Về bản chất và giới hạn quyền lực: Từ Tolstoy đến Trump

Print Friendly, PDF & Email

pw

Nguồn: Chris Patten, “From Tolstoy to Trump,” Project Syndicate, 18/03/2016.

Biên dịch: Lê Thị Hiền Trang | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Một trong những mối ưu tư của Lev Tolstoy là bản chất và những giới hạn của quyền lực. Điều gì đã khiến Pháp trở thành một kẻ thù đáng gờm, đặc biệt là đối với Nga? Câu hỏi này là trọng tâm cuốn tiểu thuyết vĩ đại của ông, Chiến tranh và hòa bình, mãnh liệt đến nỗi Tolstoy đôi khi vẫn cho rằng cuốn sách của ông không phải là tiểu thuyết, mà là một nghiên cứu về triết học của lịch sử.

Về những giới hạn của quyền lực, Tolstoy có lẽ đã suy nghĩ nhiều hơn một chút về cái mà sau này Thống chế Anh Quốc thời Thế chiến II Bernard Law Montgomery gọi là quy tắc đầu tiên về chiến tranh. “Đừng tiến vào Moskva.” Mùa đông là một nhân tố thực tế đáng gờm hơn cả những vị tướng người Đức đã giúp Nga trong cuộc phòng thủ thành công trước Napoleon (một bài học mà Hitler, may mắn thay, đã không để ý đến).

Còn về bản chất của quyền lực, Tolstoy không phải sử gia kinh tế hay nhà nhân khẩu học. Khi Chiến tranh và hòa bình được xuất bản năm 1869, ở bờ bên kia của eo biển Bering là Mỹ, đất nước đã mua Alaska từ Nga trước đó chỉ hai năm với giá khoảng hai xu một mẫu Anh.

Mỹ chỉ mới bắt đầu nổi lên như một cường quốc của thế giới trong thời kỳ gia tăng toàn cầu hóa trong một phần ba cuối thế kỷ 19, trùng với sự mở cửa của miền Tây nước Mỹ. Với chỉ 4-5% dân số thế giới, Mỹ đóng góp đến 20-30% sản lượng toàn cầu kể từ những ngày đầu xuất hiện tàu thủy hơi nước, đường sắt, và những tòa nhà ở Chicago.

Vậy nên ở trung tâm quyền lực của một cường quốc có lẽ là sức mạnh kinh tế, sự thịnh vượng trên cả phương diện tổng thể lẫn cá nhân. Trung Quốc, với dân số đông nhất thế giới, có thể thách thức sự giàu có tổng thể của Mỹ, nhưng sự giàu có trên đầu người của nó chỉ bằng một phần năm so với Mỹ.

Điều khiến nước Mỹ thịnh vượng đến vậy chính là khả năng huy động các nguồn lực tự nhiên của cả lục địa, cùng với sự ổn định chính trị và sự kết hợp cực hiếm hoi giữa một chính phủ hành động hợp lý và sự đổi mới kinh doanh của từng cá nhân. Kể từ thời Alexander Hamilton trở đi, chính phủ đã giúp thúc đẩy và duy trì tăng trưởng kinh tế. Trong số những thành quả của sự hợp tác đó là những trường đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới và những tiến bộ công nghệ bắt nguồn từ nghiên cứu liên quan đến quốc phòng.

Một lý do khác dẫn đến sự thành công của nước Mỹ là việc nó đã luôn là một thỏi nam châm thu hút những người tài giỏi và ưu tú nhất từ khắp nơi trên thế giới đến đóng góp tài năng và năng lượng của họ vào sự đa dạng trong câu chuyện của nước Mỹ. Và quy trình đó vẫn tiếp tục.

Các nhà nhân khẩu học đã dự đoán rằng Mỹ là đất nước phát triển rộng lớn duy nhất sẽ trải qua một sự tăng trưởng dân số đáng kể trong nửa đầu thế kỷ 21. Dù phần lớn sự gia tăng dân số sẽ xảy ra tại các nước nghèo nhất trên thế giới, nhưng 320 triệu dân đa ngôn ngữ, đa văn hóa, và đa dân tộc của nước Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 100 triệu người.

Trung thành với phương châm của mình, e pluribus unum (“out of many, one” – “hợp chúng vi nhất”), nước Mỹ đã trở thành một trong những câu chuyện thành công nhất trong lịch sử thế giới.

Với tất cả điều này, ứng cử viên tổng thống Donald Trump là hiện thân của một ảo tưởng nguy hiểm ở mọi cấp độ. Lý do thứ nhất, việc xây nên những bức tường để bảo vệ Mỹ khỏi thế giới, như Trump vẫn ủng hộ, sẽ không khả thi. Hơn nữa, ai lại muốn điều này xảy ra? Trong khi dân số Mỹ gia tăng, dân số Nga lại đang giảm mạnh. Bao nhiêu người sẽ muốn sống ở Moskva thay vì ở New York?

Chương trình nghị sự của Trump là lời nói dối trắng trợn nằm ở trung tâm của chủ nghĩa dân túy đang khuấy đục cả nước Mỹ và châu Âu. “Chúng tôi muốn lấy lại chủ quyền,” nhiều người hét lên. “Chúng tôi muốn kiểm soát cuộc sống và biên giới của chính mình.” Ở Anh, nơi sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6 về việc rút khỏi Liên minh châu Âu, những tình cảm này đang được khơi dậy một cách thô bạo dưới tay những bộ trưởng chống EU từng nói dối về mức độ mà chế độ bị cáo buộc là độc tài ở Brussels (tức EU) cản trở việc thực thi những trách nhiệm chính thức của họ.

Và có quá nhiều người dễ dàng bị lừa để rồi tin rằng có một giải pháp đơn giản cho cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu. Xây những bức tường. Gửi họ về quê. Dừng thế giới lại, chúng tôi muốn ra khỏi đây.

Sự thật là áp lực trên các biên giới của châu Âu sẽ tiếp diễn, đặc biệt là nếu có nhiều đất nước nghèo ở phía Nam và phía Đông sụp đổ. Người châu Âu chỉ có thể giải quyết được vấn đề lớn này của thời đại chúng ta bằng cách làm việc cùng nhau để đưa ra các chiến lược thống nhất về nhập cư, phát triển kinh tế, an ninh, và đối ngoại, thay vì làm ngơ những người hàng xóm và chính sách của họ. Chúng ta phải giải quyết vấn đề từ chính nguồn gốc của nó, bằng cách xây dựng lại những quốc gia thất bại và cho cư dân của đất nước họ một lý do để ở lại quê hương.

Châu Âu và Mỹ không nên để những chính sách của họ rơi vào thực tại ảo nguy hiểm của các nhà dân túy. Thế giới của họ không phải là thế giới chúng ta đang sống, cũng không phải thế giới mà chúng ta muốn sống. Đó là một thế giới hư cấu, một thế giới không phải chịu những vấn đề đã và đang thu hút hàng thế hệ độc giả của Tolstoy.

Chris Patten, Thống đốc cuối cùng của Anh tại Hồng Kông và cựu ủy viên của EU về đối ngoại, là Hiệu trưởng Viện Đại học Oxford.

Copyright: Project Syndicate 2016 – From Tolstoy to Trump
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]