Cách CIA điều hành một ‘gián điệp tỷ đô’ ở Moskva

Print Friendly, PDF & Email

1436220597601

Nguồn: David E. Hoffman, “How the CIA ran a ‘billion dollar spy’ in Moscow”, The Washington Post, 04/7/2015.

Biên dịch: Trần Anh Phúc | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Xem thêm: CIA, cuộc đảo chính chống lại Allende và sự nổi lên của Pinochet

Điệp viên đã biến mất.

Ông là điệp viên có giá trị và thành công nhất trong lòng Liên Xô mà Hoa Kỳ đã điều hành trong hai thập niên. Các tài liệu và bản vẽ của ông đã mở khóa những bí mật về nghiên cứu vũ khí và radar của Liên Xô cho tới nhiều năm trong tương lai. Ông đã lén đưa các bảng mạch và bản thiết kế ra khỏi phòng thí nghiệm quân sự của mình. Hoạt động gián điệp của ông giúp đưa Hoa Kỳ lên vị trí thống trị các vùng trời trong chiến đấu trên không và xác nhận các lỗ hổng của hệ thống phòng không Liên Xô – nó cho thấy rằng tên lửa hành trình và máy bay ném bom chiến lược của Mỹ có thể bay mà không bị radar phát hiện.

Vào cuối thu và đầu đông năm 1982, CIA đã mất liên lạc với ông ta. Năm cuộc hẹn gặp đều bị bỏ lỡ. Hoạt động giám sát của KGB được tiến hành trên khắp đường phố. Ngay cả các nhân viên CIA “có vỏ bọc rất kín” tại căn cứ Moskva mà KGB không hề biết cũng không thể vượt qua được.

Vào tối ngày 07/12, ngày hẹn gặp tiếp theo được lên lịch, tương lai của hoạt động ngầm được đặt trong tay của Bill Plunkert. Sau một thời gian làm phi công Hải quân, Plunkert đã gia nhập CIA và được đào tạo làm nhân viên tình báo. Ông đang ở độ tuổi 35, cao khoảng 187 cm (6 ft 2 in) và đã đến trạm Moskva vào mùa hè. Nhiệm vụ của ông là lẩn tránh KGB và kết nối các liên lạc, gặp gỡ.

Buổi tối hôm đó, vào khoảng giờ ăn tối, Plunkert và vợ của ông, cùng với Trưởng trạm CIA và vợ ông ta, bước ra khỏi Đại sứ quán Mỹ đến bãi đậu xe, dưới sự theo dõi liên tục của lực lượng dân quân mặc quân phục – lực lượng này báo cáo cho KGB. Họ bước lên một chiếc xe hơi và người trưởng trạm lái xe đi. Plunkert ngồi bên cạnh ông ta ở ghế trước. Hai bà vợ của họ ngồi phía sau, tay cầm một chiếc bánh sinh nhật lớn.

Gián điệp là nghệ thuật của sự đánh lừa. Tối nay, Plunkert là nhà ảo thuật. Ẩn dưới bộ quần áo bên ngoài của mình, ông mặc một lớp thứ hai vốn thường thấy ở một ông già người Nga. Chiếc bánh sinh nhật là giả, với phần phía trên trông giống như một chiếc bánh nhưng che giấu một thiết bị bên dưới, được gọi là hộp hình nộm (jack-in-the-box), do các chuyên gia kỹ thuật của CIA tạo ra. CIA biết rằng các đội giám sát của KGB gần như luôn luôn bám đuôi theo sau chiếc xe hơi và hiếm khi vượt lên chạy bên cạnh. Chiếc xe chở sĩ quan CIA có thể biến khỏi tầm nhìn trong phút chốc khi rẽ vào một hoặc hai khúc cua. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, sĩ quan CIA có thể nhảy ra khỏi xe và biến mất. Đồng thời, chiếc hộp hình nộm sẽ được bật ra, hình nộm có vẻ ngoài trông giống như đầu và thân của người sỹ quan vừa mới nhảy ra khỏi xe.

Thiết bị này chưa từng được sử dụng trước đó tại Moskva, nhưng CIA ngày càng tuyệt vọng sau nhiều tuần trôi qua. Plunkert cởi bỏ bộ quần áo Mỹ bên ngoài của mình. Đeo vào chiếc mặt nạ phủ khắp mặt và cặp kính mắt, ông bây giờ đã cải trang thành một ông già người Nga. KGB đang bám đuôi theo sau một khoảng. Lúc đó là 7:00 tối, màn đêm đã buông xuống được một lúc.

Chiếc xe rẽ vào một góc đường. Plunkert mở cửa xe trước và nhảy ra ngoài. Cùng lúc đó, một trong những người vợ đặt chiếc bánh sinh nhật lấp vào chỗ trống trên chiếc ghế trước cạnh tài xế. Bằng một cú đập mạnh dứt khoát, mặt trên cùng của chiếc bánh hé mở và một cái đầu cùng thân mình bung ra thay vào vị trí trống. Chiếc xe tăng tốc lướt đi.

Bên ngoài, Plunkert bước bốn bước trên vỉa hè. Khi ông bước sang bước thứ năm thì chiếc xe bám đuôi của KGB vòng qua góc đường đó. Ánh đèn pha bắt gặp một ông già người Nga trên vỉa hè. Nhưng KGB không để ý đến ông ấy và phóng đi đuổi theo chiếc xe hơi.

Hộp hình nộm đã phát huy tác dụng.

Điệp viên muốn trả thù

Trong những năm đầu Chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ đã che dấu một bí mật khó chịu về chính tổ chức này. CIA đã không bao giờ thực sự có được các điệp viên hoạt động trên các đường phố Moskva. Việc tuyển dụng điệp viên ở đó là quá nguy hiểm cho bất kỳ công dân hay quan chức Liên Xô nào mà họ muốn tranh thủ. Chính quá trình tuyển dụng – từ giây phút đầu tiên một điệp viên khả dĩ được xác định và tiếp cận – cũng đầy ắp nguy cơ bị KGB khám phá, và nếu bị bắt đang hoạt động gián điệp, điệp viên chắc chắn sẽ phải đối mặt với cái chết. Một vài điệp viên tự nguyện hoặc được CIA tuyển dụng bên ngoài Liên Xô tiếp tục báo cáo một cách an toàn một khi họ trở về nước. Nhưng đa phần CIA đã không tuyển được các điệp viên tham gia hoạt động gián điệp ngay tại chỗ.

Sau đó một chiến dịch gián điệp đã hình thành và tình thế đã có sự đổi chiều. Người điệp viên chính là Adolf Tolkachev, một kỹ sư và chuyên gia về sóng vô tuyến, hoạt động sâu bên trong bộ máy quân đội Liên Xô. Trong vòng 6 năm, Tolkachev đã gặp các sĩ quan CIA 21 lần trên các đường phố của Moskva, một thành phố được KGB giám sát kỹ lưỡng.

Câu chuyện về Tolkachev được nêu chi tiết trong 944 trang điện tín mật trước đây của CIA về chiến dịch gián điệp này. Chúng đã được giải mật mà không cần điều kiện cho cuốn sách sắp xuất bản mang tựa đề “Điệp viên tỷ đô” (The Billion Dollar Spy). CIA đã không xét duyệt cuốn sách này trước khi xuất bản. Các tài liệu và các cuộc phỏng vấn với những người tham gia giúp mang lại một bức tranh chi tiết đáng chú ý về cách thức hoạt động gián điệp được tiến hành ở Moskva trong những năm căng thẳng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh.

Tolkachev đã bị thôi thúc bởi mong muốn trả thù lịch sử. Mẹ của vợ ông bị hành quyết và người cha thì bị gửi đến các trại lao động trong giai đoạn Đại khủng bố những năm 1930 dưới thời Joseph Stalin. Ông cũng mô tả mình là bị vỡ mộng về chủ nghĩa cộng sản và “là một người bất đồng chính kiến ngay trong sâu thẳm tâm hồn”. Ông muốn tấn công lại hệ thống Xô-viết và đã làm như vậy bằng cách cung cấp bí mật quân sự cho Hoa Kỳ. Các nhân viên CIA điều hành Tolkachev thường quan sát thấy rằng dường như ông quyết tâm gây ra thiệt hại tối đa có thể cho Liên Xô, bất chấp những rủi ro. Hình phạt dành cho tội phản quốc là tử hình. Tolkachev không muốn chết dưới tay KGB. Ông yêu cầu và nhận được một viên thuốc tự tử từ CIA để sử dụng nếu ông bị bắt.

Không quân ước tính tại một thời điểm trong toàn bộ chiến dịch là hoạt động gián điệp của Tolkachev đã tiết kiệm cho Hoa Kỳ 2 tỷ USD trong nghiên cứu và phát triển vũ khí. Tolkachev lén đưa hầu hết các tài liệu bí mật ra khỏi văn phòng của ông vào giờ ăn trưa. Các tài liệu đó được giấu trong áo khoác của ông và được chụp hình bằng cách sử dụng một máy ảnh Pentax 35mm thường được kẹp chặt vào một chiếc ghế trong căn hộ của ông. Đổi lại, Tolkachev đòi tiền từ CIA, chủ yếu như là một dấu hiệu của sự tôn trọng. Không có nhiều thứ để mua ở Moskva – một nơi thiếu thốn nhiều thứ. Ông cũng yêu cầu các album nhạc phương Tây – The Beatles, Led Zeppelin, Uriah Heep… – cho con trai đang ở độ tuổi thiếu niên của mình.

Tolkachev đã trở thành một trong những điệp viên có hiệu quả cao nhất của CIA thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, điều ít được biết đến về toàn bộ chiến dịch – điều chứng tỏ sự trưởng thành của CIA – là khi nó hoàn thành điều mà bấy lâu nay vẫn nghĩ là không thể đạt được: tiếp xúc cá nhân với một điệp viên ngay trước mũi KGB mà không bị phát hiện.

Lẩn tránh KGB

Trạm hoạt động Moskva là một căn phòng an toàn bằng kích thước của một toa chở hàng nằm bên trong Đại sứ quán Mỹ. Các nhân viên điều hành điệp viên tụ tập ở chiếc bàn làm việc nhỏ, xem xét kỹ lưỡng các bản đồ trên tường với những chiếc đinh ghim màu đỏ nằm rải rác để đánh dấu những điểm nóng nguy hiểm có KGB và tỉ mỉ lên phương án cho từng bước đi.

David Rolph, trong chuyến đi nhiệm kỳ cho CIA lần đầu tiên của mình, đã giữ vai trò là sĩ quan điều hành Tolkachev vào năm 1980. Cuối buổi chiều ngày 14 tháng 10, ông bước ra khỏi trạm và đi về nhà. Một giờ sau, ông quay trở lại đến cửa Đại sứ quán cùng với vợ, ăn mặc như sắp đi đến một bữa tiệc tối. Một dân quân Xô-viết đang đứng gác nhìn thấy họ đi vào tòa nhà sứ quán.

David Rolph, nhân viên CIA thứ hai phụ trách Tolkachev. Nguồn: trích từ cuốn sách.

Rolph và vợ ông đi qua những hành lang hẹp đến một trong các căn hộ và đẩy một cánh cửa vốn đã hé mở. Căn hộ đó thuộc về Phó phụ trách kỹ thuật tại trạm Moskva, một người đa năng chuyên giúp các sỹ quan điều hành về trang thiết bị và các vật ngụy trang che dấu, từ máy quét sóng vô tuyến tinh vi đến các khúc gỗ giả.

Người Phó phụ trách kỹ thuật ra hiệu cho Rolph một cách im lặng. Hai người đàn ông xấp xỉ cùng một chiều cao và vóc dáng. Trong im lặng, Rolph bắt đầu tự chuyển đổi mình (được gọi là thay đổi nhân dạng) để trông giống như vị chủ nhà. Người Phó phụ trách kỹ thuật có mái tóc dài bù xù. Rolph liền đeo lên một bộ tóc giả, cũng dài và bù xù. Người Phó phụ trách kỹ thuật có một bộ râu quai nón rậm. Rolph cũng đeo lên một bộ râu rậm. Người Phó phụ trách kỹ thuật giúp Rolph điều chỉnh và bảo đảm an toàn việc ngụy trang, sau đó trang bị cho Rolph một máy quét sóng vô tuyến, ăng-ten và tai nghe để theo dõi các hoạt động truyền phát sóng của KGB trên đường phố.

Từ ngưỡng cửa, Rolph nghe thấy một giọng nói. Đó là Trưởng phụ trách kỹ thuật, người vừa đến và đã cố tình nói to, giả định rằng họ đang bị KGB nghe lén. “Này, chúng ta có định đi xem các cửa hàng máy móc mới không?” người Trưởng phụ trách hỏi. Người Phó trả lời lớn tiếng, “Tuyệt! Đi thôi”.

Nhưng người Phó phụ trách thực sự không hề rời căn hộ. Người đàn ông đã rời khỏi căn hộ trông giống như người Phó phụ trách chính là Rolph. Người Phó phụ trách thực kéo một chiếc ghế ra và ngồi xuống chờ đợi khoảng thời gian lâu. Vợ của Rolph, mặc bộ đầm ăn tối, cũng ngồi xuống và sẽ vẫn ở đó trong sáu giờ tới. Họ không thể thốt ra một từ, vì KGB có thể đang lắng nghe.

Điểm quan trọng của việc chuyển đổi nhân dạng là sẽ đi qua phạm vi đại sứ quán mà không bị phát hiện. KGB thường không để ý đến các chi tiết công nghệ khi nhân viên sứ quán Mỹ lái xe ra để tìm kiếm thức ăn, hoa hoặc phụ tùng xe hơi cho chiếc xe Volkswagen cũ màu be và xanh. Đêm nay, chiếc Volkswagen đó rời đi lúc hoàng hôn. Người Trưởng phụ trách công nghệ cầm lái, Rolph ngồi ở ghế cạnh tài xế. Những chiếc cửa xe thì dơ bẩn. Các dân quân Nga chỉ nhún vai.

Khi đã lăn bánh trên đường phố, chiếc xe chạy theo một tiến trình chậm, không theo quy luật. Bằng cách rời đại sứ quán dưới vỏ bọc ngụy trang, mục tiêu của Rolph là lẩn tránh KGB, nhưng vài giờ sau đó, ông dần dần bộc lộ một cách tiếp cận mới, cố gắng để cắt đuôi KGB. Cuối cùng thì nhiệm vụ của ông là trở thành “bóng đen”, nhằm thoát khỏi toàn bộ sự giám sát. Nhưng để đạt được điều đó đòi hỏi một thử thách cân não mệt mỏi và khá lâu, thậm chí trước khi ông có được cơ hội đầu tiên của mình để gặp trực tiếp Tolkachev.

Trong một hành trình nhằm phát hiện mình có bị giám sát hay không, sỹ quan điều hành phải nhanh nhẹn như một vũ công múa ba-lê, biết gây bối rối như một nhà ảo thuật và rất tập trung như một người kiểm soát không lưu. Chiếc xe Volkswagen dừng lại ở một cửa hàng hoa, điểm dừng ngụy trang thông thường đầu tiên của họ. Việc tạm dừng là để xem liệu các đội tuần tra đi bộ hay những chiếc xe theo dõi của KGB có bất cẩn và lao đến vấp phải họ hay không. Rolph vẫn ngồi phía sau cánh cửa xe bẩn thỉu của chiếc Volkswagen và không nhìn thấy gì.

Sau một tiếng rưỡi lái xe, Rolph bắt đầu đếm ngược trong đầu. Nguyên tắc quan trọng là sẽ tiến tới giai đoạn tiếp theo chỉ khi ông chắc chắn 95 phần trăm là ông thực sự không bị theo dõi. Lý do rất đơn giản: Ông có lợi thế hơn khi ở trên xe. Khi đi bộ một mình, ông sẽ dễ bị lộ hơn nhiều. Rolph cân nhắc những điều ông đã nhìn thấy trên đường phố đang tối dần. Ông khá chắc chắn. Ông nhìn sang người Trưởng phụ trách công nghệ, người này đã ra dấu cho ông với ngón tay cái hướng lên trên. Trong khi chiếc xe vẫn đang di chuyển, Rolph nhanh chóng cởi bỏ lớp ngụy trang và đặt nó vào một cái túi nhỏ trên sàn. Ông tóm lấy chiếc túi mua sắm đã được chuẩn bị cho Tolkachev và mặc vào một chiếc áo khoác len. Chiếc xe dừng lại một chốc lát. Rolph nhảy ra ngoài và bước đi thoăn thoắt.

Ngay sau đó, trên một đại lộ rộng lớn khác, ông đi thẳng đến một đám đông đang chờ đợi một trong những chuyến xe điện – loại xe thường chạy quanh các tuyến giao thông chính của Moskva. Ông nhìn lướt qua các hành khách xe điện, chú ý cẩn thận đến những người bước lên xe cùng với ông. Sau đó, ông đột ngột bước về phía cửa và nhảy xuống ở trạm dừng kế tiếp, theo dõi xem có người nào theo sau ông không. Không một ai.

Ông bắt đầu giai đoạn cuối cùng bằng cách đi bộ. Rolph là người có sức khỏe tốt và đầu óc sáng suốt, nhưng hành trình nhằm phát hiện có bị theo dõi không làm ông mệt mỏi. Thời tiết cuối thu khá lạnh, ẩm ướt và nặng nề. Miệng ông trở nên khô khốc, nhưng chẳng có nơi nào ông có thể dừng lại một cách an toàn. Máy quét sóng vô tuyến vẫn yên lặng ngoại trừ những tiếng nhiễu sóng và âm thanh bình thường.

Tại một nhà hát nhỏ, Rolph đẩy cánh cửa mở ra. Đây là điểm dừng chân ngụy trang thứ hai của ông. Ông kiểm tra các thông báo và lịch trình niêm yết trên tường. Mục tiêu của ông là buộc người của KGB làm điều gì đó khác thường, đi vượt qua, nhờ đó ông có thể phát hiện ra họ trước khi họ có thể gọi tăng viện. Rolph rời nhà hát với những chiếc vé cho một buổi biểu diễn mà ông không có ý định tham dự.

Rolph đi bộ đến một cửa hàng đồ cổ, khác với thói quen thông thường của ông. Vẫn không có gì. Sau đó, ông bước vào một tòa nhà chung cư gần đó và bắt đầu leo lên cầu thang. Đây chắc chắn là nhằm kích hoạt một cuộc phục kích của KGB; họ không thể cho phép ông biến mất khỏi tầm nhìn trong một tòa nhà chung cư nhiều tầng. Thực tế, Rolph không định đi vào đâu trong tòa nhà và không biết ai sống ở đó. Ông chỉ cố gắng khiêu khích KGB. Đến đầu cầu thang, ông ngồi xuống và chờ đợi. Không có ai chạy đến.

Rolph quay lại. KGB đã không xuất hiện trong 3 tiếng rưỡi. Tuy nhiên, để đảm bảo chắc chắn, ông bước vào một công viên nhỏ có các băng ghế. Rolph nhìn đồng hồ. Ông còn cách điểm hẹn 12 phút.

Đã đến lúc đi. Ông chắc chắn 100 phần trăm. Ông đứng dậy rời khỏi băng ghế.

Đột nhiên, ông choáng váng bởi một tiếng động trong tai nghe của mình, rồi nó lặp lại một lần nữa và lần thứ ba. Chúng khá inh ỏi, rõ ràng là từ các đội theo dõi của KGB. Ông đứng lạnh cứng người và căng thẳng. Âm thanh trên đôi khi có thể được sử dụng như một tín hiệu, từ một nhân viên KGB này đến nhân viên KGB khác. Nhưng tiếng ồn đó cũng có thể là một người trực tổng đài vụng về nhấn nhầm nút của mình.

Rolph thường lặp đi lặp lại những lời “khi bạn là bóng đen, bạn là bóng đen”. Trong tâm trí của ông, điều đó có nghĩa rằng khi bạn là “bóng đen”, bạn có thể làm bất cứ điều gì, bởi vì không có ai đang theo dõi bạn.

Không có gì cả. Không có dấu hiệu của bất cứ ai trong công viên. Rolph thả lỏng vai và hít một hơi thật sâu.

Khi bạn là bóng đen, bạn là bóng đen.

Cuộc gặp với người điệp viên đã diễn ra hoàn hảo. Tolkachev chuyển giao 25 cuộn phim có chứa các bản sao tài liệu tuyệt mật. Rolph quay trở lại chiếc xe Volkswagen, mặc bộ râu và tóc giả vào và họ lái xe quay trở lại đại sứ quán. Các lính canh không cần liếc nhìn lại họ lần thứ hai. Cánh cửa sứ quán mở ra. Một lát sau, các dân quân Liên Xô trong lán gác ghi nhận rằng David Rolph và vợ ông rời bữa tiệc tối tại sứ quán để về nhà.

Bài viết được chuyển thể từ cuốn sách của David E. Hoffman có tên gọi “The Billion Dollar Spy: A True Story of Cold War Espionage and Betrayal” (Điệp viên tỉ đô: một câu chuyện có thật về sự phản bội và hoạt động gián điệp thời Chiến tranh Lạnh), do Doubleday xuất bản vào ngày 7 tháng 7. Một số bức điện tín được giải mật của CIA từ quá trình hoạt động của Tolkachev hiện được đăng tải tại trang davidehoffman.com.

Hình: Chân dung Adolf Tolkachev treo trong trụ sở CIA. Nguồn: Trích từ cuốn sách.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]