Thế nào mới được coi là diệt chủng?

Print Friendly, PDF & Email

4066366_orig

Nguồn: “The Economist explains: What counts as a genocide?”, The Economist, 23/4/2015.

Biên dịch: Lê Hoàng Giang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Đúng một trăm năm trước, vào ngày 24/4/1915, chính quyền đế chế Ottoman đã vây bắt hàng loạt các nhà trí thức Armenia ở Istanbul, đa số họ đều đã bị giết hại ngay sau đó. Những gì đã diễn ra về sau vẫn còn là chủ đề tranh cãi gay gắt. Theo phiên bản (lịch sử) chính thức do Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra, có khoảng 500.000 người Armenia đã chết, trong đó một số người chết khi chiến đấu trong lực lượng xâm lược của Nga chống lại đế chế Ottoman, trong khi cái chết của một số khác lại là do hậu quả phụ đáng tiếc của việc trục xuất [người Armenia] khỏi đế chế Ottoman, điều dễ hiểu nếu đặt vào bối cảnh lịch sử cụ thể lúc đó.

Nhưng nhiều học giả cho rằng đã có đến khoảng 1 – 1,5 triệu người Armenia bị thiệt mạng, và cái chết của họ là kết quả của một chiến dịch có chủ đích nhằm trừ khử cộng đồng tín đồ Cơ Đốc giáo có số lượng đáng kể duy nhất của đế chế Ottoman. Những người Armenia ở nước ngoài muốn vụ việc này được công nhận là nạn diệt chủng. Vậy có điều gì khác biệt giữa diệt chủng và các hành vi giết người hàng loạt khác, và vì sao việc chọn dùng thuật ngữ nào lại là quan trọng?

Năm 1948, Liên Hợp Quốc đã đưa ra một công ước nhằm ngăn chặn và trừng phạt tội diệt chủng, được định nghĩa là “sự hủy diệt có chủ ý và có hệ thống, toàn bộ hoặc một phần, một nhóm sắc tộc, chủng tộc, tôn giáo hay dân tộc một quốc gia”.[1] Để đạt được sự nhất trí về câu chữ như vậy đã cần phải có sự thỏa hiệp. Chẳng hạn, nhằm vào các nạn nhân dựa trên cơ sở giai cấp của họ thì không bị coi là diệt chủng: Chắc chắn là Stalin đã không chịu ký vào công ước này nếu điều đó đồng nghĩa với việc ông ta phải giải trình vì đã thảm sát hàng loạt các “nông dân trung lưu”[2] và những người tương tự.

Các mốc thời gian ở dưới đây chỉ cho thấy một số cuộc thảm sát hàng loạt trong thế kỷ trước, bao gồm cả những cuộc thảm sát đã được công nhận là diệt chủng và những cuộc thảm sát chưa phù hợp với định nghĩa của Liên Hợp Quốc. Ví dụ, rõ ràng cuộc thảm sát người Tutsi thiểu số tại Rwanda dưới tay người Hutu đa số là một vụ diệt chủng. Nhưng những thảm kịch được thực hiện dưới tay chế độ Pol Pot tại Campuchia lại không theo sát định nghĩa trên, bởi chính quyền Khmer Đỏ không nhằm vào một nhóm người cụ thể nào.

  • 1915-16, Thổ Nhĩ Kỳ: Chính quyền đế chế Ottoman “trục xuất” tất cả người Armenia. Ước tính thương vong 500.000-1.500.000 người.
  • 1932-33, Holodomor, Ukraine: Nạn đói do Stalin gây ra nhằm vào người Ukraine. Ước tính thương vong 3-7 triệu người.
  • 1933-45, Holocaust, Châu Âu: Đức Quốc xã diệt trừ người Do Thái, Roma và các nhóm người khác. Ước tính thương vong 15 triệu người.
  • 1936-38, Đại Thanh trừng, Liên Xô: Stalin trừ khử các đối thủ chính trị. Ước tính thương vong 681.692 người.
  • 1937-38, Nam Kinh, Trung Quốc: Binh lính Nhật Bản giết hại cư dân thành phố Nam Kinh trong chiến tranh Trung – Nhật lần 2. Ước tính thương vong 300.000 người.
  • 1941-45, Croatia: Phong trào khủng bố Ustase giết hại người Do Thái, người Serbia và người Roma. Ước tính thương vong 350.000 người.
  • 1947-52, Cải cách Ruộng Đất, Trung Quốc: Dưới thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc khích động người dân đấu tố địa chủ và tái phân bố ruộng đất. Ước tính thương vong 245.000-1.100.000 người.
  • 1950-53, Chiến dịch đàn áp phản cách mạng, Trung Quốc: Trung Quốc xử tử những người “phản cách mạng” để đàn áp các lực lượng chống đối. Ước tính thương vong 700.000 người.
  • 1975-79, Campuchia: Chính quyền Khmer Đỏ tàn sát chính người dân của mình nhằm “thanh tẩy” dân cư. Ước tính thương vong 2 triệu người.
  • 1986-89, Chiến dịch Al-Anfar (“Chiến lợi phẩm”), Iraq. Chính quyền Saddam Hussein thảm sát người Kurd ở miền bắc Iraq. Ước tính thương vong 100.000 người.
  • 1994, Rwanda: Trong 100 ngày, các binh sĩ thuộc bộ tộc người đa số Hutu giết hại những người Tutsi và người Hutu ôn hòa. Ước tính thương vong 800.000 người.
  • 2003-10, Darfur, Sudan: Dân quân Janjaweed, với sự ủng hộ từ chính phủ, sát hại dân thường ở miền tây Sudan. Ước tính thương vong 300.000 người.

Nguồn: The Economist; Reiss Institute; “China’s Bloody Century” của R. Rummel; “Life and Terror in Stalin’s Russia, 1934-1941” của R. Thurston.

Từ “diệt chủng” có sức mạnh rất lớn. Nếu việc thảm sát hàng loạt được công nhận là diệt chủng khi đang diễn ra, thì các lực lượng bên ngoài sẽ khó có thể ngồi yên được. Còn khi vụ việc đã kết thúc, thì chính thức công nhận đó là diệt chủng có thể đem lại cho những người sống sót chút ít hài lòng nghiệt ngã. Nhưng nếu vụ việc không được công nhận là diệt chủng, dù là vì vấn đề chuyên môn hay vì mưu đồ chính trị, thì đó sẽ giống như sự sỉ nhục sau cùng tới các nạn nhân. Và một số nhà hoạt động nhân quyền và luật gia cũng thấy rằng việc coi diệt chủng là “tội ác của mọi tội ác” đôi khi khiến cho những tội ác khủng khiếp khác chống lại loài người bị lu mờ.

Mới gần đây, cả Giáo hoàng Francis và Nghị viện Châu Âu đều đã công khai coi các cuộc thảm sát người Armenia là diệt chủng: Giáo hoàng tuyên bố như vậy trong một buổi gặp gỡ vào ngày 12/4 với sự tham dự của Tổng thống Armenia, còn Nghị viện Châu Âu thì công nhận trong một cuộc biểu quyết diễn ra sau đó ba ngày, khen ngợi tuyên bố của Giáo hoàng và kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ công nhận những vụ sát hại này là diệt chủng. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng một cách giận dữ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng “Không thể nào có chuyện Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận một tội ác, một tội lỗi như vậy”.

Bộ trưởng Ngoại giao của Erdogan cho rằng Giáo hoàng đã bị lôi kéo bởi những lời tuyên truyền do những người Armenia – được cho là nắm giữ quyền kiểm soát báo giới tại Argentina, quê hương của Giáo hoàng – truyền bá. Trớ trêu là Tổng thống Erdogan lại là vị lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tích cực nhất trong việc thừa nhận những đau khổ mà người Armenia dưới thời đế chế Ottoman phải chịu đựng: chính ông đã bày tỏ lòng thương tiếc [với những người Armenia] vào ngày 24/4 năm ngoái. Thế nhưng, sự sẵn lòng của chính phủ Erdogan trong việc đối mặt và gọi tên những tội lỗi quá khứ vẫn chỉ có giới hạn.

——————-

[1] Nguyên văn: “the deliberate and systematic destruction, in whole or in part, of an ethnical, racial, religious or national group”.

[2] Nguyên văn: “Middle peasants”.