Có bao nhiêu người Anh và Mỹ cải sang đạo Hồi?

Print Friendly, PDF & Email

20130928_blp510

Nguồn:How many people convert to Islam?”, The Economist, 29/09/2013.

Biên dịch: Đào Quốc Thụy | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Sau vụ tấn công vào trung tâm mua sắm Westgate ở Nairobi (Kenya), có nhiều lời đồn đoán về khả năng liên quan đến cuộc tấn công của Samantha Leweithe, một phụ nữ người Anh đã cải sang đạo Hồi. Bà Samantha Lewthweite, được gọi là “góa phụ trắng”, kết hôn với Germaine Lindsay, một trong số những kẻ đánh bom ở Luân Đôn hôm 7/7 (2005), và bản thân cũng là một người đã cải sang đạo Hồi. Samantha Lewthweite đang bị Interpol và cảnh sát Kenya truy nã vì bị tình nghi có liên quan đến một vụ đánh bom khác. Lewthwaite, con gái của một quân nhân Anh quốc từng phục vụ ở Bắc Ai Len, lớn lên ở Anh quốc, và cải sang đạo Hồi khi còn ở tuổi niên thiếu. Việc cải sang đạo Hồi có phổ biến không? Và tại sao người ta lại gia nhập đạo Hồi?

Những người ủng hộ đạo Hồi thường gia nhập đạo này sau nhiều năm có liên hệ với những tín đồ Hồi giáo (bà Lewthweite bị cáo buộc là có mối quan hệ khăng khít với những người láng giềng là tín đồ Hồi giáo trong thời niên thiếu của bà). Có những người, phần lớn là phụ nữ vốn chiếm khoảng 2/3 số người cải sang đạo Hồi ở Anh quốc, quyết định làm vậy vì họ muốn kết hôn với người theo đạo Hồi. Những người khác thì do chán ngấy những chuyện không hay trong xã hội Anh. Nhiều người cho biết họ chỉ muốn theo đuổi một mối quan hệ cộng đồng (với những người khác thông qua đạo Hồi).

Nhà tù được coi là những mảnh đất mầu mở cho việc cải sang đạo Hồi của đàn ông. Nhiều người lo ngại rằng những người cải sang đạo Hồi trong tù thường chịu tác động từ những dòng tư tưởng cực đoan của đạo Hồi. Những người khác cho rằng yếu tố kỷ luật và tổ chức của đạo Hồi, cùng với những sự giúp đỡ nhận được từ những tín đồ Hồi giáo khác, đã giúp họ đối phó được với cuộc sống nội tâm.

Việc tính toán số người cải đạo là một việc đầy khó khăn. Điều tra dân số ở Anh quốc và xứ Wales không bao gồm các câu hỏi về tôn giáo cũ của người dân. Các thánh đường Hồi giáo ở Anh quốc không lưu trữ số liệu về người cải đạo. Một số người mới gia nhập Hồi giáo giữ bí mật về việc cải đạo của mình, vì họ lo sợ những phản ứng của người thân và bạn bè.

Nhưng sử dụng số liệu điều tra dân số về chủng tộc và tôn giáo, cũng như số liệu thu được qua các phiếu phỏng vấn phát tại các nhà thờ đạo Hồi, Kevin Brice, một nhà nghiên cứu của Đại học Wales Trinity Saint David, ước tính được rằng hàng năm có khoảng 5.200 người Anh cải sang đạo Hồi, và tổng số người cải sang đạo Hồi khoảng 100.000.

Ở Hoa Kỳ, tính toán số người cải sang đạo Hồi thậm chí còn khó hơn. Điều tra dân số không điều tra về tôn giáo và chỉ một số nhà thờ Hồi giáo lưu trữ số liệu về số tín đồ của mình, do đó có thể thấy ngay cả số liệu về người Mỹ theo đạo Hồi cũng không chắc chắn chứ chưa nói đến con số người Mỹ cải sang đạo Hồi. Năm 2007, Trung tâm Pew Research Center ước tính có khoảng 2,4 triệu tín đồ đạo Hồi tại Mỹ. Năm 2000, tổng thống Bill Clinton đề cập đến con số 6 triệu tín đồ Hồi giáo tại Mỹ. Trung tâm Pew Research Centre ước tính chỉ khoảng dưới một phần tư trong số đó là người cải sang đạo Hồi, đa phần trong số đó là người Mỹ gốc Phi.

Nhiều người lo ngại rằng những người cải sang đạo Hồi có nguy cơ theo những dòng đạo Hồi cực đoan vì họ ít hiểu biêt về sự khác nhau giữa các nhánh Hồi giáo. Theo Lenon Moosavi, một chuyên gia nghiên cứu về xu hướng cải sang đạo Hồi của Đại học Liverpool, điều này không đúng. Lenon Moosavi lập luận rằng vấn đề của những người cải đạo là họ không được những người khác giúp đỡ. Nhiều người bị gia đình bỏ rơi. Có thể họ không được những nhà thờ Hồi giáo chính thống chấp nhận. Rất nhiều nhà thờ Hồi giáo ở Anh quốc giống như những câu lạc bộ khép kín của các sắc dân. Việc họ bị cô lập làm cho họ trở nên dễ bị tổn thương hơn trước sự lôi kéo của những phần tử cực đoan, những kẻ hy vọng rằng những người cải đạo có thể tăng cường mức độ khả tín cho mục đích của họ.

Tuy nhiên, người cải đạo Hồi trở thành khủng bố, như bà Lewthwaite đang bị nghi ngờ, là những trường hợp hiếm gặp. Thực tế, phần lớn những người cải sang đạo Hồi có thể hỗ trợ làm cầu nối giữa cộng đồng Hồi giáo và các tôn giáo khác. Ở các nước phương Tây, xu hướng gia tăng việc cải đạo sang đạo Hồi là một phần của quá trình Hồi giáo chuyển đổi từ tôn giáo nhập cư sang một tôn giáo tự phát triển trong nước.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]