Chữ Hán truyền vào Việt Nam từ bao giờ và bằng cách nào?

Print Friendly, PDF & Email

chinese-characters

Tác giả: Vũ Thế Khôi

Trong giới Hán học Trung Quốc và Việt Nam khá phổ biến ý kiến khẳng định rằng ngay từ cuối đời Tần (cuối thế kỷ thứ III TCN) chữ Hán đã bắt đầu được truyền vào Bắc bộ Việt Nam. Căn cứ duy nhất của họ là đoạn ghi trong Sử ký Tư Mã Thiên: “Năm 33 (tức 214 TCN – V.T.K.) Tần Thuỷ Hoàng đưa những người thường trốn tránh, những người ở rể và những người đi buôn đánh lấy đất Lục Lương, lập thành các quận Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải; cho những người đi đày đến đấy canh giữ”. Cũng dựa vào đoạn ghi chép đó, PGS Trần Nghĩa (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho rằng những người bị đi đày này “… nghiễm nhiên trở thành những sứ giả chở chữ Hán và tiếng Hán tới phương Nam”.

Sử ký Tư Mã Thiên là bộ sử liệu vĩ đại đáng tin cậy, nhưng từ một đoạn ghi chép trên mà suy luận rằng chẳng những tiếng mà cả chữ Hán được truyền đến Bắc bộ Việt Nam cùng đạo quân viễn chinh nhà Tần thì e chỉ là võ đoán. Vì vấn đề lại có ý nghĩa nguyên tắc từ góc độ giao lưu văn hoá Trung-Việt, nên cuối năm 2003, tại “Hội thảo quốc tế về truyền bá chữ Hán và giao lưu văn hoá Trung-Việt”, họp ở Thâm Quyến 19-21/12/2003, chúng tôi đã dành nửa đầu của báo cáo để đặt lại vấn đề với 2 ý kiến tranh luận, đó là:

1. Cùng với cuộc viễn chinh của quân Tần, bất quá mới chỉ có sự lan truyền tự nhiên (không thể gọi là truyền bá!) khẩu ngữ (tức tiếng Hán), thường song hành với mọi cuộc xâm lấn và di dân, chứ chưa thể có chuyện truyền bá chữ Hán;

2. Chỉ sau khi Triệu Đà, Huyện lệnh Long Xuyên quận Nam Hải, lợi dụng thời cơ nhà Tần sụp đổ, năm 207 chiếm lĩnh 2 quận Quế Lâm và Tượng Quận, thiết lập vương triều cát cứ Nam Việt quốc (207-111 TCN), 18 năm sau thôn tính nốt nước Âu Lạc (208-179 TCN) của An Dương Vương, chữ Hán mới thực sự được truyền bá, tức được dạy một cách có chủ định ở vùng đất Bắc bộ và bắc Trung bộ Việt Nam ngày nay .

Chứng minh ý kiến thứ nhất, chúng tôi biện luận như sau:

Theo chính Hán thư thì Tượng Quận không phải là Bắc bộ Việt Nam mà là vùng đất phía tây của Quảng Tây và phía nam của Quý Châu, như vậy thì trong cuộc viễn chinh vào miền đất Lĩnh Nam của Bách Việt, quân Tần mới chỉ đánh chiếm được vùng đất của Mân Việt (Phúc Kiến, Quảng Đông), Dương Việt và Tây Âu Việt (Quảng Tây và một phần Quý Châu), nhưng chưa chiếm cứ được đất Lạc Việt (tức nước Âu Lạc của An Dương Vương).

Một sử liệu đáng tin cậy khác là bức thư của Hoài Nam Vương Lưu An dâng lên can gián Hán Vũ Đế (140-86 trước CN) đem quân vào đất Việt, đã miêu tả quân Tần từng bị khốn đốn ở đất Việt (Lạc Việt? – V.T.K.) như sau: “Đời Tần sai quan uý Đồ Thư đánh đất Việt, người Việt trốn vào rừng núi, đánh không được, đóng quân ở vùng đất trống không, lâu ngày quân lính mệt mỏi, rồi người Việt ra đánh, quân lính Tần đại bại” . Sách Hoài Nam tử, cũng do chính Lưu An biên soạn, tả cảnh bại trận của quân Tần còn thê thảm hơn: “Trong 3 năm không cởi giáp dãn nỏ… Người Việt đều vào trong rừng, ở với cầm thú, không ai chịu để cho quân Tần bắt. Họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần, đại phá quân Tần và giết được Đồ Thư, thây phơi huyết chảy hàng mấy chục vạn người”.

Năm 214 mới chiếm được vùng Lĩnh Nam, đến đất Việt 3 năm chiến đấu liên miên (“không cởi giáp dãn nỏ”), bị thảm bại (chủ tướng bị giết, sĩ tốt thì phơi thây); 8 năm sau, 206, nhà Tần đã diệt vong, vậy thời gian đâu mà truyền bá chữ Hán?

Nêu ý kiến chữ Hán chỉ bắt đầu được truyền bá (được dạy và học có chủ định) từ vương triều của Triệu Đà, chúng tôi căn cứ 2 sự kiện có trong sử sách Trung Hoa và Việt Nam, đó là:

a) sử gia Việt Nam dẫn sách Thuỷ kinh chú của Trung Hoa, khẳng định rằng dưới triều đại Nam Việt quốc các Lạc tướng của Hùng Vương vẫn cai trị dân như cũ, tức Triệu Đà chủ trương sử dụng các hào trưởng người Việt có uy tín và lực lượng, lại thông hiểu ngôn ngữ và phong tục tập quán địa phương, để quản lý dân Lạc Việt; vậy thì để thông đạt các chiếu chỉ, mệnh lệnh, tất nhiên nhà Triệu phải tổ chức dạy cho họ chí ít biết đọc và viết được chữ Hán, tức là đến thời điểm ấy mới nảy sinh nhu cầu khách quan về một văn tự làm công cụ cho hệ thống hành chính thống nhất bao gồm người Hoa (ở triều đình trung ương) và người Việt (ở phủ, huyện, làng xã).

b) Triệu Đà, để tranh thủ hậu thuẫn của người Việt nhằm xưng đế, cát cứ một phương, độc lập với đế quốc Hán, đã chủ trương dung hợp văn hoá Hoa – Việt, tạo ra những dòng họ hỗn huyết Hoa-Việt và dung hợp tự nhiên hai văn hoá Hoa và Việt.

Sự kiện thứ hai này là nhân tố thuận lợi thúc đẩy việc bắt đầu truyền bá chữ Hán vào đến tận làng xã, chúng tôi đã cố gắng chứng minh chi tiết hơn như sau:

Triệu Đà vốn người Hán ở đất Chân Định, nay thuộc tỉnh Hà Bắc-Trung Quốc, cho Trọng Thuỷ cầu hôn Mỵ Châu đương nhiên nhằm mục đích thôn tính Âu Lạc. Nhưng sau khi đã tiêu diệt triều đình An Dương Vương, theo Sử ký Tư Mã Thiên, Triệu Đà tiếp tục chủ trương đó: dùng Lữ Gia mà chínhSử ký Tư Mã Thiên gọi là “Việt nhân” (đúng hơn phải nói là người Hán đã Việt hoá do sống giữa cộng đồng người Việt, cũng như Lý (Bôn) Nam Đế – V.T.K.) và ghi nhận Gia “làm Thừa tướng 3 đời vua… Con giai lấy con gái vua, con gái lấy con giai, anh em tôn thất của vua…; ở trong nước rất được tôn trọng, người Việt tin ông, nhiều người làm tai mắt cho ông, ông được lòng dân hơn vương”. Chẳng những thế, bản thân Đà đã chủ động thích ứng với phong tục, tập quán của người Việt: trong thư dâng Hán Văn Đế (179-156 trước CN) ông viết: “Lão phu ở đất Việt đã 49 năm, hiện đương bồng cháu”. Thâm ý của câu đó, họ Triệu khi tiếp sứ thần nhà Hán là Lục Giả, đã giải thích khá cụ thể bằng hành động “xoã tóc, ngồi chò hõ (tức ngổi xổm, chồm hỗm theo phong tục người Việt, chứ không búi tóc, ngồi quỳ gối theo nghi lễ Trung Hoa – V.T.K.) mà tiếp” và cũng khá thẳng thừng đáp lại lời Giả trách Đà “phản thiên tính” (tức quên phong tục mẹ đẻ là người Hán!): “Tôi ở trong xứ mọi rợ lâu ngày, quên hết lễ nghĩa rồi” (tức không theo lễ nghi của người Hán nữa!). Có thể nói rằng họ Triệu và họ Lữ (Lã) là những đại biểu sớm nhất của các dòng họ cổ đại hoà trộn hai huyết thống Việt và Hoa được sử sách ghi lại, tức cũng xác nhận vào thời điểm đó mới bắt đầu hình thành nhân tố thuận lợi thúc đẩy sự truyền bá chữ Hán và giao lưu văn hoá Trung-Việt.

Việc Triệu Đà chủ trương dung hợp hai nền văn hoá Hoa và Việt, gần đây được chính một số học giả Trung Quốc khẳng định. Sau khi tham dự Hội thảo Thâm Quyến, trên đường về qua Quảng Châu, nhân ghé thăm khu mộ của cháu Triệu Đà là Văn Vương Triệu Muội, chúng tôi mua được sách Lĩnh Nam chi quang, miêu tả việc khai quật khu mộ đá này năm 1983. Các tác giả sách viết: Triệu Đà … “thúc đẩy chính sách dân tộc “hoà tập Bách Việt”, xúc tiến quá trình dung hợp dân tộc Hán – Việt và phát triển kinh tế – văn hoá” .

Khách quan mà nói, quan điểm về sự dung hợp hai nền văn hoá Việt và Hoa dưới triều đại Triệu Đà trong toàn cõi Nam Việt quốc đã từng được một số nhà sử học Sài Gòn nêu lên khá sớm, nhưng đúng như nhà sử học Đào Hùng, Phó tổng biên tập báo Xưa & Nay, nhận định trong Lời giới thiệu công trình cực kỳ lý thú của nghiên cứu sinh tiến sĩ năm thứ nhất Đại học Văn khoa Sài Gòn Tạ Chí Đại Trường, xuất bản năm 1989 tại Hoa Kỳ, đến đầu năm 2006 này mới được in lại ở Việt Nam, nhan đề Thần, người và đất Việt: “Trải qua một thời gian dài giới nghiên cứu chúng ta thường bị những động cơ chính trị chi phối nên việc nghiên cứu không thể tránh khỏi những thiên kiến”. Có thể nói một trong những thiên kiến như vậy là quan điểm chính thống trong giới sử học miền Bắc coi nhà Triệu là kẻ xâm lược, mà đã là kẻ xâm lược thì phải xấu, không thể có đóng góp gì đáng bàn nữa! Trong công trình nói trên, với một phương pháp nghiên cứu khách quan, không bị lập trường chính trị o ép, nhà sử học Tạ Chí Đại Trường xuất phát từ luận điểm về sự liên tục văn hoá và căn cứ thực tế lịch sử về giao lưu văn hoá của cộng đồng người Việt với Hán, Chămpa và các tộc người khác, đã phát biểu những ý kiến xác đáng, nêu một nhận xét táo bạo, nhưng theo chúng tôi, không phải không có lý, rằng: “Ranh giới Giao [tức Giao Chỉ] – Quảng [tức Quảng Đông, Quảng Tây] còn nhập nhoà trong trận chiến Lý-Tống (1075-1077) khi Lý đem quân qua châu Khâm, châu Liêm có người giúp đỡ, nội ứng…”, tức theo ông, trải qua hơn nghìn năm vẫn tồn tại những truyền thống bắt nguồn từ sự dung hợp văn hoá Hoa và Việt từ thời Triệu Đà khiến ít ra một bộ phận dân chúng vùng Lưỡng Quảng không hề mặc cảm đạo quân viễn chinh của Đại Việt là những kẻ dị chủng xâm lược.

Bốn chục năm trước đây, khoảng năm 1962/63, chúng tôi từng được nghe một vị sư già ở chùa Thầy nói xương cốt dưới hang chùa là của binh lính Lữ Gia không chịu ra đầu hàng, bị quân Hán vây đến chết đói ở dưới đó. Ngay ở Hà Nội cho đến năm 1979 vẫn còn phố Lữ Gia (nay là phố Lê Ngọc Hân). Tại một số địa phương trên đất Việt Nam ngày nay dân chúng vẫn thờ Triệu Đà và Lữ Gia. Chẳng hạn, ở làng Đồng Xâm xã Hồng Thái huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình vẫn còn di tích một đền lớn uy nghi, được xếp hạng như di tích thờ vị Tổ nghề chạm bạc truyền thống. Thực ra, Tổ nghề Nguyễn Kim Lâu chỉ được thờ trong một cái am nhỏ ở địa điểm khác. Đây cũng lại là một bằng chứng về cái sự “bị động cơ chính trị chi phối”, khiến người ta phải làm sai lệch sự thật về ngôi đền này, bất chấp thư tịch lịch sử và địa chí. Danh sĩ cuối đời Lê là Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ (1726-1780) viết rành rành trong công trình nổi tiếng Việt sử tiêu án: “… làng Đường Xâm quận Giao Chỉ (nay là Đường Xâm huyện Chân Định) có miếu thờ Triệu Đà…” Huyện Chân Định sang triều Nguyễn thuộc phủ Kiến Xương tỉnh Nam Định, đến năm 1894, phủ Kiến Xương cắt về tỉnh Thái Bình mới lập, sau bỏ phủ, đổi gọi là huyện Kiến Xương. Năm 1924 nhà địa dư học Ngô Vi Liễn còn ghi ở chương “Tỉnh Thái Bình” trong sách Địa dư các tỉnh Bắc kỳ : “Đền Triệu Vũ Đế ở làng Thượng Gia, phủ Kiến Xương, hội về ngày mồng 1 tháng tư”). Cũng sách của Ngô Vi Liễn cho biết: làng Thượng Gia thuộc tổng Đồng Xâm (sách đời Nguyễn Gia Long còn gọi là tổng Đường Xâm).

Tâm thức dân Việt không phải ngẫu nhiên vẫn tôn thờ Triệu Đà. Ngoài công “hoà tập Bách Việt”, phát triển kinh tế và văn hoá, biến cả miền Lĩnh Nam thành ánh hào quang (=Lĩnh nam chi quang), họ Triệu đã Việt hoá từng cùng dân Việt chống ngoại xâm. Sử ký Tư Mã Thiên viết rằng thời Triệu Minh Vương (chắt của Triệu Đà) con là thái tử Anh Tề phải vào làm con tin tại triều đình nhà Hán, lấy gái Hán ở Hàm Đan họ Cù, đẻ ra con trai là Hưng, sau được nối ngôi, nên Cù thị trở thành thái hậu Nam Việt quốc; hồi còn trên đất Trung Quốc, đã là vợ Anh Tề, Cù thị vẫn dan díu với người huyện Bá Lăng là An Quốc Thiếu Quý, nay thấy Thiếu Quý sang làm sứ giả, lại cùng gian dâm, rồi khuyên vua quan Nam Việt xin “nội thuộc” nhà Hán… “bọn Lữ Gia bèn làm phản, ra lệnh trong nước: “Vương tuổi còn trẻ, thái hậu là người Trung Quốc, lại dan díu với sứ giả, chỉ muốn nội thuộc…”. Lữ Gia bèn cùng em đem quân đánh giết vương, thái hậu cùng các sứ giả của nhà Hán…; lập Vệ Dương hầu Kiến Đức, người con trai đầu của Minh Vương, vợ (Đại Việt sử ký toàn thư ghi “mẹ” – V.T.K.) là người Việt, làm vua…, đem quân đánh bọn Thiên Thu (tướng nhà Hán), diệt được họ cách Phiên Ngung (nay là Quảng Châu) 40 dặm. Gia sai người phong gói cờ tiết của sứ giả để ở cửa ải, khéo nói dối để tạ tội, rồi đem quân đóng giữ những nơi hiểm yếu” (chúng tôi nhấn mạnh – V.T.K.) .

Rõ ràng vương triều họ Triệu cùng vị Thừa tướng “Việt nhân”, “được lòng dân hơn vương”, là những người đầu tiên , trước Hai Bà Trưng cả 144 năm, đã chống quân xâm lược nhà Hán. Cuộc kháng chiến của họ dẫu được dân Việt ủng hộ, vẫn thất bại do tương quan lực lượng quá chênh lệch ở thời buổi nhà Hán vừa mới diệt Tần lên làm chủ Trung Hoa, đang trở thành một đế chế hùng mạnh. Nhưng cũng như một người xưa, Tiến sĩ Vũ Tông Phan, đã viết về Hai Bà Trưng trên tấm bia lập năm 1840, hiện vẫn dựng giữa sân đền thờ Hai Bà ở Đồng Nhân-Hà Nội: “Việc làm của kẻ trượng phu không thể lấy thành hay bại mà bàn luận” .

Sử sách nước ta qua các thời đại khác nhau có quan điểm khác nhau về vương triều Nam Việt. Đại Việt sử lược, bộ sử thời Lý-Trần (TK XII-XIII) chép “Nhà Triệu” ngang hàng với các “Nhà” Ngô, Đinh, Lê (Đại Hành), Lý. An Nam chí lược (đầu TK XIV), do Lê Tắc viết trên đất Trung Quốc nên không dám dùng chữ “kỷ” mà Tư Mã Thiên chỉ dành riêng cho các triều đại hoàng đế Trung Hoa, gọi Triệu là “thế gia” (“Triệu thị thế gia”) ngang hàng các “thế gia” Đinh, Lê, Lý, tức vẫn coi là một triều đại thuộc sử Đại Việt. Nguyễn Trãi coi quốc thống Đại Việt trước nhà Lê gồm cả Triệu, Đinh, Lý, Trần. Trong Bình Ngô đại cáo năm 1427 ông tuyên bố:

Xét như nước Đại Việt ta,
Thực là một nước văn hiến.
Cõi bờ sông núi đã riêng,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước.
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương.

Theo tinh thần đó Đại Việt sử ký toàn thư chép nhà Triệu như một triều đại chính thống của Đại Việt. Đến cuối thế kỷ XVIII, Việt sử tiêu ánĐại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ phê phán chép sử Việt như thế là sai và đưa nhà Triệu ra ngoài, gọi riêng là “ngoại thuộc”, để phân biệt với giai đoạn “Bắc thuộc” sau này, khi nước ta “nội thuộc” Trung Quốc. Quốc sử quán triều Nguyễn theo như thế, có lẽ còn vì lý do năm 1804 vua Gia Long xin đặt quốc hiệu là “Nam Việt”, nhưng hoàng đế nhà Thanh không chuẩn cho, hẳn e ngại sự tái diễn việc cầu hôn một công chúa Trung Hoa và xin lại đất Lưỡng Quảng mà Quang Trung đã đặt ra. Để rạch ròi, triều Thanh đề nghị quốc hiệu “Việt Nam”, nhưng vua Gia Long không chấp thuận, tự đặt quốc hiệu là Đại Nam. Đến đầu thế kỷ XX, khi nước ta đã thành thuộc địa của Pháp, quyền uy Trung Hoa không còn tác dụng nữa, sử gia Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược (viết 1919, in 1921) mới lại đưa “nhà Triệu” vào quốc thống Đại Việt.

Nếu Quang Trung không mất sớm thì sẽ ra sao nhỉ?

Nhưng lịch sử không chấp nhận chữ “nếu”. Lịch sử đã an bài từ lâu. Ngày nay Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng hữu nghị, với biên giới đã xác định. Bởi vậy trong báo cáo tại Hội thảo Thâm Quyến 2003, chúng tôi đã nói rõ chỉ xem xét vương triều Triệu Đà thuần tuý từ góc độ giao lưu văn hoá. Nay xin một lần nữa nhấn mạnh như vậy.

Nguồn:  Tạp chí Xưa và Nay số 256 tháng 8/2006 & Talawas