Kinh tế học trong thời đại dư thừa

Print Friendly, PDF & Email

Consumerism1

Nguồn: J. Bradford DeLong, “Economics in the Age of Abundance”, Project Syndicate, 28/01/2016.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Cho đến gần đây, một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại vẫn là đảm bảo có đủ lương thực. Từ buổi bình minh của nền nông nghiệp cho đến thời đại công nghiệp, các nhà dinh dưỡng và các chuyên gia y tế công thường mô tả tình trạng chung của con người là chịu các áp lực y sinh về dinh dưỡng nghiêm trọng và tai hại.

Khoảng 250 năm trước đây, nước Anh dưới thời vua George là xã hội giàu có nhất từng tồn tại, nhưng tình trạng thiếu lương thực vẫn ảnh hưởng đến một phần lớn dân số. Những thanh thiếu niên được Hải quân gửi ra biển để làm phục dịch viên cho các sĩ quan có chiều cao thấp hơn 15 cm so với con cái của tầng lớp quý tộc. Bất chấp một thế kỷ tăng trưởng kinh tế sau đó, tầng lớp lao động ở Hoa Kỳ vẫn phải chi tới 40 phần trăm thu nhập để bổ sung đủ calo.

Ngày nay, khan hiếm lương thực không còn là một vấn đề, ​​ít nhất là ở các nước có thu nhập cao. Tại Mỹ, khoảng 1% lực lượng lao động có thể tạo ra đủ khối lượng thực phẩm để cung cấp cho toàn bộ dân số mà vẫn đủ calo và dưỡng chất thiết yếu, và khối lượng này sau đó sẽ được vận chuyển và phân phối bởi 1% lực lượng lao động khác. Tất nhiên, lực lượng lao động này không phải là toàn bộ nhân lực của ngành công nghiệp thực phẩm. Nhưng phần lớn các công việc đang được thực hiện bởi 14% lực lượng lao động còn lại tập trung vào việc đưa thức ăn tới miệng của chúng ta, bao gồm cả việc làm cho những thứ chúng ta ăn trở nên ngon hơn hay thuận tiện hơn – tức những công việc thiên về giải trí hay nghệ thuật hơn là sự cần thiết.

Những thách thức chúng ta phải đối mặt hiện nay là về sự dư thừa. Thật vậy, khi nói đến lực lượng lao động được sử dụng cho việc ăn uống của chúng ta, chúng ta có thể thêm vào khoảng 4% lực lượng lao động, những người làm y tá, dược sĩ, và các nhà giáo dục, để giúp chúng ta giải quyết những vấn đề phát sinh từ việc tiêu thụ quá nhiều calo hoặc sử dụng sai các loại chất dinh dưỡng.

Hơn 20 năm trước, Alan Greenspan, lúc đó là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed), đã bắt đầu chỉ ra rằng tăng trưởng GDP ở Mỹ đã trở nên ít bị chi phối bởi những người tiêu dùng tìm cách mua được nhiều thứ hơn. Những người trong tầng lớp trung lưu giàu có trở nên quan tâm hơn về vấn đề liên lạc, tìm kiếm thông tin, và cố gắng để có được đúng những thứ mà sẽ cho phép họ sống một cuộc sống như họ mong muốn.

Tất nhiên, phần còn lại của thế giới vẫn phải đối mặt với vấn đề khan hiếm; khoảng một phần ba dân số thế giới đang phải đấu tranh để có đủ lương thực. Và không có gì đảm bảo rằng những vấn đề đó tự chúng sẽ được giải quyết. Cũng cần phải nhắc lại rằng hơn 150 năm về trước, cả Karl Marx lẫn John Stuart Mill đều cho rằng Ấn Độ và Anh Quốc sẽ hội tụ về mặt kinh tế (tức có mức độ phát triển ngang nhau – NBT) trong khoảng thời gian không nhiều hơn ba thế hệ.

Không hề thiếu các vấn đề mà chúng ta phải lo lắng: sức mạnh hủy diệt của vũ khí hạt nhân, bản chất ngoan cố của nền chính trị chúng ta, hay những gián đoạn xã hội to lớn tiềm tàng sẽ được gây ra bởi biến đổi khí hậu. Nhưng ưu tiên số một cho các nhà kinh tế – hay thật ra, cho nhân loại – là tìm cách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế công bằng.

Nhưng ưu tiên thứ hai – phát triển các lý thuyết kinh tế để dẫn dắt xã hội trong một thời đại của sự dư thừa – cũng không kém phần phức tạp. Một vài trong số những vấn đề có khả năng xuất hiện đã trở nên rõ ràng. Ngày nay, nhiều người coi công việc của họ ảnh hưởng đến lòng tự tôn của mình. Khi lao động trở thành một phần kém quan trọng hơn của nền kinh tế, và đặc biệt là khi những người trong độ tuổi lao động chiếm một phần nhỏ hơn trong lực lượng lao động, các vấn đề liên quan đến hòa nhập xã hội cho người lao động đang dần trở nên kinh niên và nghiêm trọng hơn.

Xu hướng này có thể mang lại những hậu quả vượt xa vấn đề cá nhân hoặc cảm xúc, tạo ra một lực lượng dân số mà, như cách nói của các nhà kinh tế đoạt giải Nobel George Akerlof và Robert Shiller, dễ dàng bị lừa gạt như những kẻ ngốc. Nói cách khác, họ sẽ là mục tiêu của những kẻ vốn sẽ không xem phúc lợi của khách hàng là mục tiêu chính của mình – những kẻ lừa đảo như Bernie Madoff, lợi ích của các tập đoạn như McDonalds hoặc các công ty thuốc lá, các “chuyên gia”, hoặc các chính phủ gặp khó khăn về ngân sách vận hành các chương trình xổ số bóc lột.

Các vấn đề như vậy sẽ đòi hỏi một loại hình kinh tế học rất khác so với loại kinh tế học được Adam Smith ủng hộ. Thay vì làm việc để bảo vệ quyền tự do tự nhiên bất cứ nơi nào có thể, và xây dựng các thể chế để mang lại các tác động của tự do kinh tế trong những trường hợp còn lại, thử thách trung tâm của ngành kinh tế học mới sẽ là làm sao giúp mọi người bảo vệ bản thân mình khỏi bị người khác thao túng.

Có một điều chắc chắn là các nhà kinh tế học chưa chắc sẽ có lợi thế so sánh trong việc giải quyết những vấn đề này. Nhưng, ít nhất là vào thời điểm hiện tại, các nhà kinh tế học hành vi như Akerlof, Shiller, Richard Thaler, và Matthew Rabin dường như đang là những người dẫn đầu trong lĩnh vực này. Dù sao đi nữa, người ta cũng chỉ cần liếc qua các tiêu đề báo chí để hiểu rằng vấn đề này đã trở thành một đặc trưng chủ đạo của thời đại kinh tế học hiện nay của chúng ta.

Bradford Delong là giáo sư ngành kinh tế học tại Đại học California, Berkeley, và là nghiên cứu viên tại Văn phòng Quốc gia về Nghiên cứu Kinh tế. Ông cũng là Phó Trợ lý Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Clinton, giai đoạn ông đã tham gia rất nhiều vào các cuộc đàm phán về ngân sách và thương mại.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Economics in the Age of Abundance
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]