Những bài học từ thất bại của Perestroika

Print Friendly, PDF & Email

cccp

Nguồn: Gavril Popov, “The lessons of Perestroika, 20 years after”, Project Sydicate, 30/11/2005

Biên dịch: Đào Duy Tùng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Hai mươi năm sau khi Mikhail Gorbachev phát động perestroika (cải tổ), nhiều người vẫn than vãn về tốc độ cải cách chậm chạp ở Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin. Nhưng cải cách nhanh có thể xảy ra được không? Điều này không phải là một bất ngờ bởi vì quãng thời gian hỗn độn thời Gorbachev và Yeltsin nắm quyền đã làm nước Nga kiệt quệ. Vậy ai có thể đổi lỗi cho dân Nga vì tiến độ cải cách chậm chạp đó?

Nhưng nếu Nga muốn trở lại trên đôi chân của mình, thì cần phải có nhiều cải cách hơn nữa. Tuy nhiên, trước một chu kỳ cải cách mới, chúng ta phải hiểu rõ vài nguyên tắc cơ bản về năng lực chính trị của Nga.

Câu hỏi đầu tiên mà bất cứ nhà cải cách tương lai nào của Nga ngày nay nên hỏi (và đó cũng là những điều chúng ta đã quên hỏi trong thời kỳ perestroika của Gorbachev) gồm những điều sau: Liệu xã hội Nga có sẵn sàng chịu đựng những đau đớn ngắn hạn của cải cách chưa, và mức độ sẵn sàng chịu đựng sự đau đớn đó như thế nào?

Kinh nghiệm của perestroika nhấn mạnh tầm quan trọng của câu hỏi này.

Perestroika diễn ra vào một thời điểm đặc biệt trong lịch sử nước Nga. Các cải cách vĩ đại trong quá khứ, bao gồm việc giải phóng nông nô năm 1861, đã diễn ra sau nhiều năm thảo luận giữa những người phương Tây, người Xla-vơ và các bên khác. Các cuộc cách mạng năm 1905 và 1917 cũng đến vào thời điểm những cuộc thảo luận đó kết thúc, và tất cả các bên đều biết ai ủng hộ cho điều gì.

Thực tế, tôi từng đọc được đâu đó rằng việc bổ nhiệm Stalin vào vị trí quan trọng đầu tiên của ông trong đảng là một sai lầm. Nhưng rõ ràng toàn bộ đảng đã biết Stalin là ai. Khi họ giao phó cho ông ta trách nhiệm triệu tập hội đồng lập hiến, những người Bolsheviks biết họ muốn làm gì với hội đồng lập hiến đó, bởi vì họ biết Stalin là một người sẽ không dừng lại trước bất kỳ điều gì.

Perestroika lại khác, vì các cuộc tranh luận chưa hề chấm dứt. Thực tế, vô số các cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn quanh việc Gorbachev nên làm gì. Hơn nữa, tất cả các thời kỳ trước đó trong lịch sử cải cách của người Nga và các cuộc cách mạng đều có kết nối với vài hình mẫu lịch sử. Perestroika lại chưa có tiền lệ lịch sử nào như thế. Sự biến đổi từ chủ nghĩa xã hội nhà nước thành một xã hội hậu công nghiệp là chưa từng xảy ra bất cứ đâu. Do đó, perestroika đã diễn ra trong chân không.

Than ôi, kinh nghiệm này lại đang được lặp lại. Rất nhiều lãnh tụ chính trị của các đảng phái chính trị khác nhau vụt sáng trên khắp các màn hình ti vi của Nga, nhưng không có bất kỳ cuộc thảo luận thực sự nào ở cấp quốc gia về việc dẫn dắt đất nước tiến lên như thế nào. Chúng ta vẫn chưa tiến tới một sự lựa chọn đạt được sau vô số các cuộc thảo luận.

Bài học thứ hai của perestroika liên quan đến chương trình cải cách. Sau hai thập niên của những thay đổi chấn động toàn cầu, nước Nga vẫn chưa có một chương trình cải cách thực sự mang tính xây dựng. Theo cách nói hiện đại thì chúng ta không có một lộ trình cụ thể. Thực tế thì ai cũng biết điều gì là không thể chấp nhận được, và điều gì cần phải loại bỏ. Nhưng chúng ta đơn giản là không biết cái gì nên thay thế những cái bị loại bỏ.

Dĩ nhiên, việc thoát ra khỏi chủ nghĩa xã hội là điều chưa có tiền lệ. Nhiều cái mà chủ nghĩa xã hội đã xây dựng nên cần phải bị dỡ bỏ. Nhưng điều đó chỉ mới được làm qua các khẩu hiệu, chứ không phải là bằng một chương trình của sự thay đổi mà những người Nga bình thường có thể hiểu và đi theo. Tất cả những gì chúng ta có chỉ là những tranh cãi không dứt, nhưng không có những phương án thực tế để thảo luận và đưa ra quyết định.

Một lý do mà các tranh luận về cải cách ở nước Nga không hiệu quả và thành công là đất nước này thiếu những đảng chính trị có tính liên kết. Suốt thời kỳ perestroika và nhiệm kỳ tổng thống của Yeltsin, di sản của nó là một sự căm thù và nỗi sợ lan rộng về Đảng cộng sản với tất cả sức mạnh và lực lượng của nó. Nỗi sợ này lan ra tới tất cả các đảng phái chính trị và nhìn chung đã ngăn chặn mong muốn tạo ra các đảng chính trị mạnh. Nhưng sự ngờ vực đối với các đảng chính trị như thế có nghĩa là không có một thực thể có tổ chức nào trên toàn quốc cam kết thực hiện một chương trình perestroika xuyên suốt, liên tục. Thay vì thế, những cải cách được ra lệnh từ bên trên, mà không có bất kỳ sự ủng hộ nào từ người dân – và do đó không có được tính bền vững.

Tất cả những gì chúng ta có là những yêu cầu trực tiếp tới từng con phố và các đám đông thay vì thúc đẩy một sự đồng thuận thực sự về mặt xã hội. Cách thức trực tiếp đó là nguồn gốc của chủ nghĩa chuyên chế. Chúng ta phải công nhận và hiểu rằng điều đó không chỉ xuất hiện khi công chúng thờ ơ lãnh đạm hoặc sợ hãi, mà còn cả khi không có một đội tiên phong kiên định, ví như các đảng phái chính trị mạnh mẽ, những đảng sẽ chọn ra các nhà lãnh đạo và kiểm soát họ.

Kết quả là nước Nga hiện nay đối mặt với một tình huống trong đó cuộc bầu cử tổng thống là vấn đề chính trị duy nhất. Trong thực tế, điều nước Nga cần là các tổ chức chính trị, xã hội độc lập mạnh mẽ, những tổ chức sẽ nói: trong bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống nào, những cái sau đây nên được hoàn thành để định hướng chính sách, do đó khiến cho câu hỏi ai sẽ là tổng thống tiếp theo trở nên mang tính thứ yếu. Trong khía cạnh này, nỗ lực vừa qua của ông Putin để tăng cường kiểm soát nhà nước chặt chẽ hơn đối với các tổ chức tư nhân gây ra những lo lắng đặc biệt.

Nhưng bài học cuối cùng và quan trọng nhất của perestroika là tốc độ của cải cách và kỳ vọng của xã hội. Đơn giản là chính phủ phải thỏa hiệp với nhân dân. Tuy vậy, cũng không thể biến cải cách thành điều vô giá trị chỉ để lấy lòng công chúng. Đây là một con đường khó khăn, nhưng nó là con đường duy nhất đáng giá để đi theo.

Tóm lại, perestroika và cả thập kỷ cải cách theo sau đã chứng minh rằng chỉ đi theo các cấu trúc chuẩn mực của hình mẫu dân chủ phương Tây là chưa đủ nếu nước Nga muốn cải cách được thực hiện một cách nhất quán. Lý do là hình mẫu này, như chúng ta thấy tại nước Nga, đang dẫn tới nền dân chủ dân túy và các cải cách rụt rè. Quốc gia này cần một cam kết cải cách sâu rộng hơn, điều chỉ đến khi các cơ quan công quyền tham gia cùng công chúng Nga trong một cuộc thảo luận mở, thứ mà chúng ta đang thiếu. Chúng ta phải vứt bỏ nền dân chủ dân túy và đi theo thứ mà nền dân chủ luôn luôn ủng hộ: đó là sự tham gia của toàn dân vào việc vận hành chính phủ.

Gavril Popov, cựu Thị trưởng Moskva, hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế tại Moskva, Nga.

Copyright: Project Sydicate 2016 – The Lessons of Perestroika, 20 Years After
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]