Phân tích triển vọng bầu cử Singapore 2015

Print Friendly, PDF & Email

ge2015-live-stream-data

Nguồn: Terence Chong, “Upcoming election: A tipping point for Singapore’s ruling PAP”, East Asia Forum, 06/09/2014.

Biên dịch: Nguyễn Hướng Đạo | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Cuộc tổng tuyển cử năm 2015 của Singapore sẽ mang tính cạnh tranh nhất kể từ ngày quốc gia này giành được độc lập. Có 8 đảng đối lập cùng một số ứng cử viên độc lập chạy đua để giành 89 ghế trong quốc hội. Trong số 2,46 triệu cử tri sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 11/9, rất nhiều người đứng trước một câu hỏi quan trọng: tưởng thưởng cho Đảng Hành động Nhân dân (PAP) đang cầm quyền vốn có những chính sách tái phân phối gần đây; hay đặt niềm tin vào Đảng Công nhân (WP) – đảng đối lập chính, để làm cho chính phủ cầm quyền phải lắng nghe công chúng nhiều hơn?

Cuộc bầu cử năm 2011 rõ ràng cho thấy sự không hài lòng của dân chúng. Chính sách nhập cư rộng mở đã dẫn tới việc hệ thống giao thông công cộng trở nên đông đúc và giá nhà tăng cao.

Cùng với đó, sự phát triển cơ sở hạ tầng không bắt kịp với tốc độ gia tăng dân số. Các cặp đôi trẻ trì hoãn kết hôn do phải chờ đợi rất lâu mới đến lượt nhận các căn hộ do nhà nước xây, trong khi sự thiếu hụt các nhà trẻ tại các quận vùng ven khiến việc nuôi dưỡng con cái trở nên bất tiện đối với các gia đình. Số lượng người nước ngoài gia tăng chưa từng có gây ra nỗi lo về sự phai mờ bản sắc dân tộc.

Khoảng cách lương ngày càng lớn của Singapore cũng là mối quan tâm chính. Mặc dù nền kinh tế phục hồi nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và có tốc độ tăng trưởng cao, 20% dân số có thu nhập thấp nhất vẫn lo sợ bị bỏ lại đằng sau. Các gia đình khó khăn vẫn rơi vào cảnh nghèo, với những người cao tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương. Đằng sau tất cả những điều này là sự xa cách được cảm nhận thấy giữa tầng lớp tinh hoa lãnh đạo và dân thường Singapore.

Kết quả là năm 2011, đảng cầm quyền đã giành được tỉ lệ phiếu bầu thấp nhất kể từ ngày Singapore giành độc lập, và có 7 đảng viên Đảng Công nhân giành được ghế trong quốc hội. Ngay sau đó, một loạt chính sách sửa sai đã được đưa ra. Việc nhập cư được thắt chặt. Những công dân lớn tuổi được trợ cấp về y tế và đi lại. Việc xây dựng các căn hộ công được đẩy nhanh trong khi một phần công quỹ lớn hơn được dành cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nhằm giảm tình trạng đông đúc. Bảo hiểm phổ thông và bảo hiểm y tế suốt đời được thiết lập. Trong một nỗ lực nhắm tới những cử tri có thu nhập trung bình, các khoản trợ cấp cũng được cấp cho trẻ em trong các gia đình này, đồng thời, mức thu nhập trần để được mua các căn hộ nhà nước xây đã được dỡ bỏ.

Các chính sách này đã được công chúng hưởng ứng và kết quả bỏ phiếu sẽ thể hiện sự đánh giá của dân chúng.

Thời gian này, Thủ tướng Lý Hiển Long đang nâng cao vị thế bằng việc tổ chức cuộc bầu cử sớm cho trùng với dịp kỷ niệm 50 năm ngày quốc khánh Singapore. Cuộc bầu cử diễn ra 6 tháng sau ngày ông Lý Quang Diệu qua đời và chỉ ít ngày sau lễ kỷ niệm quốc khánh 9/8.

Rõ ràng, Đảng Hành động Nhân dân đang tận dụng những tình cảm dành cho ông Lý Quang Diệu cũng như những yếu tố “làm hài lòng” trong lễ kỷ niệm với hy vọng chặn đứng đà suy giảm phiếu bầu của dân chúng dành cho mình, từ mức 75,3% vào năm 2001, xuống 66,6% vào năm 2006 và 60,1% vào năm 2011. Mặc dù đây là những tỉ lệ phiếu tương đối cao nhưng Đảng vẫn lo ngại rằng tỷ lệ này sẽ giảm xuống dưới 60%, thậm chí xuống khoảng 55% – gần mức thông thường (của đảng thắng cử) ở các nền chính trị dân chủ đa nguyên. Với các lợi thế của mình, đảng cầm quyền sẽ thất vọng nếu không thể đảo ngược xu hướng suy giảm này.

Sự sụt giảm liên tục tỷ lệ phiếu ủng hộ Đảng Hành động Nhân dân đã khuyến khích sự xuất hiện của các đảng đối lập mới như đảng Sức mạnh Nhân dân (PPP) và Đảng Người Singapore Trước tiên (SingFirst), cùng với những cái tên quen thuộc như Đảng Dân chủ Singapore (SDP), Đảng Cải cách (RP), Liên minh Dân chủ Singapore (SDA) và Đảng Đoàn kết Dân tộc (NSP).

Tuy nhiên, thực tế, những đảng này không có cơ hội có ghế trong quốc hội do thiếu sự tín nhiệm và ít được công chúng biết tới. Những đảng như Đảng Người Singapore Trước tiên, Đảng Cải cách, Liên minh Dân chủ Singapore và Đảng Sức mạnh Nhân dân mang tính cá nhân nhiều với cấu trúc tổ chức sơ khai, cũng như không có cơ sở quần chúng. Nhiều đảng đưa ra những thông điệp mơ hồ, trừ Đảng Dân chủ Singapore đấu tranh cho quyền tự do cá nhân lớn hơn và Đảng Cải cách đấu tranh cho sự minh bạch nhiều hơn trong chính phủ. Những đảng khác, như Đảng Đoàn kết Dân tộc và Liên minh Dân chủ Singapore trở nên không phù hợp do các đấu đá nội bộ hoặc ứng cử viên không đủ phẩm chất. Những đảng này tưởng rằng tâm lý không ủng hộ đảng cầm quyền sẽ tự động đem lại phiếu bầu cho các đảng đối lập. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử bổ sung trước đây cho thấy “thương hiệu” của các đảng vẫn là yếu tố quan trọng đối với cử tri.

Do đó cuộc cạnh tranh vẫn tập trung vào Đảng Hành động Nhân dân và Đảng Công nhân.

Đảng Hành động Nhân dân muốn cuộc bầu cử tập trung vào hai vấn đề: việc đổi mới lãnh đạo quốc gia mang tính cấp thiết và trách nhiệm của Đảng Công nhân trong việc quản lý Hội đồng quận tại khu vực bầu cử Aljunied (nơi đảng này đang nắm). Vấn đề thứ nhất là vấn đề muôn thưở, với việc đảng này thường gắn việc đổi mới đảng với vai trò lãnh đạo quốc gia. Dù điều này vẫn thường được các cử tri chấp nhận, nhưng sự chấp nhận này cũng có giới hạn, có thể thấy qua việc họ bỏ phiếu loại bỏ hai bộ trưởng và một ứng viên bộ trưởng trong cuộc bầu cử năm 2011. Đối với lời buộc tội của chính phủ về sự quản lý kém cỏi của Đảng Công nhân tại hội đồng quận Aljunied, vẫn còn phải chờ xem lời giải thích của Đảng Công nhân đưa ra tại quốc hội và trước người dân tại đây có giúp cho đảng này tiếp tục nắm được khu vực bầu cử này hay không.

Giống như chuyện tình yêu, chính trị không bao giờ êm xuôi: những vấn đề khác sẽ đóng một phần vai trò trong việc quyết định kết quả bầu cử. Đầu tiên là về các quỹ lương hưu quốc gia và sự thiếu minh bạch được nhận thấy trong cách đầu tư tiền của quỹ. Một phần trong số những người Singapore có thu nhập thấp thấy tức giận đối với việc nâng độ tuổi tối thiểu để được rút tiền từ quỹ và một số đảng tận dụng sự bất mãn này trong các cuộc vận động tranh cử. Mặc dù giá tiêu dùng đã giảm do giá dầu tụt dốc, chi phí sinh hoạt và mức lương tối thiểu vẫn là những vấn đề tranh cử chính, đặc biệt là đối với những cử tri có thu nhập thấp, những người mà mức lương của họ đã không tăng kịp so với tỉ lệ lạm phát. Cuối cùng, người ta cũng dành nhiều mối quan tâm đối với những trục trặc của hệ thống giao thông công cộng.

Kết quả dài hạn quan trọng nhất mà cuộc bầu cử 2015 mang lại sẽ là quy mô của phe đối lập trong quốc hội. Nếu con số này tăng lên hơn 10 nghị viên hiện tại, xu hướng được bắt đầu từ năm 2011 sẽ tiếp tục phát triển và đất nước sẽ từng bước tiến tới một hệ thống chính trị có lẽ không phải là lưỡng đảng mà là một nền dân chủ có tính đa nguyên hơn. Nếu con số này giảm xuống, có thể thấy đảng cầm quyền đã thích ứng, tiến hóa và quay trở lại mạnh mẽ hơn.

Terence Chong là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore.