25/10/1983: Hoa Kỳ xâm lược Grenada

Print Friendly, PDF & Email

US_C141_Grenada

Nguồn:United States invades Grenada,” History.com (truy cập ngày 24/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1983, viện cớ công dân Mỹ trên đảo quốc Grenada thuộc vùng biển Caribbe đang có nguy cơ bị đe dọa bởi chế độ Marxist của đất nước này, Tổng thống Ronald Reagan đã ra lệnh cho lực lượng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tiến hành xâm lược Grenada và đảm bảo an ninh cho công dân Mỹ. Ở thời điểm đó có khoảng 1.000 người Mỹ ở Grenada, phần lớn trong số họ là sinh viên của trường y trên đảo. Trong vòng chưa đầy một tuần, chính phủ Grenada đã bị lật đổ.

Tình hình Grenada chính thức trở thành mối lo ngại của giới chức Mỹ từ năm 1979, khi nhà lãnh đạo thiên tả Maurice Bishop lên nắm quyền và bắt đầu phát triển mối quan hệ gần gũi với Cuba. Năm 1983, Bernard Coard, một nhà Marxist khác, ám sát Bishop và nắm quyền kiểm soát chính phủ Grenada. Những người biểu tình đụng độ với chính phủ mới khiến bạo lực leo thang. Trong bối cảnh này, Reagan đã ra lệnh cho gần 2.000 lính Mỹ tiến về đảo quốc, nơi họ sớm gặp phải sự chống cự của lực lượng vũ trang Grenada và nhóm công binh Cuba đang có mặt để sửa chữa và mở rộng sân bay của hòn đảo này.

Tình thế không có lợi cho Mỹ do quân đội nước này phải dựa trên những thông tin tình báo ít ỏi. (Trên thực tế, nhiều lính Mỹ đã phải sử dụng bản đồ du lịch cũ của nước này.) Reagan ra lệnh tăng cường quân số, tính đến thời điểm cuộc chiến kết thúc có gần 6.000 lính Mỹ ở Grenada. Gần 20 lính Mỹ đã thiệt mạng và hơn 100 người bị thương (theo một nguồn tài liệu, chính xác là 19 người thiệt mạng và 116 người bị thương); hơn 60 người Grenada và Cuba thiệt mạng. Chính phủ của Coard sụp đổ và một chính phủ khác được Mỹ chấp thuận lên thay.

Một số người Mỹ đã nghi ngờ về động cơ của Reagan trong cuộc xâm lược này do nó diễn ra chỉ ít ngày sau khi vụ nổ thảm khốc tại một căn cứ quân sự ở Li-băng cướp đi sinh mạng của hơn 240 lính Mỹ, làm dấy lên các câu hỏi về việc sử dụng các lực lượng quân sự để đạt được những mục đích của Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Reagan lại tuyên bố đây là một chiến thắng vĩ đại, gọi đó là “sự thoái lui” đầu tiên của ảnh hưởng từ phe cộng sản kể từ khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh.

Ảnh: Lính Mỹ đang quan sát chiếc máy bay vận tải C-141 di tản sinh viên Mỹ ở Grenada trong chiến dịch tấn công đảo quốc này năm 1983. Nguồn: TSgt. Mike Creen/U.S. DefenseImagery.