Chính sách Mở cửa (Open Door Policy)

Print Friendly, PDF & Email

36fca81220617adf13a84f7794029974

Tác giả: Trần Nam Tiến

“Mở cửa” là chính sách của Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc đầu thế kỷ 20 nhằm tìm kiếm thị phần ở quốc gia này. Chính sách này được Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Hay trình bày trong công hàm gửi các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản và Ý vào tháng 9 năm 1899, đòi duy trì việc mở cửa Trung Quốc đối với thế giới bên ngoài và tạo ra những cơ hội đồng đều cho tất cả các nước trong buôn bán với Trung Quốc.

Sau chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha (1898-1899), Mỹ đã biến Philippines thành thuộc địa sau khi đã vững vàng tại Hawaii. Vào thời điểm chuyển giao thế kỷ, Mỹ rất kỳ vọng vào quan hệ thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, Nhật Bản và các nước châu Âu đã tạo lập vị trí vững chắc tại thị trường này với các căn cứ hải quân, các vùng lãnh thổ cho thuê, các đặc quyền thương mại và đặc quyền đầu tư vào các ngành xây dựng đường sắt và khai mỏ. Trong chính sách đối ngoại của Mỹ, chủ nghĩa lý tưởng tồn tại bên cạnh khát vọng cạnh tranh cùng các thế lực Châu Âu tại khu vực Viễn Đông. Vì vậy, như một vấn đề nguyên tắc, Chính phủ Mỹ luôn yêu cầu sự bình đẳng trong các đặc quyền thương mại cho tất cả các quốc gia.

Ngày 6 tháng 9 năm 1899, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Hay gửi công hàm cho các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản và Ý tuyên bố ủng hộ chính sách Mở cửa cho tất cả các quốc gia có mặt tại Trung Quốc – tức bảo đảm sự bình đẳng trong các cơ hội kinh doanh (bao gồm thuế, thuế hải quan và cước phí đường sắt công bằng) tại các khu vực do các nước Châu Âu quản lý. Công hàm có các nội dung chính: Các nước thừa nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc; Hàng hoá của các nước phải theo chế độ thuế quan của Trung Quốc và do Chính phủ Trung Quốc thu thuế; Không can thiệp vào lợi ích của các nước theo những điều đã ký; Tàu thuyền các nước đi lại trong thương cảng thuộc phạm vi các nước khác không được đánh thuế nhập khẩu cao hơn thuế suất quy định cho tàu thuyền của nước mình. Luận điểm này cũng được áp dụng trên lĩnh vực (vận tải bằng) xe lửa.

Với cuộc nổi dậy Nghĩa Hòa Đoàn năm 1900, Trung Quốc bắt đầu phản kháng lại với các thế lực nước ngoài. Trong tháng 6 năm 1900, nghĩa quân chiếm được Bắc Kinh và tấn công các tòa công sứ nước ngoài ở đây. Ngoại trưởng John Hay nhanh chóng thông báo cho cả phía các nước Châu Âu và Nhật Bản rằng nước Mỹ sẽ phản kháng lại bất kỳ hành động nào đi ngược lại các quyền quản lý hành chính hay quyền về lãnh thổ của người Trung Quốc và khẳng định lại Chính sách Mở cửa. Khi cuộc nổi loạn bị dập tắt, John Hay đã bảo vệ Trung Quốc khỏi những khoản bồi thường khổng lồ.

Chính sách Mở cửa của Trung Quốc từ 1978
Chính sách Mở cửa cũng được sử dụng để chỉ chính sách kinh tế mà Trung Quốc theo đuổi từ năm 1978 dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình. Theo đó Trung Quốc sử dụng chính sách này để thúc đẩy trao đổi thương mại quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài nhằm thực hiện mục tiêu “Bốn hiện đại hóa” đất nước.

Như vậy chính sách “Mở cửa” của Mỹ ra đời trong hoàn cảnh Trung Quốc đã bị chia thành các khu vực ảnh hưởng của các cường quốc (trừ Mỹ); lúc đầu được áp dụng với Trung Quốc, sau đó với các nước kinh tế chậm phát triển. Dù có những nội dung lý tưởng, chính sách “Mở cửa”, về bản chất, là một công cụ giúp tận dụng các ưu thế của chủ nghĩa thực dân trong khi vẫn tránh được các thất bại thường gặp trong việc thực hiện. Chính sách này cũng chỉ đạt được thành công vừa phải. Chính sách “Mở cửa” đối với Trung Quốc thực ra không phải là điểm khởi đầu và là minh chứng duy nhất cho tính thực dụng trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Trái lại, sự thực dụng vẫn luôn là một đặc điểm lớn trong chính sách ngoại giao của nước này từ khi lập quốc cho đến nay. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách mở cửa đối với Trung Quốc của John Hay đã được dư luận Mỹ đánh giá rất cao. Chính sách này, theo người Mỹ, là một trong những chính sách đáng được ghi nhớ nhất trong lịch sử đối ngoại Mỹ.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]