Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (08/09/2015)

Print Friendly, PDF & Email

Soldiers of the ground force units of the People's Liberation Army (PLA) of China (file photo)

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Mặc dù không phải là lần đầu tiên, song lần cắt giảm quân số lần này của Trung Quốc được xem là đáng chú ý, không phải bởi vì vấn đề ngân sách quốc phòng có hạn. Năm 1985, Bắc Kinh cắt giảm một triệu binh sĩ lục quân, năm 1997 là 500.000 và năm 2003 là khoảng 200.000. Cũng trong ngần ấy thời gian, kinh tế Trung Quốc luôn phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ do đó vấn đề không phải ở tài chính mà ở chỗ các nguồn lực sẽ bị bỏ phí trong khi vẫn còn nhiều lĩnh vực khác cần phải đầu tư phát triển.

Bàn về vấn đề này, tờ The Diplomat đã có bài viết nhận định lý do thật sự nằm sau việc Bắc Kinh cắt giảm lục quân. Theo đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun khẳng định việc cắt giảm quân số là một phần trong cam kết góp phần gìn giữ hoà bình thế giới của nước này. Yang lý giải việc cắt giảm cho thấy thiện chí của Trung Quốc trong việc sẵn sàng và chủ động giải trừ vũ khí, góp phần gìn giữ hoà bình.

Thế nhưng, khi được hỏi cụ thể lý do vì sao lại tiến hành cắt giảm, câu trả lời của ông Yang lại tập trung vào yếu tố cải cách cơ cấu tổ chức quân đội hơn là cam kết hoà bình mà ông này vừa đề cập ngay trước đó. Theo đó, “thông qua việc cắt giảm quân số, Trung Quốc sẽ tiếp tục điều chỉnh và tối ưu hoá cơ cấu tổ chức, từ đó gia tăng khả năng chiến đấu, tổ chức khoa học hơn và xây dựng lực lượng quân đội hiện đại mang màu sắc Trung Quốc”.

Ông Yang cũng nhấn mạnh, cắt giảm quân sự Trung Quốc sẽ không đồng nghĩa với việc lợi ích quốc gia của nước này bị đe doạ. Cho đến khi việc cắt giảm hoàn thành vào năm 2017, Trung Quốc vẫn là nước có quân đội đông nhất thế giới. Cũng theo ông Yang, cắt giảm quân số chỉ là bước đầu tiên trong một loạt những cải cách của lục quân Trung Quốc. “Trong những bước đi tiếp theo, Bắc Kinh sẽ đưa ra nhiều ý tưởng cải cách hơn để thúc đẩy cải cách quốc phòng và quân đội theo hướng chủ động và bền vững”, ông Yang nói.

Quân đội Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình chứng kiến nhiều thay đổi lớn. Theo GS. Andrew Erickson, ông Tập có tầm nhìn rõ ràng và hướng cải cách quân đội sâu rộng hơn so với những người tiền nhiệm. Nói một cách khác, ông Tập hiểu và kiểm soát quân đội một cách rất chặt chẽ. Bằng chứng là, thông qua chiến dịch chống tham nhũng, ông Tập đã củng cố quyền lực và áp đặt ý chí lãnh đạo của mình một cách mạnh mẽ lên giới quân sự. Đây là điều mà những người tiền nhiệm như Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân hoặc không làm được hoặc làm một cách không nhất quán. GS Nan Li thuộc Đại học Hải chiến Hoa Kỳ nhận định, ông Tập sẵn sàng tiến hành những bước đi tạm thời chưa từng có tiền lệ để củng cố và tái cấu trúc quân đội, chẳng hạn như bắt giữ và xét xử hàng loạt quan chức quân đội cao cấp trong chiến dịch chống tham nhũng.

Theo Nan Li, sau khi đã “thanh lọc” quân đội, hướng cải cách tiếp theo của ông Tập Cận Bình là thu hẹp lục quân và mở rộng lực lượng hải quân, không quân. Trong đó, lực lượng hải quân sẽ được chú trọng phát triển và mở rộng để có thể đáp ứng nhu cầu vừa có thể can dự vào vùng biển gần (như Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông), vừa có thể tiến ra các vùng biển xa.

Rất khó để đánh giá tính chính xác những nhận định của GS Li ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, ông Li khẳng định, không chỉ cần xem xét yếu tố phần cứng (tức là vũ khí, trang bị), yếu tố tổ chức cũng cần được lưu tâm. GS Erickson trong bài viết đã dẫn lại 3 chỉ dấu quan trọng về cơ cấu tổ chức mang tính dự đoán về những cải cách tiếp theo của ông Tập:

  • Lục quân được cắt giảm và tổ chức thành một bộ tư lệnh, có tổng hành dinh riêng.
  • Những lực lượng không thuộc lục quân sẽ đại diện hoặc đứng đầu các quân khu và đại quân khu
  • Nhóm tàu sân bay mới được biên chế và tích hợp vào cơ cấu lực lượng tổng thể của quân đội Trung Quốc.

Sự cứng rắn và tham vọng của Trung Quốc trên biển Đông đã đẩy Việt Nam bước vào giai đoạn mua sắm quốc phòng khổng lồ. Chi tiêu quốc phòng của Hà Nội đã tăng 128% kể từ năm 2005, riêng trong năm 2014 vừa rồi tăng 9,6% với tổng ngân sách là 4,3 tỷ USD.

Tốc độ tăng chi tiêu quốc phòng cũng tỉ lệ thuận với sự tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức trung bình 6,15%/năm kể từ năm 2000.

Mặc dù chi tiêu quốc phòng của Việt Nam còn rất nhỏ so với Trung Quốc, song Hà Nội không mua sắm dàn trải mà tập trung chủ yếu vào hải quân và không quân. Trong mỗi lĩnh vực, Việt Nam lại tập trung vào các trang thiết bị được thiết kế đặc biệt để có thể ngăn chặn hoặc chống lại các hành động sai trái của Trung Quốc ở biển Đông.

Điều đáng chú ý là Việt Nam đã bắt đầu mở cửa nhiều hơn với các nhà thầu quốc phòng đến từ nhiều nước khác nhau. Việc Hoa Kỳ nới lỏng lệnh cấm vũ khí sát thương cũng bật đèn xanh cho các nhà thầu nước này thâm nhập sâu hơn thị trường Việt Nam.

Có thể thấy Hà Nội đang tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung vũ khí. Điều này phù hợp với chính sách “Ba không” của Việt Nam là “không liên minh quân sự, không có căn cứ quân sự nước ngoài ở Việt Nam và không dựa dẫm vào quốc gia khác khi chiến đấu”.

Mặc dù phần lớn trang thiết bị trong quân đội Việt Nam có nguồn gốc từ Nga, song Hà Nội đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vũ khí. Sau khi Hoa Kỳ nới lỏng lệnh cấm, hồi tháng 4 năm nay, Đại sứ quán Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa các nhà thầu quốc phòng Hoa Kỳ và giới chức quân đội Việt Nam ngay tại Hà Nội. Washington sau đó cũng đã công bố kế hoạch viện trợ 6 tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng Nghị sĩ John McCain cũng kêu gọi nên tăng doanh số vũ khí bán cho Việt Nam.

Sau Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ dành tặng 6 tàu tuần tra cho Việt Nam cũng như để ngỏ khả năng bán máy bay tuần thám Kawasaki P-1 cho Hà Nội. Việt Nam còn tiến hành ký các bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng với các nước như Ấn Độ, Israel, Hàn Quốc…

Một số tin vắn quốc phòng đáng chú ý

Năm tàu chiến Trung Quốc đã tiến vào lãnh hải Mỹ ngoài khơi khu vực Alaska, cùng thời điểm Tổng thống Barack Obama đang có chuyến thăm tại đây. CNN dẫn lời nhiều quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, các tàu chiến của Trung Quốc đã tiến vào lãnh hải nước này ngoài khơi Alaska. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ thừa nhận, các hoạt động của tàu chiến Trung Quốc là “phù hợp với luật quốc tế” về quyền “tự do đi lại vô hại” trong lãnh hải một nước khác một cách liên tục và không khiêu khích.

Cũng theo các quan chức này, đây không phải là lần đầu tiên tàu chiến của một quốc gia khác đi qua lãnh hải Mỹ ở Alaska. Trước đó, các tàu chiến của Nga cũng đã nhiều lần đi qua đây nhưng đây là lần đầu tiên các tàu Trung Quốc xuất hiện trong khu vực này. Trong khi đó, Bộ Tư lệnh đặc trách miền Bắc của quân đội Mỹ khẳng định, trong suốt thời gian tàu chiến Trung Quốc đi qua, không có bất kỳ thông tin nào được trao đổi giữa quân đội hai nước.

UAV mới của Trung Quốc có thể mang thêm nhiều vũ khí, bao gồm tên lửa và bom. UAV mới của Trung Quốc – CH-5 được cho là có khả năng mang được ít nhất 8 tên lửa AR-1, thậm chí là 7 quả bom FT-7 cỡ nhỏ dưới cánh. CH-5 được phát triển và chế tạo bởi Học viện Hàng không vũ trụ và khí động học Trung Quốc, là một UAV tầm xa, có khả năng trinh sát lẫn tấn công mặt đất. CH-5 có sải cánh dài 20 mét, thời gian bay liên tục là 30 giờ, tải trọng cất cánh tối đa là 3 tấn, quãng đường bay liên tục là 900km. Với kích thước và tải trọng lớn hơn người tiền nhiệm CH-4, UAV CH-5 có thể mang thêm nhiều vũ khí, trong đó có cả các tên lửa tấn công mặt đất với tầm bắn lên tới 90km.

Một báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng công nghệ quân sự của Nga đã góp phần to lớn trong quá trình phát triển của hải quân Trung Quốc. Mặc dù báo cáo này không mới, song nó cho thấy một cách tóm tắt quá trình phát triển năng lực quân sự của Trung Quốc. Theo đó, công nghệ phòng không, cảm biến tầm xa và tên lửa chống hạm của Nga đóng vai trò quan trọng. Câu hỏi ở đây là mức độ sáng tạo trong công nghiệp quốc phòng Trung Quốc là bao nhiêu? Mặc dù đạt được một số tiến bộ đáng kể, song Trung Quốc vẫn còn học hỏi Nga rất nhiều trong một số lĩnh vực, đặc biệt là tác chiến chống ngầm.