18/09/1960: Castro tới New York, công kích Hoa Kỳ

Print Friendly, PDF & Email

fidel_onu_624x351_getty_nocredit

Nguồn: Castro arrives in New York”, History.com (truy cập ngày 18/09/2016)

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Fidel Castro đến Thành phố New York trong vai trò người đứng đầu phái đoàn Cuba tới dự họp ở Liên Hiệp Quốc. Chuyến thăm của Castro đã khuấy lên sự phẫn nộ lẫn sự ngưỡng mộ từ các thành phần khác nhau trong xã hội Mỹ, và đạt đến đỉnh điểm với bài phát biểu của ông trước Liên Hiệp Quốc vào ngày 26/09/1960.

Tới thời điểm Castro tới Thành phố New York vào tháng 9 năm 1960, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba đã xấu đi nhanh chóng. Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng Giêng năm 1959, Castro đã khiến chính phủ Mỹ giận dữ với các chính sách về quốc hữu hóa các công ty Hoa Kỳ và các khoản đầu tư vào Cuba. Một số quan chức Mỹ, như Phó Tổng thống Richard Nixon, tin rằng Castro đã nghiêng một cách nguy hiểm về phía chủ nghĩa cộng sản. (Castro đã không công khai tuyên bố việc mình theo chủ nghĩa cộng sản cho đến cuối năm 1961, khi ông tuyên bố rằng ông là một “người theo chủ nghĩa Mác-Lênin”.)

Vào tháng 3 năm 1960, Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã ra lệnh cho CIA bắt đầu đào tạo người Cuba lưu vong nhằm lật đổ chế độ Castro. Khi Hoa Kỳ đình chỉ việc nhập khẩu đường Cuba vào năm 1960, chính quyền Castro quay sang Liên Xô để xin hỗ trợ kinh tế. Người Nga đã rất hạnh phúc khi làm việc đó.

Vào tháng 9 năm 1960, Castro dẫn đầu một phái đoàn đến thành phố New York để phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ông và đoàn tùy tùng của mình đã ngay lập tức gây ra một sự chấn động bằng cách quyết định ở tại Khách sạn Theresa ở khu Harlem (nơi tập trung người da màu). Trong thời gian ở đó, Castro đã gặp gỡ một số nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Phi, bao gồm Malcolm X từ phong trào Quốc gia Hồi giáo (Nation of Islam) và nhà thơ Langston Hughes.

Vào ngày 26/09, Castro đã đưa ra một cuộc tấn công sắc bén vào cái ông gọi là sự “xâm lược” và “chủ nghĩa đế quốc” của Mỹ. Trong hơn bốn giờ, Castro đã chỉ trích chính sách của Hoa Kỳ đối với Cuba và các quốc gia khác ở châu Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi. Hoa Kỳ, ông tuyên bố, đã “ra lệnh hủy diệt” chính quyền cách mạng của ông.

Chuyến thăm và lời tố cáo công khai kéo dài của Castro đã đánh dấu điểm đứt vỡ cuối cùng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba. Vào tháng Giêng năm 1961, chính quyền Eisenhower đã cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Cuba. Vào tháng Tư năm 1961, chỉ một thời gian ngắn sau khi nhậm chức, Tổng thống John F. Kennedy đã ra lệnh tiến hành cuộc xâm lược Vịnh Con Lợn, và các lực lượng lưu vong người Cuba được vũ trang và huấn luyện bởi CIA, đã đổ bộ vào Cuba. Các vụ tấn công đã thất bại. Quyền lực của Castro ở Cuba được củng cố bởi chiến thắng Vịnh Con Lợn của ông trước “đế quốc” Mỹ.

Castro vẫn nắm quyền lãnh đạo không thể tranh cãi trong chính quyền cộng sản ở Cuba trong hơn bốn thập niên. Trong quá trình đó, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba vẫn căng thẳng. Vào cuối tháng Bảy năm 2006, một Fidel Castro ốm yếu đã tạm thời nhường quyền cho người em trai Raul Castro. Fidel Castro đã chính thức nghỉ hưu vào tháng 2 năm 2008.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]