Bức màn sắt mới đang buông xuống nước Nga

Print Friendly, PDF & Email

RUSSIA-POLITICS/

Nguồn: Victor Davidoff, “A New Iron Curtain Is Descending Over Russia”, The Moscow Times, 09/08/2015.

Biên dịch: Phương Nguyễn | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Ngày 28 tháng Bảy, văn phòng công tố trưởng Nga tuyên bố tổ chức Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (NED) của Mỹ là “tổ chức không được mong muốn”. Kể từ ngày đó, ngân quỹ của NED tại các ngân hàng Nga sẽ bị đóng băng, các tổ chức phi chính phủ của Nga bị cấm nhận tài trợ của NED và việc tham gia các dự án do NED tài trợ bị coi là phạm tội hình sự có thể bị phạt đến sáu năm tù giam.

Thoạt nhìn, lệnh cấm này giống như các lệnh khác trong danh sách cấm mọi thứ dài dằng dặc từ chương trình opera cùa Hà Lan đến hoa tutips. Nhưng lệnh cấm này mang tính biểu tượng mạnh mẽ thể hiện con đường đi lên rồi đi xuống mà nước này đã trải qua 30 năm qua.

Vào thời kỳ ngay trước cải tổ (perestroika) của Mikhail Gorbachev, nước Nga bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài bằng bức màn sắt khiến thông tin, công nghệ, thuốc men hoặc hàng hóa không thể lọt qua.

Công dân Xô-viết sống như trên một hòn đảo hẻo lánh tụt hậu với văn minh thế giới hàng chục năm. Vào những năm tháng này NED đã hỗ trợ các nhóm hoạt động nhân quyền hải ngoại, tài trợ những chiến dịch giúp đỡ tù nhân chính trị và xuất bản những sách bị cấm tại Liên Xô. Thời cuộc đã thay đổi nhưng trọng tâm các hoạt động của NED vẫn không đổi. NED tiếp tục tài trợ các nhà hoạt động vì nhân quyền đang tích cực làm việc để cải thiện điều kiện của nhà tù hoặc giúp đỡ những người di cư. NED cũng giúp đỡ truyền thông độc lập. Về lí thuyết, lẽ ra nhà cầm quyền phải biết ơn NED đã giúp các nhà hoạt động phơi bày biết bao tội ác chống lại các nhà hoạt động vì quyền của những người LGBT (đồng tính, song giới và chuyển giới), những phụ nữ bị bạo hành, binh lính nghĩa vụ bị đánh đập, và những cử tri bỏ phiếu mà không được kiểm.

Nhưng nhà cầm quyền Nga nhìn sự việc bằng con mắt rất khác. Trong thông báo của viện công tố, tất cả những hoạt động này thường được mô tả là “cho rằng kết quả bầu cử là không chính đáng, tổ chức các hoạt động nhằm gây ảnh hưởng đến cơ quan làm chính sách, và làm mất uy tín lực lượng vũ trang Nga.”

Tuyên bố này gợi ra một loạt câu hỏi, về cả chính trị lẫn pháp lí. Điều gì làm thể chế chính trị mất uy tín hơn – vạch trần sự gian lận bầu cử hay khước từ điều tra?

Hay điều gì tệ hơn: lừa phỉnh trong quân đội và việc sử dụng bất hợp pháp lao động của lính tráng để xây dựng điền trang (dacha) cho sĩ quan, hay việc vạch trần hành vi đó trên phương tiện thông tin?

Về mặt pháp lí, nếu hoạt động của một tổ chức vi phạm pháp luật thì tổ chức đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng nếu việc làm của tổ chức đó không vi phạm luật mà nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm luật – thì việc làm đó bị coi là “không được mong muốn” trên cơ sở nào?

Lạy chúa, mọi thứ trong hệ thống tư pháp nước Nga đang lộn ngược. Trắng bị coi là đen ngay tại Viện Công tố.

NED là tổ chức nước ngoài đầu tiên bị tuyên bố là “không được mong muốn” trong danh sách do Hội đồng Liên bang nộp cho Viện. Các tổ chức khác là Quỹ Xã hội Mở Soros, Quỹ John D. và Catherine T. MacArthur, và Quỹ Charles Stewart Mott. Tất cả những tổ chức này đã hoạt động ở Nga nhiều năm nay và trợ giúp rất nhiều cho các khu vực phi thương mại, tài trợ các học giả và các cơ sở giáo dục đại học, xuất bản sách cho thư viện khoa học các trường đại học và phổ thông.

Hậu quả tiêu cực của quyết định này đã lộ rõ.

Tại vùng Sverdlovsk, nhà cầm quyền đã ra lệnh loại ra khỏi giá sách tất cả những sách lịch sử do Quỹ Xã hội Mở Soros tài trợ xuất bản những năm 1990.

Trước khi hành động như vậy, một bài báo dài được đăng trên Izvestia lên án một số sách viết về lịch sử Thế chiến II là thân-Quốc xã.

Chúng ta đang chứng kiến một mưu toan dần dần khôi phục bức màn sắt từng gây khổ sở cho đời sống tại Liên Xô. Mưu toan này không biết sẽ đi xa đến đâu vẫn còn chưa rõ ràng.

Nhưng rõ ràng, người phải chịu thiệt thòi nhiều nhất là nhân dân Nga. Sinh viên không còn được tiếp cận nguồn học liệu khoa học và có tính học thuật cao; con em của những người di cư không được học trong các trường công và các trường được xây dựng bởi các tổ chức Phi chính phủ với tài trợ của NED nữa; các tổ chức môi trường không còn khả năng bảo vệ công viên, rừng; người nghèo không được tiếp cận tư vấn pháp lí miễn phí.

Đó mới chỉ là một vài ví dụ.

Rốt cuộc, các biện pháp này sẽ chỉ biến đất nước này thành một hòn đảo cô lập và chỉ làm hại đất nước chứ không mang lại cái gì khác. Một trong những bài học rõ rành rành của lịch sử là tự cô lập là con đường chắc chắn nhất dẫn đất nước đến suy tàn và sụp đổ.

Quy luật này không thay đổi: Sự tự cô lập đã hủy hoại Đế quốc Trung Hoa hùng mạnh thế kỉ 19 và làm sụp đổ Liên Xô chỉ vỏn vẹn sau 70 năm, bất chấp cả kho đầu đạn hạt nhân nước này có.

Trong kỉ nguyên toàn cầu hóa và công nghệ thông tin, quá trình tàn lụi có thể sẽ diễn ra thậm chí còn nhanh hơn.

Chỉ thêm một vài bước nữa thôi, Nga sẽ biến mình thành Bắc Triều Tiên. Những người đang đẩy đất nước vào con đường này vẫn còn cơ hội cuối cùng để suy nghĩ lại về hậu quả do hành động của mình.

Victor Davidoff là nhà báo độc lập ở Moskva và là chủ bút trang nhân quyền “Niên giám các Sự kiện Đương đại”.