, History.com (truy cập ngày 27/8/2015)

Biên dịch và Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1952 bắt đầu nóng lên, những lời cáo buộc lẫn nhau liên quan đến chủ nghĩa cộng sản cũng trở nên dày đặc. “Nỗi sợ cộng sản” (Red Scare) – niềm tin ngày càng lan rộng rằng chủ nghĩa cộng sản quốc tế đang hoạt động tại Mỹ – trở thành chủ đề tranh cãi chủ yếu giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa năm 1952.

Ngày 27/8/1952, trên trang nhất tờ New York Times là ba câu chuyện về tác động của Nỗi sợ cộng sản lên cuộc bầu cử sắp tới. Trong câu chuyện đầu tiên, Ủy ban An ninh nội địa của Thượng viện (do Đảng Dân chủ nắm đa số ghế) đã công bố một bản báo cáo cáo buộc tội Hiệp hội Phóng viên Phát thanh do một số người cộng sản điều hành. Các thành viên của Hội chịu trách nhiệm sản xuất hơn 90 phần trăm chương trình trên sóng phát thanh, và một nhóm nhỏ những người cộng sản công khai điều hành hội này trong ít nhất chín năm qua. Theo bản báo cáo của ủy ban, sự tiếm quyền của cộng sản ở Hội chỉ là một bước đi trong kế hoạch lớn hơn nhằm kiểm soát truyền thông Mỹ – bao gồm cả phát thanh, truyền hình, phim truyện, và sách.

Câu chuyện thứ hai trên trang nhất là một bản báo cáo về việc năm thứ ba liên tiếp, tổ chức “Lính lê dương Mỹ” (American Legion) yêu cầu tổng thống Harry S. Truman bãi nhiệm Ngoại trưởng Dean Acheson, bởi ông này không đối phó được với mối đe dọa từ cộng sản. Bản báo cáo của tổ chức “Lính lê dương” tuyên bố rằng Bộ ngoại giao đang thiếu những “con chiên Mỹ ngoan đạo”, những người “có sức mạnh từ bên trong để không trở thành con rối chính trị.” Tổ chức này cũng yêu sách một cái kết nhanh chóng và thắng lợi cho cuộc Chiến tranh Triều Tiên, kể cả điều này có nghĩa là phải mở rộng cuộc chiến sang tận Trung Quốc.

Câu chuyện thứ ba gần như là một lời phản bác lại hai câu chuyện trên. Đó là một bài phát biểu của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ – Thống đốc Adlai E. Stevenson. Ông cực lực chỉ trích những người lợi dụng ‘lòng yêu nước’ làm vũ khí chống lại các đối thủ chính trị. Stevenson nhắc tại câu nói của nhà văn Samuel Johnson: “Lòng yêu nước là nơi trú ẩn cuối cùng của những tên vô lại”. Đây rõ ràng là một cái tát vào Ủy ban Thượng viện và nhiều người khác, như Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy. Thống đốc khẳng định rằng thật “shock” khi những người Mỹ tốt – như Acheson và ngoại trưởng tiền nhiệm, tướng George C. Marshall – có thể bị tố rằng họ không yêu nước.

Ba câu chuyện trên trang nhất tờ Times đã cho thấy cuộc Nỗi sợ cộng sản đã thâm nhập sâu vào xã hội Hoa Kỳ như thế nào. Những cáo buộc về cộng sản kiểm soát các ngành phim ảnh, phát thanh, truyền thanh, trong Bộ Ngoại giao và Quân đội Mỹ, trong mọi khía cạnh cuộc sống… tràn ngập trên mặt báo và sóng truyền thanh.

Đến năm 1952, rất nhiều người Mỹ tin rằng cộng sản đang làm việc tại Hoa Kỳ và cần phải bị nhổ bỏ và truy quét. Đảng Cộng hòa và đồng minh của mình rõ ràng đã lên kế hoạch lợi dụng nỗi sợ này để phục vụ cho cuộc bầu cử tổng thống năm đó. Còn đảng Dân chủ thì chuẩn bị đáp trả lại cái ‘mác’ mềm yếu đối với chủ nghĩa cộng sản dưới thời tổng thống Truman (người nắm quyền sau khi Franklin D. Roosevelt qua đời). Cuối cùng đảng Cộng hòa chiến thắng, với thắng lợi của Dwight D. Eisenhower trước Stevenson.