08/09/1954: SEATO được thành lập

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:SEATO established”, History.com, truy cập ngày 08/09/2015.

Biên dịch và Hiệu đính: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Được Tổng thống Dwight D. Eisenhower chỉ đạo phải dựng lên một liên minh để kiềm chế sự xâm lấn của chủ nghĩa cộng sản vào các lãnh thổ tự do thuộc Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Nam Á nói chung, Ngoại trưởng John Foster Dulles đã cho hình thành một thỏa thuận nhằm thiết lập nên liên minh quân sự có tên gọi Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO).

Các bên tham gia ký hiệp ước, bao gồm Pháp, Anh, Úc, New Zealand, Philippines, Pakistan, Thái Lan, và Hoa Kỳ, cam kết sẽ “hành động để chống lại các mối nguy hiểm chung” trong trường hợp xảy ra xâm lược chống lại bất kỳ quốc gia tham gia hiệp ước nào. Một nghị định thư riêng biệt gắn với Hiệp ước coi Lào, Campuchia, và “các lãnh thổ tự do thuộc thẩm quyền của Quốc gia Việt Nam [Nam Việt Nam]” là các khu vực chịu sự điều chỉnh của Hiệp ước này.

Văn bản của Hiệp ước không đi xa tới mức cam kết bảo vệ lẫn nhau tuyệt đối hay tổ chức cơ cấu lực lượng theo kiểu liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà thay vào đó chỉ quy định phải tổ chức tham vấn lẫn nhau trong trường hợp xảy ra xâm lược chống lại một bên ký kết hoặc một bên tham gia nghị định thư trước khi bất kỳ hành động phối kết hợp nào được tiến hành.

Việc thiếu một thỏa thuận bắt buộc phải có phản ứng quân sự kết hợp nhằm chống lại một cuộc xâm lược đã làm suy yếu đáng kể SEATO trong vai trò một liên minh quân sự. Tuy nhiên, nó đã được sử dụng làm cơ sở pháp lý cho sự can dự của Mỹ vào Nam Việt Nam. Cuối cùng, SEATO đã giải thể vào ngày 30 tháng 6 năm 1977.

Hình: Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng SEATO tổ chức ở New Zealand năm 1968. Nguồn: teara.govt.nz