Cuộc tấn công Paris cho thấy sự đụng độ giữa các nền văn minh?

Print Friendly, PDF & Email

dungdo

Nguồn: Gideon Rachman, “Do Paris terror attacks highlight the clash of civilizations?”, The Financial Times, 16/11/2015.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Đa văn hóa không phải là một khát vọng tự do ngây thơ – đó là hiện thực của thế giới hiện đại.

Kể từ khi cố học giả Samuel Huntington dự đoán rằng nền chính trị quốc tế sẽ bị chi phối bởi “sự đụng độ giữa các nền văn minh“, lý thuyết của ông, lần đầu tiên được đưa ra vào năm 1993, đã tìm thấy một số người ủng hộ mạnh mẽ nhất trong số các chiến binh Hồi giáo. Những kẻ khủng bố gây ra vụ giết người hàng loạt tại Paris là một phần trong phong trào cho rằng Hồi giáo và phương Tây chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi một cuộc chiến sinh tử.

Trái với điều đó, các chính trị gia hàng đầu của phương Tây đã gần như luôn luôn bác bỏ phân tích của Huntington. Ngay cả cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush cũng đã nói: “Không có sự đụng độ nào giữa các nền văn minh.” Và cuộc sống hàng ngày ở các nước phương Tây đa văn hóa, mà hầu hết trong số đó có những nhóm lớn của người Hồi giáo thiểu số, đã hàng ngày bác bỏ ý tưởng rằng các tôn giáo và các nền văn hóa khác nhau không thể sống và làm việc cùng nhau.

Sau cuộc tấn công Paris, ý tưởng cốt lõi đó cần phải được khẳng định lại. Hơn nữa, sự cần thiết phải tuyên bố lại các giá trị tự do không nên ngăn chặn một sự thừa nhận tỉnh táo về sự tồn tại một số xu hướng toàn cầu tiêu cực. Thực tế là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đang gia tăng – thậm chí ở một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia và Bangladesh, những quốc gia trước đây được coi là mẫu hình của các xã hội Hồi giáo ôn hòa. Đồng thời, việc thể hiện thành kiến ​​chống Hồi giáo đang tiến vào xu hướng chính trị chủ lưu ở Hoa Kỳ, châu Âu và Ấn Độ.

Tóm lại, những diễn biến này đang thu hẹp không gian dành cho những người muốn đẩy lùi luận điểm về một “cuộc đụng độ giữa các nền văn minh”.

Các cuộc tấn công khủng bố, chẳng hạn như cuộc tấn công ở Paris, đã làm gia tăng căng thẳng giữa người Hồi giáo và người ngoài Hồi giáo – đúng như những gì chúng được dự định. Nhưng cũng có những xu hướng lâu dài đang thúc đẩy tình trạng cực đoan hóa. Một trong những xu hướng nguy hại nhất là cách thức mà các quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là Ả-rập Saudi, đã dùng tiền thu từ dầu mỏ để truyền bá các hình thức không khoan dung của đạo Hồi tới phần còn lại của thế giới Hồi giáo.

Hiện tại hậu quả có thể nhìn thấy ở Đông Nam Á, Ấn Độ, châu Phi và châu Âu. Malaysia từ lâu đã được xem như ví dụ về một quốc gia đa văn hóa thành công và thịnh vượng với phần đông người Malay theo đạo Hồi và một cộng đồng lớn người Hoa thiểu số. Nhưng mọi thứ đang thay đổi. Bilahari Kausikan, cựu Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao của nước láng giềng Singapore, ghi nhận một “sự thu hẹp đáng kể và liên tục của không gian chính trị và xã hội dành cho người không theo Hồi giáo” ở Malaysia. Ông cho biết thêm: “Trong nhiều thập kỷ ảnh hưởng Ả-rập từ Trung Đông đã liên tục làm xói mòn biến thể Hồi giáo Malay…thay thế nó bằng một dạng thức khắc khổ và kém bao dung hơn.” Vụ bê bối tham nhũng đang phá hoại chính quyền của Thủ tướng Najib Razak đã làm gia tăng căng thẳng xã hội, khi chính phủ Malaysia phải quay trở lại chính trị bản sắc Hồi giáo để tập hợp sự ủng hộ (của người Malay). Một bộ trưởng chính phủ cấp thấp thậm chí gần đây đã cáo buộc phe đối lập là một phần của một âm mưu Do Thái toàn cầu chống lại Malaysia.

Ở Bangladesh, một quốc gia Hồi giáo với hiến pháp thế tục, những người Hồi giáo cực đoan đã phải chịu trách nhiệm cho những vụ giết hại các nhà trí thức, các blogger và các nhà xuất bản trong năm qua. Sự gia tăng các cuộc tấn công vào những người theo đạo Kitô, đạo Hindu và những người Hồi giáo dòng Shia cũng đã được ghi nhận. Phần lớn các cuộc bạo lực này được gây ra bởi ISIS hay al-Qaeda. Nhưng, cũng giống như ở Malaysia, sự trỗi dậy của phe Hồi giáo cực đoan dường như đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các quốc gia vùng Vịnh – thông qua nguồn tài trợ về giáo dục cũng như các mối liên kết được tạo ra bởi những người lao động di cư (tới các quốc gia vùng Vịnh).

Đối với nhiều người ở phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã được xem là ví dụ tốt nhất của một quốc gia đa số Hồi giáo đồng thời là một nền dân chủ thế tục thành công. Nhưng trong thời kỳ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, tôn giáo đã dần trở thành cốt lõi trong nền chính trị và bản sắc của đất nước này. Ông Erdogan đã được gọi là “người theo chủ nghĩa Hồi giáo ôn hòa” bởi tạp chí The Economist và các tạp chí khác. Nhưng không có gì ôn hòa trong tuyên bố của ông vào năm 2014 rằng người phương Tây “trông như bạn bè, nhưng họ muốn chúng ta chết, họ muốn nhìn thấy con em chúng ta chết”.

Dù Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã không nói bất cứ điều gì mang tính kích động như vậy về người Hồi giáo, ông đã từ lâu bị buộc tội vì đã bao dung cho những định kiến ​​và bạo lực chống Hồi giáo. Trong những tháng đầu tiên sau khi nhậm chức, ông Modi trấn an một số những người phê bình bằng cách tập trung vào cải cách kinh tế. Nhưng trong những tháng gần đây, các thành viên của đảng Bharatiya Janata Hindu theo chủ nghĩa dân tộc của ông đã nhấn mạnh luận điệu chống thế tục và chống Hồi giáo – với việc treo cổ một người đàn ông Hồi giáo vì bị cáo buộc ăn thịt bò, chuyện trở thành tin nóng cho báo giới quốc gia.

Tại châu Âu, thậm chí trước cuộc tấn công Paris, cuộc khủng hoảng di dân đã giúp đẩy mạnh sự nổi dậy của các phe phái và các phong trào xã hội chống Hồi giáo. Khi Đức mở cửa cho những người tị nạn từ Trung Đông, các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào nơi ở của người nhập cư đã tăng lên. Ở Pháp, Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu được kỳ vọng sẽ giành chiến thắng đáng kể trong cuộc bầu cử khu vực vào tháng tới.

Luận điệu chống Hồi giáo cũng đang gia tăng ở Mỹ và đã trở nên phổ biến trong các ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa. Ben Carson, người dẫn đầu trong nhiều cuộc thăm dò của Đảng Cộng hòa, đã nói rằng không có người Hồi giáo nào nên được cho phép trở thành Tổng thống Mỹ; còn Donald Trump thì nói rằng ông sẽ trục xuất bất kỳ người tị nạn Syria nào đã được nhận vào Mỹ.

Sự hội tụ của những tiến triển này ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Đông và châu Á đang thúc đẩy ý tưởng về một cuộc đụng độ giữa các nền văn minh. Tuy nhiên, thực tế là thế giới Hồi giáo và phi Hồi giáo đã hòa trộn vào nhau trên toàn cầu. Đa văn hóa không phải là một khát vọng tự do ngây thơ – đó là hiện thực của thế giới hiện đại và nó phải được tạo điều kiện để duy trì. Nếu không, phương án thay thế duy nhất sẽ chỉ là sự gia tăng bạo lực, chết chóc và đau buồn.

Gideon Rachman là cây bút bình luận chính về các vấn đề quốc tế của tờ Financial Times.

Xem thêm:

http://nghiencuuquocte.net/2013/09/08/54-clash-of-civilizations/

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]