Thách thức trong quan hệ giữa châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ

Print Friendly, PDF & Email

turkey-eu

Nguồn: Joschka Fischer, “Realism for Europe and Turkey”, Project Syndicate, 04/04/2016.

Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Quan hệ giữa châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã được đặc trưng bởi một mâu thuẫn sâu sắc. Trong khi hợp tác an ninh (đặc biệt là trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh) và quan hệ kinh tế trở nên mạnh mẽ, thì những nền tảng quan trọng của dân chủ – nhân quyền, tự do báo chí, quyền của người thiểu số, và một nền tư pháp độc lập để thực thi pháp quyền – vẫn còn yếu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Lịch sử cũng đã chia rẽ hai bên, khi các tranh cãi về việc thừa nhận nạn diệt chủng người Armenia trong Thế chiến I là một minh chứng.

Sau khi Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền hiện nay lên nắm quyền dưới thời Abdullah Gul năm 2002 và sau đó là dưới thời Recep Tayyip Erdogan, những xung đột này dường như đã được giải quyết. Trong những năm đầu tiên nắm quyền, các đảng viên AKP muốn Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu và hiện đại hóa nền kinh tế. Và đảng này đã tiến hành những cải cách thực sự, đặc biệt là trong các lĩnh vực như tư pháp, điều vốn cần thiết cho mục tiêu trở thành thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, ông Erdogan luôn để ngỏ một lựa chọn “tân Ottoman”, điều sẽ định hướng Thổ Nhĩ Kỳ ngả về phía Trung Đông và thế giới Hồi giáo. Điều đó đã trở nên rõ rệt vào năm 2007 khi Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp thời điểm đó là Nicolas Sarkozy cùng nhau đóng cửa trên thực tế đối với khả năng trở thành thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ, theo một cách thức khiến Erdogan bẽ mặt.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, các mối quan hệ căng thẳng giữa châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ lại diễn biến theo chiều hướng kỳ lạ. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã hai lần triệu tập đại sứ Đức để phản đối một clip ngắn châm biếm Erdogan chiếu trên truyền hình khu vực của Đức, thậm chí yêu cầu cấm chiếu clip này.

Chắc chắn là các nhà ngoại giao có tay nghề và giàu kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ hiểu mối quan hệ của Đức với tự do báo chí và tự do ngôn luận, các giá trị cơ bản của một EU mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn tham gia. Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu trong số những hiểu biết này có thể thẩm thấu tới Tổng thống Erdogan.

Quan hệ có thể xấu đi hơn nữa vào mùa xuân này khi Quốc hội Đức (Bundestag) bỏ phiếu cho một nghị quyết kêu gọi xếp các vụ giết người Armenia hàng loạt năm 1915 vào dạng tội diệt chủng. Bản kiến nghị này có thể sẽ được thông qua bởi đa số các nghị sĩ của tất cả các đảng, càng làm gia tăng căng thẳng với chính phủ của Erdogan.

Tuy nhiên, bất chấp các cuộc xung đột gần đây, EU và các nước thành viên phải thừa nhận thực tế rằng quan hệ đối tác kéo dài nhiều thập niên qua với Thổ Nhĩ Kỳ là hết sức quan trọng đối với cả hai bên. Hiện tại và trong tương lai, châu Âu cần Thổ Nhĩ Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần châu Âu.

Tuy nhiên, cái giá cho sự hợp tác này không bao giờ có thể là sự từ bỏ các nguyên tắc dân chủ. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ đang rất cần thể chế hóa các nguyên tắc này nhằm hiện đại hóa chính nó. Điều cần thiết là phải tập trung vào việc duy trì các mối quan hệ và giảm thiểu căng thẳng càng nhiều càng tốt.

Có là đối tác hay không đối tác, châu Âu không thể tự mình thoát ra khỏi khu vực địa chính trị lân cận của mình. Kể từ thế kỷ 19, châu Âu đã luôn phải đối phó với cái gọi là “vấn đề phía Đông”, mà ngay từ khi bắt đầu đã liên quan tới cách thức giải quyết những hậu quả từ sự suy tàn của đế chế Ottoman. Các di sản của đế chế Ottoman đã dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh vùng Balkan, và cuối cùng gây ra Thế chiến I.

Hiện nay, sau một thế kỷ, vấn đề phía Đông đã trở lại với châu Âu, và nó vẫn nguy hiểm, ngay cả khi hiện nay không kéo theo bất cứ nguy cơ chiến tranh nào trên châu lục này. Balkan, một khu vực châu Âu rõ ràng, sẽ duy trì được hòa bình nếu niềm tin vào một tương lai gia nhập EU vẫn còn tồn tại. Nhưng Trung Đông và Bắc Phi đang bị mắc kẹt trong một khoảng chân không quyền lực, dẫn đến các cuộc khủng hoảng chính trị, rối loạn dân sự, chiến tranh, khủng bố, và thiệt hại không kể xiết cho nền kinh tế và phúc lợi của người dân.

Sự can thiệp của Mỹ tại Iraq, sau đó là cam kết bảo đảm an ninh cho khu vực bị suy yếu (cho dù là trên thực tế hay chỉ là cảm nhận) đã dẫn đến sự cạnh tranh chiến lược công khai giữa Saudi Arabia, cường quốc hàng đầu của người Sunni, với Iran, cường quốc hàng đầu của người Shia. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tham gia vào cuộc chơi đó.

Trong khi đó, hầu hết các quốc gia Ả-rập không thể cung cấp công ăn việc làm và cơ hội đầy đủ cho dân số ngày càng trẻ hóa, qua đó làm bùng lên sự ủng hộ chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Cuộc xung đột giữa Israel và Palestine một lần nữa đang leo thang, cũng như xu hướng vũ trang của người Kurd. Và cuộc chiến ở Syria (và ở một phạm vi nhất định là ở Iraq), vốn đặt nghi vấn đối với các đường biên giới đã tồn tại cả thế kỷ theo thỏa thuận Sykes-Picot từ thời Thế chiến I, đang làm mất ổn định khu vực và thúc đẩy dòng người tị nạn dường như vô tận tìm đường đến châu Âu.

Hơn nữa, sự can thiệp quân sự của Nga tại Syria đã dấy lên nỗi ám ảnh về một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp với một nước thành viên NATO khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay quân sự của Nga. Nếu điện Kremlin, vốn đã rút lực lượng khỏi Syria, quyết định quay trở lại thì nguy cơ của một cuộc xung đột như vậy, với tất cả những hậu quả không thể lường trước của nó, cũng sẽ quay trở lại.

Phiên bản hiện nay của “vấn đề phía Đông”, giống như phiên bản đã kéo dài cả thế kỷ nay, gây rủi ro rất lớn đối với an ninh châu Âu. Và nó có thể dễ dàng dẫn tới một Thổ Nhĩ Kỳ bị bỏ rơi và xa lánh, bị cô lập bên lề của cả châu Âu và Trung Đông, với tiềm năng dân chủ của nó bị làm cho cạn kiệt bởi vấn đề người Kurd nan giải.

Trong bối cảnh này, một cuộc đụng độ giữa các giá trị gần như chắc chắn sẽ tiếp tục định hình mối quan hệ giữa châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng, như những gì đã diễn ra trong một thế kỷ qua, các lợi ích an ninh cơ bản của hai bên cũng sẽ được tính đến.

Joschka Fischer là Ngoại trưởng và Phó Thủ tướng Đức từ năm 1998 đến 2005, nhiệm kỳ của ông được đánh dấu bởi việc Đức ủng hộ mạnh mẽ sự can thiệp của NATO vào Kosovo năm 1999 và sau đó là phản đối cuộc chiến ở Iraq.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Realism for Europe and Turkey
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]