Thế giới quan Lý Quang Diệu và chính sách đối ngoại Singapore

Print Friendly, PDF & Email

jdlky20e_0

Nguồn: Ang Cheng Guan, “Singapore and the World View of Lee Kuan Yew”, The Diplomat, 04/03/2015.

Biên dịch: Trần Quốc Nam | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

“Thuyết anh hùng tạo lịch sử” (Great Man Theory of History) gắn chặt với sử gia Scotland Thomas Carlyle (1797-1881) có lẽ không còn thời thượng lắm với các sử gia ngày nay. Carlyle, người đã viết nên câu đáng nhớ – “Lịch sử của thế giới chỉ là tiểu sử của những người hùng”. Carlyle có thể đã phóng đại vai trò của các người hùng và đánh giá thấp các lực lượng xã hội, kinh tế và các lực lượng khác vốn đã làm nên “người hùng” của ông, nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta nên gạt bỏ hoàn toàn tầm quan trọng và ảnh hưởng của một số cá nhân. Đúng hơn, một cách tiếp cận kết hợp sẽ hoàn bị hơn. Thật vậy, như nhà tâm lý học và triết gia Mỹ William James đã lập luận trong bài giảng trước Hội Nghiên cứu Lịch sử Tự nhiên Harvard tháng 10 năm 1880, các người hùng có khả năng gây ảnh hưởng và định hình tư duy của xã hội.

Vì vậy, tôi tin việc nghiên cứu chính sách đối ngoại của Singapore thông qua nhãn quan của Lý Quang Diệu là phù hợp. Theo S. Rajaratnam, vị ngoại trưởng đầu tiên và phục vụ lâu nhất của Singapore, chính sách đối ngoại của Singapore đã được hình thành chủ yếu từ ông và Lý Quang Diệu cùng sự đóng góp của Tiến sĩ Goh Keng Swee (bộ trưởng quốc phòng và tài chính đầu tiên) khi liên quan đến các vấn đề kinh tế. Thật vậy, các nhà sử học nào đọc kỹ các tài liệu lưu trữ, ở cả Singapore lẫn nước ngoài, đều chứng thực rằng không thể tái dựng chính sách ngoại giao của Singapore mà không liên tục dẫn chiếu tới ông Lý bởi ông hiện lên đầy nổi bật trong hầu hết các tài liệu.

Việc ảnh hưởng của ông Lý bắt nguồn từ cả tính cách mạnh mẽ lẫn tuổi thọ của ông thì không còn nghi ngờ gì. Rajaratnam qua đời năm 2006 ở tuổi 91 và Goh vào năm 2010 ở tuổi 92. Cả hai đã thôi hoạt động chính trị trong nhiều năm trước khi qua đời. Mặc dù hồi hưu từ vị trí thủ tướng năm 1990, ông Lý giữ chức Bộ trưởng cao cấp và sau đó là Bộ trưởng cố vấn đến năm 2011.

Các Lãnh đạo thế hệ thứ hai như Goh Chok Tong (trở thành thủ tướng thứ hai của Singapore) đã học hỏi được nhiều từ các “buổi tư vấn” của ông Lý – thường là lúc ăn trưa. Goh nhớ lại rằng các bữa ăn luôn là “chuyện nghiêm túc”, ở đó “chúng tôi không bàn chuyện thường nhật. Luôn luôn đề tài chính trị … những gì xảy ra trong khu vực và (các sự kiện) sẽ ảnh hưởng đến chúng ta ra sao”. Theo lời của một người giàu kinh nghiệm khác, Lim Chee Onn (Bộ trưởng và Tổng thư ký Liên đoàn Lao động Quốc gia – NTUC), Lý Quang Diệu “đã truyền lại nhiều kinh nghiệm, cách suy nghĩ, cách phân tích và tất nhiên, cách giải thích và đánh giá tình hình của ông. Không chỉ là việc xâu chuỗi các sự kiện, mà còn là cách ông nhìn nhận sự việc”. Thật vậy, Asad Latif trong cuốn sách năm 2009 của ông mô tả ông Lý vẫn là một lực định hướng trong chính sách đối ngoại của Singapore.

Khi giải thích chính sách đối ngoại của một quốc gia, các học giả quan hệ quốc tế sử dụng cái được gọi là “các cấp độ phân tích“: (a) các tính cách / nếp suy nghĩ của cá nhân nhà lãnh đạo (“tác nhân”), (b) hệ thống chính trị đối nội của quốc gia (“cấu trúc”), (c) môi trường bên ngoài (“bối cảnh quốc tế”), hay sự kết hợp giữa chúng. Ở đây, tôi tập trung vào “tác nhân”, trong trường hợp này là ông Lý Quang Diệu, và các giả định về mặt tri thức ẩn bên dưới cách tiếp cận của Singapore đối với các vấn đề thế giới theo sự lãnh đạo và chỉ đạo của ông hơn là ghi lại việc thực hiện chính sách đối ngoại, hay trao đổi ngoại giao – tức giải thích sự tiến hóa chứ không phải việc thực hiện chính sách đối ngoại của Singapore.

Nếu nhìn nhận từ câu châm ngôn của Raymond Aron rằng tư duy chiến lược “lấy cảm hứng từng thế kỷ, hay đúng hơn là từng khoảnh trong lịch sử, từ những vấn đề mà các sự kiện đặt ra”, việc nắm chức thủ tướng của ông Lý trùng với thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Thời ông làm bộ trưởng cao cấp (một chức danh ông đảm nhận sau khi thôi làm thủ tướng vào tháng 11 năm 1990) và Bộ trưởng cố vấn (tháng 8 năm 2004-tháng 5 năm 2011) khá trùng với thời hậu Chiến tranh lạnh. Bất cứ ai dõi theo tư duy chiến lược của ông Lý và tiến triển của nó từ những năm 1950, khi ông lần đầu tiên dấn thân vào sự nghiệp chính trị, đến nay sẽ phát hiện ra rằng ông có một nhận thức hoàn bị về lịch sử và khả năng nắm bắt năng động thực tế địa chiến lược.

Như Alexander George lưu ý “… cách thức các vị lãnh đạo quốc gia-dân tộc nhìn nhận về nhau và về bản chất xung đột chính trị thế giới có tầm quan trọng cơ bản trong việc xác định điều gì xảy ra trong quan hệ giữa các quốc gia … Chính sách đối ngoại của một quốc gia bản thân nó xử lý không phải thế giới bên ngoài, mà đúng hơn là xử lý “hình ảnh nhận thức của nó về thế giới bên ngoài” trong tâm trí của giới hoạch định chính sách đối ngoại”.

Bởi ông Lý ảnh hưởng lớn tới việc hoạch định chính sách đối ngoại của Singapore nên quả thực không thể không nhận thấy âm vang tư duy của ông Lý trong từng bài phát biểu và phỏng vấn về chính sách đối ngoại thực hiện bởi các nhà lãnh đạo Singapore thế hệ thứ hai và thứ ba. Việc hiểu được niềm tin và những tiền đề cơ bản của ông là bắt buộc cho bất kỳ ai muốn hiểu và phân tích chính sách đối ngoại của Singapore vì chúng có giá trị như “một lăng kính” định hình “các quan điểm và phán đoán về chính trị quốc tế của ông, cũng như ‘cung cấp các chuẩn tắc, tiêu chuẩn và nguyên tắc chỉ đạo’ ảnh hưởng đến sự lựa chọn của Singapore về mặt “chiến lược và chiến thuật, cấu trúc và cân nhắc các lựa chọn hành động. ”

Trong khi có nhiều bài báo viết về ông Lý và về vai trò lãnh đạo của ông trong sự phát triển của Singapore, hầu như tất cả đều tập trung vào các chính sách đối nội và về những vấn đề về quản trị, rất ít bài viết về tư duy chính sách đối ngoại của ông. Đây là điều khá ngạc nhiên bởi ông Lý thường được công nhận là nhà lý luận chiến lược hàng đầu châu Á, một người không nói ngọt mà là “người thường ăn nói thẳng thừng”, và là người giúp “ta tìm hướng đi trong một thế giới phức tạp”.

Cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon gọi ông Lý là một trong những nhà lãnh đạo có tài ông đã gặp khi so sánh ông với Winston Churchill. Sự so sánh nào cũng khập khiển. Tuy nhiên, trong sự nghiệp chính trị của mình, ông Lý thực sự trở thành Churchill theo cách riêng của mình, một “người vĩ đại trên một vũ đài nhỏ”, một vị lãnh đạo “nếu ở không gian – thời gian khác, có thể đạt tầm cỡ thế giới của một Churchill, một Disraeli hay một Gladstone”. Ngay cả cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, người không chia sẻ mọi quan điểm của ông Lý, đặc biệt là liên quan đến Trung Quốc, mô tả ông “rõ ràng là một trong những nhà trị quốc xuất sắc nhất thế kỷ XX”. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton mô tả ông Lý là “một trong những vị lãnh đạo thông thái nhất, hiểu biết nhất, hiệu quả nhất ở bất cứ nơi nào trên thế giới trong 50 năm qua.”

Ông Lý được mô tả như một người “nổi tiếng có quan điểm thẳng thắn” và là “một trong những nhà bình luận về các vấn đề khu vực và an ninh thẳng thắn nhất của châu Á”. Trên thực tế, ông Lý đã gián tiếp đưa ra một số lời khuyên về cách diễn giải các phát biểu chính trị và tuyên bố liên quan của mình ra sao. Trong các bài phát biểu, nói chuyện và các cuộc phỏng vấn, ông Lý cho biết ông cần giữ sự cân bằng giữa (a) “duy trì sự tin tưởng và tính ổn định” với “sự cần thiết phải cảnh báo mọi người” và (b) vừa lịch sự nhưng cũng vừa trung thực (“Tôi phải lịch sự nhưng cũng không muốn là người không trung thực”). Trong một cuộc phỏng vấn không lâu sau sự sụp đổ của Sài Gòn, ông Lý nói rằng bất kỳ quan chức nào ở khu vực Đông Nam Á, bất kỳ bộ trưởng nào, bất kỳ người nào nắm giữ trách nhiệm đều phải cân nhắc về điều mình nói cho thính giả trong và ngoài nước để không làm lung lay niềm tin, mặt khác, nếu người đó nói là mọi thứ đều tốt trong khi chẳng có gì tốt thì anh ta có nguy cơ mất uy tín chỉ trong một vài tuần hay vài tháng. Các nhà sử học tìm cách dùng các tuyên bố công khai của ông Lý để hiểu suy nghĩ của ông phải ghi nhớ điều này.

Là người thực dng chứ không là nhà tư tưởng

Ông Lý có khả năng kỳ lạ trong việc dự đoán những xu hướng chính trị giúp Singapore nhanh nhạy trong kiểm soát các mối quan hệ đối ngoại của mình. Hơn một lần, ông Lý nói  ông không phải là một nhà tư tưởng mà là người thực dụng và tư duy cùng thế giới quan của ông đã không được định hình bởi bất kỳ một lý thuyết cụ thể nào, nó là “kết quả của một sự trưởng thành dần từ một đứa trẻ sang vị thành niên rồi một sinh viên trẻ đến người trưởng thành”. Theo nghĩa này, ông khá gần với chủ nghĩa kinh nghiệm Locke khi khẳng định rằng kiến ​​thức đến từ kinh nghiệm. Trong trò chuyện với Tom Plate, ông nói, “Tôi không giỏi về triết học và lý thuyết. Tôi quan tâm tới chúng, nhưng cuộc đời của tôi không do triết học hay lý thuyết dẫn đường, tôi hoàn thành công việc và để những người khác rút ra các nguyên tắc từ các giải pháp thành công của tôi. Tôi không bận tâm đến lý thuyết. Thay vào đó tôi hỏi: việc này phải làm ra sao? … Vì vậy, Plato, Aristotle, Socrates, họ không dẫn đường gì cho tôi. Tôi đọc họ qua loa vì tôi không quan tâm nhiều đến triết học. Quý vị có thể gọi tôi là “kẻ vị lợi” hay gì đó cũng được. Tôi chỉ quan tâm đến hành động”.

Trả lời câu hỏi rằng quan điểm của ông có thiên về chủ nghĩa Darwin, ông Lý nói rằng “không hẳn là chủ nghĩa Darwin. Đó là cái gì đó mà tôi quan sát bằng thực nghiệm. Tôi không bắt đầu với bất kỳ lý thuyết nào. Tôi đã không bắt đầu với Edward Wilson (nhà sinh học người Mỹ – NHĐ). Wilson chỉ cho tôi một cơ sở tri thức và một ví dụ, tôi nhận thấy như vậy”.

Lưu ý rằng ông Lý không phủ nhận rằng ông chịu ảnh hưởng một số quan điểm của Darwin. Chúng ta cần lưu ý sự tương đồng giữa phát biểu ngày 24 tháng 3 năm 1965 và những gì ông nói hồi 2008-2009 khi trả lời một câu hỏi về khuôn khổ tổng thể định hình nhận thức về quan hệ quốc tế của ông: “Nó luôn như từ thuở xa xưa. Một bộ lạc muốn có thêm không gian, muốn chiếm lãnh thổ của bộ lạc khác, người ta đánh nhau và bành trướng. Ngay cả khi một phần của bộ lạc tách ra trở thành một bộ lạc khác, họ vẫn đánh nhau, để giành uy quyền tối cao…” Dựa vào kết luận logic này, ông Lý dự đoán rằng vào thế kỷ 22, Trung Quốc và Hoa Kỳ hoặc sẽ phải học cách cùng tồn tại hoặc sẽ tiêu diệt nhau. Mặc dù ông Lý tuyên bố rằng ông không tuân theo bất kỳ lý thuyết hay triết lý chính sách đối ngoại nào, và trong khi ông có thể không bắt đầu với bất kỳ lý thuyết nào trong tâm trí, tư duy tổng thể của ông thực sự giống với một “nhà hiện thực mềm” (soft realist).

Mối bận tâm suốt đời của ông Lý là sự tồn vong của Singapore. Đây là thách thức chính sách ngoại giao lâu dài của ông – Làm sao “nắm bắt các cơ hội đến từ sự thay đổi hoàn cảnh hoặc thoát khỏi con đường hiểm nguy”. Theo quan điểm của ông, để đạt được điều này đòi hỏi “một thủ tướng và ngoại trưởng có thể nhận thức được xu hướng sắp tới trong môi trường chính trị quốc tế, an ninh và kinh tế, và định vị mình (Singapore) trong quan hệ song phương hoặc đa phương để nắm bắt được cơ hội trước kẻ khác”. Dù các viên chức Bộ Ngoại giao hay các nhà ngoại giao có thể đưa ra các khuyến cáo sâu sắc, thì “cuối cùng chính Thủ tướng và các bộ trưởng chủ chốt khác mới là những người quyết định thay đổi chính sách”.

Ở độ tuổi gần 90, ông Lý còn lo lắng “một thế hệ trẻ người Singapore không còn coi trọng quan điểm của ông như các công dân lớn tuổi vốn đã kiên định tập hợp xung quanh ông trong hành trình lập quốc đầy gian khó của đất nước”. Ông cảm thấy một nhu cầu cấp thiết cần phải “lôi cuốn” sự can dự của thế hệ trẻ. Kết quả là cuốn sách thứ ba “Những chân lý vững chắc để Singapore tiếp bước (Hard Truths To Keep Singapore Going) được chọn lọc từ mười sáu cuộc phỏng vấn dài ông trả lời từ khoảng tháng 12 năm 2008 đến tháng 10 năm 2009. Cuốn sách dùng dạng hỏi – đáp vốn được cho là dễ đọc với các độc giả trẻ. Hai năm sau, năm 2013 và ở tuổi 90 của đời mình, ông Lý xuất bản cuốn Nhãn quan về thế gii của một con người (One Man’s View of the World), cuốn sách mới nhất của ông. Sử dụng kết hợp phương pháp kể chuyện-phỏng vấn, Nhãn quan về thế gii của một con người đưa ra quan điểm mới nhất của ông về các vấn đề quốc tế và toàn cầu như nền kinh tế quốc tế, năng lượng và biến đổi khí hậu.

Đáng chú ý là ngay từ trước khi Singapore giành được độc lập, ông Lý Quang Diệu đã hình thành một nhãn quan chiến lược rộng lớn về vấn đề đối ngoại được trui rèn từ kinh nghiệm của ông trong thời kỳ chiếm đóng của Nhật Bản trong Thế chiến II cùng sự quan sát của ông trước các diễn biến hậu chiến và phản ứng của Anh đối với Chiến tranh Lạnh, sự phân chia châu Âu và sự hình thành của khối quân sự do Mỹ dẫn đầu chống và kềm chế khối cộng sản do Liên Xô dẫn đầu. Trong khi ông Lý lưu tâm đến các động lực tích cực mà các thách thức của Liên Xô đối với chủ nghĩa đế quốc châu Âu mang đến cho quá trình phi thực dân hóa các thuộc địa của Anh và Pháp, đặc biệt là ở Nam và Đông Nam Á, ông cũng thấy rõ cuộc đấu tranh dân tộc chủ nghĩa giành độc lập ở các thuộc địa đã được thúc đẩy bởi các lý tưởng cạnh tranh của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa cộng đồng (communalism). Ông cũng nhận thức sâu sắc việc các xung đột cộng đồng ẩn sau các xung đột khu vực đối với các tranh chấp lãnh thổ như tranh chấp Ấn Độ-Pakistan.

Chiều kích tâm lý

Ông Lý cũng nắm rõ chiều kích tâm lý các sự kiện quốc tế và chính trị cường quyền, ví dụ như sự can thiệp của Mỹ ở Đông Dương và việc rút quân Anh khỏi đông Suez. Ông tiên tri sự chuyển dịch cán cân quyền lực từ sự thống trị của Tây Âu giai đoạn những năm 1500 đến những năm 1900 sang một cán cân mà ở đó Trung Quốc, Ấn Độ và châu Á nói chung sẽ một lần nữa chi phối vào thế kỷ 21. Đến năm 1985, ông đã dự kiến sự trỗi dậy của châu Á trong thế kỷ 21, dự đoán sự nổi lên không lay chuyển được của Trung Quốc, và ở một mức độ thấp hơn là của Ấn Độ, cùng sự suy giảm ảnh hưởng tương đối của thế giới phương Tây.

Ông Lý rất ấn tượng bởi những thực tế quyền lực đằng sau chủ nghĩa hình thức tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác và tầm quan trọng của việc có được năng lực để thực thi các biện pháp chế tài nhằm duy trì luật pháp quốc tế. Ông thấy sự cần thiết trong việc các nước nhỏ phải thu xếp mối quan hệ với các nước lớn hơn nhằm đảm bảo nền độc lập của mình và thực hành ảnh hưởng gián tiếp. Đồng thời, ông có một nhãn quan rõ ràng về các khả năng và giới hạn của các tổ chức đa phương như Tổ chức Đoàn kết Á-Phi và Phong trào Không Liên kết và khối Thịnh vượng Chung. Trong khi thừa nhận Singapore cần gia nhập các tổ chức đó để có được sự công nhận, ông Lý tỏ ra thực tế về khả năng của chúng trong việc bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của các thành viên chống lại các nỗ lực của các siêu cường nhằm chia rẽ và cai trị các nước nhỏ. Ông luôn nhấn mạnh việc Singapore cần linh hoạt và tỉnh táo để đảm bảo trong bất kỳ sự sắp xếp hay thay đổi cán cân quyền lực nào thì Singapore đều có các cường quốc ưu trội đứng về phía mình.

Ông Lý cũng nhận thức rõ như vậy về mối quan hệ quan trọng giữa kinh tế và chính trị. Ông đề cập vấn đề này từ năm 1966 và lặp lại trong những dịp khác nhau trong suốt sự nghiệp chính trị của mình. Nhiều bài phát biểu và các cuộc phỏng vấn của ông, đặc biệt là sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, là về kinh tế chính trị quốc tế. Ông cũng thể hiện mối quan tâm đến sự thay đổi công nghệ và quan hệ mật thiết của nó đối với nền chính trị toàn cầu. Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, ông cũng đã đề cập, mặc dù ngắn gọn, về các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu.

Gần năm mươi năm sau bài phát biểu đầu tiên của ông (tháng 3 năm 1965) về tương lai của Malaysia, ông Lý Quang Diệu tiếp tục thể hiện một nhãn quan rõ ràng về xu hướng toàn cầu và các tiến triển địa chiến lược trong một thế giới luôn thay đổi. Khởi đầu từ các nguyên tắc đầu tiên, ông nhìn thấy sự tồn tại của các quốc gia nhỏ như Singapore luôn đan quyện với sự ổn định và thịnh vượng của lân bang trong khu vực và sự cân bằng năng động cùng tương tác kinh tế giữa các cường quốc toàn cầu.

Cuối cùng, ông Lý Quang Diệu kiên định với các nguyên tắc cơ bản trong triết lý đối ngoại của ông. Ông cũng hết sức nhất quán trong quan điểm của ông về cân bằng quyền lực, mối tương liên giữa kinh tế và chính trị và vai trò của các đại cường trong hệ thống quốc tế. Ông chắc chắn có khả năng cảm nhận được sự thay đổi, ví dụ như nhu cầu xây dựng quan hệ với người Mỹ khi người Anh đuối sức, hay sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng bất chấp mọi khen ngợi choàng lên vai ông, ông thừa nhận rằng khi ông bắt đầu cuộc đời chính trị của mình hồi những năm 1950, ông không biết liệu ông sẽ có thuộc về phe chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh và Singapore có được như ngày hôm nay hay không. Đây là một lời nhắc ngầm về vai trò của sự ngẫu nhiên trong nghiên cứu lịch sử, mặc dù bài viết này tập trung vào sự nhận thức và vai trò của một con người.

Như Louis Halle nói, “điều mà chính sách đối ngoại của bất kỳ quốc gia nào xử lý là hình ảnh nhận thức về thế giới bên ngoài trong tâm trí của những người định đoạt chính sách của quốc gia đó”. Trong trường hợp của Singapore thì chắc chắn rằng thế giới quan của ông Lý Quang Diệu có ảnh hưởng nhiều nhất.

Ang Cheng Guan hiện là trưởng Khoa Sau Đại học, trường S. Rajaratnam về Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có Tư duy chiến lược của Lý Quang Diệu [Lee Kuan Yew’s Strategic Thought] (London: Routledge, 2013).