Cuộc tranh cãi xung quanh đền Yasukuni ở Nhật Bản

Print Friendly, PDF & Email

yasukuni

Tác giả: Đỗ Trọng Quang

Tháng 8/1985, Thủ tướng Nhật Bản là Nakasone Yasuhiro đến thăm đền Yasukuni ở Tokyo đã làm bùng phát một vụ rắc rối về ngoại giao giữa nước ông với một số quốc gia Châu Á. Sáu năm sau, cuộc thăm đền của Thủ tướng Koizumi Junichiro lại làm nảy sinh mâu thuẫn với Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngay trong nước Nhật, cuộc chính thức thăm đền của người đứng đầu chính phủ cũng gây tranh cãi dữ dội giữa phái tả và phái hữu. Vậy đền Yasukuni có ý nghĩa như thế nào đối với xã hội Nhật Bản cũng như đối với quan hệ giữa nước đó với các quốc gia láng giềng?

Đền Yasukuni được xây dựng năm 1869 dưới thời Thiên hoàng Minh Trị và được Bộ Lục quân và Hải quân duy trì đến năm 1946, lúc nước Nhật bại trận trong Đại chiến Thế giới thứ hai. Theo hiến pháp được sửa đổi dưới tác động của nhà cầm quyền chiếm đóng Mỹ, Thần đạo (Shinto) của người Nhật tách khỏi nhà nước, hoạt động của ngôi đền chỉ còn trông vào tiền quyên cúng của người hành hương. Đền Yasukuni tọa lạc gần hoàng cung ở Tokyo, mở rộng cửa cho dân chúng vào thăm. Chỉ cần trả một khoản tiền nhỏ là có thể bước vào những tòa nhà gỗ cổ kính và thắp hương ở chính điện. Mỗi năm một lần, đông đảo dân chúng tụ tập ở đây ngày 15/8 để nhớ lại cuộc bại trận của nước Nhật. Nhiều người cho rằng viếng thăm Yasukuni được coi là bổn phận của những người quan tâm đến xã hội và đời sống chính trị nước Nhật. Tuy nhiên, cuộc thăm đền của người đứng đầu chính phủ đã dấy lên cuộc tranh cãi trong dư luận.

Một số người coi cuộc viếng thăm là dấu hiệu sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt và sô-vanh hiếu chiến vì năm 1978, ban quản trị đền cho thờ cả 14 tội phạm chiến tranh “loại A”[1] đã bị hành quyết. Một số khác phản bác ý kiến trên, như Tamamoto Masaru[2] nêu lên hiến pháp mới để chứng minh rằng nước Nhật thời hậu chiến không có khả năng phục hồi chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến. Còn Hashizume Daisaburo[3] thuộc Viện Công nghệ Tokyo thì nói rằng người Nhật có quyền khẳng định bản sắc lịch sử của mình bằng bất cứ cách nào họ thấy thích hợp. Tamamoto Masaru và Hashizume Daisaburo đặc biệt quan tâm đến cuộc thăm đền của Thủ tướng Nakasone Yasuhiro năm 1985 và Thủ tướng Koizumi Junichiro năm 2001. Họ nhắc đến tác động của phái hữu đối với quyết định của hai thủ tướng, nhưng không giải thích thỏa đáng vai trò của phái này trong vấn đề đó, trong khi cuộc viếng thăm của Nakasone và Koizumi bị đông đảo dư luận coi là vụ va chạm chính trị và ngoại giao nghiêm trọng nhất về đền Yasukuni.

Phản ứng của Trung Quốc và Hàn Quốc

Tại Trung Quốc, đền Yasukuni ở Tokyo khiến mọi người nhớ lại cuộc xâm lược của Nhật Bản và quá khứ đau thương trước kia do quân chiếm đóng gây ra. Một số học giả nói rằng chính cuộc đấu tranh chống xâm lược Nhật Bản đã góp phần tạo ra bản sắc dân tộc của Trung Quốc. Cuộc thăm đền của các thủ tướng Nhật Bản thường gây bất bình ở Bắc Kinh và Seoul, sự phản kháng của Bộ Ngoại giao, và đôi khi các cuộc biểu tình của dân chúng trên đường phố. Người Triều Tiên ngày nay cũng coi đền Yasukuni là biểu tượng của ách áp bức mà người Nhật đặt lên vai họ. Nhiều người nói rằng tinh thần dân tộc Triều Tiên đã phần nào hình thành trong cuộc đấu tranh vì độc lập, để thoát khỏi ách chiếm đóng hà khắc của Nhật Bản.

Dân Triều Tiên chưa quên Nhật Bản đã buộc họ đến cúng lễ ở các đền thờ Thần đạo Shinto, bắt họ đi lính trong thời kỳ Đại chiến Thứ hai khiến nhiều người Triều Tiên bỏ mạng. Khoảng 40.000 người Triều Tiên đã chết khi phục vụ trong quân đội Nhật hồi chiến tranh và cũng được thờ ở đền Yasukuni. Một quan chức Chính phủ Hàn Quốc nói rằng, thật là vô nghĩa khi thờ binh lính người Triều Tiên trong một ngôi đền tôn vinh tội phạm chiến tranh loại A, vì người Triều Tiên chỉ là nạn nhân của chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản. Vì thế, cuộc thăm Yasukuni của Thủ tướng Nhật Bản khiến dân Triều Tiên tức giận, chính phủ Hàn Quốc phản kháng dữ dội, báo chí Hàn Quốc lên án Nhật Bản, nhiều cuộc biểu tình chống Nhật đã nổ ra. Ngay ở nước Nhật Bản, mỗi khuynh hướng chính trị có một cách nhìn về tính biểu tượng của ngôi đền, gây ra cuộc tranh luận về Yasukuni.

Các cuộc thăm đền chính thức của Thủ tuớng Nhật những năm 1979, 1980, hay 1981 không vấp sự phản kháng của Trung Quốc. Từ năm 1981 đến 1985, Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo thỉnh thoảng phê phán những cuộc viếng thăm này. Theo báo Asahi Shimbun của Nhật Bản, thì Nhân dân Nhật báo chỉ nói xa xôi tới sự bất bình của Trung Quốc năm 1982 và 1983, còn Tân Hoa Xã thì nhẹ nhàng tỏ ý không hài lòng năm 1983 và 1984. Nhưng lần này, Trung Quốc tỏ thái độ gay gắt hơn trước. Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 14/8/1985, người phát ngôn Bộ Ngoại giao bày tỏ nỗi bất bình của Trung Quốc, tiếp theo là Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa Xã lên tiếng. Sau khi nhiều ủy viên Bộ Chính trị lên án Nhật Bản, khoảng 1.000 sinh viên các trường đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa tổ chức biểu tình chống Nhật ở quảng trường Thiên An Môn ngày 18/9 năm đó, nhân dịp kỷ niệm cuộc xâm lược Mãn Châu của Nhật Bản năm 1931. Tuy nhiên, Trung Quốc nói bóng gió rằng mình có thể chấp nhận cuộc thăm đền của Thủ tướng Nhật Bản nếu các tội phạm chiến tranh loại A không được thờ ở đấy nữa.

Sự phản kháng của Trung Quốc tác động đến quyết định của Thủ tướng Nakasone, ông không dự lễ hội mùa thu tháng 10/1985 của đền Yasukuni. Ông gặp Thủ tướng Triệu Tử Dương của Trung Quốc tại New York, đồng thời phái ngoại trưởng Abe Shintaro đến Bắc Kinh. Các chính trị gia hàng đầu của Đảng Dân chủ Tự do như Nikaido Susumu, Kanemaru Shin, và Sakurauchi Yoshio bày tỏ sự cảm thông với nhân dân Trung Quốc và nhấn mạnh nước Nhật Bản cần xem xét lại lập trường. Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ thủ tướng, ông Nakasone không đến Yasukuni nữa.

Tại một cuộc phỏng vấn sau đó, Thủ tướng Nakasone nói rằng ông không tới thăm đền sau khi các quan chức Trung Quốc cho  biết nếu ông tiếp tục đến Yasukuni thì quan hệ “anh em” giữa ông với Tổng bí thư Hồ Diệu Bang của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bị phương hại. Có lẽ Nakasone còn chịu tác động của phe cựu Thủ tướng Tanaka Kakuei, một nhân vật có ảnh hưởng chính trị rất lớn lúc đó, nên không đến Yasukuni. Ông Tanaka Kakuei là người đã đưa nước Nhật xích gần Trung Quốc năm 1972 và giữ quan hệ tốt với Trung Quốc. Do đấy, Nakasone phải coi trọng ý kiến của Tanaka Kakuei, vì cần sự ủng hộ của phe ông ta để tranh cử chức thủ tướng.

Trường hợp Nakasone khác trường hợp Koizumi ở chỗ, ông Nakasone bị tất cả các nhóm cánh tả công kích dữ dội, còn ông Koizumi chỉ bị các báo chí và trí thức phái tả phê phán chứ không bị một mặt trận chung của tất cả cánh tả đả kích khi thăm đền. Đây có thể là dấu hiệu suy yếu của Đảng Xã hội Nhật Bản, đảng cánh tả lớn nhất, sau khi đảng này liên minh với Đảng Dân chủ Tự do tháng 6/1994 nên để mất những người ủng hộ truyền thống. Một lý do nữa là, tuy Koizumi thuộc phái hữu nhưng ông không có quan hệ với các nhà hoạt động của phái này.

Sau vụ rắc rối năm 1985 của Nakasone, không mấy thủ tướng đến Yasukuni. Cuộc viếng thăm của Thủ tướng Miyazawa Kiichi tháng 11/1992 được giữ kín cho đến khi báo chí tiết lộ năm 1996. Còn Thủ tướng Hashimoto Ryutaro chỉ tới Yasukuni trong chốc lát nhân dịp sinh nhật của ông tháng 7/1996, nhưng không đến đấy nữa trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ sau khi bị Trung Quốc và phái tả Nhật Bản phê phán. Tuy nhiên, cuộc thăm đền của Thủ tướng Koizumi không giống trường hợp các ông Nakasone, Miyazawa, và Hashimoto. Ông tiếp tục tới Yasukuni mặc dầu những cuộc viếng thăm liên tiếp của ông gây va chạm lớn về ngoại giao cũng như gây tranh cãi kịch liệt trong nước. Trong khi  Nakasone chỉ bị Trung Quốc phê phán và phản đối, thì Koizumi bị cả Trung Quốc và Hàn Quốc chống lại dữ dội. Khác với Nakasone, ông Koizumi cứ đến Yasukuni bất chấp sự phản kháng.

Điểm khác biệt nữa giữa hai Thủ tướng là, Koizumi sinh năm 1942 được coi là một nhà lãnh đạo thuộc thế hệ hậu chiến, còn Nakasone sinh năm 1918 đã từng phục vụ trong hải quân Nhật Bản. Tuổi tác chênh nhau tác động tới thái độ mỗi người đối với các nước láng giềng Châu Á. Koizumi trở thành thủ tướng sau khi Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, còn Nakasone làm thủ tướng trong thời kỳ cuộc chiến tranh này đang tiếp diễn. Do những điều trải nghiệm trong Đại chiến Thế giới thứ hai và cũng do sự dính líu về quân sự và chính trị của nước Nhật ở thời kỳ Nakasone cầm quyền, những người thuộc thế hệ ông quan tâm sâu sắc đến các vấn đề Châu Á, còn thế hệ Koizumi thường chú ý tới các nước phương Tây. Trước công chúng, Koizumi nhiều lần tuyên bố “muốn bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng những người bỏ mình trong chiến tranh. Sự yên ổn và thịnh vượng của nước Nhật thời hậu chiến dựa trên sự hy sinh quên mình của họ”.[4]

Trong cuộc bầu Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do tháng 4/2001, ông Koizumi thông báo sẽ thăm đền Yasukuni ngày 15/8 năm đó. Ngay sau đấy, Trung Quốc bắt đầu gây sức ép với Koizumi, và ngày 25/6/2001, Đại sứ Trung Quốc ở Tokyo yêu cầu Thủ tướng Nhật suy nghĩ lại. Lúc các nhà lãnh đạo liên minh cầm quyền Nhật Bản đến Bắc Kinh ngày 10/7/2001, Chủ tịch Giang Trạch Dân bày tỏ nỗi lo ngại, và ngày 24/7, Ngoại trưởng Đường Gia Triền đề nghị Ngoại trưởng Nhật Bản là bà Tanaka Makiko, lúc hai người gặp nhau tại một hội nghị quốc tế ở Hà Nội, hãy “ngăn cản cuộc viếng thăm”. Ông Đường Gia Triền còn bày tỏ sự nghi ngại với một chính khách quan trọng của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản là Nonaka Himoru tại Bắc Kinh.

Trong lúc đó, Đại sứ Hàn Quốc ở Tokyo nói với các nhà lãnh đạo liên minh cầm quyền Nhật Bản rằng nhân dân Hàn Quốc theo dõi chặt chẽ vấn đề. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Hàn Quốc phản đối cuộc thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Bản. Phương tiện thông tin đại chúng Hàn Quốc chỉ trích gay gắt ông Koizumi, nhiều cuộc biểu tình chống Nhật nổ ra ở Seoul. Ngày 15/8 cũng là ngày quốc khánh Hàn Quốc, nên Koizumi nhượng bộ đôi chút bằng cách đến Yasukuni sớm hai ngày, tức là vào ngày 13/8/2001. Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc tỏ ý tiếc sau khi Koizumi thăm ngôi đền.

Tháng Sáu và tháng Tám năm đó, Ngoại trưởng Tanaka Makiko của Nhật Bản đã công khai phản đối và tỏ ý lo ngại. Nhiều người nói rằng Koizumi bắt đầu suy nghĩ ngày 10/8, lúc Tổng thư ký liên minh cầm quyền yêu cầu ông xem xét lại quyết định. Lúc thậm chí Chánh văn phòng Nội các là Fukuda Yasuo khuyên ông hoãn thăm đền, Koizumi mới thỏa hiệp bằng cách chọn ngày 13. Ông lại đến Yasukuni tháng 4/2002, tháng 1/2003, và tháng 1/2004, nhưng mặc dầu Thủ tướng tỏ thiện chí bằng cách tránh ngày 15/8, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn phản đối và phê phán kịch liệt.

Lập trường của phái hữu

Động cơ của Koizumi là do ông chú trọng tới sự ủng hộ của phái hữu, vì Đảng Dân chủ Tự do của ông giành được hậu thuẫn của các nhóm cánh hữu có sức ép lớn thuộc những ngành bưu chính, xây dựng, nông nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giống như cựu Thủ tướng Nakasone, ông Koizumi khéo sử dụng khẩu hiệu tượng trưng khi biết rằng nhân dân Nhật Bản chú trọng đến những khẩu hiệu này hơn cương lĩnh chi tiết của đảng. Ông tuyên bố sẽ “ thăm đền Yasukuni bất chấp điều gì xảy ra”…, một lời tuyên bố có lẽ làm vừa lòng phái hữu.

Tại Nhật Bản, một số phần tử phái hữu có xu hướng ca ngợi cuộc bành trướng đế quốc  của nước họ trong quá khứ và luyến tiếc nhà nước Nhật Bản thời tiền chiến. Những người này có cách nhìn tích cực đối với Yasukuni, trái với phái tả cùng nhân dân Trung Quốc và Triều Tiên. Mỗi bên có một quan điểm về ngôi đền phù hợp với cách nhìn của mình đối với bản sắc lịch sử. Tính biểu tượng của Yasukuni gây ra những sức ép chính trị và ngoại giao trái ngược nhau khiến người đứng đầu chính phủ phải quyết định đến hay không đến thăm đền. Phái hữu coi Yasukuni là tượng trưng cho tinh thần hy sinh và lòng yêu nước, nhưng họ quên rằng giá trị tượng trưng của ngôi đền đã thay đổi qua thời gian. Đầu thời kỳ Minh Trị phục hưng, từ năm 1868 đến 1912, ngôi đền tiêu biểu cho tính hiện đại và khuynh hướng bình đẳng vì nó tôn vinh mọi người tử nạn trong chiến tranh, dù là nông dân hay thuộc đẳng cấp quân nhân phong kiến samurai. Ở thời kỳ quân phiệt, từ những năm đầu 1930 đến lúc nước Nhật bại trận trong Đại chiến Thế giới thứ hai, Yasukuni được coi là nơi yên nghỉ của linh hồn chiến binh đã chiến đấu và chết vì quốc gia.

Một số người phái hữu ngày nay nghĩ rằng, ngôi đền tiêu biểu cho lịch sử nước Nhật cận đại và những khó khăn mà nước đó chịu đựng, người Nhật chớ bao giờ quên linh hồn “những anh hùng đã ngã xuống”. Đối với họ, Yasukuni có thể bảo đảm tính liên tục của truyền thống, văn hóa, và tôn giáo Nhật Bản. Theo họ, bản sắc lịch sử của nước Nhật, một nhà nước hiện đại phát triển từ thời Minh Trị phục hưng năm 1868, có được bảo tồn hay không là tùy thuộc kết quả cuộc tranh cãi về Yasukuni. Nếu công nhận lập trường của phái tả cũng như của nhân dân Trung Quốc và Triều Tiên, cho nước Nhật đế quốc chủ nghĩa là có tội, thì chẳng khác nào thừa nhận lịch sử Nhật Bản từ giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ 20 là một sai lầm. Họ nghĩ rằng kết tội vai trò nước Nhật trong Đại chiến Thế giới Thứ hai tức là lên án lịch sử cận đại Nhật Bản, bắt đầu từ thời Minh Trị.

Không những các Thủ tướng đến thăm đền, mà cả Nhật hoàng cũng nhiều lần tới đấy, nhưng sau khi viếng thăm lần cuối cùng năm 1975, nhà vua không tới đền nữa để khỏi dính líu vào cuộc tranh cãi, mà chỉ cử sứ giả đến Yasukuni những dịp nghi lễ. Nhà vua phái sứ giả tới chùa Phật và đền Shinto là chuyện bình thường, nhưng Chính phủ và Thủ tướng thì phải ứng xử như thế nào về ngôi đền lúc đứng giữa những sức ép trái ngược nhau của các khuynh hướng. Từ trước cho đến năm 1985, cuộc viếng thăm Yasukuni của Thủ tướng vốn là thông lệ, nhưng từ năm đó, hai cuộc va chạm lớn đã nổ ra khi Thủ tướng Nakasone chính thức thăm đền tháng 8/1985 và Thủ tướng Koizumi tới Yasukuni tháng 8/2001. Sau khi bị chỉ trích gay gắt, Nakasone nhượng bộ Trung Quốc và thay đổi chính sách đối với ngôi đền, do đấy bị các phần tử phái hữu Nhật Bản đe dọa ám sát[5].

Cuộc thăm Yasukuni của Nakasone khác những chuyến viếng thăm của các thủ tướng tiền nhiệm ở chỗ, ông thông báo trước sẽ tiến hành cuộc viếng thăm chính thức. Trước ông, các thủ tướng cứ lẳng lặng đến Yasukuni hoặc tuyên bố cuộc thăm đền chỉ có tính chất cá nhân chứ không phải với danh nghĩa thủ tướng, để tránh điều quy định của hiến pháp buộc tôn giáo tách khỏi nhà nước. Lúc mọi người đặt câu hỏi thăm chính thức, với danh nghĩa thủ tướng, khác thăm cá nhân ở chỗ nào, thì phương tiện thông tin đại chúng nêu một tiêu chí. Nếu thủ tướng tuyên bố cuộc thăm đền là chính thức, hay nếu chính phủ trả tiền thăm đền cho thủ tướng, thì chuyến viếng thăm được coi là chính thức. Các phần tử phái tả và phương tiện thông tin đại chúng Nhật Bản bắt đầu chính trị hóa các chuyến thăm đền của người đứng đầu chính phủ lúc Thủ tướng Miki Takeo tới Yasukuni ngày 15/8/1975.

Đối với phái tả, chiến tranh có thể được coi là một mắt xích của chủ nghĩa bành trướng Nhật Bản, bắt đầu từ cuối thế kỷ 19. Đại chiến Thứ hai ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là kết quả cuộc xâm chiếm Mãn Châu năm 1931, tiếp nối việc chiếm đóng Triều Tiên năm 1910. Sự kiện này xảy ra sau cuộc chiến tranh Nga-Nhật năm 1904-1905, hậu quả của chiến tranh Trung-Nhật năm 1894-1895 khiến Đài Loan bị xâm chiếm. Nhìn ngược trở lại, ta thấy cuộc phục hưng năm 1868 đã đem lại quyền lực cho vị hoàng đế cách tân, nhưng có thể được xem là bước khởi đầu chủ nghĩa bành trướng Nhật Bản. Phái hữu sợ nếu công nhận tội lỗi trước đây tức là biến cha anh họ thành tội phạm chiến tranh, họ nói rằng hành động tàn ác của binh lính Nhật đã bị thổi phồng, họ phản đối những người “âm mưu làm hoen ố hình ảnh nền văn hóa và lịch sử Nhật Bản”.

Theo Hara Takeshi trong bài “Cuộc tàn sát Nam Kinh có xảy ra không?” đăng trên tờ Shokun, thì Trung Quốc công bố chính thức số người bị quân đội Nhật giết ở Nam Kinh năm 1937 là 300.000. Một nhóm trí thức phái tả Nhật Bản, đứng đầu là Honda Katsuichi, ước tính số người đó là trên 200.000, nhưng nhà sử học bảo thủ Hata Ikuhiko nói rằng chỉ có “xấp xỉ 40.000 người bị giết”. Một trí thức phái hữu là Itakura Yoshiaki đưa ra con số còn thấp hơn nữa là từ 10.000 đến 20.000.

Những người cực đoan nhất là giáo sư Higashinakano thuộc Đại học Á Châu và ông Suzuki Akira đặt câu hỏi về từ “tàn sát”, nói rằng “những người Trung Quốc bị quân đội Nhật Bản giết lúc đó không phải là nạn nhân một cuộc tàn sát, mà là lính tử nạn trong chiến trận”. Họ quả quyết là quân đội Nhật Bản đã đánh một trận dữ dội chống lực lượng Trung Hoa Quốc dân đảng ở khu vực Nam Kinh. Những người đó e sợ “một âm mưu chống Nhật định bôi nhọ lịch sử và văn hóa Nhật Bản”. Tuy nhiên, tác giả John Costello của cuốn sách Chiến tranh Thái Bình Dương[6] xác nhận rằng “viên tướng Iwane Matsui đã đưa quân hắn đến tận Nam Kinh và thông báo về bình minh của một kỷ nguyên mới đối với Châu Á. Trong bốn tuần lễ người ta bỏ thành phố cho binh lính, cuộc cướp phá Nam Kinh được tổ chức một cách hữu ý, với hy vọng quân Quốc dân đảng đuối sức sẽ đầu hàng. Số người Trung Quốc bị tàn sát –  đàn ông, đàn bà và trẻ con – bị giết là 250.000 người”.

Trong số trí thức phái hữu từng viết bài về đền Yasukuni có giáo sư Ohara Yasuo thuộc trường Đại học Kokugakuin ở Tokyo và nhà văn Eto Jun. Một số báo chí ủng hộ phái hữu trong cuộc tranh cãi, như tờ nhật báo Sankei Shimbun (Tin Công nghiệp và Kinh tế). Trí thức phái hữu cung cấp cho chính trị gia phái này dữ liệu và lý lẽ chống phái tả và hỗ trợ việc công kích Trung Quốc và Hàn Quốc trong cuộc tranh cãi về đền Yasukuni. Tuy nhiên, nhiều trí thức phái hữu phải thừa nhận hành động tàn ác của binh lính Nhật trong chiến tranh là một sự thật. Họ không chối cãi việc binh lính Nhật đã giết nhiều người ở Nam Kinh, nhưng lập luận rằng nước Nhật không có lỗi nhiều như người ta nói. Họ phân vân khi phải công nhận sự tàn ác của quân đội Nhật trong Đại chiến Thứ hai, trong lúc muốn nêu khía cạnh tích cực của lịch sử cận đại nước mình và những khó khăn của tổ tiên trước kia. Sự phân vân đó biểu hiện ở thái độ của trí thức phái hữu đối với số người bị giết ở Nam Kinh năm 1937 mà Trung Quốc công bố.

Trong khi đó, sự thay đổi thái độ của Nakasone đối với đền Yasukuni mang lại hậu quả là, ông bị các nhà hoạt động cánh hữu đe dọa. Những người này coi Nakasone là kẻ phản bội vì tuy ông có liên hệ mật thiết với họ, nhưng đã làm họ thất vọng. Nakasone muốn chính thức thăm đền để chứng minh mối liên quan giữa truyền thống Shinto với nhà nước Nhật Bản, nhưng ông ngại công khai vi phạm điều khoản của hiến pháp quy định tách tôn giáo khỏi nhà nước. Ông không để chính phủ trả tiền thăm đền cho mình, vì thế đã giảm nhẹ tính chất tôn giáo của cuộc viếng thăm. Về sau, ban quản trị ngôi đền phàn nàn rằng Nakasone đã nói thẳng thừng với họ là ông sẽ không cho phép tiến hành nghi lễ Shinto. Cho rằng thái độ của Nakasone là “ngạo mạn”, ban quản trị Yasukuni trả đũa bằng cách từ chối tiếp ông theo nghi thức đối với thủ tướng.

Ngoài ra, Yasukuni đã thờ 14 tướng lĩnh và chính trị gia bị Đồng minh hành quyết, nhưng ban quản trị đền không thông báo trước cho dân chúng. Ngờ vực ban quản trị, Nakasone sẵn lòng chấp nhận đề nghị của Trung Quốc, yêu cầu không thờ các tội phạm chiến tranh loại A đó nữa. Ông muốn vị thày tế phụ trách đền và các gia đình tội phạm chiến tranh chấp nhận đề nghị của ông, nhưng họ từ chối và công kích Nakasone nhượng bộ sức ép của nước ngoài. Cách ứng xử của Nakasone làm phái hữu phẫn nộ, một số nhà hoạt động thuộc phái này dọa ám sát ông đầu năm 1978.

Quan điểm của phái tả

Phái tả Nhật Bản gồm đảng Cộng sản Nhật Bản, đảng Xã hội Dân chủ, đảng Xã hội Nhật Bản, những nghiệp đoàn ủng hộ các đảng đó, nhiều tổ chức phi chính phủ, các báo chí cánh tả như tờ nhật báo Asahi Shimbun, tuần báo Shukan Kinyobi, và nguyệt san Sekai… Họ tự khẳng định là tiêu biểu cho lực lượng tiến bộ trong cuộc tranh cãi về đền Yasukuni. Họ nói rằng ngôi đền này là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt tàn ác, họ chế giễu quan niệm cho rằng đền Yasukuni tôn vinh “linh hồn các anh hùng đã ngã xuống”.

Theo phái tả, thì cuộc thăm đền của người đứng đầu chính phủ đã vi phạm Hiến pháp năm 1946, quy định nhà nước và tôn giáo phải tách rời nhau. Họ nghĩ rằng, đền Yasukuni còn đó chứng tỏ chủ nghĩa quân phiệt và phong kiến vẫn tồn tại trong xã hội Nhật Bản đương đại, và nước Nhật chỉ hồi sinh khi dân chủ, nhân quyền, và xu hướng hòa bình được người Nhật tiếp thu. Phái tả nghĩ rằng Yasukuni tượng trưng cho nước Nhật đế quốc và phong kiến đã chết hồi tháng 8/1945, ngôi đền chẳng có quan hệ gì với bản sắc nước Nhật. Mặc dù họ thông cảm với người dân Nhật thương vong trong chiến tranh và nạn nhân nước ngoài của cuộc xâm lược.

Từ những năm cuối 1950 đến những năm đầu 1970, cánh hữu trong Quốc hội muốn thông qua một đạo luật tái quốc hữu hóa đền Yasukuni, nhưng bị các đảng cánh tả ngăn chặn, như vậy phái tả không phải là một lực lượng yếu. Thất bại trong mưu toan của mình, phái hữu trong những năm 1970 thay đổi chiến lược, bắt đầu ép các thủ tướng đến thăm đền. Các cơ quan phi chính phủ bèn kiện chính phủ, và liên kết với các nghiệp đoàn, họ tổ chức biểu tình công khai bày tỏ sự phản đối. Trong Quốc hội, Đảng Cộng sản Nhật Bản và Đảng Xã hội Dân chủ chống lại hoạt động của Đảng Dân chủ Tự do nhằm vận động tái quốc hữu hóa Yasukuni hoặc ép thủ tướng thăm đền. Các báo cánh tả như Asahi Shimbun đăng những bài xã luận phê bình chính phủ, trích dẫn nguyên văn lời phản kháng của Trung Quốc và Hàn Quốc để gây sức ép với phái hữu và nhà cầm quyền. Một nhân vật cánh tả là Tanaka Nobumasa được coi là người tích cực nhất trong số các nhà báo và học giả viết cho tuần báo Shukan Kinyobi về cuộc tranh cãi xung quanh đền Yasukuni.

Cuộc tranh cãi về đền Yasukuni thực chất là cuộc va chạm giữa hai quan điểm về bản sắc lịch sử. Cùng với phái tả Nhật Bản, người Trung Quốc và Triều Tiên kiên quyết chống lại phái hữu nước này. Chỗ khác nhau giữa hai bên là ở cách nhìn biểu tượng của ngôi đền, một số người Nhật coi Yasukuni là một cơ sở tôn giáo vinh danh những người bỏ mình vì quốc gia Nhật Bản, trong khi người Trung Quốc cho rằng ngôi đền đề cao chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, và nói rộng nữa, nó biện hộ cuộc tàn sát Nam Kinh. Sự căng thẳng dường như không thể xóa bỏ được.

Kết luận

Ở Nhật Bản, một số ý kiến đề nghị giải quyết cuộc tranh cãi bằng cách xây dựng một ngôi đền khác để dân chúng có thể tưởng niệm những người bỏ mình trong chiến tranh, hoặc buộc ban quản trị đền từ bỏ việc tôn thờ tội phạm chiến tranh loại A. Tuy nhiên, cách làm này có lẽ không giải quyết được vấn đề, vì ông Koizumi từng tuyên bố rằng dù Chính phủ có xây một ngôi đền khác, ông vẫn tiếp tục tới Yasukuni. Mặt khác, điều khoản hiến pháp tách tôn giáo khỏi nhà nước quy định phải bảo vệ các cơ sở tôn giáo như Yasukuni khỏi chịu tác động của chính trị hay sự can thiệp của nhà nước. Năm 1985, ban quản trị Yasukuni đã bác bỏ đề nghị của Thủ tướng yêu cầu không thờ tội phạm chiến tranh loại A nữa. Như vậy, việc thay đổi tính biểu tượng của Yasukuni chỉ khiến phái hữu nổi giận và khuyến khích họ bảo lưu giáo điều hẹp hòi của họ.

Tuy nhiên trong một hai thập kỷ nữa, có thể ý thức về bản sắc lịch sử sẽ thay đổi như giá trị biểu tượng của Yasukuni. Một số người cực đoan trong phái hữu đã bắt đầu tiếc về những điều mà quân đội của đế chế Nhật Bản gây ra tại Trung Quốc, hầu hết trí thức cánh hữu công nhận sự tàn ác của Nhật Bản trước kia. Vì thế, tính biểu tượng của Yasukuni, cùng với ý thức của phái hữu về bản sắc lịch sử, ít có cơ hội tồn tại. Phái hữu đang xác định lại quan niệm về bản sắc lịch sử, quy mô của phái đó đang thu hẹp dần. Ảnh hưởng của phái hữu cũ đối với việc Thủ tướng thăm đền yếu dần vì họ đã già đi và ngày càng thưa thớt. Những người tích cực trong phong trào đòi Thủ tướng thăm đền đã sang tuổi bảy mươi hoặc tám mươi, và khó thu nạp được thành viên trẻ. Cuộc tranh cãi về Yasukuni sẽ nhạt dần, vì các nhà hoạt động cánh hữu thấy khó duy trì ảnh hưởng chính trị trong xã hội Nhật Bản, như vậy Thủ tướng khó đến thăm Yasukuni.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Economist, August 11, 2001.
  2. Japan Echo, December 2001.
  3. World Policy Journal, Fall 2001.
  4. Mainichi Shimbun, April 22, 1981.
  5. Shukan Kinyobi, August 3, 2001.
  6. Asian Survey, No.2, 2005.

———————-

[1] “Tội phạm chiến tranh loại A” là 25 người lãnh đạo Đế chế Nhật Bản bị Tòa án Quân sự về Viễn Đông kết án  “phạm tội ác chống hòa bình”.

[2] Tamamoto Masaru, “A Land without Patriots: The Yakasuni Controversy and Japanese Nationalism,” World Policy Journal (Fall 2001).

[3] Hashizume Daisaburo, “Koizumi and the New Nationalism,” Japan Echo (December 2001).

[4] Shukan Kinyobi, August 10, 2001.

[5] Asahi Shimbun, April 18, 1985.

[6] Chiến tranh Thái Bình Dương”, bản dịch tiếng Pháp của Claude Bernanose, nhà xuất bản Pygmalion, Paris.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3, 2007.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]