Các học giả Hồi Giáo nói gì về việc tấn công dân thường?

Print Friendly, PDF & Email

2015-11-27

 

Nguồn: “What Islamic scholars have to say about atacking civilians”, The Economist, 19/11/2015.

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Hình ảnh các chiến binh thánh chiến vinh danh Chúa bằng những cuộc đổ máu giờ đây tràn lan trên internet và các kênh truyền thông đến mức những người chỉ trích Hồi Giáo đã coi tôn giáo này là đồng nhất với bạo lực bừa bãi. Inspire, tạp chí điện tử của tổ chức khủng bố al-Qaeda, hướng dẫn những tên khủng bố đơn độc tiềm tàng cách chế tạo lựu đạn từ những mảnh ống dẫn nước và đèn trang trí Giáng Sinh. Còn Dabiq, tạp chí chính thức của tổ chức Nhà nước Hồi Giáo (IS), tán dương các chiến binh thánh chiến vì đã “vinh danh Đấng Tiên Tri” bằng cách “giết những mushrikīn (“kẻ dị giáo”) Pháp tập trung tại một buổi hòa nhạc” và hàng trăm kẻ tương tự. Nếu có tín đồ Hồi Giáo bị giết trong những vụ tấn công đó, thì họ chỉ được coi là “thiệt hại phụ chính đáng”, theo lời Abu Qatada Al-Filistini, nhân vật chuyên hướng dẫn các chiến binh thánh chiến hiện đại. Miễn là những tín đồ này không sống tội lỗi thì việc họ bị giết được xem như “lối tắt” lên thiên đường. Nhưng xét về truyền thống thì Hồi Giáo nói gì về việc giết hại thường dân?

Đáng ngạc nhiên là chính kinh Koran không nói nhiều đến việc này. Thánh kinh của Hồi Giáo không phải là sách hướng dẫn chiến tranh như một số chiến binh thánh chiến diễn dịch, mà chỉ nói rất ít đến thánh chiến. Trong số 6.346 câu của kinh Koran, chỉ có khoảng 109 câu – ít hơn 2% – đề cập đến khái niệm jihad. Cũng giống nhiều thánh kinh khác, kinh Koran có những lời huấn thị về cả việc gây chiến và làm hòa với các kuffār (“kẻ bất tín”, “kẻ ngoại đạo”).

Chẳng hạn như trong kinh Cựu Ước, chương 20 sách Đệ Nhị Luật viết rất rõ ràng về những Lề Luật của Chúa về chiến tranh và ngăn cấm hành vi diệt chủng. Chương 19 sách Phúc âm Luke trong kinh Tân Ước dẫn lời chúa Jesus nói rằng bất kỳ ai chối bỏ vương quyền của ngài thì sẽ bị giết.

Và cũng giống nhiều thánh kinh khác, kinh Koran có chứa rất nhiều mâu thuẫn. Một câu trong kinh Koran được các chiến binh thánh chiến ưa chuộng – “Hãy đánh lại họ ở bất kỳ nơi nào các ngươi gặp họ, và đánh đuổi họ khỏi những nơi mà họ đã đánh đuổi các ngươi” – đứng sau một câu khác có nội dung cấm “vượt quá giới hạn”. Đấng Tiên tri Muhammad kêu gọi các nhà thờ Công Giáo, đền thờ, giáo đường Do Thái, nhà thờ Hồi Giáo và tu sĩ cần phải được bảo vệ, bất chấp việc câu 47:4 trong kinh Koran yêu cầu rằng “khi các ngươi gặp những kẻ bất tín, hãy chém chúng”. Một mặt, ông yêu cầu đối xử rộng lượng với các tù binh, nhưng mặt khác cũng cho phép bắt giữ phụ nữ – điều đã được IS dùng để biện minh cho những vụ cưỡng hiếp của chúng.

Để rõ ràng hơn, các học giả quay sang cuộc đời của Muhammad, người mà IS cùng các tổ chức trực thuộc tuyên bố là học tập theo. Abdul Rahman Doi, trong tuyệt phẩm “Sharia: The Islamic Law” (“Sharia: Bộ luật Hồi Giáo”) viết rằng trong suốt 10 năm chinh chiến, Đấng Tiên tri đã truyền bá Hồi Giáo trên khắp một khu vực rộng 1 triệu dặm vuông với cái giá tương đối thấp là khoảng 1.014 sinh mạng. IS, trái lại, giành được một diện tích lãnh thổ nhỏ bé hơn rất nhiều với cái giá là 25.000 sinh mạng chỉ riêng trong năm 2014, theo số liệu của Viện Hòa bình có trụ sở tại Sydney.

Với IS, giết hại tù binh là việc thường xuyên, trong khi Đấng Tiên tri chỉ giết 2 trong số 6.564 tù binh ông bắt được, và thả tự do cho 6.347 tù binh khác, theo tác giả Doi. Abu Bakr, người kế vị Muhammad, thậm chí còn lập ra một bộ quy tắc hành xử mà theo đó ngăn cấm bất kỳ thứ gì giống với chủ nghĩa khủng bố ngày nay. Về kẻ thù, ông nói “Đừng giết con cái, người già và phụ nữ của họ. Thậm chí đừng đến gần cây trồng của họ”. Có lẽ sự tương phản hiển nhiên nhất chính là lịch sử của Hồi Giáo. Trải qua nhiều thế kỷ, các caliph (quốc vương Hồi Giáo) đã rất cố gắng bảo vệ các tôn giáo đa dạng và tín đồ của chúng ở Trung Đông, dù có phải Hồi Giáo hay không.

Những bình luận hiện đại, thường được phát hành bởi các nhà xuất bản được Arab Saudi tài trợ, thì lại ít thận trọng hơn. Một trong những cách diễn giải phổ biến nhất câu 47:4 về chém cổ là như sau: “Một khi jihad (‘thánh chiến’) được tiến hành, thì phải tiến hành một cách mãnh liệt hết mức, và phải đánh vào những điểm trọng yếu nhất (chém vào cổ chúng) theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Không thể nào tham chiến với găng tay trẻ con được”. Những nhà bình luận khác chỉ trích cách diễn giải trực tiếp này, bác bỏ việc tiến hành thánh chiến vì mục đích giành lãnh thổ hay vật chất. Như Abu Bakr, caliph đầu tiên, từng nói: “một cộng đồng có tình trạng bạo quyền thì không thể thịnh vượng, và cũng không thể chiến thắng kẻ thù của mình”.

Không phải vô cớ mà các tín đồ Hồi Giáo, không tính chiến binh thánh chiến, bắt đầu lời cầu nguyện bằng câu “Nhân danh Chúa, Đấng Hết mực Độ lượng, Đấng Hết mực Khoan dung”.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]