Cách làm cho thượng đỉnh Nhật-Trung-Hàn có ý nghĩa

Print Friendly, PDF & Email

6903770-3x2-940x627

Nguồn:  Emanuel Pastreich,   “Making East Asia Summits MeaningfulThe Diplomat, 18/11/2015.

Biên dịch: Vũ Hồng Trang – Nguyễn Thùy Dương

Dỡ bỏ những cản trở ngoại giao ra khỏi các sự kiện có thể tạo ra những cơ hội bất ngờ.

Hội nghị thượng đỉnh ba bên với sự tham gia của  Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản gần đây đã diễn ra thành công tốt đẹp. Lãnh đạo ba cường quốc kinh tế khu vực không chỉ ngồi lại thảo luận nghiêm túc, mà còn nhất trí tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khác trong năm tới, có thể sẽ diễn ra ở Tokyo vào tháng 5.

Có rất nhiều vấn đề quan trọng trên thế giới cần tới sự hợp tác của ba cường quốc này, từ thương mại và đầu tư cho tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên và biến đổi khí hậu. Chúng ta cần đảm bảo hội nghị thượng đỉnh ba bên này được duy trì “bền vững” trong tương lai và được tổ chức thường xuyên bất chấp sự khác biệt về quan điểm.

Hơn nữa, hội nghị thượng đỉnh ba bên không nên  được mô tả đơn thuần là một sự kiện chỉ dành riêng cho những nhà ngoại giao cấp cao, mà nên là một cuộc đối thoại liên tục giữa các công dân mỗi quốc gia.

Hội nghị thượng đỉnh cần phải được đổi mới và sáng tạo, vận dụng trao đổi văn hóa và trao đổi cá nhân để xây dựng các mối quan hệ gần gũi hơn giữa các bên tham gia. Thế nhưng quan trọng hơn, hội nghị thượng đỉnh cần phải thay đổi về bản chất.

Chúng ta thường cho rằng ngoại giao là sự tương tác mang tính nghi thức giữa các nhóm tĩnh và cố định bàn bạc về một thỏa thuận đáp ứng những lợi ích không đổi. Nhưng có những khoảnh khắc mà ở đó có thể đạt được sự tâm đầu ý hợp khi các bên tham gia nhờ quá trình bàn luận mà trở nên thay đổi, và sau sự kiện họ nhìn nhận lẫn nhau cũng như quan sát thế giới khác hơn.

Cho dù việc tổ chức bao gồm nhiều thủ tục cồng kềnh, phức tạp, nhưng thật ngây thơ khi cho rằng một hội nghị thượng đỉnh có thể tạo ra ngay sự thay đổi sâu sắc.

Tuy nhiên, tôi cho rằng có những bước đi nhất định mang tính biểu tượng và quan trọng có thể được thực hiện nhằm khơi dậy một bầu không khí mới cho các cuộc thảo luận này và tạo ra một chu kỳ tích cực.

Khi giáo hoàng Francis tới thăm thủ đô Washington DC vào tháng 9, ngài đã khiến tất cả bất ngờ khi dùng bữa trưa với một nhóm người vô gia cư thay vì với các chính trị gia mà ban đầu ngài đã lên kế hoạch gặp mặt. Chính điều này đã gây ấn tượng sâu sắc và làm thay đổi không khí cho tất cả các cuộc thảo luận tiếp theo.

Tôi tự hỏi liệu rằng ba nguyên thủ quốc gia nên chăng có thể đến thăm một ngôi trường dành cho trẻ em mắc chứng tự kỷ ở Seoul, dành một vài giờ nói chuyện và chơi với chúng. Một cuộc gặp gỡ như thế sẽ tạo ra giá trị đa diện.

Không chỉ công chúng được truyền cảm hứng khi chứng kiến những nhà lãnh đạo thế giới dành thời gian để trò chuyện với những người trẻ đang phải đối mặt với các thách thức trong xã hội, mà bản thân những nhà lãnh đạo cũng sẽ rời các cuộc đàm phán trong một khoảng thời gian ngắn và giao lưu với những người trẻ mà với họ lòng trắc ẩn là thứ ngôn ngữ chung. Trải nghiệm đó có thể đem lại một tính nhân văn mới cho với các cuộc thảo luận.

Các sự kiện ngoại giao thường được phân chia thành các cuộc đàm phán chính thức và các sự kiện được dàn xếp trước theo kịch bản, trong đó các bên tham gia phải làm việc với cường độ lớn, và thời gian nghỉ ngơi giữa chừng để các lãnh đạo có thể đi dạo hoặc chơi tennis.

Nhưng có lẽ chúng ta có thể xây dựng một không gian khác nữa để ba nhà lãnh đạo tương tác với nhau.

Liệu chúng ta có khả năng tạo ra một cuộc gặp gỡ mà các nhà lãnh đạo thảo luận với nhau về những thách thức mà đất nước họ phải đối mặt, không phải là một phần của cuộc đàm phán, mà là sự trao đổi chân thành giữa các trí thức nhằm mục đích cải thiện đời sống của người dân?

Việc tạo dựng không gian để các nhà lãnh đạo trao đổi về mặt tri thức và tương tác với nhau, chứ không phải trên vai trò chính thức, có thể xây dựng một mối quan hệ sâu sắc hơn giữa họ với nhau. Kích thích sự tò mò tìm hiểu thông qua  trao đổi có thể giúp ích rất nhiều trong việc thay đổi phần còn lại của các cuộc gặp gỡ.

Cuối cùng, chúng ta không nên đánh giá thấp tiềm năng của các nhạc sĩ và nghệ sĩ nhằm thay đổi cuộc thảo luận. Việc các hội nghị thượng đỉnh tuân thủ nghi thức và lễ tân ngoại giao nghiêm ngặt khiến việc suy nghĩ cởi mở là điều không thể. Trái lại, việc đưa nhạc sĩ hay họa sĩ vào phòng họp có thể khiến mọi chuyện diễn biến theo hướng khác một cách bất ngờ.

Các nghệ sĩ nên có mặt cùng nguyên thủ quốc gia, tham gia đối thoại hay đề xuất các cách nhìn nhận vấn đề sáng tạo, giúp không chỉ phá vỡ rào cản giữa các lãnh đạo mà còn mở ra những lộ trình mới.

Sự hài hước đặc biệt hữu ích trong việc khuyến khích đưa ra giải pháp linh hoạt và sáng tạo cho một vấn đề.

Có lẽ nên lấy câu nói nổi tiếng của nhà quản lý bậc thầy Peter Drucker làm phương châm cho cuộc hội nghị cấp cao ba bên: “Đừng giải quyết các vấn đề – mà hãy theo đuổi các cơ hội”

Nếu chúng ta chỉ tập trung vào vấn đề và làm thế nào để giải quyết chúng, thì rốt cuộc chúng ta chỉ toàn thấy vấn đề. Nhưng nếu suy nghĩ về những cơ hội và tiềm năng mới, sự hân hoan và lạc quan được tạo ra trong quá trình đó có thể biến các vấn đề thành một điều gì đó dễ quản lý hơn, hoặc thậm chí thành những cơ hội bất ngờ.

Emanuel Pastreich là giám đốc Viện Châu Á (Hàn Quốc).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]