Tranh cãi về chính sách quản lý ngành tài chính ở Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

wallst_2024297b

Nguồn: Simon Johnson, “The Republican Bankruptcy Illusion”, Project Syndicate, 31/07/2016.

Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Giờ đây đã có sự đồng thuận gần như tuyệt đối rằng đạo luật cải tổ tài chính Dodd-Frank của Mỹ, được thông qua năm 2010, đã không chấm dứt được các vấn đề liên quan đến một số ngân hàng “quá lớn để sụp đổ”. Tuy nhiên, khi nói tới những giải pháp được đề xuất thì lại không tồn tại bất kỳ sự đồng thuận nào như vậy. Ngược lại, điều tiết ngành tài chính đã trở thành một vấn đề chủ chốt trong các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống vào tháng 11 này.

Vậy ai là người có kế hoạch khả thi và tốt hơn nhằm giảm thiểu các rủi ro liên quan tới các công ty tài chính khổng lồ? Những người thuộc Đảng Dân chủ đã có một chiến lược được chấp thuận và có thể thực hiện được, điều sẽ đem lại một sự cải thiện rõ ràng so với tình thế hiện tại. Nhưng không may là đề xuất của Đảng Cộng hòa lại là một công thức cho thảm họa lớn hơn những gì mà nước Mỹ (và cả thế giới) đã trải qua năm 2008.

Về phía Đảng Dân chủ, các tài liệu từ chiến dịch của bà Hilary Clinton cũng như đề cương tranh cử của Đảng này hướng tới một kế hoạch chi tiết nhằm bảo vệ cho đạo luật Dodd-Frank và đi xa hơn trong việc gây áp lực buộc các công ty tài chính lớn nhất trở nên ít phức tạp hơn và, nếu cần, là phải nhỏ hơn. Các ngân hàng cũng phải tự tạo nguồn tài chính theo một cách ổn định hơn. Nếu bà Clinton thắng cử, bà sẽ thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ từ các Nghị sĩ Đảng Dân chủ – bao gồm cả đối thủ cạnh tranh vị trí ứng cử viên Đảng Dân chủ, Bernie Sanders, và thượng nghị sĩ Elizabeth Warren – khi bà đi theo đường lối này.

Một số nhà bình luận cho rằng bà Clinton đã bị “kéo về phía tả” trong lĩnh vực điều tiết tài chính trong suốt chiến dịch của mình. Nhưng nếu bạn nhìn một cách kỹ lưỡng vào các phát ngôn của bà trong mùa bầu cử này, ngay từ đầu chúng hầu như giống hệt những gì mà Warren đã tìm kiếm trong suốt hơn 6 năm qua. Và những mục tiêu này hoàn toàn đồng nhất với điều mà tất cả các quan chức có trách nhiệm mong muốn. Mỗi người với suy nghĩ đúng đắn của mình đều muốn ngăn chặn những ngân hàng lớn nhất vượt ra khỏi tầm kiểm soát, chuyển những rủi ro thành những hoạt động không được điều tiết hay mập mờ (được thể hiện hoặc không trên bản cân đối tài chính của họ) và những người tiêu dùng bị lừa dối.

Đây là một nghị trình đầy khôn ngoan và có trách nhiệm. Dĩ nhiên, nó bị phản đối bởi những người được trả tiền để đại diện cho những ngân hàng lớn nhất, theo cách này hay cách khác.

Về phía Đảng Cộng hòa, các ý định cụ thể của Donald Trump ít rõ ràng hơn, mặc dù ông tự gọi mình một cách đầy tự hào là “vua nợ”, điều có vẻ không đặc biệt đem lại nhiều hy vọng. Hàng núi nợ khổng lồ có thể giúp làm giàu cho những chủ dự án bất động sản hay những nhà đầu tư tài chính, nhưng chúng nhìn chung sẽ dẫn tới rắc rối cho nền kinh tế vĩ mô. Chính những khoản nợ như núi đó đã đổ sụp xuống nền kinh tế Hoa Kỳ và toàn cầu năm 2008. Rất nhiều khoản đã bị chôn vùi trong cuộc Đại suy thoái theo sau đó; còn nhiều khoản nữa vẫn đang được khai quật.

Không giống với Trump, các Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã thành lập và công bố các kế hoạch chi tiết khá tương tự với kế hoạch mà Đảng Dân chủ đã trình bày. Và, trong trường hợp Trump trở thành Tổng thống, chính sách tài chính nhiều khả năng sẽ được định hình một phần lớn bởi Ủy ban các Dịch vụ Tài chính Hạ viện, mà chủ tịch của nó đã phát biểu rõ ràng rằng những ưu tiên bao gồm giảm sự bảo hộ người tiêu dùng và gỡ bỏ các rào cản hiện thời đối với các hoạt động của những ngân hàng lớn.

Trọng tâm trong chiến lược của các Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa là một ý tưởng đơn giản: tất cả các công ty tài chính nên có khả năng bị phá sản mà không ảnh hưởng đến phần còn lại của nền kinh tế cũng như không khiến chính phủ phải liên lụy. Điều này nếu là một câu khẩu hiệu tranh cử thì ổn. Nhưng logic của nó lại có vấn đề lớn.

Vào tháng 9 năm 2008, Lehman Brothers phá sản – và không có hỗ trợ nào của chính phủ được đưa ra. Đã có những hậu quả mang tính thảm họa đối với phần còn lại của ngành tài chính; nền kinh tế phi tài chính và với việc làm.

Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã đề xuất sửa chữa điều này bằng cách sửa đổi đạo luật về quy chế phá sản. Điều này nghe có vẻ cũng tốt, nhưng thực chất nó có nghĩa gì?

Việc chỉ hứa hẹn không cung cấp gói cứu trợ là khó tin được. Nước Mỹ là một nước lớn và nhiều quyền lực, và khi rủi ro tới, các nhà đầu tư sẽ mua trái phiếu chính phủ liên bang – làm lãi suất xuống thấp. Nước Mỹ có một bản cân đối kế toán như một “thành trì”, cũng như một trong những ngân hàng trung ương đáng tin cậy nhất trong lịch sử thế giới.

Nếu các nhà làm chính sách trong khoảnh khắc đó nghĩ rằng sự hỗ  trợ của chính phủ hay ngân hàng trung ương sẽ giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, họ sẽ hành động theo suy nghĩ đó. Đó là điều mà Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson, Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Ben Bernanke và Tổng thống George W. Bush (tất cả đều thuộc Đảng Cộng hòa) đã làm sau khi tác động toàn diện từ sự sụp đổ của Lehman trở nên rõ ràng.

Tính khả thi từ đề xuất cho phép các công ty tài chính phá sản của Đảng Cộng hòa nói tóm lại là: ai sẽ cấp tiền cho một định chế tài chính lớn phức tạp – hoạt động trên phạm vi toàn cầu – trong khi nó đang bị tái cấu trúc vì phá sản? Khu vực tư nhân sẽ không làm điều này. Bản thân các tòa án cũng không thể đi vay. Nếu không có nguồn tài chính, đề xuất này sẽ sụp đổ – và chúng ta lại có một “khoảnh khắc Lehman” khác, hoặc thậm chí còn tồi tệ hơn.

Do vậy chúng ta hẳn là đang nói về một tình huống mà trong đó một số bộ phận của chính phủ liên bang, dù có hay không sự chấp thuận rõ ràng của quốc hội, vội vàng cung cấp một khoản vay tức thời trong phạm vi hàng chục đến hàng trăm tỷ đô-la, thông qua một thẩm phán. Điều này thật khó hiểu và cực kỳ khó chấp nhận.

Hãy nghĩ đến những sai lầm kinh doanh sẽ được tạo ra và sự phản ứng chính trị dữ dội. Hãy cộng thêm vào đó tác động bóp méo nền kinh tế khi cho phép quá nhiều bảo hiểm miễn phí cho các rủi ro như vậy.

Đảng Dân chủ đang ủng hộ một cách tiếp cận tài chính mà sẽ làm cho hệ thống tài chính an toàn hơn, để nó sẽ không bao giờ phải rơi vào rủi ro này nữa. Kế hoạch của Đảng Cộng hòa sẽ chỉ có lợi cho những ngân hàng “quá lớn để sụp đổ”. Và sự giúp đỡ đó sẽ càng làm cho chúng trở nên nguy hiểm hơn.

Simon Johnson, nguyên kinh tế trưởng tại IMF, là giáo sư tại Trường Quản trị Sloan (MIT), nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế, và là đồng sáng lập của blog kinh tế học hàng đầu mang tên The Baseline Scenario. Ông là đồng tác giả với James Kwak cuốn White House Burning: The Founding Fathers, Our National Debt, and Why It Matters to You.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Republican Bankruptcy Illusion
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]