Cái chết kỳ lạ của chủ nghĩa thế tục Thổ Nhĩ Kỳ

Print Friendly, PDF & Email

erdogan11

Nguồn: Shlomo Avineri, “The Strange Death of Turkish Secularism”, Project Syndicate, 22/07/2016

Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ |Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Hậu quả của cuộc đảo chính quân sự thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ đã làm dấy lên một câu hỏi căn bản: liệu Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sẽ tiếp tục theo đuổi con đường chuyên chế của mình, có lẽ là kèm với một sự báo thù, hay ông sẽ giang tay ra với các đối thủ và nỗ lực hàn gắn rạn nứt sâu sắc trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ?

Vẫn chưa thể kết luận được điều gì, nhưng nếu đánh giá từ các ví dụ lịch sử trước đây, thì những thử thách khắc nghiệt đối với các nhà lãnh đạo chuyên chế hay bán chuyên chế lại thường dẫn đến việc củng cố chế độ, chứ không phải là một sự ôn hòa lớn hơn. Và những động thái của Erdogan kể từ khi cuộc đảo chính thất bại – các quyết định bắt giữ hàng loạt và thanh trừng hàng ngàn binh sĩ, thẩm phán, cảnh sát và giáo viên được ban bố gần như ngay lập tức – dường như đã xác nhận kịch bản bi quan hơn trong hai kịch bản nói trên.

Nhưng sẽ là sai lầm nếu chỉ đánh giá những gì đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ thông qua lăng kính tính cách Erdogan và thiên hướng chuyên chế của ông. Ông và Đảng Công lý và Phát triển (AKP)  của mình biểu trưng cho một sự thay đổi lớn trong chính trị Thổ Nhĩ Kỳ, tương tự như các diễn biến ở các nước có người Hồi giáo chiếm đa số khác ở Trung Đông.

Khi nỗ lực dịch chuyển hướng đi của lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chủ nghĩa thế tục cấp tiến của nhà sáng lập Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, Kemal Ataturk, Đảng AKP ngay từ đầu dường như đã chuyển hướng khỏi khuôn khổ chuyên chế của Kemal. Bởi các nhà quan sát phương Tây tỏ ra ủng hộ bản chất thế tục của chủ nghĩa Kemal, nhiều người không chú ý đến việc chế độ này tương tự với chủ nghĩa phát xít ở châu Âu trong những năm 1930 – một nhà nước độc đảng dân tộc chủ nghĩa với Ataturk tự mình đứng ở đỉnh của sự sùng bái cá nhân – hơn là giống với chế độ dân chủ tự do. Hệ thống này chỉ dần dần trở nên lỏng lẻo trong thập niên 1950.

Chủ nghĩa thế tục Kemal không phải là biểu hiện của một phong trào to lớn, rộng khắp từ tầng lớp dưới; nó bị áp đặt bởi một nhóm nhỏ tinh hoa thành thị – trong giới quân đội và trí thức – lên một xã hội truyền thống và đa phần nông thôn. Chủ nghĩa Kemal không chỉ trình làng một biến thể của bảng chữ cái Latinh, thứ hoàn toàn cắt đứt tiếng Thổ khỏi bất kỳ liên kết nào với lịch sử và văn hóa của họ; chủ nghĩa này cũng đồng thời cấm tiệt các loại hình trang phục truyền thống (mũ fez, quần baggy cho nam, khăn trùm đầu cho nữ) và bắt buộc áp dụng phong cách ăn mặc châu Âu cho toàn bộ dân chúng. Tất cả họ tên mang âm hưởng Ả-rập hay Hồi giáo đều phải cải thành tiếng Thổ.

Không một xã hội châu Âu nào từng trải qua một tiến trình méo mó như vậy của cuộc Cách mạng văn hóa từ trên xuống. Ở phương Tây, quá trình thế tục hóa diễn ra song song với công cuộc Khai sáng của quá trình dân chủ hóa và tự do hóa. Tại Thổ Nhĩ Kỳ – và trong một hình thức ít cực đoan hơn dưới chế độ Shah ở Iran và dưới chế độ chuyên chế quân sự ở các quốc gia như Ai Cập, Tunisia, Syria và Iraq – dân chúng không bao giờ có quyền chọn lựa.

Thắng lợi bầu cử của Đảng AKP từ năm 2002 (cũng như những diễn tiến tương tự ở các quốc gia Hồi giáo khác), ở một khía cạnh nào đó, là sự trở lại của những kẻ bị đàn áp. Bởi hệ thống Kemal sau cùng đã tự do hóa chính trị (mặc dù không phải về văn hóa), sự xuất hiện của một hệ thống đa đảng rốt cuộc cũng đã trao quyền cho những người thủ cựu truyền thống, những người mà các chính sách mong muốn của họ từ lâu đã bị khước từ.

Cùng lúc đó, quá trình hiện đại hóa kinh tế đã mang lại sự thăng tiến xã hội đến với những người bảo thủ, dẫn đến sự xuất hiện của một giai cấp tư sản mới bám chặt vào các giá trị tôn giáo truyền thống và xem tầng lớp ưu tú kiểu Kemal – vốn náu mình trong quân đội, bộ máy quan liêu, hệ thống tư pháp, và các trường đại học – như những kẻ áp bức. Các cử tri này lập nên nền tảng cho thắng lợi bầu cử và tính chính danh dân chủ của Đảng AKP. Nỗ lực gần đây bởi các thành phần trong quân đội – tấm khiên bảo vệ chủ nghĩa thế tục kiểu Kemal – nhằm đảo ngược ý chí của người dân (như nó đã từng thực hiện ba lần trong nửa thế kỷ qua) đã khẳng định cuộc xung đột vẫn còn tiếp diễn giữa chủ nghĩa thế tục và chế độ dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng lúc đó, chính sách đối ngoại của Erdogan trong những năm gần đây chẳng có gì ngoài thất bại thảm hại. Cam kết ban đầu “không xung đột với láng giềng” của ông, thay vào đó, đã dẫn đến việc hủy hoại quan hệ với Armenia, Nga, Israel và Ai Cập – đó là chưa kể đến áp lực ngược đáng kể từ trong nước, bao gồm cả làn sóng tấn công khủng bố, xuất phát từ sự dính líu của Thổ Nhĩ Kỳ vào nội chiến Syria.

Không có gì trong những thứ đó làm xói mòn sự ủng hộ dành cho Erdogan ở quê nhà, trong khi Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu vẫn tiếp tục ủng hộ ông, mặc dù đã phải nghiến chặt răng sau sự cố đảo chính gần đây nhất. Điều này chứng tỏ các cường quốc phương Tây có lợi ích căn bản ở một Thổ Nhĩ Kỳ ổn định, thứ mà EU cần để ngăn chặn các làn sóng nhập cư thêm nữa, chủ yếu từ Syria, và là thứ mà Hoa Kỳ cần cho cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo. Thật khó tin là việc truy kích các kẻ thù trong nước của Erdogan – những kẻ thù có thực và cả trong tưởng tượng – sẽ ngăn Hoa Kỳ hoặc EU tranh thủ sự hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng phản ứng tàn bạo của Erdogan trước mưu đồ đảo chính – thứ có thể bao gồm cả các phiên tòa lưu động, thêm vào đó là việc “thanh tẩy” các tàn dư của lực lượng những người theo chủ nghĩa thế tục và cả các đồng minh cũ của ông trong phong trào Gulen khỏi các thể chế công cộng – sẽ chỉ làm sâu sắc thêm những rạn nứt trong lòng xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Thực ra, các cuộc tấn công khủng bố đã được tiến hành không chỉ bởi Nhà nước Hồi giáo, mà còn bởi lực lượng dân quân người Kurd, những người mà việc đòi quyền tự trị của họ đã thách thức quan điểm về một đất nước Thổ không thể chia cắt – nền móng của nhà nước dựa trên tư tưởng của Kemal.

Trước khi âm mưu đảo chính diễn ra, Erdogan đã thực hiện một bước đi quan trọng nhằm làm dịu căng thẳng với Nga và Israel, và cả hai nỗ lực đó dường như đều bị chệch hướng bởi hành động đàn áp của ông sau cuộc đảo chính. Nhưng cuộc nội chiến Syria vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu đi, và sự sụp đổ trên thực tế của Syria với tư cách là một nhà nước thống nhất sẽ tiếp tục thách thức sự gắn kết về chính trị và xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ, với việc ngày càng nhiều người di cư cố gắng tràn qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau cùng, chủ nghĩa thế tục dựa vào quân sự của Kemal đã tỏ ra thiếu bền vững: sự sụp đổ của nó dưới tay Đảng AKP nhận được sự đồng tình rộng rãi. Nhưng cuộc đảo chính thất bại dường như đã củng cố khía cạnh phi tự do của nền dân chủ nổi lên dưới thời Erdogan, theo đó ý chí của người dân và sự cai trị của đa số đã đi ngược lại với sự đa nguyên, nhân quyền và quyền tự do ngôn luận. Tính ổn định của một hệ thống như vậy tại Thổ Nhĩ Kỳ – nơi mà bất chấp sự phản đối rộng rãi đối với cuộc đảo chính thì sự thù địch dành cho ông Erdogan vẫn rất mạnh mẽ – vẫn còn chờ thời gian mới có thể có câu trả lời.

Shlomo Avineri, Giáo sư ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Hebrew ở Jerusalem và là thanh viên của Viện Hàn lâm Khoa học Israel, từng là Vụ trưởng Bộ Ngoại giao Israel dưới thời Thủ tướng Yitzhak Rabin. Quyển sách gần đây nhất của ông là Theodor Herzl and the Foundation of the Jewish State.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Strange Death of Turkish Secularism
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]