Tại sao Mỹ tiếp tục vai trò dẫn dắt thế giới?

Print Friendly, PDF & Email

nasdaq0952

Ngun: Simon Johnson, “The US Still Runs the World,” Project Syndicate, 28/08/2015.

Biên dch: Lê Công Anh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Những đồn thổi về sự tàn lụi của quyền lực nước Mỹ thường bị thổi phồng rất nhiều. Trong những năm 1950, Liên Xô được cho là vượt trội hơn Mỹ trong khi ngày nay Liên Xô không còn tồn tại. Trong những năm 1980, Nhật Bản được nhìn nhận đã gần vượt qua Mỹ thì hiện tại, sau hơn hai thập niên trì trệ của nước Nhật, sẽ không ai tính đến viễn cảnh này nữa. Và trong những năm 1990, liên minh tiền tệ được xem như đã đưa châu Âu trở thành một chủ thể vượt trội hơn trên trường quốc tế thì ngày nay kinh tế châu Âu thường xuyên là tiêu điểm của thế giới, nhưng không phải theo chiều hướng tốt đẹp.

Bây giờ đến lượt Trung Quốc. Cho tới gần đây, trong cách nhìn của nhiều người, Trung Quốc sẽ, nếu không phải là đã, đảm nhiệm vai trò dẫn dắt toàn cầu. Ngày nay, những nghi ngờ về triển vọng dài hạn của nền kinh tế Trung Quốc đang khiến các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới (bao gồm cả Mỹ) phải lo lắng.

Trung Quốc có vai trò quan trọng, do đó chính sách kinh tế của quốc gia này, bao gồm cả cách tỷ giá hối đoái được kiểm soát, phải được xem xét nghiêm túc. Nhưng Trung Quốc vẫn không phải đang dẫn dắt thế giới và có vẻ sẽ không sớm làm điều đó trong tương lai. Tin hay không thì tùy bạn, nhưng khả năng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo toàn cầu vẫn thuộc về  nước Mỹ.

Lập luận tốt nhất cho việc Trung Quốc trở thành một cường quốc thế giới được đưa ra trong cuốn sách bán chạy nhất của Arvind Subramanian, Eclipse: Living in the Shadow of China’s Economic Dominance, được xuất bản năm 2011. (Tác giả cuốn sách, hiện là Cố vấn trưởng về kinh tế tại Bộ Tài chính Ấn Độ, là đồng nghiệp và thỉnh thoảng là đồng tác giả các công trình với tôi tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế.)

Người ta hy vọng rằng chính phủ Ấn Độ sẽ chú ý đến những ghi nhận của Subramanian về cách thức Trung Quốc phát triển thông qua xuất khẩu các hàng hóa chế tạo cũng như việc cải tiến năng suất. Trung Quốc cũng đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu – sản xuất các mặt hàng cho các công ty ở nơi khác – trên một quy mô trước đây không thể tưởng tượng được. Và các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đã học cách để tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt hơn.

Tuy nhiên, những kinh nghiệm khác của Trung Quốc không giúp ích nhiều cho quốc gia này trong thời gian qua. Trung Quốc đã có được một thặng dư tài khoản vãng lai rất lớn trong suốt đầu những năm 2000 và đã tích cóp được một lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ – bao gồm số trái phiếu kho bạc Mỹ trị giá vài nghìn tỷ đô la. Mặc dù điều này trông rất ấn tượng trên giấy tờ nhưng khoản dự trữ khổng lồ này cơ bản là vô dụng. Nếu Trung Quốc bán những tài sản của Mỹ (trái phiếu kho bạc Mỹ) đang nắm giữ, đồng đô la sẽ yếu đi và các công ty Mỹ sẽ dễ thuận lợi hơn khi xuất khẩu và dễ cạnh trạnh hơn với hàng nhập khẩu.

Nhưng nỗi lo lắng bị vượt mặt của người Mỹ không phải là mới. Đã từng có một nỗi lo sợ lớn cuối những năm 1980 khi một công ty Nhật Bản mua lại Trung tâm Rockefeller tại Thành phố New York. Nhìn lại lịch sử, đó là một trong những sự kiện lớn trong thế kỷ 20 có kết quả trái với những gì người ta suy đoán. Cũng như vậy, người Mỹ sẽ nhìn khối trái phiếu Mỹ do Trung Quốc nắm giữ chỉ đơn giản bằng một cái nhún vai.

Vấn đề lớn hơn chính là chính sách tỷ giá hối đoái của Trung Quốc. Theo nghiên cứu của Subramanian, trong suốt một thời gian dài, Trung Quốc đã ngăn việc đồng Nhân dân tệ bị định giá quá cao và đó là một chính sách tốt. Nhưng trong đầu những năm 2000, Trung Quốc đã đi quá xa. Với những lý do vẫn còn gây tranh cãi, đồng Nhân dân tệ bị định giá quá thấp, xuất khẩu lớn hơn nhiều so với nhập khẩu và thặng dư tài khoản vãng lai chiếm hơn 10% GDP. Thay vì để đồng Nhân dân tệ tăng giá và giảm dần sự phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu, giới cầm quyền Trung Quốc lại lựa chọn cách tích góp dự trữ ngoại tệ (bằng trái phiếu Mỹ).

Bây giờ Trung Quốc phải tính toán con đường để duy trì tăng trưởng khi nhu cầu của phần còn lại của thế giới đang giảm dần. Một lần nữa quay lại sử dụng tỷ giá hối đoái thấp đáng kể sẽ gần như chắc chắn gây ra phản ứng từ quốc tế, bao gồm phản ứng từ Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, chuyển sang tăng trưởng dựa vào thị trường nội địa một cách tức thì không phải một chuyện dễ dàng. Trung Quốc sẽ không sụp đổ (Trung Quốc không phải Liên Xô) và sự trì trệ theo mô tuýp Nhật Bản cũng có vẻ sẽ không xảy ra. Nhưng Trung Quốc cũng đang già hóa nhanh chóng và có thể sẽ trở thành một quốc gia già trước khi giàu.

Cứ mỗi thập niên trôi qua, các nhân vật đình đám lại dự đoán về hồi kết của quyền lực nước Mỹ. Có lý do để lo ngại về điều này, đặc biệt là khi một số chính trị gia Mỹ cố tình phủ nhận bản chất vai trò toàn cầu của nước Mỹ. Ví dụ, nước Mỹ đã xây dựng hệ thống tiền tệ và thương mại thế giới cách đây 70 năm, nhưng ngày nay phe Cộng hòa trong Quốc hội lại từ chối ủng hộ thay đổi tại IMF, bao gồm cả những cải cách hợp lý mà hầu hết tất cả các quốc gia khác đều tán thành.

Tuy nhiên, Mỹ hiện vẫn đang là quốc gia dẫn dắt việc đẩy mạnh thương mại xuyên Thái Bình Dương tự do hơn cũng như cắt giảm đáng kể các rào cản thương mại với châu Âu. Nếu Mỹ đưa ra được những luật lệ đúng đắn, ưu tiên công dân bình thường hơn là những tập đoàn nay đây mai đó, các sáng kiến thương mại của Mỹ sẽ đóng góp to lớn vào sự tăng trưởng toàn cầu cũng như sự thịnh vượng của riêng nước Mỹ.

Tương tự như vậy, ở khía cạnh chính sách tiền tệ, vấn đề chính của thế giới trong năm tới là Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất khi nào và tăng bao nhiêu. Khi các quan chức đảm trách vấn đề tiền tệ tụ họp tại buổi họp kín thường niên ở Jackson Hole, họ sẽ xem xét vô số các phương diện khác nhau của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Ủy ban Thị trường mở Liên bang, cơ quan thiết lập các chính sách, sẽ điều chỉnh lãi suất dựa gần như hoàn toàn vào nhìn nhận chung của Ủy ban về tình hình kinh tế Mỹ. Như vậy, một lần nữa, phần còn lại của thế giới sẽ phải phản ứng tùy theo những động thái từ nước Mỹ.

Simon Johnson, nguyên kinh tế trưởng tại IMF, là giáo sư tại Trường Quản trị Sloan (MIT), nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế, và là đồng sáng lập của blog kinh tế học hàng đầu mang tên The Baseline Scenario. Ông là đồng tác giả với James Kwak cuốn White House Burning: The Founding Fathers, Our National Debt, and Why It Matters to You.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The US Still Runs the World