Đọc ‘Trung Quốc và phương Tây trong thế kỷ 21’

writingonthewall

Tác giả: Trần Hữu Dũng

Chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Trung Quốc từ những năm 1980, câu hỏi của nhiều người là: liệu sự tăng trưởng này có thể tiếp tục với tốc độ hiện nay?  Liệu thế kỷ 21 có sẽ là thế kỷ của Trung Quốc?

Will Hutton là một tác giả người Anh thường được xem là “tiến bộ”.  Dù không là một  chuyên gia về Trung Quốc (và cũng chẳng là một nhà kinh tế chuyên nghiệp), ông vừa xuất bản cuốn “The Writing on the Wall: China and the West in the 21st century” (2007) sau một chuyến viếng thăm nước này, có nhiều nhận xét về Trung Quốc khá mới lạ, được dư luận các nước sử dụng tiếng Anh chú ý.

Ngay trang đầu, Will Hutton thổ lộ ông viết cuốn này vì lo ngại: liệu vai trò lãnh đạo thế giới của Anh Mỹ có sẽ sang tay của Trung Quốc?  Nếu như thế thì hậu quả sẽ khôn cùng, Hutton khẳng định.  Nhân loại sẽ theo lối sống của một nền văn minh khác, một hệ thống giá trị khác.  Các định chế quốc tế, văn hoá phương Tây và sự khống chế của Anh ngữ đều sẽ bị thử thách.  Phải nói ngay: độc giả trước đây biết Will Hutton như một trí thức “tiến bộ” có lẽ sẽ bỡ ngỡ vì lo ngại có vẻ “đế quốc”, thậm chí kỳ thị chủng tộc này.

Quyển sách có thể được chia làm ba phần không bằng nhau.  Phần đầu (gần nửa quyển) Hutton đưa ra những lý do mà, theo ông, Trung Quốc không thể tiếp tục tăng trưởng như hiện nay.  Phần sau đó, ông khẳng định Trung Quốc phải chấp nhận những “giá trị Khai Sáng” (được hiểu như phong trào triết lý xuất hiện ở châu Âu vào thế kỷ 18) nếu muốn phát triển bền vững, lâu dài.  Và cuối cùng, Hutton cho rằng Mỹ và Anh (mà ông xem như tiêu biểu của kinh tế tư bản tây phương hiện đại) cũng cần phục hồi những giá trị Khai Sáng mà chính họ đã lìa xa.

Những vấn đề của Trung Quốc

Hutton nhìn nhận Trung Quốc đã có nhiều thành tựu sáng chói, và ông có nhiều chương giải thích những thành công ấy (có đoạn nóí về ảnh hưởng của chiến tranh Việt Nam, khá thú vị, song để bàn vào một dịp khác). Tuy nhiên, nhìn về tương lai, Hutton nhấn mạnh, Tây phương “phóng đại” sự “hăm doạ” của Trung Quốc vì không thấy những nhược điểm và hụt hẫng của quốc gia này.

Theo Hutton, lý do Trung Quốc tăng trưởng được như những năm qua là rất đơn giản: thứ nhất, nhà nước đầu tư ở các đô thị một số vốn khổng lồ, và thứ hai, lao động rẻ.  Cụ thể, số vốn khổng lồ ấy có được là nhờ ngân hàng nhà nước huy động từ số tiết kiệm khổng lồ của dân chúng, và lao động rẻ vì dân từ nông thôn đổ xô ra thành thị. Hutton đơn cử một báo cáo của Ngân hàng Thế giới theo đó từ năm 1990 đến 1998, tăng suất của đầu tư đã đóng góp 6,4% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, và di dân từ nông thôn ra đô thị đóng góp 2,1% nữa.  Hutton cho rằng những con số này cho thấy các yếu tố khác như năng suất lao động (vẫn còn rất thấp), tiến bộ công nghệ (theo số bằng phát minh) đóng góp không đáng kể cho sự tăng trưởng của Trung Quốc.

Chính vì hệ thống ngân hàng Trung Quốc có vai trò chủ chốt trong việc huy động tiết kiệm của dân chúng để đưa vào đầu tư, sự khập khiễng, ọp ẹp của hệ thống này hăm doạ tương lai Trung Quốc. Cho đến bao giờ các ngân hàng này có thể tiếp tục đổ hàng tỷ đô la vào các dự án mà lợi nhuận rất thấp, thậm chí là số âm?  Cho đến bao giờ một nền kinh tế có thể giữ mức tiết kiệm hơn 40% GDP?

Nhận xét lối tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc, Hutton cho rằng đó là một mô hình phát triển không bền vững.  Đúng là Trung Quốc đang trở thành một quốc gia xuất khẩu hàng đầu, với số lượng ngày càng gia tăng, song phần lớn hàng xuất khẩu của họ là lắp ráp linh kiện nhập khẩu. (Hiện nay 55% xuất khẩu của Trung Quốc là của các công ty nước ngoài sản xuất ở Trung Quốc.)  Theo cách nói của Hutton: “Trung Quốc chỉ là “nhà thầu phụ” (sub-contractor) của phương Tây”. Đến bao giờ thì Trung Quốc có thể tiếp tục tăng xuất khẩu khoảng 25% hàng năm như hiện nay? Với tốc độ này thì trễ lắm là khoảng năm 2020 Trung Quốc sẽ chiếm hơn 50%  khối lượng thương mại toàn cầu.  Sao có đủ cửa khẩu, tàu bè, để chuyển vận số lượng ấy?  Liệu thị trường tây phương có tiếp tục mở cửa mà không đòi Trung Quốc nhập khẩu hàng của họ? Mỗi năm Trung Quốc tích lũy thêm hơn 200 tỷ ngoại tệ, phần lớn là đô la Mỹ.  Đây là một sự bất quân bình cơ cấu không thể tồn tại mãi.  Theo Hutton, đúng là Trung Quốc đang nương vào toàn cầu hoá để tăng trưởng, song chính điều này làm méo lệch sự phát triển của Trung Quốc bởi lẽ sự toàn cầu hoá ngày nay là hướng về quyền lợi của các nước tư bản giàu.

Còn nữa: lối phát triển của Trung Quốc ngày càng nhờ vào năng lượng nhập khẩu song, như Hutton nhắc nhở, trữ lượng toàn cầu biết được của dầu hoả hầu như đã đến điểm đỉnh, tốc độ gia tăng tiêu dùng năng lượng như trong vài thập kỷ gần đây không thể tiếp tục mãi được.

Chỉ trong hơn 20 năm, lối phát triển ấy đã gây ra những bất quân bình khủng khiếp về tài sản, về cơ hội, về sức khoẻ, về giáo dục, về tuổi thọ, cũng như sự tàn phá môi trường sinh thái mà chính cấp lãnh đạo Trung Quốc cũng phải báo động. Thêm vào đó là những chỗ yếu trong văn hoá doanh nghiệp, trong cơ cấu pháp lý, v.v…

Trung Quốc có cải tổ sâu rộng được không?

Hutton cho rằng chế độ chính trị hiện nay của Trung Quốc không thể giải quyết những khó khăn ông nêu ra. Theo Hutton, về ý thức hệ, Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay chỉ là một cái vỏ rỗng.  Nguyên thủy là một tổ chức cách mạng, đảng ấy đã chia tay với cuộc cách mạng cộng sản từ những năm 1980.  Không còn biện minh được tính chuyên chế của Đảng trên cơ sở ý thức hệ, giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay duy trì quyền lực bằng cách cổ vũ tinh thần quốc gia của dân chúng, cho họ ý nghĩ rằng Trung Quốc chỉ có thể khôi phục địa vị cường quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời không ngừng nhanh chóng nâng cao mức sống cho người dân.

Theo cách nói đáng nhớ của Hutton, nền kinh tế Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc đang ở một “trạm nửa đường” (half-way house) – thậm chí một trạm nửa đuờng xiêu vẹo, khập khiễng.  Chính trị thì không ăn khớp: Đảng và xã hội đều là “hậu cách mạng”, song mỗi bên “hậu cách mạng” một cách khác; còn kinh tế thì đang chuyển sang một dạng của chủ nghĩa tư bản, song không hẳn là tư bản.

Theo Hutton, vấn đề của Trung Quốc không phải là sự hụt hẫng của nền kinh tế thị trường ở nước ấy, song xuất phát từ thể chế chính trị của quốc gia này.  Họ cải cách kinh tế không phải vì nhận ra những ưu điểm của chế độ thị trường (nghĩa là, họ không hề có mục tiêu tiến đến chế độ thị trường), mà chỉ nhằm duy trì quyền hành cho Đảng Cộng sản (và do đó ghì lại xu hướng chuyển đổi thành một nền kinh tế thị trường thực sự).  Hutton gọi đó là “chủ nghĩa đại công ty Lê-nin-nít” (Leninist corporatism).

Cụ thể, Trung Quốc cũng muốn “hạ nhiệt” nền kinh tế “quá nóng” của họ hiện nay, song họ không có các công cụ chính sách mà Tây phương có, hoặc, chính xác hơn, họ bị những ràng buộc chính trị.

Hãy xem những công cụ thường dùng để “hạ nhiệt”: tăng thuế, cắt giảm chi tiêu, và tăng lãi suất.  Họ không dám tăng thuế, cắt giảm chi tiêu vì sợ dân chống đối.  Họ cũng không thể thuyết phục dân chúng giảm tiết kiệm, bởi lẽ tiết kiệm cao là xu hướng tự nhiên của một xã hội không có quyền tư hữu như Trung Quốc.  Ở những nước có quyền tư hữu, người dân có thể dùng tài sản của mình làm thế chấp để vay mượn, hoặc dành dụm cho tuổi già, hay khi bệnh hoạn.  Không có quyền tư hữu, dân chúng chỉ có thể tiết kiệm để có vốn kinh doanh hoặc phòng khi bất trắc!

Không có những định chế tài chính vững chắc, các món vay nhẹ lãi từ ngân hàng nhà nước cho các xí nghiệp quốc doanh chỉ khuyến khích lãng phí, tinh thần vô trách nhiệm, gây thêm méo mó kinh tế, vẩn đục cơ chế.  Theo Hutton, hệ thống ngân hàng Trung Quốc chỉ thật “khoẻ mạnh” khi khu vực tư có lợi nhuận vững vàng (mà không phải nương vào nhà nước), không bị chính trị chi phối, và không còn tham nhũng.

Như vậy, bất cứ biện pháp nào để điều chỉnh tình trạng hiện nay cũng cần những cải cách hăm doạ quyền lực của Đảng Cộng sản, Hutton khẳng định.  Hơn nữa, nếu “hạ nhiệt” tăng trưởng (và sớm muộn gì thì Trung Quốc cũng phải làm) thì hố chênh lệch giàu nghèo sẽ càng lộ rõ, khuấy động bất mãn đối với chế độ.  Nóí cách khác, muốn ghì chậm tăng trưởng mà không gây nên sự bất mãn ấy thì nhà cầm quyền Trung Quốc phải đồng thời giảm chênh lệch thu nhập, và nói chung là giảm đi những bất công trong xã hội.   Theo Hutton, chỉ có thể được như vậy nếu sự cải tổ của Trung Quốc là thật sự sâu rộng, và không chỉ ở lĩnh vực kinh tế mà thôi.

“Khai Sáng” và “cơ sở hạ tầng mềm của chủ nghĩa tư bản”

Rốt lại, Hutton lập luận, Trung Quốc phải nhập khẩu cái mà ông gọi là “cơ sở hạ tầng mềm của chủ nghĩa tư bản” (soft infrastructure of capitalism): tự do báo chí, bảo đảm tài sản, nhà nước thật sự là của dân, pháp chế minh bạch, những tập họp dân chúng độc lập với nhà nuớc, các quyền chính trị và dân sự được thật sự tôn trọng, và một văn hoá doanh nghiệp không chỉ nhằm làm giàu cho cá nhân.  Chính vì thiếu thốn cái “cơ sở hạ tầng mềm” ấy, Hutton đưa ví dụ, mà sự ô nhiễm môi trường, hủy hoại thiên nhiên ngày càng trầm trọng và lan rộng, lạm dụng quyền thế, tham nhũng và những méo mó chính trị, kinh tế và xã hội khác. Nếu không có những giám sát từ các hội đoàn dân chúng, những kiểm soát chính trị, pháp chế minh bạch, thì đảng sẽ tiếp tục “mua chuộc” những người ủng hộ đảng bằng cách làm lơ để các quan chức địa phương làm giàu trên đại đa số người dân.

Theo Hutton, cái “cơ sở hạ tầng mềm” ấy không gì khác hơn là con đẻ của tinh thần Khai Sáng.  Nó gồm những “thể chế phi thị trường” (bảo hiểm xã hội, giáo dục…) mà, theo Hutton, là nền tảng của kinh tế thị trường ở bất cứ đâu. Theo Hutton, thiếu những “định chế Khai Sáng” (Enlightenment institutions)  – báo chí tự do và độc lập, một nền tư pháp thanh liêm và độc lập, những tổ chức dân sự ngoài chính quyền – thì tham nhũng sẽ tiếp tục lan rộng, dù thỉnh thoảng nhà cầm quyền cũng có những chiến dịch chống tham nhũng.  Giải pháp cho Trung Quốc không phải là “thị trường hoá” mọi hoạt động, nhưng là thiết lập và củng cố những thể chế phi thị trường.

Một cốt tính nữa của Khai Sáng là tinh thần tìm tòi, khám phá, sáng tạo.  Theo Hutton, chính vì thiếu tự do mà Trung Quốc không thể hoàn toàn khai thác cuộc cách mạng thông tin, một cuộc cách mạng cốt lõi cho phát triển kinh tế hiện đại.  Hãy so sánh với Ấn Độ, chẳng hạn. Từ 1981 đến 1995, trong lãnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), Trung Quốc có 537 kỹ sư và nhà khoa học cho mỗi một triệu người, trong khi Ấn Độ chỉ có 151, số máy vi tính cá nhân ở Trung Quốc là gấp ba ở Ấn Độ, và mức sử dụng Internet ở Trung Quốc thì gấp bốn ở Ấn Độ.  Thế mà đến năm 2001, Ấn Độ sản xuất 25% phần mềm hơn Trung Quốc, và xuất khẩu đa số phần mềm này.

Một điều đáng khâm phục ở Hutton là ở chỗ ông cũng chỉ trích Tây phương (đã đánh mất những giá trị Khai Sáng) không kém gì ông chỉ trích Trung Quốc. Thực vậy, ông dành hẳn một chương để vạch ra những hụt hẫng của thứ kinh tế thị trường cực đoan mà các nhà kinh tế bảo thủ Mỹ – Anh thường tán tụng.  Lật ngược bàn cờ, Hutton  cho rằng Tây phương sẽ không cảm thấy “hăm doạ” bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc nếu chính Tây phương, đặc biệt là Anh Mỹ, trung thành hơn với những giá trị Khai Sáng.

Đánh giá Hutton

Tuy rằng, như tất cả mọi người, Hutton thán phục Trung Quốc về những thành tựu kinh tế của nuớc này, ông có một đóng góp đáng kể, đó là chỉ rõ cái nhìn quá “màu hồng” của thế giới (đặc biệt là Tây phương) đối với Trung Quốc.  Hơn nữa, thay vì chỉ nói khơi khơi như nhiều người là Trung Quốc cần dân chủ, tự do, v.v…, Hutton đi sâu hơn, trở về với những giá trị căn bản của triết lý Khai Sáng.  Để giải thích sự thành công (cho đến nay) của Trung Quốc (và nhiều nền kinh tế khác ở châu Á vẫn còn thiếu những giá trị này), Hutton vu cho sự “thông đồng” của phương Tây: chính phương Tây đã đặt quyền lợi kinh tế trước những giá trị Khai Sáng.  Theo ý người đọc này, giải thích ấy hơi khiên cưỡng.

Một điều nữa: tiên đoán rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ bị khủng hoảng trầm trọng là không để ý đúng mức đến khả năng tự điều chỉnh của chế độ hiện nay.  Đánh giá quá thấp khả năng này cũng là một lỗi lầm như cho rằng thành công vượt bực của Trung Quốc hoàn toàn là do chính sách khôn ngoan của họ.  Tiềm lực của Trung Quốc là vô cùng lớn, và sự “khôn ngoan” của chính sách đó có thể chỉ là ở việc “cởi trói” cho tiềm lực ấy.  Hơn nữa, đừng quên rằng sự phát triển của Trung Quốc cũng nhờ vào một môi trường quốc tế thuận lợi, trong một giai đoạn lịch sử nhất định.  Cùng quốc gia  ấy, cùng chính sách ấy, chưa chắc đã có những thành quả tốt đẹp như vậy nếu áp dụng 30-40 năm trước.

Tuy nhiên, một độc giả khắt khe có thể cho rằng ý kiến của Hutton không hoàn toàn mới.  Cốt yếu của nó là Trung Quốc không thể tiếp tục “cơ cấu phát triển” như hiện nay (là nhà thầu phụ, dựa vào xuất khầu…).  Hẳn là Trung Quốc sẽ đổi khác, và phát triển sẽ chậm hơn.  Người đọc có quyền nghi ngờ tương lai Trung Quốc, và chắc không ai phủ nhận các giá trị Khai Sáng, song khằng định rằng những giá trị ấy là lối ra cho kinh tế Trung Quốc (và là điểm mà kinh tế Mỹ phải khôi phục) là một ý kiến bất ngờ, và thiếu thực tế.  Will Hutton không thật sự thuyết phục khi cho rằng Trung Quốc phải thay đổi để “tư bản” hơn, nhất là tư bản kiểu Anh Mỹ (Anglo-Saxon).  Cũng phải nhận rằng Hutton đã công bình khi “đổ lỗi” cho cả Mỹ bởi vì, trong lúc Trung Quốc chưa có những giá trị Khai Sáng thì Mỹ lại ngày càng lìa xa những giá trị ấy.

Cuối cùng, phải nóí thật: đối với người đọc này thì quyển sách này của Will Hutton không phải là một quyển sách hay.  Có một cái gì lấn cấn, không tương xứng giữa những luận đề to lớn của ông (“giá trị Khai Sáng”…) và những dẫn chứng nhỏ nhặt (đôi lúc sai lầm, hoặc không thích hợp, có lẽ vì Hutton không phải là nhà kinh tế) mà ông đơn cử.

Đây là bài điểm cuốn Will Hutton, “The Writing on the Wall: China and the West in the 21st Century”, London: Little, Brown, £20, 431 trang.

Nguồn: Viet-studies

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]