Những chiếc thuyền ma của Triều Tiên

Print Friendly, PDF & Email

8592475dd782bfce7a7360f58dc60b6a

Nguồn: Yuriko Koike, “The Ghosts of North Korea”, Project Syndicate, 30/12/2015.

Biên dịch: Hiếu Minh | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Đối với nhiều người, năm mới là dịp nhìn lại những thứ đã làm được và những điều cần thay đổi. Người Triều Tiên không nằm trong số đó. Ở đất nước tăm tối này, “mục tiêu năm mới” không hẳn là một lựa chọn cho dân thường. Những gì xảy đến với họ hoàn toàn phụ thuộc vào lãnh đạo tối cao Kim Jong-un, và đó thường là sự thiếu thốn và hoang tưởng nghiệt ngã.

Người Triều Tiên chịu đựng nhiều điều mà người ngoài chỉ có thể suy đoán. Hãy xem những “con thuyền ma” bí ẩn đi vào biển Nhật Bản mỗi mùa thu theo gió tây nam. Thuyền thô sơ, nhỏ (dài khoảng 10 mét), và chỉ có những ngư cụ cơ bản. Một vài thuyền trống, một số khác chở thi thể của người không rõ danh tính. Chỉ trong tháng qua, 13 thuyền và 26 thi thể (đa số đã gần như phân huỷ) được tìm thấy. Trong năm 2014, có khoảng 60 thuyền như vậy.

Một vài thuyền và hàng hoá có ký tự Hangul Hàn Quốc. Một thuyền có chữ viết tay nói rằng thuyền thuộc đơn vị 325 quân đội Triều Tiên. Một thuyền khác có một mảnh vải rách rưới có vẻ  từ một lá cờ Triều Tiên. Thêm vào đó, với tình trạng và thiếu thiết bị, có vẻ như những chiếc thuyền này chắc chắn là của Triều Tiên.

Điều khó hiểu là những thuyền này dùng để làm gì, và tại sao lại có nhiều thuyền như vậy đi vào bờ biển và lãnh hải Nhật Bản. Tuy nhiên, có vẻ những thuyền này là thuyền đánh cá, không phải tàu hải quân, dù lính Triều Tiên cũng thường là ngư dân.

Người ta nghi ngờ rằng những chiếc thuyền này chở những người muốn đào tẩu, chủ yếu bởi chúng trông giống thuyền chở người đào tẩu tới Nhật Bản. Một cách giải thích khác là những thuyền này chủ yếu chở ngư dân, những người bị áp lực từ chính phủ phải tăng sản lượng, đã phải mạo hiểu đi quá xa ra khơi. Đáng buồn là lời giải thích trên có  vẻ rất có lý.

Chính phủ Triều Tiên đã rất cố gắng giấu diếm tình trạng thiếu thốn lương thực trầm trọng của nước này. Thậm chí Triều Tiên còn cho truyền thông nước ngoài thấy một hệ thống trồng rau trong nhà hiện đại gần Bình Nhưỡng. Tuy nhiên sự thật là không hề có một sự cải thiện bền vững nào trong sản xuất lương thực sau nạn đói khủng khiếp những năm 1990 và 2000, mặc dù nhà nước đã cởi mở hơn trong việc cho phép nông dân tự sản xuất.

Thực tế, mặc dù Kim xác định “lương thực cho người dân” là một trong ba ưu tiên của chế độ trong năm 2015, Triều Tiên không đầu tư nhiều cho mục tiêu này. Thậm chí sự trở lại của một tổ chức tư nhân cung cấp phân bón của Hàn Quốc cũng không đủ để tạo nên sự khác biệt.

Với đất bỏ hoang và khí hậu khắc nghiệt không thuận lợi cho nông nghiệp, chính phủ Triều Tiên đang có những động thái rõ ràng khuyến khích các thuyền cá đi xa hơn để đánh bắt được nhiều hơn. Vì thuyền chất lượng kém, không có gì ngạc nhiên rằng nhiều thuyền không quay về.

Những con thuyền ma không phải là nguyên nhân duy nhất làm gợi lên những câu hỏi và nghi ngờ về Bắc Triều Tiên. Trong tháng này, ban nhạc nữ Moranbong – được cho là do Kim Jong-un tổ chức và tài trợ – huỷ buổi diễn đầu tiên tại Trung Quốc dành cho các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngay sau khi đến Trung Quốc bằng tàu hoả, các thành viên ban nhạc nhanh chóng bị đưa lên một chuyến bay về lại Bình Nhưỡng.

Một số ý kiến cho rằng một bài hát ca ngợi chương trình hạt nhân Triều Tiên là quá khó nuốt cho giới lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt ngay sau khi Kim tuyên bố (khả năng là giả) rằng Triều Tiên đã cho phát nổ một quả bom hydrogen. Một số khác cho rằng Kim nổi giận vì có tin rằng Chủ tịch Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc sẽ không tham dự buổi biểu diễn.

Dù sao đi nữa, mối quan hệ phụ thuộc lâu năm giữa Triều Tiên và Trung Quốc có vẻ như ngày càng căng thẳng

Về mối quan hệ Nhật Bản – Triều Tiên, viễn cảnh cũng không có gì tươi sáng. Những cuộc đàm phán về việc Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản vào những năm 1970 và 1980 – một chướng ngại lớn trong quan hệ  chính thức giữa hai nước – đã ngừng trệ. Triều Tiên kiên quyết cho rằng chỉ có 13 người Nhật bị bắt cóc, trong đó có 8 người đã chết và 5 người được trả về Nhật trước khi đến được Bình Nhưỡng.

Nhật Bản thì kiên quyết với lập luận rõ ràng rằng có nhiều hơn 13 người bị bắt cóc. Trong năm người trở về năm 2002 có Hitomi Soga, không nằm trong danh sách 13 người bị bắt cóc do Triều Tiên công nhận. Điều này tạo ấn tượng rằng Triều Tiên có thể đang giữ một vài con tin làm công cụ mặc cả trong những cuộc đàm phán về hợp tác kinh tế.

Nhật Bản tiếp tục yêu cầu điều tra toàn diện vụ việc này, mặc dù cho đến nay Triều Tiên không có vẻ hợp tác. Trong một cuộc đàm phán song phương ở Stockholm năm 2014, Triều Tiên đồng ý theo đuổi một cuộc điều tra mới, đổi lại Nhật đồng ý gỡ bỏ một số cấm vận. Tuy nhiên, vào tháng 7, Triều Tiên được cho là đã thông báo với Nhật ý định trì hoãn việc báo cáo kết quả điều tra lại.

Nếu báo cáo cuối cùng được trao cho Nhật và bao gồm tên của một hoặc hai người bị bắt cóc sẽ được gửi lại Nhật, chính  phủ Shinzo Abe sẽ phản ứng thế nào? Thủ tướng Abe có thể sẽ không thăm Triều Tiên hoặc hoặc không dỡ bỏ một số cấm vận trước thủ đoạn này.

Vậy là một năm tồi tệ nữa lại trôi qua (cũng như những năm trước) trong lịch sử Triều Tiên. Yếu tố duy nhất cho thấy 2016 có thể khác đi là mối bất hoà của Triều Tiên đối với Trung Quốc. Có lẽ Nhật Bản có thể lợi dụng tình trạng căng thẳng này để thúc đẩy một vài cuộc đàm phán khác, ví dụ về vấn đề hạt nhân. Vấn đề cốt yếu là liệu Kim có khả năng và có sẵn sàng hành động vì lợi ích quốc gia chứ không phải là vì những ảo tưởng của mình hay không.

Yuriko Koike, cựu bộ trưởng quốc phòng và cố vấn an ninh quốc gia, là Chủ tịch Hội đồng Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản và hiện tại là thành viên Quốc hội Nhật Bản.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Ghosts of North Korea
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]