Hội nghị Yalta (Yalta Conference)

Print Friendly, PDF & Email

History_FDR_Moscow_Conference_rev_SF_HD_still_624x352

Tác giả: Nguyễn Hồng Bảo Thi

Hội nghị Yalta (còn gọi là Hội nghị Crimea và tên mật là Hội nghị Argonaut) diễn ra từ ngày 04 đến 12 tháng 02 năm 1945 tại lâu đài Livadia gần thành phố Yalta trên bán đảo Crimea – Liên Xô (nay thuộc Ucraina). Tham gia Hội nghị có 3 vị nguyên thủ của 3 cường quốc là: Joseph Stalin (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô), Franklin D. Roosevelt (Tổng thống Hoa Kỳ) và Winston Churchill (Thủ tướng Anh).

Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ hai sắp kết thúc, nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách đặt ra trước các cường quốc Đồng minh, như việc nhanh chóng đánh bại phát xít, tổ chức lại thế giới sau chiến tranh, hay phân chia thành quả chiến thắng. Chính vì vậy, Mỹ, Anh và Liên Xô đã tiến hành Hội nghị Yalta để thỏa thuận việc giải quyết những vấn đề bức thiết trên và hình thành một trật tự thế giới mới sau chiến tranh. Trong khoảng thời gian 8 ngày đàm phán, các bên đã đưa ra những thỏa thuận cuối cùng tập trung vào những vấn đề sau:

Thứ nhất, để nhanh chóng kết thúc chiến tranh ở Châu Âu và Châu Á-Thái Bình Dương, Hội nghị đã thống nhất mục đích là tiêu diệt hoàn toàn lực lượng phát xít xâm lược, chiếm đóng nước Đức (cho phép Pháp tham gia), tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa Phát xít và giới quân phiệt Đức, trừng phạt những kẻ phạm tội ác chiến tranh, bồi thường những phí tổn chiến tranh do Đức gây ra, tái lập nhà nước Ba Lan và thành lập chính phủ lâm thời Ba Lan, thành lập một hội đồng nhằm thực hiện những nghị quyết về Ba Lan.

Thứ hai, một biên bản bí mật về việc Liên Xô tham gia vào cuộc chiến tranh chống phát xít Nhật ở Châu Á cũng được ký kết với các điều kiện kèm theo: bảo vệ nguyên trạng và công nhận nền độc lập của Mông Cổ, trả lại Liên Xô những quyền lợi của đế chế Nga ở vùng Viễn Đông trước cuộc Chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905).

Thứ ba, thống nhất thành lập Tổ chức Liên Hiệp Quốc và thông qua Hiến chương Liên Hiệp Quốc trong Hội nghị San Francisco sắp tới dựa trên nền tảng và nguyên tắc cơ bản là sự nhất trí giữa 5 cường quốc: Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc nhằm gìn giữ hòa bình, an ninh và trật tự thế giới mới sau chiến tranh.

Thứ tư, thỏa thuận việc đóng quân tại các nước bại trận để giải giáp quân đội phát xít và phân chia phạm vi ảnh hưởng của các cường quốc thắng trận ở Châu Âu, Châu Á. Cụ thể:

  • Ở châu Âu: Liên Xô chiếm Đông Đức, Đông Âu; Mỹ, Anh, Pháp chiếm Tây Đức, Tây Âu. Khái niệm địa chính trịĐông Âu, Tây Âu đã xuất hiện từ đây và vẫn giữ nguyên đến ngày nay mặc dù tình hình thế giới đã có nhiều biến đổi.
  • Ở châu Á: Vùng ảnh hưởng của Liên Xô bao gồm Mông Cổ, Bắc Triều Tiên, Nam Sakhalin, 4 đảo thuộc quần đảo Kuril. Trong khi đó, Mỹ và phương Tây được phép mở rộng ảnh hưởng ở Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á.

Thực chất của Hội nghị Yalta là cuộc đấu tranh nhằm phân chia những thành quả thắng lợi giữa các lực lượng trong khối Đồng minh chống Phát xít. Các quyết định ở Yalta có quan hệ rất lớn đến hòa bình, an ninh và trật tự thế giới về sau. Chính vì thế, Hội nghị đã diễn ra trong không khí căng thẳng và quyết liệt, nhất là vấn đề thống nhất thành lập tổ chức Liên Hiệp Quốc và thông qua Hiến chương Liên Hiệp Quốc trong tương lai, vấn đề Liên Xô tham chiến (có điều kiện kèm theo) ở Châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là việc giải giáp quân đội Phát xít và phân chia phạm vi ảnh hưởng của các cường quốc, chủ yếu là giữa Liên Xô và Mỹ ở Châu Âu và Châu Á.

Có thể thấy rằng, những quyết định của Hội nghị Yalta cuối cùng đã được thực hiện đầy đủ nhưng dưới sự thỏa thuận và chi phối giữa hai siêu cường Liên Xô và Mỹ với những ý đồ chiến lược riêng. Các nước lớn khác hoặc đứng ngoài lề, hoặc chỉ đóng vai trò là quan sát viên (trừ nước Anh). Ở trật tự mới này, Liên Xô không những bảo vệ vững chắc sự tồn tại, phát triển của nhà nước xã hội chủ nghĩa Xô viết mà còn thu hồi lại được những đất đai của đế chế Nga trước đây bị chiếm đoạt trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905), mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Châu Âu, Châu Á, qua đó thiết lập một vành đai an toàn bao quanh phía Tây, phía Đông và phía Nam đất nước. Về phía Mỹ, ở trật tự mới này, Mỹ đã lấn át, khuynh đảo được các cường quốc Tây Âu, Nhật Bản, chi phối được cục diện quốc tế mới, thực hiện từng bước tham vọng “bá chủ toàn cầu” của mình.

Mặt khác, những thỏa thuận của 3 cường quốc Liên Xô, Anh, Mỹ ở Hội nghị Yalta đã xâm phạm đến vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như lợi ích dân tộc của một số quốc gia. Tuy nhiên, Hội nghị Yalta đã đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ quốc tế sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, làm hình thành trật tự lưỡng cực Xô-Mỹ, hay còn gọi là Trật tự Yalta. Chính trật tự thế giới lưỡng cực do Mỹ và Liên Xô áp đảo này đã chi phối nền chính trị thế giới suốt hơn bốn thập kỷ Chiến tranh Lạnh sau đó và chỉ thực sự chấm dứt sau sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).